Du khách nào cũng sẽ bất ngờ và trầm trồ ngợi khen khi đến thăm làng văn hóa Gamcheon, còn được biết với tên gọi “làng nghệ thuật” Gamcheon.
Các nghệ sĩ và sinh viên Hàn Quốc đã tạo nên những tác phẩm nghệ thuật độc đáo ở “làng nghệ thuật” Gamcheon |
Khác với các tòa nhà chọc trời, cuộc sống nhộn nhịp, nền ẩm thực đặc trưng và bãi biển quyến rũ ở thành phố nghỉ mát Busan, làng Gamcheon yên tĩnh như níu chân lữ khách với các tác phẩm nghệ thuật được vẽ bằng sơn nước trước mặt tiền nhà hay những tác phẩm điêu khắc kỳ lạ được trưng bày khắp làng.
Dạo bước làng Gamcheon quanh co
Địa điểm quan sát Gamcheon lý tưởng nhất từ trên cao là “Sky Garden” - nơi đặt phòng triển lãm thông tin du lịch liên quan đến ngôi làng. Thú vị hơn cả vẫn là dạo bước trong những ngõ ngách của Gamcheon để khám phá những điều ngạc nhiên từ các tác phẩm nghệ thuật được sơn nhiều màu sắc trên mặt tiền ngôi nhà.
Tuy nhiên, du khách luôn được lưu ý không tách đoàn để không lạc vào những “mê cung” đường làng quanh co bởi trong mỗi con hẻm lại có ba - bốn hẻm nhỏ kết nối với các hẻm khác. Lời khuyên của người dân địa phương trong trường hợp đi lạc là hãy nhìn theo hướng đàn cá đang “bơi” trên vách tường hai bên đường đi!
Nhưng mỗi con hẻm trong làng sẽ dẫn dắt du khách đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác, từ tác phẩm điêu khắc hình con chim được thiết kế trên mái nhà cho tới bức tượng “Hoàng tử bé” trong tiểu thuyết cùng tên của Pháp đang cùng chú cáo yêu dấu của chàng hướng mắt nhìn về thị trấn bé nhỏ Gamcheon.
Những tác phẩm nghệ thuật được sơn tỉ mỉ lên vách nhà - Ảnh: CNN
Những phòng trưng bày công cộng tại làng Gamcheon sẽ đóng cửa vào lúc 6h chiều. Từ khoảng thời gian này, người dân trong làng bắt đầu quây quần bên nhau trò chuyện, họ muốn có được không gian sống yên tĩnh - Ảnh: CNN
Những đàn cá “bơi” chỉ đường cho du khách bị lạc - Ảnh: CNN
Từ “khu ổ chuột” tới “làng nghệ thuật” Gamcheon
Làng Gamcheon được gầy dựng bởi một cộng đồng tôn giáo khổ hạnh gọi là Taegeukdo - cộng đồng luôn đi đầu trong các phong trào đấu tranh giành độc lập cho bán đảo Triều Tiên đầu những năm 1900-1909.
Taegeukdo cũng chính là tên của “lá cờ thái cực” Hàn Quốc ngày nay. Các thành viên của cộng đồng Taegeukdo tin rằng hai vòng xoáy màu xanh - đỏ ở giữa lá cờ tượng trưng cho ước mơ của người dân Hàn Quốc phát triển thịnh vượng trong sự hòa hợp âm - dương của vũ trụ.
Đến năm 1950, làng Gamcheon trở thành một khu ổ chuột - nơi ở của những người tị nạn từ hậu quả của cuộc chiến tranh Triều Tiên (1950-1953). Năm 1955, trong giai đoạn tái thiết đất nước, chính quyền thành phố Busan yêu cầu cộng đồng người Taegeukdo với khoảng 800 hộ di chuyển đến khu vực Gamcheon có nguồn nước tinh khiết tạo điều kiện thuận lợi cho người dân sinh sống tại đây.
Theo worldcrunch.com, đời sống của người dân Taegeukdo thời đó còn gặp nhiều khó khăn. Họ bị ám ảnh bởi bệnh dịch tả hoành hành trong những năm 1960. Đến năm 1965, làng Gamcheon mới có điện sinh hoạt.
Sau này, khi đời sống người dân dần ổn định, họ chú trọng việc xây mới nhà ở. Những ngôi nhà tại Gamcheon được xây dựng theo từng hàng riêng biệt và các hàng cứ nối tiếp nhau chằng chịt qua những con hẻm dốc, quanh co bên sườn đồi nhưng vẫn tạo sự thoáng đãng cho không gian xung quanh nhà.
Quang cảnh làng Gamcheon những năm 1955 - Ảnh: CNN
Làng Gamcheon rực rỡ sắc màu nhìn từ phòng triển lãm “Sky Garden” - Ảnh: CNN
Cải tạo “làng nghệ thuật” Gamcheon
Năm 2009, Bộ Văn hóa Hàn Quốc đầu tư triển khai một dự án nghệ thuật nhằm “làm mới” làng Gamcheon theo từng chủ đề riêng biệt nhưng với tiêu chí giữ gìn nét kiến trúc vốn có của nó. Các nghệ sĩ và sinh viên am hiểu nghệ thuật đã được mời tới đây để trang trí lại ngôi làng.
Khá miễn cưỡng nhưng cuối cùng người dân địa phương đã bị thuyết phục bởi dự án này.
“30 tác phẩm nghệ thuật được trưng bày khắp làng. Được sự thỏa thuận, hợp tác của chính quyền và người dân địa phương, hơn 300 ngôi nhà và phòng tắm công cộng được cải tạo thành các phòng trưng bày nghệ thuật địa phương. Một số ngôi nhà khác được chuyển sang mục đích kinh doanh khách sạn hay mở các quán cà phê, lợi nhuận thu được đều là của dân”, người phụ trách mảng phát triển nhà ở Lee Kwi-hyang tại Gamcheon cho biết.
Một số ngôi nhà được chuyển đổi công năng sử dụng thành các nhà hàng hay các quán cà phê phục vụ du khách tham quan - Ảnh: CNN
Một phòng tắm công cộng được cải tạo thành một phòng triển lãm nghệ thuật - Ảnh: CNN
"Gamcheon - thị trấn nghệ thuật nhất châu Á"
“Ngày nay, cấu tạo kiến trúc nhà ở làng Gamcheon không thay đổi nhiều. Lĩnh vực phát triển nhà ở và thị trường bất động sản tại Gamcheon còn trầm lắng, dường như mọi người quan tâm nhiều hơn đến cuộc sống nhộn nhịp ở vùng đô thị Busan”, chuyên gia mỹ thuật Baik Young-je - tác giả nghiên cứu dự án nghệ thuật làng Gamcheon - làm việc tại ĐH Tongmyong, Hàn Quốc, nói.
Tuy nhiên, với kiến trúc nghệ thuật độc đáo của những ngôi nhà, làng Gamcheon ngày càng thu hút du khách đến tham quan với 250.000 người năm 2011 tăng lên 300.000 người năm 2012, theo worldcrunch.com.
Theo CNN, ngôi làng có nhiều sắc màu tươi tắn này đã tạo cảm hứng cho du khách, họ đặt các tên gọi khác như "thánh địa Machu Picchu của Hàn Quốc" (so sánh với Machu Picchu ở Peru) hay "đảo Santorini của Hàn Quốc" (so sánh với đảo Santorini ở Hi Lạp)...
Và có lẽ chính những điều độc đáo từ “làng nghệ thuật” Gamcheon đã làm Hãng tin CNN đặt tựa đề cho bài viết này là “Gamcheon - thị trấn nghệ thuật nhất châu Á”?
Những bức tượng hình dạng chim được thiết kế trên mái nhà - Ảnh: CNN
Tác phẩm chú cá nhiều sắc màu được trang trí trên tường của một con hẻm - Ảnh: CNN
Du khách tạo dáng bên tượng “Hoàng tử bé” - Ảnh: CNN
Clip đang được xem nhiều nhất: Xe container cháy ngùn ngụt trên cầu Lai Vu
- Virus HMPV là gì? Virus đang lây lan bệnh hô hấp tại Trung Quốc có nguy hiểm như Covid-19?
- Lừa đảo cận Tết ngày càng tinh vi, chủ tài khoản ngân hàng cần làm ngay việc này để tránh bị 'bay' sạch tiền
- Lịch nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 bắt đầu từ ngày nào?
- Khu đô thị nào có giá cao nhất Hà Nội, lên tới 113 triệu đồng/m2?
- Từ nay ai dùng căn cước công dân theo cách này có thể bị xử phạt lên tới 6 triệu đồng
- Cầu thủ Nguyễn Xuân Son là ai? Cơ duyên nào đưa Nguyễn Xuân Son đến với đội tuyển Việt Nam?
- Năm 2025: Người lao động có bao nhiêu ngày nghỉ lễ, Tết?
- Ngành nào có thu nhập cao nhất Việt Nam?