Nguyên nhân đình chỉ vụ án "cô gái bị xăm rết lên mặt"?
Thứ hai, 02/09/2013 08:09

Lãnh đạo TAND. TP. Vũng Tàu (nơi thụ lý xét xử vụ án) bày tỏ bất ngờ trước những nhận định của cấp trên (TAND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu).

Nguyễn Thị Anh bị bắt sau khi cơ quan điều tra vào cuộc

Nguyễn Thị Anh bị bắt sau khi cơ quan điều tra vào cuộc

Sau khi có quyết định giám đốc thẩm của Tòa án cấp trên về việc xem xét lại quyết định đình chỉ xét xử vụ án "nữ tiếp viên bị xăm con rết lên mặt" của toà án cấp dưới, quyết định này đã gây ra sự tranh cãi giữa hai cấp toà . Vậy luật điều chỉnh vấn đề này như thế nào?

Bị hại thỏa thuận với bị cáo để rút yêu cầu khởi tố

Lãnh đạo TAND. TP. Vũng Tàu (nơi thụ lý xét xử vụ án) bày tỏ bất ngờ trước những nhận định của cấp trên (TAND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu). Phát biểu với báo giới, bà Nguyễn Thị Phúc - Chánh án TAND TP. Vũng Tàu cho biết: “Đối với phần nhận định của TAND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, người tham mưu chấp bút văn bản chưa nghiên cứu kỹ hồ sơ". 

Còn phó Chánh án phụ trách Hình sự Nguyễn Thanh Sơn cho rằng: "Sau khi có quyết định đưa vụ án ra xét xử, TAND TP. Vũng Tàu đã mời bị hại là mẹ con chị Nguyễn Thị Giang (22 tuổi, quê Nghệ An) đến để làm rõ yêu cầu bị cáo bồi thường 450 triệu đồng trước khi phiên tòa diễn ra. Đây là việc làm nhằm bảo vệ và giúp bị hại có cơ sở khi đưa yêu ra cầu bồi thường trước tòa.

Lúc này, phía bị hại cho biết đã có thỏa thuận với phía bị cáo, đồng ý nhận bồi thường 400 triệu đồng, đồng thời đề nghị rút đơn yêu cầu khởi tố vụ án, chứ chúng tôi không hề tổ chức hòa giải. Điều này được thẩm phán Nguyễn Thành Hiếu - người trực tiếp thụ lý xét xử vụ án đồng tình".

Về việc Ủy ban Thẩm phán cho rằng vụ án "đã áp dụng luật sai dẫn đến tình huống bị hại rút đơn và tòa ra quyết định đình chỉ vụ án", Thẩm phán Hiếu cho biết: Trong quá trình thụ lý hồ sơ, ông đã trả hồ sơ cho VKSND cùng cấp làm rõ 3 vấn đề: Thứ nhất, bị cáo Nguyễn Thị Anh chủ quán cà phê Mỏ Neo ở Vũng Tàu và Nguyễn Thị Hương (nhân viên của quán) đi thuê Trần Đại Long xăm hình cho Giang hay không; Thứ hai, Long có biết là được thuê xăm hình ngoài ý muốn của Giang không; Thứ ba, xem xét Hương có hay không hành vi cưỡng đoạt tài sản của Giang khi đi rút 199 USD.

Tuy nhiên, sau khi hoàn lại hồ sơ cho toà, VKSND vẫn giữ quan điểm truy tố bị cáo Anh và Hương khoản 1 Điều 104 Bộ luật Hình sự và không khởi tố Long. 

Còn theo bà Phúc: "Tại Điều 4 BLHS, trước khi đưa ra xét xử, người bị hại có quyền rút yêu cầu, mà nguyên tắc của luật hình sự luôn áp dụng có lợi cho bị can. Thế thì tại sao người ta rút yêu cầu, mình lại mang ra xử ?"

Theo bà Phúc, cả bị hại và bị cáo Hương đều là người làm thuê cho Anh. Trong đó, Hương đã bị tạm giam 16 tháng. Nếu như không có quyết định đình chỉ xét  xử của toà thì không biết bị giam đến bao giờ. Còn gia đình bị hại thì tỏ ra rất mãn nguyện với số tiền được bồi thường.

Hành vi phạm tội của bị cáo Anh xuất phát từ bản năng, từ sự ghen tuông của người phụ nữ. Và trong lúc ghen tuông thì bộc phát chứ chưa hẳn bản chất đã là như thế.

Phó Chánh án Nguyễn Thanh Sơn cho rằng, những trường hợp "gây cố tật nhẹ" là thương tích dưới 11%, nhưng ở đây thương tích 15% nên không thuộc trường hợp "gây cố tật nhẹ". Một lý do khác nữa là không xác định được hành vi thuê người gây thương tích hoặc gây thương tích thuê, nên không thể chuyển lên Khoản 2.

Đặc biệt, VKSND đã truy tố Khoản 1, nâng lên Khoản 2 thì đã được tổ chức họp liên ngành nhiều lần nhưng không nâng được thì tòa cũng không có cơ sở vững chắc để tuyên Khoản 2 được. Mà truy tố Khoản 1, khi có yêu cầu rút đơn thì phải đình chỉ xét xử vụ án.

Bị hại của vụ án

Đình chỉ vụ án là đúng luật (!?)

Về vấn đề nêu trên, Luật sư Hoàng Long Hà, phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu chia sẻ: Nguyễn Thị Anh là người bị VKSND và TAND TP. Vũng Tàu truy tố, xét xử hai tội danh: “Cố ý gây thương tích” theo Khoản 1 Điều 104 và “Làm nhục người khác” theo Khoản 1 Điều 121, BLHS.

Trước khi xét xử sơ thẩm do phía người bị hại đã nhận tiền bồi thường và tự nguyện có văn bản rút yêu cầu khởi tố, nên Tòa án căn cứ Khoản 2 Điều 105, Bộ luật Tố tụng Hình sự (BLTTHS) ra quyết định đình chỉ vụ án là đúng pháp luật.

Theo bản kết Luận giám định pháp y thì Giang bị thương tích 24,89%, vì vậy  Anh đã bị truy tố về tội “Cố ý gây thương tích” theo Khoản 1 Điều 104, BLHS. Vấn đề cần bàn đến ở đây là: Thương tích của  Giang do bị xăm hình có "gây cố tật nhẹ" hay không; việc xăm hình ở ngoài da thuộc phần mềm trên cơ thể chủ yếu là ảnh hưởng đến thẩm mỹ của Giang. Bệnh viện Thu Cúc (TP. Hà nội) đã  điều trị miễn phí cho Giang, hiện hình xăm đã mất hẳn.

Về ý kiến cần truy tố  Anh theo Khoản 2 Điều 104, BLHS (với tình tiết thuê người khác gây thương tích), tôi cho rằng: Cả  Hương và  Giang đều là người làm công trong gia đình  Anh.  Hương cho biết vì  Anh là chủ có yêu cầu nên Hương đã dẫn Giang đi xăm hình.

Quá trình điều tra đã làm rõ không có việc Hương đã nhận được tiền do  Anh đưa, hoặc được Anh hứa hẹn trả tiền công sau khi xăm. Số tiền Hương trả cho Trần Đại Long sau khi xăm là do Giang và Hương tự đi rút tiền tại Bưu điện (do một người nước ngoài gửi cho Giang 200 USD) chứ không phải tiền của Anh đưa cho Hương để dẫn Giang đi xăm.

Trâm Anh cũng không hề nói với Hương là phải đưa Giang đi xăm như thế nào, kích thước hình thù to nhỏ ra sao, bằng phương pháp gì. Việc xăm hình các con rết trên người Giang là do Hương tự bàn bạc với Long. Tôi cho rằng hoàn toàn không có căn cứ để đề nghị truy tố Nguyễn Thị Anh theo Khoản 2 Điều 104- BLHS với cả hai tình tiết nêu trên .

Đối với nội dung cho rằng, cần phải truy tố Trần Đại Long về tội "Cố ý gây thương tích", Luật sư Hà phân tích: Long là người có Giấy phép hành nghề xăm hình, trên máy vi tính của Long có những hình con rết với nhiều kiểu dáng khác nhau cũng như nhiều con vật, nhiều hình mẫu khác. Việc chọn xăm hình con vật gì, ở vị trí nào, kích cỡ to nhỏ… là hoàn toàn theo ý muốn của người đi xăm.

Hồ sơ vụ án thể hiện: Vào tối ngày 29/11/2011,  Giang và Hương đi lòng vòng trên một số tuyến phố để tìm tiệm xăm của Tân (bạn của Giang) nhưng không thấy. Đến khi tìm được đến tiệm của Long thì Giang chỉ tỏ thái độ rất buồn, không nói gì với Long, chỉ thì thầm trao đổi với Hương mà thôi.

Do đó Long tưởng Giang buồn chuyện gia đình gì đó nên đi xăm hình, chính Long còn tư vấn cho Giang và Hương nếu xăm hình con rết nhỏ sẽ thẩm mỹ hơn, nhưng Hương đã quyết định xăm hình con rết to cho Giang. Tiền công Long nhận được từ Hương và Giang đưa là tiền công hợp pháp. Do đó cũng không có căn cứ để truy tố Trần Đại Long là đồng phạm về tội "Cố ý gây thương tích" với tình tiết “gây thương tích thuê”.

Vụ án "xăm con rết lên mặt"

Nghi ngờ nữ nhân viên có quan hệ tình cảm với chồng mình nên Nguyễn Thị Anh gọi cho em gái chở Giang đến ngôi nhà hoang của mẹ đẻ trên đường Thống Nhất để tra hỏi.

Bị đánh đập, doạ nạt, Giang phải nhận đã ba lần "yêu" chồng bà chủ. Sau khi cạo trọc đầu nhân viên, chiều 29/11/2011, Anh gọi cho Hương bắt đưa Giang đi xăm hình 3 con rết.

Trước khi đi, Hương chở Giang đến ngân hàng để rút tiền do một người thân gửi cho Giang rồi lấy luôn số tiền này đi xăm hình tại tiệm của Trần Đại Long.

Ngày hôm sau, Hương và người nhà của Anh đưa chị em Giang ra bến xe về Nghệ An. Ngày 11/12/2012, Giang đã làm đơn tố cáo sự việc với công an. Sau khi điều tra, Anh bị truy tố về 2 tội "Làm nhục người khác" và "Cố ý gây thương tích", Hương bị truy tố về tội "Cố ý gây thương tích" với vai trò đồng phạm.

 

Phapluatvn.vn

Clip đang được xem nhiều nhất: Thêm clip bạo hành trẻ em gây phẫn nộ: Cha đẻ đánh đập dã man, tung chân đạp con gái nhỏ bay xa 2 mét!

Tag: Nguyễn Thị Anh , Xăm rết lên mặt , Làm nhục người khác , Bà Rịa Vũng Tàu , Xăn rết