Những người cuối cùng được vào viếng Đại tướng trong ngày thứ 2
Thứ hai, 07/10/2013 09:23

Ngày viếng thứ 2 tại nhà riêng Đại tướng đã gần hết giờ. Trong sáng và chiều nay, nhiều cơ quan, đoàn thể đã đến tưởng nhớ Người.

Dòng người chờ được vào viếng Đại tướng lúc nào cũng chật kín

Dòng người chờ được vào viếng Đại tướng lúc nào cũng chật kín

Khoảng 18h, những người chờ đợi ở cuối hàng cũng đã được vào viếng Đại tướng.

Dòng người cuối cùng trong ngày vào viếng Tướng Giáp.

18h: Đã cuối giờ chiều nhưng dòng người vẫn kiên nhẫn đợi được vào viếng Đại tướng, trong đó có những em học sinh quàng khăn đỏ, các sinh viên tình nguyện trong màu áo xanh... Họ hy vọng buổi viếng chiều nay được kéo dài thêm 30 phút như hôm qua.

15h30: Ngay từ sớm, hàng xe ba gác của hội Cựu chiến binh treo cờ đỏ sao vàng đi nối thành một hàng dài. Họ đeo trên tay những chiếc băng đen để tỏ lòng đau xót trước sự ra đi của Đại tướng. Một bác cựu chiến binh trong đoàn cho hay: "Ngày hôm qua chúng tôi đã đặt may cờ, mua băng đen để hôm nay kịp đến viếng Người".

14h15 ngày 7/10: Cửa nhà Đại tướng lại mở sớm hơn quy định 15 phút. 13h45, người dân đã được vào viếng. Những cựu binh già đứng ngay ở hàng đầu, trang phục chỉnh tề để chào Đại tướng của mình lần cuối.

 

Họ là những người đầu tiên được vào viếng Đại tướng trong chiều nay.

Lực lượng thanh niên tình nguyện đứng bên hàng để đảm bảo trật tự.

Đội cảnh vệ cũng làm việc liên tục.

  

Những bông hoa tri ân được xếp kín trong sân nhà Đại tướng.

Những giọt nước mắt vẫn lăn dài trên má nhiều người.

Đoàn người vẫn nghiêm trang bước đi trong trưa nắng.

Giữa trưa 6/10, người dân vẫn xếp hàng kéo dài tới tận lăng Bác chờ viếng Tướng Giáp.

Đúng 14h30 chiều nay (7/10), gia đình của Đại tướng mở cửa mời nhân dân vào tưởng niệm. Đây mới chỉ là ngày đầu tiên gia đình mở cửa mời khách. Lịch sẽ kéo dài cho đến ngày 11/10.

Dòng người xếp hàng trật tự để chờ đến lượt được vào. Rất đông người từ các tỉnh khác về Hà Nội từ sáng sớm để chờ. Từ người già, những cựu binh, cho đến thanh niên, sinh viên, học sinh, không ít người mang theo cả con nhỏ mới vài tháng tuổi…

Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên sức khỏe yếu, chân đi không vững nhưng cũng đã đến đúng đầu giờ chiều nay

Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên sức khỏe yếu, chân đi không vững nhưng cũng đã đến đúng đầu giờ chiều nay, nhờ người dìu vào trong để chia buồn với gia quyến…

Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ trần lúc 18h08’ ngày 4/10 tại Bệnh viện quân y 108. Tang lễ ông sẽ được tổ chức theo nghi thức Quốc tang.

Từ ngày mai cho đến 11/10, gia đình Đại tướng mở cửa nhà số 30 Hoàng Diệu buổi sáng từ 8h đến 11h30, chiều từ 14h đến 18h. "Mong đồng bào không mang theo lễ phúng viếng" - gia đình thông báo.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ trần lúc 18h08’ ngày 4/10 tại Bệnh viện quân y 108. Tang lễ ông sẽ được tổ chức theo nghi thức Quốc tang.

Linh cữu ông quàn tại Nhà tang lễ quốc gia số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội. Lễ viếng được tổ chức cùng địa điểm từ 7h30 ngày 12/10. Ngày 13/10 sẽ diễn ra lễ truy điệu trọng thể.

Thông cáo của Văn phòng Ban chấp hành Trung ương Đảng cho hay, thể theo ý nguyện của cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp và nguyện vọng của gia đình, lễ an táng Đại tướng Võ Nguyên Giáp được tổ chức cùng ngày tại quê nhà - tỉnh Quảng Bình.

Thông tin từ dòng họ của Đại tướng ở Quảng Bình cho biết, khu vực Vũng Chùa - Đảo Yến (xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch) được gia đình chọn làm nơi an táng cho Đại tướng.

         

5h sáng, nhiều người đã đến trước cổng nhà của Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại 30 Hoàng Diệu (quận Ba Đình, Hà Nội) để chờ vào viếng.
Một số người dân sống gần đó trong khi đi tập thể dục buổi sáng cũng tranh thủ ghé ngang chắp tay từ biệt.

8h30 mới mở cửa cho đồng bào vào viếng nhưng từ 6h sáng hàng người đã xếp hàng kéo dài.

Một cụ ông đứng chắp tay vái vọng từ ngoài đường khá lâu.

6h30, trước cửa số nhà 30, 32 Hoàng Diệu đã đông nghịt người.

Bác Trần Đăng Thuyết, một cựu chiến binh tại Nam Định từng tham gia chiến đấu tại đoàn 125 (đoàn tàu không số) sáng sớm đã kịp có mặt. Bác cho biết: "Chiều hôm qua đến nhà Đại tướng nhưng hết giờ vào thăm, hôm nay phải tranh thủ có mặt ngay".

 

Bé Nguyễn Nam, học sinh lớp 8 trường Chu Văn An (Hà Nội) ôm trên người bó hoa có mặt từ 6h sáng để chờ đến lượt vào viếng. Cũng như nhiều người khác, hôm qua bé Nam đến nhưng hết giờ vào thăm.

Bức tranh về Đại tướng Võ Nguyên Giáp do một sinh viên trường ĐH Kiến trúc phác họa.

8h30 mới mở cửa, nhiều người cao tuổi xếp hàng mỏi chân nên phải ngồi xuống để nghỉ ngơi.

7h30, nắng đầu đông bắt đầu chiếu, nhiều người vẫn kiên trì đứng chờ.

Cựu chiến binh Nguyễn Kim Lợi đến từ Long Biên và bài thơ tự viết về tướng Giáp, bài thơ có đoạn: "Võ Nguyên Giáp cụ uy nghi/ Vĩnh biệt Cụ hãy nén ghì đau thương/ Giữa thế kỷ một chặng đường/ Gương hào kiệt cụ làm gương cho đời".

8h, dòng người đã kéo dài qua đoạn đường Điện Biên Phủ.

Hàng người vẫn liên tục được nối dài.

Các cháu học sinh tiểu học được cô giáo dẫn vào từ biệt con người đã đi vào lịch sử dân tộc.

Không ít người nước ngoài cũng bày tỏ niềm cảm phục trước vị danh tướng.

Tối 6/10. Cả ngàn người vẫn tập trung trước số nhà 30 Hoàng Diệu mong được tiếp tục vào viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp, dù gia đình đã thông báo giờ nghỉ.

Trước sự thiết tha của người dân, gia đình đã để cửa mở quá giờ dự kiến dù đại diện ban tổ chức lễ viếng khuyên “bà con mệt rồi nên về nghỉ và mai quay lại”, nhắc lại thông báo còn mở cửa đến cuối tuần, trước khi quốc tang Nhà nước tổ chức. Buổi chiều chủ nhật, đã có khoảng 20.000 được vào viếng vị tướng mà họ vô cùng yêu mến, kính trọng.

Một phụ nữ đến từ Bắc Giang xếp hàng từ chiều không may mắn đến lượt vào trước khi gia đình Đại tướng tạm đóng cửa. Đôi mắt đỏ hoe, ngấn trào nước mắt, chị bảo “ngày xưa Bác Hồ mất thế nào thì bây giờ Bác Giáp cũng vậy”.

Chốc chốc kiễng chân lên để nhìn vào bên trong nhà Đại tướng, chị nói, sẽ trở lại sáng sớm mai để vào viếng Bác.

Cả ngàn người tập trung tối 6/10 trước số nhà 30 Hoàng Diệu, Hà Nội.

Hàng loạt người dân đứng trước cổng rào cũng ngó vào bên trong, thỉnh thoảng lại có người dân dưới lòng đường ghé vào hỏi cảnh vệ: Mấy giờ thì có thể vào viếng?

Anh Nguyễn Quốc Việt (Ninh Bình) tay cầm bó hoa cúc vàng cho biết ban ngày phải đi làm nên bây giờ đã muộn không được vào.

“Ngày mai tôi lại phải đi làm, nên có lẽ tối nào cũng ra đây để có thể nhìn vào bên trong ngôi nhà của Đại tướng” - anh Việt ngậm ngùi.

Bên vỉa hè trước cổng nhà Đại tướng ở Hoàng Diệu, có hai bố con đứng lâu ở đây, chẳng phải chờ đợi xếp hàng bởi cửa đã đóng vì muộn. Họ đứng đó như để nắm giữ điều gì đó.

Đứa trẻ hỏi bố “linh hồn là trí tưởng tượng hả bố?”. Người bố giải thích “người nào làm nhiều việc tốt sẽ luôn được mọi người quý trọng, cho dù linh hồn là tưởng tượng thì ông Giáp chết nhưng linh hồn của ông vẫn còn sống mãi với nhân dân”.

Một cựu binh lớn tuổi từng ở đoàn tàu 0 số của đơn vị hải quân cũng kịp về đến Hà Nội từ 6h sáng chủ nhật 6/10.

Ông chia sẻ: “Đại tướng mất đi là tổn thất to lớn của đất nước, quân đội chúng tôi. Tôi đến đây từ 6h nhưng cảnh vệ chưa cho vào, lúc đó còn rất đông người xếp hàng, bây giờ quay lại cũng chưa được viếng, ngày mai con gái và cháu sẽ tới cùng, dù đông nhưng vẫn sẽ chờ, không kịp vẫn sẽ chờ, chờ một vài ngày nữa, nhất định phải vào viếng”.

Ông cũng bày tỏ tự hào đã được gặp Đại tướng một lần khi bảo vệ cầu Long Biên năm 1967.

Một tốp học viên từ các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Cao Bằng cũng đến đây không kịp giờ. Họ không có phương tiện để đi lại nhưng đều hẹn nhất định phải trở lại.

Ông Phan Mạnh Hòa đến xếp hàng từ 3h30 chiều nhưng cuối cùng không đến lượt vì quá đông. Trong thời gian xếp hàng, ông được một cựu chiến binh đưa cho tờ giấy trong đó có bài thơ “ Anh Cả ơi” của một cựu binh tên Nguyễn Khắc Viết. Bài thơ của cựu binh này được truyền tay nhau ở đây.

“Khi đọc bài thơ đó tôi rất xúc động, tình cảm với Đại tướng lại càng lớn lao hơn” - ông nói và chìa bài thơ cho mọi người cùng xem:

Anh Cả ơi
Nghe tin anh cả mất rồi!
Vô cùng thương tiếc một đời “đại nhân”
Nghe tin Anh Cả từ trần!
Trẻ già ngơ ngác bần thần tiếc thương,
“Nhiễu điều phủ lấy giá gương”
Nhân dân ghi nhớ khôn lường công Anh!
Một đời cống hiến hy sinh,
Một đời vì Đảng trọn tình vì dân,
Một đời học Bác chuyên cần!
Một đời tích đức, tu thân một đời,
Trăm năm đi trọn cõi người,
Thác không ăn uổng cơm trời ban cho,
Quảng Bình quê nội đón chờ!
Anh về vui với nơi thờ Mẹ Cha!”

  

Tổng hợp (VNN, Tri thức, Người đưa tin)

Clip đang được xem nhiều nhất: Thủ tướng đồng ý phương án thi tốt nghiệp THPT 2020

Tag: Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ trần , Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua đời , Cuộc đời Đại tướng Võ Nguyên Giáp , Tướng Giáp , Võ Nguyên Giáp