Những ký ức tuyệt đẹp về vị tướng huyền thoại
Thứ hai, 07/10/2013 11:03

Cụ Hồ trao việc phụ trách quân sự, rồi phong lên Đại tướng: “Chú là Tướng biên ải, Tướng ngoài mặt mặt trận, có gì cần thiết, chú cứ tự quyết rồi báo cáo...

Đại Tướng Võ Nguyên Giáp.

Đại Tướng Võ Nguyên Giáp.

Vị tướng huyền thoại ấy là Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Tôi gọi ông là “Vị tướng huyền thoại” cũng là để khu biệt ông với rất nhiều vị Đại tướng khác, dù ông không muốn như vậy. Có lẽ cũng vì thế, mà có cuốn sách viết về ông sau đó đã lấy một cái tên ngược lại: “Không phải huyền thoại”. Ông muốn mình là con người bình thường để có thể dễ dàng hòa nhập vào cả một biển người lam lũ cần lao chăng? Nhưng dù chỉ có ở giữa đám đông, hòa vào đám đông thì ông cũng vẫn là một vẻ đẹp, một giá trị không thể trộn lẫn.

Nhà thơ Đaghexta nổi tiếng thế giới Raxun Gamzatov thật có lý và cũng thật sâu sắc khi cho rằng, khi anh đi ra thế giới rộng lớn, người ta muốn biết anh là người như thế nào, anh có thể chìa chứng minh thư, chìa tấm hộ chiếu ra, trong đó có ghi mọi điều cần thiết. Còn nếu có ai hỏi một dân tộc, xem dân tộc đó thế nào, thì dân tộc ấy cũng cần phải đưa ra “giấy tờ” của mình, là các nhà thơ, nhà văn, nhạc sĩ, họa sĩ, nhà hoạt động chính trị kiệt xuất hay các vị tướng lĩnh tài giỏi. Họ chính là “giấy thông hành” để dân tộc đó đi ra với thế giới rộng lớn.

Có lẽ cũng vì thế chăng, mà có lần tham gia đoàn Việt Nam dự Festival thanh niên thế giới, tôi rất ngạc nhiên khi phái đoàn của ta vừa xuất hiện thì cả cầu trường vang dội những tiếng hô nồng nhiệt của cả một biển người trên hành tinh: “Hồ Chí Minh – Giáp Giáp! Hồ Chí Minh – Giáp Giáp!”. Hồ Chí Minh thì đã rõ rồi. Bác là vị lãnh tụ lỗi lạc, là danh nhân văn hóa thế giới. Thế còn Giáp Giáp là gì? Tiếng Tây chăng? Tôi lần hỏi mới hay, họ đã hô vang tên Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Đối với thế giới, cái tên quen thuộc ấy đồng nghĩa với Việt Nam, nên không cần phải phiên dịch, diễn giải. Cùng với Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi, Nguyễn Du,  Hồ Chí Minh, vị tướng huyền thoại ấy cũng đã trở thành cái “giấy thông hành” để dân tộc ta có thể hiên ngang đi vào cõi mênh mông bát ngát của xứ người.

Tôi nhớ những lần gặp ông trước đây. Ngồi trước mặt tôi là một ông già hiền lành, đôn hậu. Nước da đỏ au, mái tóc bạc trắng như mây. Trông ông có dáng dấp của một ông Tiên trong những câu truyện cổ tích dành cho trẻ em.

Đại Tướng Võ Nguyên Giáp gặp gỡ và trò chuyện với Trần Đăng Khoa, Lê Lựu và Anh Ngọc.

Tôi kể với ông về dịp tôi cùng nhà văn Lê Lựu và nhóm phóng viên đến gặp Đại tướng và viết bài “Hỏi chuyện anh Văn” nhân kỷ niệm ngày giải phóng Điện Biên Phủ, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Bài viết đã in trên Tạp chí “Văn nghệ quân đội”. Cũng trong năm đó, tôi có dịp sang thăm Mỹ theo lời mời của các nhà văn cựu chiến binh Mỹ. Nhà thơ nổi tiếng Mỹ Bruce Weigl cười tủm tỉm: “Tôi có xem bài viết của ông với ông Lựu trong thư viện của Trường Đại học Harvad, cũng xem cả bức ảnh ông và ông Lựu chụp chung với tướng Giáp. Trong ảnh, tôi thấy tướng Giáp là người trẻ nhất, sau đó mới đến ông Lựu, còn người già nhất thì lại là… ông”.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp cười hiền hậu: 

- Họ đùa đấy! Người nước ngoài họ rất hay đùa. Sự thật thì mình đâu còn trẻ mà cậu thì cũng đâu đã già.

- Vâng, tôi cũng biết họ đùa, nhưng trong câu đùa ấy cũng hàm chứa ít nhiều sự thật, là cụ rất được yêu mến. Dân mình, lính mình yêu cụ đã đành, nhưng ngay cả những kẻ đã từng bị cụ đánh bại cũng rất kính phục cụ. Được kẻ thù của mình kính phục và trọng nể đâu có dễ. Đại tướng Võ Nguyên Giáp dường như không để ý đến câu nói ấy. Ông chỉ tủm tỉm cười. Nụ cười thật hiền hậu. So với những lần gặp trước đây, tôi thấy Đại tướng chẳng có gì thay đổi, mặc dù ông cũng đã qua cái tuổi cổ lai hy từ rất lâu rồi. Dường như Đại tướng Võ Nguyên Giáp sinh ra để chống lại tạo hóa. Sự già nua không đánh lại được vào ông. Một ánh mắt tinh nhạy, trẻ trung, một trí tuệ rất minh mẫn. Khi ở ngoài tuổi 90, ông vẫn góp ý cho Đảng, Chính Phủ, đưa ra nhiều ý kiến giải rất sâu sắc và đúng đắn. Chỉ làm ngược theo ý ông, chúng ta đã phải trả giá đắt như thế nào, như vấn đề Tây Nguyên, dự án khai thác bauxit. Tôi hỏi ông có bí kíp gì mà có được sức lực dẻo dai như thế? Ông hiền lành:

- Mình chẳng có bí quyết gì đâu. Chỉ chịu khó tập thể dục, đọc sách, làm việc điều độ và sống thanh thản…

- Có lẽ, trong các thiên tài quân sự thế giới, Võ Nguyên Giáp là một trường hợp đặc biệt. Không biết bằng phép nhiệm màu nào mà Cụ Hồ đã nhìn thấy khả năng thiên tài quân sự trong Võ Nguyên Giáp, một người chưa từng qua bất kỳ một khóa đào tạo quân sự nào. Chính Tướng Giáp cũng đã có lần nói đùa với một học giả Mỹ: "Tôi đã tốt nghiệp học viện quân sự “bụi rậm”. Quả thật, khi cầm quân, Võ Nguyên Giáp chỉ đơn thuần là một ông giáo dạy sử ở Trường tư thục Thăng Long. Một con người hoàn toàn xa lạ với quân binh, trận mạc, vậy mà Cụ Hồ lại trao việc phụ trách quân sự, rồi phong thẳng lên Đại tướng và ủy nhiệm cho toàn quyền quyết định việc mặt trận: “Chú là Tướng biên ải, Tướng ngoài mặt trận, có gì cần thiết, chú cứ tự quyết rồi báo cáo Bác sau!

Sau này ta mới biết việc chọn Tướng Giáp của Bác tài tình như thế nào. Võ Nguyên Giáp quả là một thiên tài quân sự. Tên tuổi ông có thể đặt bên cạnh những tên tuổi lừng danh nhất trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc: Trần Hưng Đạo, Lý Thường Kiệt, Quang Trung…

Nhà báo nổi tiếng Mỹ Lady Borton kể lại rằng, có lần, mấy nhà báo Pháp hỏi Chủ tịch Hồ Chí Minh một câu hỏi hóc búa: “Thưa ngài Chủ tịch, ngài phong ông Giáp lên thẳng chức Đại tướng, là phong theo tiêu chí nào?”. Bác cười: “Nước tôi là nước du kích, thì phong hàm cũng là phong theo lối du kích. Ông Giáp của chúng tôi đã đánh thắng tất cả các ông tướng tài giỏi của nước Pháp, vậy thì ông ấy phải là Đại tướng thôi”.

Nói rồi, Bác cười rất sảng khoái. Mấy nhà báo quốc tế cũng cười. Câu hỏi móc mói nhuốm màu bùa chú đã bị hóa giải.

- Vừa rồi tôi có đọc cuốn hồi ký của anh Trà. Anh ấy có viết về tôi. Trong đó có một câu làm tôi xúc động: Đại tướng Võ Nguyên Giáp là người tiếc đến từng giọt máu của lính. Anh ấy là người rất hiểu tôi…

Nói rồi, Đại Tướng Võ Nguyên Giáp ngồi lặng. Gương mặt thâm thấm một nỗi gì hiu hắt. Trông ông như một đỉnh núi vừa tắt nắng. Hình như ông đang nhớ lại một thời oanh liệt đã qua. Trong trận chiến, ông là Đại tướng Tổng tư lệnh, nhưng nắm chắc đến từng đại đội một. Nghĩa là ngay một anh đại đội trưởng dưới cơ sở cũng có thể báo cáo thẳng cho Tổng tư lệnh về đơn vị của mình, kể cả những con số hy sinh và thương vong. Đại tướng Võ Nguyên Giáp là người rất thận trọng. Vào trận, bao giờ ông cũng nắm rất chắc địa hình, tính toán thật chi li, cụ thể. Bộ đội hành quân, tập kết trận địa, nếu trong đội hình tiểu đoàn, hoặc đội hình trung đoàn, có trang bị từng loại vũ khí cụ thể thì đi hết bao lâu. Trận đánh diễn ra như thế nào cho thật an toàn trước khi máy bay địch ập đến. Chỉ khi nào Đại tướng tình toán kỹ lưỡng, tìm được cách rút lui sau trận đánh, để đảm bảo tính mạng cho từng người lính rồi, ông mới ra lệnh tấn công. Có trận thắng vang dội, nhưng mất rất nhiều lính quá, người ta vỗ tay rầm trời, còn Đại tướng thì lặng lẽ khóc ở sở chỉ huy. Nhiều khi úp mặt xuống phên tre mà khóc. Nước mắt đầm đìa cả cái gối mây. Điều ấy không phải ai cũng biết.

Có lẽ cũng vì thế mà Thiếu tướng Nguyễn Chuông, Tư lệnh Quân đoàn 29, một trong những người lính quả cảm của tướng Giáp, khi về hưu, được quân đội chia cho ít đất để làm nhà, ông đã dành một khoảng đất để ông thờ lính. “Các anh em đã lặn lội theo anh vào sinh ra tử bao nhiêu năm nay, không may phải nằm lại dọc đường, bố mẹ già khuất núi rồi, vợ con lại chưa kịp có thì biết lấy ai hương khói trong những ngày Tết nhất hay ngày rằm, mồng một. Anh may mà thoát chết, vừa được quân đội cho ít đất đây, anh lập cái am này để các anh em về đây quây quần với anh”. Rồi ông dặn dò con cháu, nếu không may ông có phải ra đi thì những ngày Tết hay ngày rằm, mồng một, hoặc ngày 27/7, chúng nhớ thay ông thắp hương cho những người lính của ông đã, rồi sau đó mới thắp cho ông.

Trong lần cuối cùng được gặp Tướng Giáp, tôi có hỏi ước mơ của ông? Ông mong gì ư? Nếu có sức lực và có điều kiện, ông mong muốn được trở lại những vùng chiến trường xưa, thăm lại những người dân nghèo, đã từng san sẻ với ông nửa củ sắn lùi, đắp chung một cái chăn rách. Tôi chợt nhớ đến một ông già bản mà tôi gặp trên đường vào Mường Phăng. Ông già hồ hởi:

- Chuyện Đại tướng chứ gì? Đại tướng tôi biết. Tôi cũng đã mấy lần gặp Đại tướng đấy. Năm nọ Đại tướng có về quê. Đại tướng nói chuyện với đồng bào bằng tiếng dân tộc. Đại tướng là già làng của chúng tôi đấy. Nhà Đại tướng ở chỗ kia kìa…

Nói rồi ông già chỉ lên núi Mường Phăng. Một dải rừng xanh um giữa mênh mông đồi trọc. Ở Điện Biên và cả mấy vùng lân cận, rừng cơ bản đã bị phá xong. Nửa đêm, tôi còn thấy những dải lửa cháy rừng rực vắt ngang lưng chừng trời. Đồng bào đốt nương đấy. Chẳng còn cách nào ngăn được. Rừng núi nhiều nơi đã trơ trụi, nhưng Mường Phăng thì vẫn um tùm rậm rạp như rừng nguyên sinh. Tôi đã đi dưới tầng cây ấy, nghe chim rừng hót rúi ran. Một làn suối âm thanh trong trẻo và mát rượi rót xuống từ lưng chừng trời. Không một mảnh cây nào bị chặt phá hay bị bẻ gẫy. Ở đây, người dân còn đói cơm, thiếu mặc, nhưng họ vẫn nâng niu giữ gìn khu rừng. Họ tự đặt tên cho khu rừng là “Rừng Đại tướng”. Đấy là ngôi đền thiêng, ngôi đền xanh thiên nhiên mà người dân đã tự lập để thờ ông ngay khi ông vẫn còn đang sống.

Bây giờ, vị tướng huyền thoại ấy, người cuối cùng của thời lập nước đã ra đi. Cả một thời đại rực rỡ, huy hoàng nhất trong lịch sử hiện đại, Thời Đại Hồ Chí Minh cũng theo ông ra đi…

Nhưng tấm gương của ông, những tinh hoa của ông, cũng như tinh hoa Hồ Chí Minh và các bậc tiên liệt thì vẫn còn sống mãi…

Trần Đăng Khoa (TT & ĐS)

Clip đang được xem nhiều nhất: Thủ tướng đồng ý phương án thi tốt nghiệp THPT 2020

Tag: Đại tướng , Đảo Yến , Võ Nguyên Giáp , Quảng Bình , Huyền thoại , Trần Đăng Khoa , Vị tướng