Cái tin người cha độc ác Ngô Văn Xu (SN 1952) bị bắt sau 15 năm lẩn trốn vì tội giết hai đứa con khiến hàng ngàn người dân xã Lộc Sơn (huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế) vui như “mở cờ trong bụng”. Tội ác cuối cùng cũng phải bị trả giá.
|
Kỳ 4: Sát nhân dìm chết hai con trở về với “mác” tâm thần khiến cả làng kinh sợ
Thế nhưng hơn một năm sau ngày tra tay vào còng, những ngày cuối tháng 12 gần đây, người dân địa phương một lần nữa bàng hoàng khi thấy tên sát nhân bất ngờ trở về lân la các quán nước ngồi bắt chuyện mọi người. Cuộc sống bình yên của họ một lần nữa lại bị đe dọa?
Ngô Xu khi bị truy nã 15 năm về trước
Giết con ruột vì tin lời thầy bói
Trở lại câu chuyện kinh hoàng cách đây hơn 16 năm về trước. Chiều ngày 22/10/1995, do thường hay bị chứng nhức đầu nên nhân lúc vợ đi lên rừng, Xu liền đi xem bói. Nghe lời bói toán cực kỳ ngu xuẩn là “muốn hết nhức đầu thì về nhà làm hai hình nhân để thờ vì trong nhà mày có hai “con ma” quậy phá”, khi về Xu bắt gặp hai đứa con của mình đang chơi trên đường và rủ các con cùng đi. Ngoan ngoãn theo cha, đứa bé trai sáu tuổi và bé gái bốn tuổi đâu biết rằng trong đầu người bố của chúng đã nảy ra một kế hoạch điên dại.
Khi đi qua một giếng nước sâu gần nhà, người cha bất ngờ bồng đứa con gái ném ầm xuống nước trong sự gào khóc thảm thiết của cháu bé. Thấy bố bỗng dưng quẳng em xuống giếng, bé trai khiếp đảm chạy vào nhà gào khóc kể với bà ngoại. Bà mẹ vợ vừa chống gậy đi ra, chưa kịp hiểu chuyện gì thì Xu lại lao đến bồng đứa con trai ném tiếp xuống giếng, rồi chụp lấy một con dao đứng bên thành giếng gào thét như con chó dại. Thấy hai đứa cháu bị bố đẻ vứt xuống giếng vùng vẫy trong tuyệt vọng, bà lão chạy đến cứu thì tên con rể la lớn: “Bà mà cứu tụi nó, tui giết bà luôn”.
Quá hoảng sợ, bà lão chỉ còn biết kêu cứu. Nghe tiếng la thất thanh, hàng xóm chạy đến đông nghẹt nhưng không ai dám đến gần vì người cha ác độc gầm rú: “Ai đến gần tao chém chết”. Bà Hồ Thị Thảo (85 tuổi), một nhân chứng khi đó đau đớn nhớ lại: “Lúc đó chỉ có đàn bà con gái, lại già cả nên không ai dám liều mạng; đàn ông trong làng thì đi làm chưa về nên không cứu được các cháu. Chỉ nghe thấy tiếng chúng nó nhỏ dần, nhỏ dần dưới đáy giếng rồi tắt hẳn”.
Nửa tiếng đồng hồ sau khi gây án, tên Xu vẫn đứng múa may con dao không để mọi người tiếp cận hiện trường. Khi những người đàn ông trong làng đi làm trở về lao đến, lợi dụng trời nhá nhem tối y đã lẩn trốn vào rừng. Cả làng khóc, cả làng làm đám tang cho hai đứa bé tội nghiệp. “Khóc như mưa không chỉ vì thương chúng nó, mà còn khóc cho bản thân mình vì bất lực trước tội ác, thấy người khác chết mà mình không cứu được”, bà lão Thảo nhớ lại.
Hiện trường vụ án nay đã thành bãi đất hoang
15 năm theo dấu
Đường xa xôi, phương tiện thông tin liên lạc ngày đó hiếm hoi, khi những bóng sắc phục đầu tiên có mặt tại hiện trường thì sự đã rồi. Trước tội ác kinh động cả đất trời này, hàng trăm điều tra viên công an tỉnh được huy động truy bắt đối tượng. Vậy mà tên sát nhân vẫn biến mất như “mọc cánh mà bay”.
Sau này khi đã bị bắt, Xu khai đêm đó y xuyên rừng một mạch trong đêm, đến đường cái thì bắt xe đi Đông Hà (Quảng Trị). Nghỉ ít bữa tại đây, hắn lại bắt xe ngược lại đi qua Huế, lên Gia Lai hái cà phê. Một năm sau hắn sang huyện Đắc Sông (tỉnh Đắk Nông) làm rẫy thuê. “Ấm chỗ” một thời gian, y lại di chuyển tiếp sang huyện Chư Sê (Gia Lai). Không chỉ liên tục thay đổi nơi ở để tránh bị mọi người phát hiện, hắn còn thay đổi tên lấy tên mới là Xuân.
Những ngày tháng ấy, cái tên Ngô Văn Xu là một “niềm đau” với các chiến sĩ công an tham gia vụ án, chưa bắt được hắn thì chưa làm trọn nhiệm vụ với sự bình yên của người dân. Năm 1997, Ban Giám đốc công an tỉnh trực tiếp chỉ đạo Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (PC14, nay là PC445) xác lập chuyên án mang bí số TX 1297, tập trung nguồn lực tiếp tục truy tìm Xu. Các trinh sát dày dạn kinh nghiệm được tung vào cuộc để rà soát các mối quan hệ với Xu trên toàn quốc từ Quảng Trị, Vũng Tàu, Tây Nguyên… nhưng kết quả vẫn chỉ là số 0.
Năm 1998, các trinh sát nghe thông tin Xu đã tự sát. Có nguồn tin lại nói rằng thủ phạm đang sống như “người rừng” ở tận rừng sâu Gia Lai. Những chuyến đi về như con thoi không có kết quả nhưng các trinh sát vẫn không nản lòng.
Xác minh lai lịch, được biết Xu trước đây từng đi bộ đội đóng tại Trung đoàn thông tin 49 ở Đắk Lắk nên các trinh sát lại khoanh vùng khu vực này nhưng các bạn cũ của hắn cho hay không thấy hắn xuất hiện. Năm 2006, biết Xu đang ở địa bàn Chư Sê và hái tiêu thuê cho một chủ vườn người Huế nhưng khi công an đến nơi thì đối tượng đã rời khỏi địa bàn và mất dấu.
Tháng 6/2010, Phòng Cảnh sát Truy nã tội phạm công an tỉnh chính thức được thành lập và một trong những nhiệm vụ đầu tiên đơn vị này đặt ra là phải bắt được Xu, “trả món nợ với người dân Phú Lộc”. Đầu tháng 9/2010, một Tổ công tác được điều vào Đắk Lắk nằm vùng, kiên quyết truy tìm bằng được đối tượng.
Đêm ngày 8/9/2010, khi các trinh sát đang mật phục ở Gia Lai thì nguồn tin báo về đã nhận dạng được tên Xu tại Đắk Lắk. Bắt xe đò ngay trong đêm, các cán bộ đến xã Ea Quang (huyện Krông Đắk) khi trời vừa rạng sáng. Sau gần hai tiếng đồng hồ lội bộ, các điều tra viên đã bắt được thủ phạm khi hắn đang ẩn nấp trong một rẫy cà phê. Ba ngày sau đó, sát thủ được di lý ra trại Tạm giam công an Thừa Thiên - Huế phục hồi quá trình điều tra.
Sát nhân về làng
Biết tin Xu bị bắt, những người quan tâm theo dõi vụ án này mà nhất là những người dân nghèo nơi vùng quê hắn từng gây ra tội ác sớm mong cơ quan pháp luật sẽ dành cho y một bản án thích đáng như quy định pháp luật.
Bất ngờ những ngày gần đây, người dân địa phương bàng hoàng thấy Xu xuất hiện tại địa phương. Tưởng hắn vượt ngục bỏ trốn, nhiều người dân địa phương đã điện thoại báo cho cơ quan công an nhưng cơ quan chức năng không phản hồi gì. Nhiều dân làng tiếp cận hắn để nói chuyện thì y lầm lì không hé nửa lời làm mọi người càng khó hiểu.
Để hiểu rõ thực hư vụ việc, Phóng viên đã có cuộc trao đổi với Đại tá Nguyễn Hàn, Phó thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thừa Thiên Huế và được vị cán bộ này cho hay: “Vào thời điểm gây án, tên Xu có rối loạn tâm thần, mất khả năng nhận thức và điều khiển hành vi. Hành vi không cấu thành tội phạm và không phải chịu trách nhiệm hình sự, do vậy công an đã gửi Quyết định đình chỉ điều tra bị can đến Viện kiểm sát cùng cấp để hủy bỏ biện pháp tạm giam”.
Theo đó, dựa trên Biên bản giám định pháp y tâm thần của Viện giám định pháp y tâm thần Trung ương vào cuối tháng 9 vừa qua, gần một tháng sau đó Viện kiểm sát tỉnh đã có quyết định hủy bỏ biện pháp tạm giam đối với Ngô Văn Xu. Quyết định nêu rõ: “Tại thời điểm gây án (ngày 22/10/1995), bị can Ngô Văn Xu có rối loạn tâm thần, đó là rối loạn thần cấp và nhất thời khác, theo bảng phân loại bệnh quốc tế bị can mất khả năng nhận thức về điều khiển hành vi nên không phải chịu trách nhiệm hình sự”.
Gần 20 năm đã qua, hiện trường vụ án ngày xưa nay cỏ dại đã che dấu, người không được giới thiệu cũng không ngờ rằng đó là nơi đã xảy ra cái chết thảm của hai đứa bé tội nghiệp. Thời gian cũng đã chứng minh sự bền bỉ truy đuổi tội phạm của các chiến sĩ công an tỉnh.
Riêng những người dân xã Lộc Sơn khi được chúng tôi thông tin lại về sự việc, giải thích sự “tái xuất” bất ngờ của hung thủ năm nào, sau phút giây ức chế ai cũng thở dài thông cảm xen trách móc: “Ừ thì ngày xưa điên nên thả là đúng luật. Nhưng nếu cơ quan chức năng có một thông báo trước đó cho chúng tôi, thì người dân khỏi phải lo lắng, cả làng khỏi náo loạn kinh sợ khi giáp mặt gã điên đã giết hai con năm nào”.
- Con phố nào giàu nhất Hà Nội, người gốc Thủ đô chưa chắc đã biết chính xác?
- Từ 1/1/2025: Những đối tượng này sẽ được cấp thẻ BHYT miễn phí
- Từ 1/7/2025: Thay đổi cách tính lương hưu theo Luật BHXH mới, hàng triệu người hưởng lợi
- Quận đông dân nhất Việt Nam: Dân số bằng 2 tỉnh cộng lại, là một trong hai quận lớn nhất TP. HCM
- Lịch nghỉ Tết Nguyên đán 2025 mới nhất của học sinh cả nước
- Thưởng Tết 2025, mức thưởng cao nhất là trên 500 triệu đồng/người. Là ai?
- Tại sao Sơn Tùng lại nổi tiếng?
- Trước Tết dương lịch 2025, đây là 6 thủ tục hành chính cần hoàn thành