Những nẻo đường mưu sinh (1)
Thứ tư, 21/03/2012 08:58

Hàng chục cây số, hàng trăm quán cà-phê trên khắp địa bàn TP Đà Nẵng là quãng đường và địa điểm mà những người mưu sinh bằng việc nhặt rác, thu mua phế liệu và bán vé số dạo phải trải qua hằng ngày...

Bài 1:  Bao chai, vé số chung cảnh nghèo

Màn đêm vẫn còn chưa tan nhưng họ đã vội vã trở dậy, kiểm tra xe đạp, buộc gọn những chiếc bao lên yên, treo lủng lẳng hai giỏ xách nhựa trước ghi-đông; kiểm đếm lại những xấp vé số đã lấy của đại lý vào chiều hôm qua - đó là những việc cần làm cho hành trình mưu sinh của những người lượm bao chai, bán vé số dạo. Cuộc mưu sinh của họ bắt đầu từ tinh sương với đôi mắt cay xè vì thiếu ngủ kéo dài đến tận đêm khuya. Tấp vào lề đường mua nắm xôi, ổ bánh mì ăn vội, uống ngụm nước trắng, các chị, các em, các bác lại tiếp tục hướng về những nẻo đường, khu dân cư, địa bàn giải tỏa, các con hẻm nhỏ và quán xá đông đúc với bao hy vọng. Với những người hành nghề nhặt phế liệu thì luôn quan sát trên vỉa hè tìm những đống rác, những thùng phế phẩm, nhanh tay bới tìm, nhặt những thứ người ta bỏ đi như bao ni-lông, giấy cạc tông, chai nhựa… Còn những người bán vé số dạo thì lang thang khắp nơi, vào từng quán cà-phê mời chào, cẩn thận nhặt những tờ vé khách đã dò vứt vương vãi trên nền quán mang đi bỏ. Họ vẫn đi, vẫn đạp những vòng xe nặng trịch với đôi chân gầy guộc nhưng không bao giờ chùn bước dù giá rét hay nóng bức.

Chị Nguyễn Thị Phúc (quê Quảng Ngãi, tạm trú Q. Sơn Trà, TP Đà Nẵng) để hành nghề nhặt bao chai tâm sự: “Bới tìm trong rác có khi được nhiều thứ còn dùng tốt, nhưng cũng nguy hiểm lắm. Việc bị mảnh chai, sắt vụn cắt chảy máu là chuyện thường, vì trong đó chủ yếu là đồ tạp nham người ta bỏ vào. Bên cạnh đó, đi dài, thức khuya, ngủ ít, ăn uống thiếu thốn nên nhiều lúc trên đường đi, người xây xẩm muốn bổ nhào, đôi khi lại va chạm vào xe đang lưu thông trên đường. May mắn thì bị “sơ sơ”, nghỉ ngơi chút lát lấy sức rồi lên đường tiếp, còn nặng thì phải nhập viện. Trước đây thấy những người làm nghề như tui cơ cực, nhiều người thương, rồi bán rẻ, thậm chí có người cho không. Tuy nhiên, thời gian gần đây một số người cũng đi làm nghề này nhưng lợi dụng sơ hở của chủ nhà rồi “cầm nhầm” tài sản nên nhiều khi thấy mình là người ta đuổi như đuổi tà. Nghĩ cũng tủi, nhưng lại tự nhủ rằng mình đàng hoàng, mình trong sạch để mà tiếp tục hành trình”.

Trên đường mưu sinh.

Rong ruổi trên mọi nẻo đường với mong muốn bán được từng tờ vé số. 

Bới tìm phế liệu trong rác.

Mỗi người một tâm trạng, một nghề mưu sinh nhưng tất cả đều có chung cảnh nghèo khổ. Họ - ngoài những trẻ em gia cảnh nghèo khó, người già neo đơn trên địa bàn thành phố thì đa phần là những phụ nữ đến từ các vùng quê nghèo thuộc tỉnh Quảng Ngãi, Quảng Nam, TT-Huế... Sau mỗi mùa vụ, các bà, các chị và các em lại bắt xe đò vượt hàng trăm cây số với những thứ lỉnh kỉnh nào xoong nồi, màn chiếu... đến Đà thành kiếm sống. Những ngày lang thang kiếm sống nơi phố phường, họ chưa bao giờ được khoác trên mình bộ đồ đẹp vì tất cả thời gian phải dành cho công việc. Chị Bùi Thị Gái (quê H. Núi Thành, QuảngNam) cho biết: “Mỗi ngày ròng rã qua các nẻo đường, những người bán vé số như tôi cũng kiếm được trên dưới 100.000 đồng. Nếu ăn uống tiết kiệm và được ở nhờ miễn phí tại phòng trọ của các đại lý thì số dư còn khá. Tuy nhiên, cũng có nhiều người phải thuê trọ, bị lừa đổi vé cũ lấy vé mới, bị bọn “ăn bay” giật cả xấp vé thì coi như làm cả tháng không đủ bù”. Theo chị Gái thì trước đó không lâu, đồng hương của chị là anh Lâm đang bán vé trên đường thì được hai vị khách ngồi trên xe máy gọi lại mua vé. Sau một lúc loay hoay tìm số nhưng không vừa lòng, hai vị khách trả lại cục vé rồi bỏ đi, anh kiểm tra lại thì mới biết xấp vé số gần 200 tờ đã bị đổi thành vé đã xổ rồi. “Không chỉ bị cướp, bị lừa mà đã có trường hợp không may mắn phải bỏ mạng trên đường. Điển hình là vụ tai nạn thương tâm xảy ra với chị Phan Thị H. (quê H. Sơn Tịnh, Quảng Ngãi) cách đây gần 5 tháng. Lúc đó, khoảng 8 giờ, chị H. đang băng qua đường Ngô Quyền (P. An Hải Bắc, Q. Sơn Trà) thì bị xe máy do Nguyễn Văn H.  (trú Q. Sơn Trà) điều khiển tông vào. Do cú va chạm quá mạnh, chị H. ngã đập đầu xuống đường bất tỉnh. Dù được người dân đưa đi cấp cứu, nhưng chị đã tử vong sau đó tại bệnh viện vì chấn thương quá nặng” - chị Gái cho biết thêm.

Lao động vất vả và nguy hiểm như thế nên với những người bán vé số dạo, nhặt tìm chai bao thì một đồng kiếm được cũng vô cùng quý giá. Vì vậy, họ chấp nhận ăn uống khổ cực, sống trong những căn phòng trọ tạm bợ, chấp nhận gồng mình trong cái nóng hầm hập mùa hè và ẩm thấp, đọng nước vào mùa mưa. Điều họ sợ nhất là đau ốm, tai nạn và nỗi nhớ nhà, nhớ con. Chị Bùi Thị Vân (quê TT-Huế, tạm trú Q. Hải Châu) bày tỏ nỗi niềm. “Ăn ở thì răng cũng được chứ nhớ con thì khó chịu lắm. Nhiều lúc nhớ con không chịu nổi, muốn về thăm nhưng rồi lại đắn đo suy nghĩ, bởi khoản tiền bỏ ra cho chuyến xe ra và vào cũng mất hơn gần 200.000 đồng nên đành chịu. Cũng vì quá nghèo khó nên phải cố mà đi, mà bán, góp nhặt từng đồng, đợi đến mùa vụ thì về. Vào đây bán vé số tuy có nhọc nhằn và nhiều nỗi khổ, nhưng bù lại có được thu nhập gửi về quê phụ chồng nuôi con. Chỉ mong đừng bệnh tật, tai nạn để có sức mà đi”...

Còn nữa...

Báo CA Đà Nẵng
Tag: Nghề nghiệp , Mưu sinh , Đà Nẵng , Việc làm , Lao động ngoại tỉnh , Làm thuê , Đời sống