Những điểm lạ lùng trong vụ máy bay Malaysia mất tích
Chủ nhật, 09/03/2014 08:24

Chiếc Boeing 777 của Malaysia bị mất tích thuộc dòng phi cơ an toàn nhất thế giới. Thời điểm máy bay đứt liên lạc cũng là lúc ít sự cố nhất về mặt lý thuyết.

Hành trình chiếc máy bay gặp nạn

Hành trình chiếc máy bay gặp nạn

CNN hôm nay dẫn lời chuyên gia hàng không Richard Quest cho biết chiếc MH 370 của Malaysia có vẻ đang hoạt động tại thời điểm an toàn nhất khi được thông báo gặp sự cố.

"Chuyến bay đã khởi hành được 2 giờ, đang hoạt động ở giai đoạn bay bằng là an toàn nhất và ít nguy cơ xảy ra sự cố. Trong thời gian bay bằng, các phi công chỉ điều khiển cho máy bay lên hoặc xuống ở một mức cân bằng mới bằng cách điều chỉnh cánh tà và cánh lái. Tuy nhiên, hậu quả sẽ cực kỳ nghiêm trọng nếu có sự cố xảy ra đúng vào thời điểm này", vị chuyên gia này nhận định.

Ông Quest cũng cho biết, chiếc Boeing 777-200 gặp sự cố của Malaysia đã được sử dụng khoảng 11 năm, với hai động cơ Rolls-Royce Trent do Anh chế tạo. "Với thời hạn sử dụng như vậy, máy bay này chưa quá cũ. Malaysia hiện có tới 15 chiếc 777-200 và có nhiều kinh nghiệm trong việc vận hành".

Theo số liệu thống kê, Boeing 777 là dòng máy bay an toàn nhất thế giới với chỉ 3 sự cố trong vòng 20 năm qua. Ngoài ra, phi công lái chiếc phi cơ này có tới hơn 30 năm kinh nghiệm cùng với Malaysia Airlines.

Chia sẻ trên trang cá nhân, ông Lương Hoài Nam, nguyên Tổng giám đốc Air Mekong, chiếc B777 phải bay ngang Tân Sơn Nhất nếu đã cất cánh được 2h thay vì được xác định mất tích khi còn cách đảo Thổ Chu đến 300km. "Vị trí nghi vấn này cách Mũi Cà Mau khoảng 225 km, cách sân bay Kuala Lumper 510 km. Nếu đúng là ở đây thì sau khi rời đường băng, máy bay mới chỉ bay chưa đầy 1 giờ. Với 2 giờ bay, B777 phải lên đến ngang sân bay Tân Sơn Nhất", vị này phân tích.

may-bay-malaysia-gap-nan1

Chuyên gia Việt Nam cho rằng chiếc máy bay mới khởi hành 1 giờ trước khi gặp sự cố.

Trong khi đó, đề cập đến nghi vấn máy bay không báo cáo dấu hiệu sự cố trước đó, ông Greg Feith, cựu điều tra viên của Ban An toàn giao thông quốc gia Mỹ (NTSB) khẳng định phi công vẫn có thể báo cáo về sự cố ngay cả khi máy bay mất điện bằng acquy dự trữ. Do đó, việc không có thông báo trước đó của phi hành đoàn khiến vị này đặt giả thiết chiếc B777 gặp vấn đề về áp suất khi đang bay.

"Ở độ cao 9.000 - 12.000m, nếu xảy ra vấn đề về điều áp, phi hành đoàn chỉ đủ oxy để xử lý tình huống trong một vài giây".

Trong trường hợp chiếc máy bay gặp sự cố, bắt buộc hạ cánh trên biển, khả năng tử vong của hành khách và phi hành đoàn sẽ rất cao bởi thông thường, máy bay sẽ bị gãy đôi, gây nổ hoặc nhanh chóng chìm xuống biển. Theo một tiếp viên hàng không Việt Nam đang làm việc cho Etihad Airways, nếu hạ cánh an toàn xuống biển, tốc độ để thoát hiểm cho toàn cabin chỉ là 90 giây, bao gồm cả tổ lái và tiếp viên.

"Trên chiếc máy bay này có có 8 cửa trang bị phao trượt, với khả năng trượt tối đa là 70-80 người. Khi khách thoát ra xong thì cầu phao để tuột xuống tự biến thành xuồng hơi cứu hộ. Tuy nhiên, 2 cửa thoát hiểm ở bên cánh không trang bị phao này, do đó, khách phải tự nhảy ra ngoài và bơi đến phao nhanh nhất có thể. Trong tất cả trường hợp đáp khẩn cấp, đáp trên biển có tỷ lệ tử vong cao nhất", tiếp viên này cho biết.

Zing.vn

Clip đang được xem nhiều nhất: Thủ tướng đồng ý phương án thi tốt nghiệp THPT 2020

Tag: Máy bay rơi , Máy bay Malaysia rơi gần Việt Nam , Tai nạn máy bay , Máy bay Malaysia ở vùng biển Việt Nam