Thuở nhỏ, cậu bé Võ Nguyên Giáp học rất giỏi, thậm chí còn đỗ đầu kì thi tốt nghiệp bậc sơ học ở tỉnh Quảng Bình.
Năm 1930, khi mới 19 tuổi, trong sự kiện Xô Viết Nghệ Tĩnh, Võ Nguyên Giáp bị bắt và giam ở nhà lao Thừa Phủ (Huế). |
Thông minh nhưng không kém phần hiếu động, có lần cậu bị ông cụ thân sinh mắng, bị đòn roi phải chui xuống gầm bàn thờ xin tha tội. Cậu bé Võ Nguyên Giáp cất tiếng khóc chào đời ngày 25/8/1911, tại làng An Xá, xã Lộc Thủy (Lệ Thủy, Quảng Bình). Gia đình cậu có bảy anh chị em nhưng người anh cả và chị cả mất sớm nên còn lại năm người.
Ngôi nhà nơi Đại tướng Võ Nguyên Giáp sinh ra và lớn lên ở quê hương An Xá – Lệ Thủy – Quảng Bình.
Thuở ấu thơ, vườn nhà, vườn hàng xóm chính là chốn thiên đường của các thú chơi trốn tìm, bắt tổ chim, trèo cây lấy quả, dàn trận đánh giặc giả của cậu bé Giáp cùng lũ trẻ học chữ Nho với cậu. Và có lần, cậu đã bị thầy (bố) mắng, thậm chí còn bị đòn roi phải chui xuống gầm bàn thờ xin tha tội.
Hai cụ thân sinh của cậu bé Võ Nguyên Giáp là cụ Võ Quang Nghiêm và cụ Nguyễn Thị Kiên. Là nhà nho có uy tín trong vùng, cụ Nghiêm dạy chữ Hán nhưng khi phong trào học chữ quốc ngữ phát triển, cụ chuyển sang dạy chữ quốc ngữ cho thanh thiếu niên trong làng và bốc thuốc chữa bệnh cứu người.
Chùm ảnh về thân sinh cùng gia đình Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp bùng nổ, do phải thu xếp việc nhà, chưa kịp tản cư cùng gia đình, cụ Nghiêm bị giặc Pháp bắt đưa về giam ở Huế. Cụ bị chúng tra tấn và chết ngay trong nhà lao Huế.
Gia đình cụ Nghiêm thuộc diện nghèo trong làng. Cậu bé Giáp đã có lần theo mẹ chèo thuyền chở thóc đi trả nợ.
Lớn lên, xa lũ trẻ học trường làng, cậu lên học trường tổng ở làng Tuy Lộc, nơi có chợ Hôm nổi tiếng buôn bán tập nập. Ngày hai buổi sáng đi, chiều về, trưa ở lại trường, cậu cùng người cháu họ ra chợ mua bánh ăn trừ bữa.
Học hết lớp đồng ấu, muốn học tiếp, cậu bé Giáp phải rời trường tổng vào học lớp 3 trường huyện. Học lớp 3 trường huyện, cậu nổi tiếng học giỏi nhất lớp. Tổng kết cuối năm, cậu đứng đầu lớp về thành tích học tập..
Trường Quốc học Huế - nơi Đại tướng đã từng học trước năm 1927.
Học xong lớp 3 cậu phải xuống thị xã Đồng Hới học tiếp. Cậu Giáp người nhỏ bé, nhưng đẹp trai, khôi ngô tuấn tú, nước da trắng như con gái thành phố. Cậu được ngồi bàn đầu với các bạn gái nên thường bị bạn bè trêu chọc. Hai năm học ở tiểu học Đồng Hới, hàng tháng, cậu luôn đứng đầu lớp. Tại kỳ thi tốt nghiệp bậc sơ học, cậu đỗ đầu toàn tỉnh. Về làng, cậu được dân làng nể trọng, gia đình rất tự hào về cậu.
Nhưng sau đó, năm 13 tuổi, khi lên bậc trung học, cậu lại thi trượt kì thi vào Trường Quốc học Huế. Vậy là cậu phải khăn gói lên Huế ôn thi một năm trước khi đỗ loại khá ở kì thi năm 1924. Cũng phải nói thêm rằng, giáo dục thời Pháp khi đó rất khắt khe, Trường Quốc học Huế chỉ tuyển có 90 học sinh cho 12 tỉnh miền Trung.
Anh học trò Võ Nguyên Giáp bước vào cổng trường Quốc học Huế đúng vào lúc diễn ra phong trào đấu tranh của nông dân, các tầng lớp trí thức, học sinh Trung kỳ đòi giảm sưu cao, thuế nặng, đòi nhà cầm quyền Pháp trả tự do cho nhà chí sĩ cách mạng Phan Bội Châu, đòi được để tang chí sĩ cách mạng yêu nước Phan Chu Trinh. Võ Nguyên Giáp nhanh chóng hòa nhập ngay vào phong trào đấu tranh đó.
Cũng trong trường Quốc học Huế, học sinh Giáp còn được các thầy đầy tâm huyết dạy dỗ, như thầy Võ Liêm Sơn, thầy Cao Xuân Huy, thầy Đặng Thai Mai.
Trong thời gian này, Võ Nguyên Giáp tham gia phong trào yêu nước và bị đuổi học vì tổ chức bãi khóa ở trường Quốc học trong chuỗi hoạt động hưởng ứng để tang cụ Phan Chu Trinh. Anh trở về quê trong tâm trạng bế tắc.
Võ Nguyên Giáp tham gia cuộc gặp mặt các nhà yêu nước tại khách sạn Lạc Xuân, Hàng Bông, Hà Nội năm 1938.
Một hôm, Nguyễn Chí Diểu, một người bạn đồng chí hướng tại trường Quốc học Huế, lặn lội từ Huế về làng An Xá tìm gặp Võ Nguyên Giáp. Nguyễn Chí Diểu cho Giáp biết sau khi bị đuổi học đã tham gia Tân Việt cách mạng Đảng, đồng thời cho Giáp xem chương trình, điều lệ của Tân Việt Cách mạng Đảng. Sau đó, Võ Nguyên Giáp được kết nạp vào Đảng Tân Việt.
Từ năm 1929, Võ Nguyên Giáp trở thành một trong những thành viên trong nhóm hạt nhân của Đảng Tân Việt. Anh tích cực vận động cho tổ chức này gia nhập Đảng Cộng sản.
Cũng trong khoảng thời gian này, Võ Nguyên Giáp làm biên tập viên cho báo Tiếng dân, tờ báo đầu tiên ở Trung Kỳ có xu hướng tiến bộ do cụ Huỳnh Thúc Kháng làm chủ biên. Qua tờ báo, Võ Nguyên Giáp viết bài tuyên truyền cho chủ nghĩa Mác. Vì vậy, chính quyền thực dân ở đây ngày đêm theo dõi, giám sát từng hoạt động của anh.
Một trong những bài báo đầu tiên của Võ Nguyên Giáp dưới bút danh Hải Thanh có tên "Vũ trụ và tấn hóa" in trên báo Tiếng dân năm 1929 do cụ Huỳnh Thúc Kháng làm chủ bút
Xô viết Nghệ - Tĩnh nổ ra, thực dân Pháp ra sức khủng bố trắng. Ngày 25/10/1930, lúc vừa tròn 19 tuổi, Võ Nguyên Giáp bị chính quyền thực dân bắt giam cùng một số người, trong đó có thầy Đặng Thai Mai, nữ sinh Nguyễn Thị Quang Thái - người sau đó ít lâu trở thành người vợ thân yêu của Võ Nguyên Giáp. Anh bị kết án hai năm tù giam tại nhà lao Thừa Phú.
Cuối năm 1931, do Hội Cứu tế Đỏ Pháp đấu tranh, đòi thả chính trị phạm, chính quyền thực dân Pháp ở Đông Dương phải nhượng bộ tha một số tù chính trị. Thầy Đặng Thai Mai, Võ Nguyên Giáp, Quang Thái và một số anh em khác được thả.
Năm 1932, thầy Đặng Thai Mai chuyển ra dạy học ở Hà Nội, Võ Nguyên Giáp cũng ra theo thầy.
Rời ghế nhà trường từ năm Thành chung thứ hai, giờ đây, tại Hà Nội, Võ Nguyên Giáp quyết định dành 10 tháng để học, dự thi lấy bằng tú tài phần nhất với tư cách thí sinh tự do và đã đỗ hạng ưu. Từ đây, Võ Nguyên Giáp bắt đầu dạy học tại trường Thăng Long cùng với thầy Đặng Thai Mai. Học trò của thầy Mai, thầy Giáp sau này nhiều người đỗ đạt cao, trở thành những nhà trí thức có uy tín và có người trở thành cán bộ cấp cao của Đảng và Nhà nước.
Võ Nguyên Giáp từng dạy môn lịch sử tại trường tư thục Thăng Long, Hà Nội (1932 - 1939). Ông vừa dạy học, vừa học trường Luật, vừa viết bài cho các báo.
Trong thời gian dạy học ở trường Thăng Long, Võ Nguyên Giáp xây dựng gia đình với người em ruột của nữ chiến sĩ cộng sản Nguyễn Thị Minh Khai là Nguyễn Thị Quang Thái, người mà anh quen trên chuyến xe lửa Vinh - Huế.
Tháng 9/1935, ông lập gia đình với bà Nguyễn Thị Quang Thái, em ruột của nhà cách mạng Nguyễn Thị Minh Khai.
Năm 1936, ở Pháp, Mặt trận Bình dân lên nắm quyền, buộc chính quyền thuộc địa ở Đông Dương phải thực hiện một số cải cách dân chủ. Võ Nguyên Giáp đã tham gia nhiều cuộc đấu tranh công khai của Đảng. Trên lĩnh vực văn học nghệ thuật, anh viết cho nhiều tờ báo của Đảng bằng tiếng Việt và tiếng Pháp và trở thành Chủ tịch Ủy ban Báo chí Bắc Kỳ.
Cuối năm 1939, Chính phủ bình dân Pháp bị đánh đổ, nước Pháp nói riêng và thế giới nói chung đang đứng trước nguy cơ đe dọa của chủ nghĩa phát xít. Ở Đông Dương, nhà cầm quyền thực dân đàn áp phong trào cách mạng được dịp trỗi dậy. Ngày đêm chúng lùng sục, bắt bớ, tra tấn nhiều chiến sĩ cộng sản. Chính vào lúc này, Hoàng Văn Thụ, Ủy viên Thường vụ Đảng Cộng Sản Đông Dương, khuyên Võ Nguyên Giáp nên ra nước ngoài, nơi anh có dịp gặp lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, người mà anh từng ngưỡng mộ.
Mùa hè 1940, anh lên đường ra nước ngoài để lại người bạn đời, người đồng chí, Nguyễn Thị Quang Thái và một cháu gái mới sinh là Võ Hồng Anh, sau này trở thành nữ tiến sĩ Vật lý xuất sắc. Nhưng cả hai không ngờ lần chia tay này cũng là lần vĩnh biệt. Chị Thái bị giặc Pháp bắt giam và qua đời trong ngục tù.
Ngày 22/12/1944, tại Cao Bằng, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân làm lễ thành lập với 34 chiến sĩ, do Võ Nguyên Giáp trực tiếp chỉ huy
Như một định mệnh, đến Vân Nam (Trung Quốc), Võ Nguyên Giáp được gặp ngay Nguyễn Ái Quốc, lúc này đã mang tên Hồ Chí Minh. Năm 1941 đúng dịp Tết nguyên đán Tân Tỵ, Võ Nguyên Giáp cùng Hồ Chí Minh trở về Cao Bằng.
Ngày 26/8/1945, Tư lệnh Việt Nam Giải phóng quân Võ Nguyên Giáp duyệt binh lần đầu ở Hà Nội sau khi giành được chính quyền.
Tháng 12/1944, Hồ Chí Minh giao cho Võ Nguyên Giáp xây dựng Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, mà như lời tiên đoán của người: "Nó là khởi điểm của giải phóng quân, nó sẽ đi suốt từ Bắc chí Nam, khắp đất nước Việt Nam". Người đã thấy trước từ đội quân nhỏ bé này, đội quân cách mạng do Võ Nguyên Giáp đứng đầu sẽ làm nhiệm vụ lịch sử chiến đấu giải phóng dân tộc.
Ngày 2/9/1946, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tròn một năm thành lập. Bí thư Tổng Quân ủy Võ Nguyên Giáp tuyên đọc Nhật lệnh của Quân ủy hội.
Trong khoảng thời gian 1945 - 1946, Võ Nguyên Giáp liên tục được giao phó những vị trí quan trọng trong Đảng và Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Ở tuổi 37, Võ Nguyên Giáp được phong quân hàm đại tướng.
Năm 1948, ở tuổi 37, Võ Nguyên Giáp được phong quân hàm đại tướng và trở thành Đại tướng đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam.
Clip đang được xem nhiều nhất: Xe container cháy ngùn ngụt trên cầu Lai Vu
- Chữ cái duy nhất không xuất hiện trong tên của bất kỳ tỉnh, thành nào tại Việt Nam, là chữ gì?
- Con phố nào giàu nhất Hà Nội, người gốc Thủ đô chưa chắc đã biết chính xác?
- Từ 1/7/2025, đối tượng nào được hưởng lợi khi trợ cấp khi nghỉ hưu tăng gấp 4 lần mức cũ
- Những lần thủy quái xuất hiện ở Việt Nam: Người Pháp từng bắt gặp, có loài đến nay vẫn còn tồn tại?
- Từ 1/1/2025: Những đối tượng này sẽ được cấp thẻ BHYT miễn phí
- Từ 1/7/2025: Thay đổi cách tính lương hưu theo Luật BHXH mới, hàng triệu người hưởng lợi
- Quận đông dân nhất Việt Nam: Dân số bằng 2 tỉnh cộng lại, là một trong hai quận lớn nhất TP. HCM
- Lịch nghỉ Tết Nguyên đán 2025 mới nhất của học sinh cả nước
- Thưởng Tết 2025, mức thưởng cao nhất là trên 500 triệu đồng/người. Là ai?
- Tại sao Sơn Tùng lại nổi tiếng?
- Trước Tết dương lịch 2025, đây là 6 thủ tục hành chính cần hoàn thành
- Đây là tên gọi đầu tiên của Hà Nội, người Hà Nội lâu năm chưa chắc đã biết, nó có ý nghĩa gì?