Chiếc xe bus 30 chỗ ngồi chạy tuyến Bình Quới - Cảng Q4 đỗ xịch ngay trước mặt, một bóng áo xanh, tóc dài ngồi ngay ngắn sau tay lái. Tôi bước vội lên hàng ghế trên cùng để tiện trò chuyện với chị -một trong hai nữ tài xế xe bus ở Sài Thành.
|
Khi tóc dài làm nghề "ôm vô lăng"
Mới 28 tuổi nhưng Lê Thị Hồng Hạnh đã có thâm niên 8 năm cầm vô lăng. Xưa nay, khi nói đến tài xế là người ta chỉ nghĩ đến cánh mày râu, đặc biệt là tài xế xe bus thì hiếm khi có sự xuất hiện của "chị tài".
Hạnh xuất thân trong một gia đình nghèo khó, ba chạy xe khách thuê để nuôi 5 người con. Thấu hiểu được hoàn cảnh gia đình, Hạnh xin ba cho theo xe bán vé, xếp hàng. Suốt nhiều năm, chị đã cùng cha rong ruổi trên khắp các ngả đường, ngõ ngách của Sài Gòn đưa đón khách thập phương. Chính từ đó đã hình thành trong đầu chị một tình yêu mãnh liệt với nghề lái xe. Vì thế Hạnh xin ba cho đi học lái xe. Hơn ai hết, ba chị thấu hiểu được niềm đam mê cháy bỏng của đứa con gái có cá tính mạnh nên cũng ủng hộ. Điều đó như được tiếp thêm sức mạnh cho ước mơ được cầm lái, Hạnh đã hoàn thành xuất sắc khóa học lái xe hạng C1 rồi D và nhanh chóng trở thành tài xế lái xe chuyên nghiệp.
Trước giờ xuất bến
Chị Hạnh kể: "Lúc đầu tôi chỉ nghĩ học lái xe để phụ giúp cho ba mẹ đỡ vất vả vì lúc ấy hoàn cảnh gia đình còn rất khó khăn, phải chạy ăn từng bữa. Nhưng rồi càng lái càng thấy đam mê và yêu cái nghề này ghê gớm, không bỏ được. Tôi còn xin ba cho đi học thêm nghề sửa xe nữa để rủi khi đang chạy xe có bể bánh hay hư hỏng gì là mình có thể làm ngay được khỏi phải kêu thợ tốn thời gian. Ba tôi không chịu, ông bảo con gái học nghề lái xe đã quá rồi giờ còn định học thêm nghề sửa xe nữa có mà thành con trai luôn". Vậy là từ đó chị Hạnh trở thành tài xế lái chính của HTX vận tải Bà Chiều -Chợ Lớn cho tới nay.
Chị Hạnh là một trong bốn tài xế xe bus duy nhất ở Sài Gòn, nhưng đến nay chỉ còn hai người gắn bó với nghiệp ôm vô lăng. Chị chia sẻ: "Lúc đầu mới chạy, khách lên xe cứ nhìn chằm chằm vẻ lạ lẫm, có người còn không tin là có tài xế xe bus nữ. Có lần, một vị khách là ông lão đã 70 tuổi đứng chờ xe bus, khi thấy xe tôi dừng lại mở cửa cho ông bước lên, bỗng ông khựng lại nói to "cô lái xe có được không? Yếu tay lái nguy hiểm lắm". Tôi và mọi người phải thuyết phục mãi ông mới chịu lên xe ngồi và khi xuống xe, ông buông một câu làm tôi thấy thật hạnh phúc: "Tôi cứ tưởng chỉ có nam cứng tay mới lái xe được không ngờ nữ các cô cũng giỏi thật, lái xe cẩn thận, an toàn".
Trong suốt những năm tháng cầm lái, chị Hạnh có không ít những vui buồn, tủi hận của nghề nhiều khi muốn buông xuôi về kiếm một việc gì đó nhàn hạ làm để có thời gian chăm sóc gia đình, nuôi dạy con cái. "Nhưng rồi tình yêu nghề cứ níu chân chị lại. Âu nó đã thành cái nghiệp rồi, đã ngấm vào máu mình, khó bỏ lắm", chị tâm sự.
Tình yêu sau tay lái
Là tài xế xe bus thì thời gian hầu như dành trọn cho công việc bởi phải duy trì xe chạy liên tục trên mỗi chặng đường, mỗi tuyến phố kể cả ngày cuối tuần hay các ngày lễ lớn. Chị Hạnh cũng như bao tài xế xe bus khác, nhưng có phần thiệt thòi hơn khi là phận nữ. Bởi vì phụ nữ dù có làm nghề gì đi chăng nữa thì cũng không từ bỏ thiên chức làm vợ, làm mẹ. Chị Hạnh có mối tình thật đẹp với một anh tài cùng làm nghề lái xe. Duyên tình bén rễ từ những lần họ cùng chạy xe trên một tuyến, cùng chia sẻ và trải qua những vui buồn trong nghề. Hơn ai hết, người yêu chị thấu hiểu được công việc cũng như sự đam mê của chị Hạnh nên nhen nhóm trong lòng anh một tình yêu cô tài xế xe bus lúc nào không hay.
Chị Hạnh những phút nghỉ ngơi sau một lượt chạy
Dù vậy để đến được với nhau cũng không phải là điều dễ dàng. Mối tình của họ lúc đầu bị phía gia đình anh phản đối quyết liệt. Chị Hạnh kể: "Gia đình anh không đồng ý cho tôi về làm dâu, họ bảo tôi giống đàn ông lại còn đi lái xe bus nữa, thử hỏi có ai như tôi không. Mẹ anh ấy nói thẳng với tôi là tôi không thể làm tròn nghĩa vụ một người vợ, người mẹ được khi mà cứ ngày ngày ôm vô lăng rong ruổi ngoài đường". Anh chị đã tranh đấu tới cùng để được đến với nhau. Sau những cố gắng và nỗ lực bằng tất cả con tim đang yêu, cuối cùng họ đi đến hôn nhân. Kết quả của tình yêu đó là hai bé gái xinh xắn chào đời. Hiện nay, bé lớn của anh chị đang học lớp 1 còn bé nhỏ được gần 3 tuổi.
Hàng ngày chị phải dậy từ 4h sáng, chuẩn bị đồ ăn, thức uống cho cả gia đình rồi vội vàng lên xe cho kịp giờ xuất bến là 5h30’ sáng. Chị đi khi con chưa ngủ dậy và về khi con đã chìm sâu vào giấc ngủ. Chị ngậm ngùi: "Đi làm cả ngày đến 21h khuya mới về, nhiều hôm mệt quá tắm rửa xong là lăn ra ngủ luôn, hôm nào đói thì chế mì gói ăn qua loa cho xong bữa. Tội hai đứa nhỏ, chúng ngoan lắm, thấy mẹ đi làm như vậy cũng không đòi hỏi gì. May là có ông bà nội chăm sóc tụi nhỏ cho nên vợ chồng tôi rất yên tâm. Hôm nào tôi được nghỉ thì mới ở nhà chăm sóc cho con được, chúng cứ quấn quýt bên mẹ. Còn hôm nào tôi đi làm sớm thì ông xã có nhiệm vụ chở đứa lớn đi học còn đứa nhỏ qua nhà nội chơi tối đến lại đón về”.
Hai năm trở lại đây, ông xã chị đột ngột bị bệnh không thể tiếp tục hành trình ôm vô lăng cùng vợ được. Giờ chồng chị xin được một suất lái xe du lịch, công việc không phải tốn hoàn toàn thời gian do anh phải vừa làm vừa điều trị bệnh.
Người viết bài đã đi cùng chị suốt hành trình đưa đón khách ở một lượt chạy. Chiếc xe cồng kềnh là vậy nhưng dưới sự điều khiển của chị chạy êm ái, an toàn khiến cho bất cứ ai ngồi trên xe cũng cảm thấy yên tâm. Mỗi lần có khách xuống và lên, chị dừng hẳn xe chứ không chạy từ từ để khách phải cố gắng bám víu mới xuống được như những xe bus khác mà tôi từng thấy. Mỗi tuyến chạy chị được nghỉ 30 phút nếu kẹt xe thì chẳng có thời gian để nghỉ ngơi.
Chị kể: "Có hôm kẹt xe không thể nhúc nhích được cứ phải đứng im một chỗ, lúc ấy tôi điện ngay về nhà điều hành báo cáo vừa phải cố len lỏi, tìm hướng đi khác. Nhiều người chạy xe gắn máy không tuân thủ luật lệ, cứ chen chúc lao lên phía đầu xe để đi, lúc ấy mình phải dừng lại nhường cho người ta đi, dù sao mình cũng là xe lớn hơn. Có khách khó tính thấy vậy nói tôi: Sao cô không chửi vào mặt họ để người ta lấn tới hoài như vậy trễ giờ không chỉ của tài xế mà còn của khách nữa.
Theo quy định của trung tâm điều hành thì mỗi tài xế sẽ làm một ngày và nghỉ một ngày trong thời gian từ ngày 1T-13 của tháng. Từ ngày 13-30 thì phải chạy liên tục, cứ 10 ngày thì được nghỉ một ngày. Vì vậy những ngày được nghỉ ở nhà bên gia đình, chị Hạnh rất thích đi chợ nấu ăn cho chồng và các con. Cả gia đình thường chở nhau qua bên nội, bên ngoại thăm cha mẹ. Khi được hỏi về dự định cho tương lai, chị Hạnh tươi cười: "Tôi không có ý định tìm một công việc khác vì bản thân đã gắn bó và yêu cái nghề này rồi. Tôi quyết tâm sẽ học thêm để lấy dấu ơ (dấu theo cấp bậc thâm niên trong nghề) để được lái xe 50 chỗ".
Sau một buổi rong ruổi trên xe cùng chị Hạnh, tôi mới thấy được phần nào bản lĩnh của một người con gái tóc dài ôm vô lăng. Đó không chỉ là hình ảnh một lao động chân chính hết mình vì công việc mà ở đó tôi còn tìm thấy một vẻ đẹp tiềm ẩn bên trong tâm hồn, trong trái tim của người phụ nữ. Đó là vẻ đẹp của cuộc sống.
- Con phố nào giàu nhất Hà Nội, người gốc Thủ đô chưa chắc đã biết chính xác?
- Từ 1/1/2025: Những đối tượng này sẽ được cấp thẻ BHYT miễn phí
- Từ 1/7/2025: Thay đổi cách tính lương hưu theo Luật BHXH mới, hàng triệu người hưởng lợi
- Quận đông dân nhất Việt Nam: Dân số bằng 2 tỉnh cộng lại, là một trong hai quận lớn nhất TP. HCM
- Lịch nghỉ Tết Nguyên đán 2025 mới nhất của học sinh cả nước
- Thưởng Tết 2025, mức thưởng cao nhất là trên 500 triệu đồng/người. Là ai?
- Tại sao Sơn Tùng lại nổi tiếng?
- Trước Tết dương lịch 2025, đây là 6 thủ tục hành chính cần hoàn thành