Với căn bệnh hiểm nghèo, ranh giới giữa sự sống và cái chết chỉ như một sợi tóc mong manh mà y học hiện đại còn chịu… “bó tay”. Vậy mà với một "thầy lang vườn” lại có thể chữa khỏi bệnh bằng những… cái bắt tay?
|
Kỳ 4: Muốn khỏi bệnh phải để "thầy"… bắt tay?
Gần 11h trưa, chúng tôi về đến thôn Tiên Du, xã Thanh Vân, huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc. Khi chúng tôi vừa vào đến nhà bà Phạm Thị Chanh thì cũng là lúc bà Chanh tiễn "bệnh nhân" ra về. Một người nói với chúng tôi: "Trời ơi! Sao đến muộn thế, nhanh vào đặt lễ xin thầy đi, để thầy khám bệnh cho không đến giờ "thầy" nghỉ rồi". Chúng tôi đến để "nhờ" thầy chữa bệnh cho "bà cô" ở một mình bị mắc bệnh hiểm nghèo, với lý do đường xa lại đến lần đầu phải hỏi thăm nên… Chúng tôi chưa kịp thanh minh để "xin" thầy thì một phụ nữ khoảng 50 tuổi lên tiếng: "Đi chữa bệnh mà đến muộn thế? Thôi vào đây nhanh đi xem nào! Chắc lại ung thư chứ gì?".
Nói rồi người này dẫn tôi vào căn nhà 4 gian trống trải, chỉ có 1 bộ bàn ghế sơ sài. Điều ngạc nhiên là trên bàn thờ như một mâm tiền lại đặt ảnh chân dung của “thầy” Chanh. Ngay lập tức, một phụ nữ ngồi bàn "lễ tân" hướng dẫn: "Em qua đây chị ghi phiếu rồi còn đặt lễ để "thầy" làm cho nhanh kẻo sắp hết giờ rồi". Người phụ nữ này hướng dẫn chúng tôi "đặt lễ" (bao nhiêu thì tùy tâm), rồi ghi tên, tuổi của bệnh nhân vào tờ giấy và ra cửa… chờ.
Hình minh họa. (Ảnh: Quỳnh Anh)
Vừa ra vị trí chờ, "thầy” Chanh từ trong buồng bước ra, trên tay cầm một gói thuốc như đã chuẩn bị trừ trước. "Thầy” Chanh gọi tôi bảo đưa tay trái lên. Cánh tay tôi vừa đưa lên thì "thầy” Chanh đã kịp đưa tay ra nắm vào cổ tay tôi và nói như ra lệnh: "Đọc 1-2-3 đi". Tôi "chấp hành" mệnh lệnh nhưng "thầy” Chanh lại bảo tôi phải đọc đến 5. Tôi đọc đều đặn 1-2-3-4-5 xong, như một câu thần chú vừa dứt thì "thầy” Chanh đã "phán": "Bệnh của cô nặng quá, nhưng không sao, mang thuốc về sao lên, hạ thổ rồi sắc lấy nước uống, xong sẽ khỏi ngay".
"Thầy” Chanh vừa nói, vừa đưa gói thuốc cho tôi: "Chỗ này là 24 ngày thuốc, cứ về làm theo đúng hướng dẫn thì yên tâm bệnh của cô sẽ khỏi nhé". Tôi giơ tay đỡ gói thuốc, chưa kịp nói câu cảm ơn thì chị "lễ tân" nhắc nhở: "Đặt lễ đi, 72.000 đồng, còn hơn bao nhiêu thì tùy tâm".
Sau khi giao thuốc cho "người nhà" bệnh nhân, "thầy” Chanh không quên dặn dò trong thời gian uống thuốc thì "người nhà" phải lên nhà "thầy" nghe "thầy" hát mỗi tuần một lần vào sáng thứ 5 để cho bệnh tật khỏi triệt để.
Vậy là chỉ tốn chưa đến 100.000 đồng, trong tay tôi đã có cả một túi thuốc để chữa bệnh cho "bà cô"! Mà theo lời "thầy" thì yên tâm sẽ khỏi bệnh. Nhưng không hiểu sao mới chỉ nghe tôi nói "bà cô" bị bệnh hiểm nghèo mà "thầy” Chanh đã gán cho "bà cô" tôi căn bệnh ung thư. Tuy nhiên, tôi không có "bà cô" nào có cái tên như trong tờ giấy "đăng ký" với "thầy" chứ chưa nói gì đến bệnh tật. Trong khi tôi đang thâm nhập "phòng khám" của bà Chanh thì phía ngoài ngõ, một đồng nghiệp của tôi đang bị 2 người phụ nữ giằng co không cho tác nghiệp. Lý do mà những người này đưa ra để ngăn cản đồng nghiệp của tôi là khu vực nhà "thầy"… "cấm" chụp ảnh(?!)
Điều đáng nói, bệnh ung thư đang được người ta gọi là "tử thần", trừ phi được phát hiện sớm thì có thể sử dụng phương pháp phẫu thuật để cắt u. Do điều kiện sống ở Việt Nam, số người khám định kỳ để có thể phát hiện ung thư sớm rất ít nên hầu hết bệnh nhân ung thư khi phát hiện thì đã ở giai đoạn cuối. Những trường hợp này thường chỉ có thể phẫu thuật rồi truyền hóa chất, xạ trị để khống chế những tế bào ác, kéo dài "tuổi thọ" chỉ tính bằng "tháng". Với những bệnh nhân ung thư phải đến bệnh viện (chủ yếu là bệnh viện K) tốn hàng chục triệu đồng, mà ranh giới của sự sống và cái chết cũng chỉ là một khoảng cách mong manh. Vậy mà đối với "thầy" Chanh, chỉ cần… bắt tay gián tiếp đã "phán" được mức độ của bệnh tật, và kinh phí chữa trị bệnh ung thư của "thầy" chỉ tính bằng… trăm nghìn đồng?
Sự thật về cái bắt tay của "thầy"
Được biết, tháng 12/2010 UBND xã Thanh Vân đã triệu tập bà Chanh lên trụ sở để yêu cầu bà dừng ngay hoạt động chữa bệnh trái phép vì không có cơ sở khoa học. Tuy nhiên không những bà Chanh không chấp hành mà còn giải thích việc bà chữa bệnh bằng những cái bắt tay là không có thật. Bởi vì những cái "bắt tay" của bà chỉ thể hiện sự thân thiện với bệnh nhân, và còn một lý do chính đáng khác nữa là: "Khi tôi đưa thuốc cho bệnh nhân thì họ cảm ơn tôi bằng cái "bắt tay" là chuyện bình thường (?!)”. Việc bà tổ chức "hát" cho bệnh nhân và người nhà bệnh nhân nghe là những bài hát ca ngợi đất nước… với mục đích cho họ được tham gia "văn nghệ" để có tư tưởng thoải mái hơn…(?!)
Mặt khác, khi có giấy triệu tập của UBND xã, có khoảng một trăm người đã kéo nhau đến nhà "thầy” Chanh để yêu cầu UBND xã không được can thiệp vào hoạt động chữa bệnh có hiệu quả của "thầy" (?). Để chứng minh điều này, "thầy Chanh" đã cung cấp hàng loạt địa chỉ những "bệnh nhân" đã từng đến nhà bà để chữa bệnh, và những người trong danh sách do bà Chanh cung cấp đều sẵn sàng khẳng định việc "thầy" chữa bệnh cho họ là có hiệu quả. Thậm chí có người còn cho biết, sau khi uống thuốc của "thầy" Chanh thì họ đã hoàn toàn khỏi bệnh.
Hơn một trăm người đến nhà, đề nghị bà Chanh tiếp tục hành nghề (năm 2010). (Ảnh: TL)
Tuy nhiên, một số người dân thôn Tiên Du lại khẳng định rằng những người đến nhà bà Chanh rồi kéo nhau ra trụ sở UBND xã yêu cầu UBND xã để cho bà Chanh chữa bệnh, rồi những địa chỉ bệnh nhân do bà Chanh cung cấp để chứng minh khả năng chữa bệnh của mình… chỉ là những "chân, tay" của bà Chanh. Đó là những người thân trong họ hàng và những người được bà Chanh… "thuê"! Thậm chí là bất cứ bệnh nhân nào vào đến nhà "thầy" Chanh cũng có thể gặp một vài bệnh nhân từ trong nhà "thầy" Chanh bước ra với khuôn dung tươi tỉnh, và những lời cảm ơn thắm thiết.
Theo tìm hiểu của PV, những "bệnh nhân" đó cũng chỉ là những "cò mồi" để "lấy lòng tin" cho những bệnh nhân ở xa đến mà thôi. Hay cả mâm tiền đầy với những tờ tiền mệnh giá lớn (50.000 đồng; 100.000 đồng; 200.000 đồng…) dưới ảnh chân dung của "thầy" Chanh cũng chủ yếu là tiền của "thầy" tự xếp lên thể hiện là có rất nhiều người đến chữa bệnh và "đặt lễ" để làm "mồi" cho những người khác đến "liệu mà đặt lễ cho thầy".
Đặc biệt, sau khi bà Chanh bị UBND xã triệu tập để yêu cầu dừng hoạt động khám chữa bệnh trái phép này, bà Chanh lại có thêm một số "chân rết" làm “cảnh giới". Những "chân rết" này có nhiệm vụ: Khi phát hiện cơ quan chức năng về kiểm tra thì "mật báo" ngay cho cả nhà "thầy" Chanh đóng cửa… "đi vắng". Hoặc phát hiện có nhà báo về tác nghiệp thì phải bằng mọi cách "cấm" chụp ảnh và cản trở tác nghiệp… Do đó, đã có những lần đoàn kiểm tra của Phòng Y tế huyện Tam Dương, Sở Y tế tỉnh Vĩnh Phúc về công tác đều gặp cảnh… nhà "thầy" Chanh đóng cửa im ỉm.
Câu hỏi đặt ra với các cơ quan chức năng huyện Tam Dương và tỉnh Vĩnh Phúc: "Đến khi nào hoạt động khám chữa bệnh của “bà lang” Chanh mới được làm sáng tỏ?”.
(Còn nữa)
- Thứ gì được cất giữ ở một nơi trong Tử Cấm Thành mà cần có cảnh sát vũ trang canh gác 24/24 giờ?
- Nếu chồng bạn có những đặc điểm này thì có nghĩa là bạn đã chọn và cưới đúng người, rất chính xác!
- Massage cổ có gây nhồi máu não không? Lời khuyên của chuyên gia: 7 kiểu người này không phù hợp để massage
- Từ 1/7/2025: Thay đổi cách tính lương hưu theo Luật BHXH mới, hàng triệu người hưởng lợi
- Quận đông dân nhất Việt Nam: Dân số bằng 2 tỉnh cộng lại, là một trong hai quận lớn nhất TP. HCM
- Lịch nghỉ Tết Nguyên đán 2025 mới nhất của học sinh cả nước
- Thưởng Tết 2025, mức thưởng cao nhất là trên 500 triệu đồng/người. Là ai?
- Tại sao Sơn Tùng lại nổi tiếng?
- Trước Tết dương lịch 2025, đây là 6 thủ tục hành chính cần hoàn thành
- Đây là tên gọi đầu tiên của Hà Nội, người Hà Nội lâu năm chưa chắc đã biết, nó có ý nghĩa gì?
- Tin vui thưởng Tết Nguyên Đán 2025: Sẽ cao hơn năm 2024 từ 6 - 8%