Những ngày Long lên cơn, bố mẹ phải luân phiên nghỉ làm ở nhà canh gác. Vì lẽ đó, những trang nhật kí “cùng con cai nghiện” của ông Hưng cứ thế dày thêm.
Học viên tại một trung tâm cai nghiện ma túy |
Nhật ký cai nghiện xót lòng mẹ cha
Sinh năm 1974, là “cháu đích tôn” trong gia đình cả bố và mẹ đều là con độc, lại đẹp trai và khéo ăn nói nên Long được cưng chiều từ nhỏ. Mỗi lần cô Hồng (mẹ của Long) dạy con là một lần bị bà mẹ chồng nhắc nhở. Một phần vì sự chiều chuộng của gia đình, sự bao bọc “quá đà” của ông bà nội mà Long đã sa chân vào nghiện ngập. Cũng từ đây, con đường cai nghiện, tái nghiện rồi lại cai nghiện của Long cứ lặp đi lặp lại như một điệp khúc không lối thoát.
Tiếp tôi trong căn nhà nhỏ cuối ngõ chợ Khâm Thiên (Đống Đa, Hà Nội), vợ chồng ông Hưng hồi tưởng lại những ngày tháng phải đấu trí, đánh vật và đánh cược với chính con trai của mình. Đã 12 năm trôi qua nhưng tôi có cảm nhận, trái tim người làm cha, làm mẹ này chỉ vừa mới liền sẹo. Những câu hỏi của người viết về những năm tháng cai nghiện cho Long dường như đã kéo tất cả những hình ảnh đau xót nhất ùa về trong kí ức của hai bậc sinh thành.
Ông Hưng kể, những năm 90, học xong cấp 3, Long đi bộ đội. Cũng trong thời gian nhập ngũ, Long quen một vài người bạn ở Bắc Giang. Hồi đó ở các tỉnh phía Bắc xuất hiện loại ma túy đen (thuốc phiện), được chưng cất từ quả cây anh túc. Dân nghiện thì ngả bàn đèn để hút, còn đám thanh niên như Long dùng để “phết” ra ngoài điếu thuốc lá. Hút vài lần thấy lạ, lại có sẵn nguồn, Long hút thành quen. Cũng cần phải nói, vào những năm đó, ma túy còn là một khái niệm khá mới mẻ với nhiều người chứ chưa nói là bị cấm.
Hết hạn nghĩa vụ quân sự, Long có một khoảng thời gian rảnh rỗi ở nhà chờ việc làm. Về Thủ đô hoa lệ, bị bạn bè xấu lôi kéo, Long lại biết “bột trắng” hút còn “đã” hơn bột đen. Anh nhanh chóng sa vào “vòng tay” của “tử thần vô hình”.
Long nghiện, nhưng cả nhà không hề hay biết. Cậu vẫn bóng bẩy, sạch sẽ, không “sợ nước” như những con nghiện khác. Ông Hưng thú nhận, cũng vì cả hai vợ chồng đều là công nhân viên chức nhà nước nên không có thời gian sát sao với con. Vẫn nghĩ con mình ngoan ngoãn, rảnh rỗi thì đi chơi bi-a với thanh niên trong xóm.
Cho đến một ngày, bà Hồng đi chợ và nghe loáng thoáng hàng xóm “xì xầm” sau lưng: “Thằng bé nhà bà nhìn thế mà nghiện, nhà đó chỉ có mỗi thằng con trai, khổ thế cơ chứ”. Chột dạ, bà gặng hỏi con nhưng tất nhiên, Long chối đây đẩy. Để ý thấy Long sức khỏe sa sút, thỉnh thoảng lại mang đồ nhà đi đặt, bà Hồng quyết đi theo dõi và quặn lòng khi nhìn thấy “cậu quý tử” mua hàng trắng. Bị mẹ bắt tại trận, Long không thể chối cãi.
Năm lần bảy lượt cai nghiện, mỗi lần cũng ngót nghét cả chục triệu, con số này khoảng chục năm trước là một khoản tiền rất lớn, ấy vậy mà mỗi lần cai xong, Long lại “ngựa quen đường cũ”. Nhưng vợ chồng ông Hưng vẫn kiên nhẫn, hết lời khuyên răn Long. Có một điều lạ là chưa bao giờ hai vợ chồng ông mắng Long một câu chứ chưa nói đến đánh chửi. Chỉ lấy tình cảm mà khuyên răn, hết lần này đến lần khác.
Có lần cai tại nhà, Long bị xích chân vào cửa sổ, vì sợ con đau, ông Hưng không dám xích chặt. Không hiểu làm thế nào, Long rút chân ra được và ngạc nhiên hơn là Long còn chui ra được từ chiếc cửa sổ đã đựơc đóng song sắt để đi mua “hàng”. “Hành sự” xong, Long lại quay về nhét chân vào xích như chưa có chuyện gì xảy ra.
Mọi sinh hoạt của Long đều đến tay bố mẹ. “Thật chẳng khác gì chăm một ông trẻ, đến bố cô, cô cũng không phải chăm đến mức đó”, bà Hồng nhớ lại quãng thời gian ngày 3 bữa đưa cơm vào phòng cho Long. Có hôm bà tâm sự với con thâu đêm suốt sáng. Tất cả những tình tiết “bi hài kịch” lẫn lộn đó, ông Hưng đều ghi chép vào trong quyển nhật kí “cùng con cai nghiện”.
Có những tình huống hài mà đau xót, có những đoạn dằn vặt mà khiến người ta cảm phục. Đó là những lúc Long lên cơn, bị xích vào cửa sổ, nước mắt đầm đìa nhìn mẹ mà khóc: “Con xin mẹ, mẹ giúp con, con xin mẹ đấy”. Kể đến đây, mắt bà Hồng ngấn nước, bà nói: “Chắc lúc đó nó phải khó chịu lắm, nó khóc thét, van nài tôi, bố nó phải ghì chặt nó xuống đất còn tôi thì phải cho nó uống thuốc ngủ. Với tình thương vô bờ bến và sự kiên trì của người cha, người mẹ, dần dần, Long cũng nhận ra điều đó, và anh quyết tâm cai ma tuý.
Bà Hồng, mẹ Long kể lại những ngày sóng gió của Long
Từ “con nghiện” trở thành giám đốc ở xứ sở Kim Chi
Long tâm sự với bố, nhiều lần anh muốn cai nhưng cứ ra đường, gặp bạn bè cũ, họ lại làm đủ mọi cách để anh tái nghiện. Muốn “dứt tình” với ma túy, Long xin bố mẹ lo cho thủ tục để đi lao động nước ngoài. Trong thời gian chuẩn bị, để chứng minh quyết tâm của mình, anh tự xích chân vào cửa, khóa lại rồi đập bẹp cái khóa và tuyên bố: “Khi nào con khỏi thì bố cưa xích cho con”.
Vợ chồng ông Hưng vừa mừng vừa lo. Hai người bàn bạc và đi đến quyết định: “Một là còn, hai là mất”. Ki cóp chạy chọt rồi nhờ vả khắp nơi, thậm chí hai người còn phải vay nặng lãi để dồn vào “ván bài cuối cùng”. Hai tháng tự nhốt mình trong phòng, cùng với sự chăm sóc, tẩm bổ của mẹ, Long “lại người” rồi khỏe mạnh, lấy lại được vóc dáng trước kia.
Rồi đến những ngày anh đi học tiếng Hàn. Hàng ngày bà Hồng lại lóc cóc đạp xe đến trung tâm, nhìn theo bước chân con vào lớp rồi ngồi chờ cho đến lúc anh ra. Hai ông bà già bỏ hết công việc, trở thành vệ sĩ 24/24h cho cậu con trai. Rồi những hi sinh vất vả của các bậc sinh thành cũng sinh hoa kết trái. Ngày Long lên máy bay sang nước người, cách ly với cuộc sống lệ thuộc vào thứ bột trắng chết người đã đến.
Tiễn con ra sân bay, vợ chồng ông Hưng trở về với gánh nặng nợ nần nhưng trong lòng nhẹ nhõm, dù chưa hết âu lo. Con trai của ông bà đã “thành người”, đó là điều quan trọng nhất. Một năm ở “xứ sở Kim chi”, Long đã gửi đủ tiền để trả mọi khoản nợ. Hiện Long đã lấy vợ người Hàn Quốc. Anh đã có một công ty riêng trên đất Hàn chuyên về may mặc.
Đã 5 lần Long dẫn vợ con về thăm quê hương nhưng không lần nào cô chú Hưng nhắc đến quá khứ của anh. Sợi xích ở cửa sổ cũng bị gỡ xuống, quyền nhật kí cũng được ông bà chôn đi, điều còn lại là những nếp nhăn trên mắt người cha, người mẹ mà nếu có thể giấu được, ông bà cũng muốn giấu đi.
* Tên nạn nhân đã thay đổi
- Đấu giá biển số vừa diễn ra, đắt nhất ở tỉnh thành nào?
- Sau 1/1/2025, thẻ chưa xác thực sinh trắc học sẽ không rút được tiền từ máy ATM, có đúng không?
- Loại gỗ quý hiếm 800 năm mới được thu hoạch, được mệnh danh ‘vàng đen’ và nằm trong Sách đỏ Việt Nam
- Tin vui với người sinh năm 2000, 1985, 1965 khi làm căn cước công dân trong năm 2025
- Ăn lẩu vào mùa đông cực ngon, nhưng ăn sai cách thì 'độc khủng khiếp', chẳng khác nào tự rước ung thư vào người
- Từ 15/1/2025: Đi xe máy mới mua chưa có đăng ký xe và chưa có biển số sẽ bị CSGT tịch thu, đúng không?
- 230 triệu năm trước, có một trận mưa kéo dài suốt 2 triệu năm, đưa loài khủng long lên vị trí thống trị
- Sau 1/1/2025, thẻ chưa xác thực sinh trắc học sẽ không rút được tiền từ máy ATM, có đúng không?
- Tin vui với người sinh năm 2000, 1985, 1965 khi làm căn cước công dân trong năm 2025
- Chữ cái duy nhất không xuất hiện trong tên của bất kỳ tỉnh, thành nào tại Việt Nam, là chữ gì?
- Con phố nào giàu nhất Hà Nội, người gốc Thủ đô chưa chắc đã biết chính xác?
- Từ 1/1/2025: Những đối tượng này sẽ được cấp thẻ BHYT miễn phí
- Từ 1/7/2025: Thay đổi cách tính lương hưu theo Luật BHXH mới, hàng triệu người hưởng lợi
- Quận đông dân nhất Việt Nam: Dân số bằng 2 tỉnh cộng lại, là một trong hai quận lớn nhất TP. HCM
- Lịch nghỉ Tết Nguyên đán 2025 mới nhất của học sinh cả nước