Những "độc chiêu" hành nghề của lang băm (Kỳ 3)
Thứ bảy, 05/05/2012 16:51

Người bị cận thị thì phải đeo kính cận để nhìn bình thường. Và chữa được cận thị, với khoa học hiện đại ngày này chỉ có phương pháp duy nhất là phẫu thuật. Vậy mà có "cô lang" chữa khỏi cận thị bằng những… chiếc gai bưởi?

Kỳ 3: Chữa cận thị bằng... gai bưởi

Nhìn đã biết là… có bệnh?

Theo giới thiệu của một chị hàng nước trong quá trình đi tác nghiệp, chúng tôi tìm về thôn Mao Yên, xã Phượng Mao, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh. Nghe chị giới thiệu thì nơi đây có một "cô lang" có thể chữa trị được bách bệnh bằng những "phác đồ" điều trị rất… lạ. Sau khi tìm hiểu, chúng tôi được biết "cô lang" này có sở trường là chữa cận thị bằng… những chiếc gai bưởi. 

Tìm đường về thôn Mao Yên, chúng tôi hỏi thăm vào nhà cô Thược thì một người phụ nữ cho biết: "Lang Thược hả? Nhà mụ ấy ở kia kìa". Nói rồi người phụ nữ chỉ tay về phía ngôi nhà ngói đã cũ: "Anh chị tìm về nhà mụ ấy để chữa bệnh à? Tôi nói thật nhé, có bệnh thì dẫn nhau vào bệnh viện mà khám khiếc cho nó đàng hoàng, chữa vớ chữa vẩn ở nhà mụ ấy rồi mà tiền mất tật mang đấy".

Giọng người phụ nữ lanh lảnh như cố để nhiều người nghe thấy, nhưng chúng tôi biết những điều chị nói là chân thành. Mặc dù vậy, chúng tôi vẫn "cố tình" không nghe lời chị. Bởi chúng tôi tìm đến nhà "cô lang" Thược đâu phải để chữa bệnh!

Bước vào nhà "cô lang" Thược, tôi đã sẵn sàng với cặp kính cận đi… mượn. Sau màn chào hỏi, người phụ nữ khoảng 50 tuổi tự giới thiệu tên là "bà lang Thược" dẫn chúng tôi đến một gian nhà tuyềnh toàng đến mức không có cánh cửa. Trong gian nhà chỉ có chiếc giường gỗ đã cũ và vài chiếc khăn màu cháo lòng. Theo "cô lang" Thược thì đây chính là "phòng khám". Khi chúng tôi còn loay hoay chưa biết ngồi vào đâu thì "cô lang" đã "tập trung" vào chuyên môn: "Cô muốn chữa cái gì nào?". Tôi "đặt vấn đề" nhờ "cô lang" kiểm tra và chữa mắt thì "cô lang" vội "nổ" không cần suy nghĩ: "Mắt chứ gì? Cần gì phải khám, nhìn thấy cô vào đến cổng tôi đã biết ngay cô bị… cận rồi. "Chuyên môn" của tôi thì chỉ việc chữa bệnh thôi, không cần phải khám"(?!).

Có lẽ đây là lần đầu tiên tôi và đồng nghiệp gặp "lương y" chữa bệnh mà chỉ cần "nhìn" đã bắt được bệnh! Nhưng dù sao thì chúng tôi vẫn muốn "thử sức" với "cô lang" này. Bởi thực tế cặp kính cận mà tôi đang đeo chỉ là cặp kính… đi mượn chứ tôi đâu có bị cận? Nói xong, "cô lang" đi vào phòng trong lấy ra một hộp "đồ nghề" rồi tiếp tục như ra lệnh: "Cô bỏ kính ra xem nào".

Vừa nói, thấy tôi có vẻ ái ngại, "cô lang" vừa mở hộp "đồ nghề" lấy ra mấy chiếc gai bưởi và vài hộp bông gòn rồi quả quyết: "Cô cứ bỏ kính ra, tôi "làm" cho chỉ 30 phút là cô không phải dùng cái kính cận này được nữa đâu. Cô có muốn đeo cũng không thể đeo được nữa" (ý nói chữa khỏi cận và không cần dùng kính cận nữa - PV).

Bà “lang Thược” đang dùng gai bưởi chữa cận thị cho một bệnh nhân. (Ảnh: Internet)

Không thích thì thôi chứ… chữa là khỏi?

Dù đủ bản lĩnh đến mấy, tôi cũng không đủ can đảm bỏ cặp kính cận ra khỏi mắt để "cô lang" chữa bệnh. Nhìn vào mớ bông gòn và gai bưởi cũng đã đủ "sợ", vì không biết với những chiếc gai bưởi nhọn và sắc thế kia mà để cho "cô lang" "chọc" vào mắt mình thì không hiểu chuyện gì sẽ xảy ra? Như đoán được suy nghĩ của tôi,"cô lang" vội trấn an: "Cô yên tâm đi, chỉ cần cô đến đây 3 lần là mắt sẽ hết cận ngay thôi, không đau, không sao cả, tôi "làm" rất nhẹ nhàng".

Như để bao biện cho việc làm của mình, "cô lang" minh chứng: "Có ông bác sĩ  ở viện 108 về hưu bị mù lòa mà về đây  tôi khêu cho có 3 lần là khỏi… bây giờ ông ấy xem được ti vi rồi đấy… Không phải ai đến tôi cũng chữa cho đâu, tại tôi thấy cô sống có phúc lắm nên… Với tôi không thích thì thôi chứ… chữa là khỏi".

Không chỉ dừng lại ở việc "chữa là khỏi", "cô lang" này còn "nổ" như để uy hiếp tinh thần "bệnh nhân": "Tôi không chỉ chữa bệnh cho người trần mà còn chữa bệnh cho cả người âm, "cha mẹ" cho ăn lộc nên tôi mới chữa bệnh cứu mọi người thế này, chứ nguời trần mắt thịt làm sao mà chữa được như tôi?".

Sau những "vụ nổ" đôm đốp như ngô rang về khả năng chữa bệnh của mình, "cô lang" lại trầm giọng "tâm sự" về cuộc đời và "sự nghiệp" của mình: "Tôi đến với nghề chữa bệnh bắt nguồn từ lần mắt tôi bị nổi hai cục rất to, tôi đã tự lấy gương và gai đem khêu rồi cắt ra. Sau đo, tôi mang lên bàn thờ thắp hương cho chồng con xem. Kể từ đó tôi nhận thức việc hành nghề "thần y" là để tu tâm tích đức cứu người".

Ngoài ra “cô lang” còn kể để minh chứng nhiều "ca" đã từng tốn kém bao nhiêu tiền của, từ bệnh viện này đến bệnh viện khác vẫn thập tử nhất sinh. Nhưng sau khi tìm đến đây thì mọi chuyện trở nên "quá đơn giản", người bệnh được chữa khỏi, "cô lang" Thược thì có thêm cơ hội để "tích đức" với đời.

Nghe "cô lang" này kể lể thì thật đáng thương cảm, nhưng hàng xóm của "cô lang" là những người sớm tối nhìn thấy những thực tế cuộc sống hành nghề của cô.

Có những người đã từng nghe "cô lang" Thược để nhờ cô "giải bệnh" cũng thừa nhận rằng: Không hiểu tiếng lành tiếng dữ đồn gần đồn xa thế nào chứ cả cái làng Mao Yên này chứng kiến cô Thược chỉ chữa được bệnh ghẻ, nấm thôi, còn chữa bệnh về mắt thì không ai biết đến bao giờ. Thế mà không hiểu sao có cả những người từ Hà Nội, Hải Dương, Hưng Yên, Thanh Hóa… tới tận nhà cô để chữa về "mắt"?

Không biết việc sử dụng gai bưởi để "chọc" và chữa các bệnh về mắt được "cô lang" Thược "khai quật" từ tài liệu nào trong y học, hay trong dân gian? Và hoạt động chữa bệnh không có cơ sở khoa học này đã được ai công nhận? Trong khi việc hành nghề của "cô lang" Thược tồn tại ở địa phương được khoảng 6 năm? Chẳng lẽ chính quyền sở tại, Trung tâm y tế huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh không hay biết việc hành nghề trái phép của "cô lang" Thược?

(Còn nữa)

PLXH
Tag: Lang băm , Lừa đảo , Thầy lang , Phóng sự , Mê tín , Xã hội , Làng nghề