Người tù oan tập đón xuân đời thường sau 10 năm ăn tết trong nhà giam
Thứ tư, 29/01/2014 06:57

Ông Chấn ngồi nhẩm tính năm nay khách đến chơi nhà vào dịp Tết sẽ rất đông...

Ông Nguyễn Thanh Chấn trong ngày lễ Ông Công Ông Táo

Ông Nguyễn Thanh Chấn trong ngày lễ Ông Công Ông Táo

Sau 10 năm đón Tết trong tù, mùa Xuân này người bị oan án Nguyễn Thanh Chấn (SN 1961, ngụ thôn Me, xã Nghĩa Trung, Việt Yên, Bắc Giang) phải “tập đón Tết” năm đầu tiên được trở về đời thường.

Mười cái Tết tủi hổ trong nhà giam

Nhà ông Chấn nằm lọt thỏm ở cuối thôn Me. Ông đang vụng về tập đi xe máy ở sân nhà, cười: “Mấy ngày nay tôi tập đi xe máy mà chưa đi được, chưa dám lái xe ra đường”. Ông tâm sự, mười năm về trước, xe máy chưa có nhiều như bây giờ; trước khi bị bắt gần một tháng, gia đình mua được một chiếc xe máy cũ. Trước đây ông chạy được xe máy nhưng sau mười năm không đi, hiện tại ông đã quên cách chạy xe. “Cứ ngồi lên xe là tôi thấy choáng, đường làng lại ngóc ngách, nhỏ hẹp, chưa dám đi xe ra ngoài”, ông nói. Hiện nếu có việc đi đâu đó, ông lại lôi chiếc xe đạp do một người ở dưới Hà Nội trao tặng lóc cóc đạp đi. “Tôi định tập xe máy để Tết này đi chơi, nhưng xem chừng khó quá”, ông Chấn cười ngượng ngùng.

Đúng lúc đó thì bà Nguyễn Thị Chiến (SN 1965, vợ ông Chấn) đi đâu về, “mắng yêu”: “Ông ấy giờ biết gì đâu, thành người nguyên thủy rồi, xe máy không biết đi, điện thoại cũng không biết dùng”. Người chồng lại cười hồn nhiên: “Hồi tôi bị đi tù có điện thoại như bây giờ đâu, nay thay đổi nhiều quá, đến trẻ chăn trâu cũng có điện thoại dùng”. Ban đêm rảnh rỗi, ông thường mượn điện thoại vợ, nhờ hướng dẫn cách sử dụng. Nhưng ông thú thực, đến giờ ông vẫn chưa biết cách sử dụng. “Tôi đang định mua một cái điện thoại rẻ tiền về dùng trong Tết, có đi đâu, bạn bè, gia đình dễ liên lạc”, ông Chấn nói.

Nhớ về quãng thời gian đằng đẵng trong tù, khó quên nhất với ông Chấn là khoảng thời gian Tết đến Xuân về. Tết đầu tiên dính vòng oan án năm 2004, khi đó ông vẫn đang ở trại tạm giam Công an tỉnh Bắc Giang. “Sau một thời gian sống khổ sở, bị ép cung, Tết đến tôi chẳng thiết tha gì. Tôi bị oan mà họ không cho thanh minh, nói lời nào bị gạt đi lời ấy. Họ cố tình tống tôi vào ngục. Tôi hai lần tự vẫn trong trại tạm giam nhưng được cứu sống. Tết đến được cấp hai cái bánh chưng. Ban đầu tôi chẳng thiết ăn uống, nhưng đói quá phải ăn. Vừa ăn, nước mắt vừa lưng tròng”, ông nhớ lại.

Tết năm đầu tiên ở trại, người thân chưa được phép đến thăm vì đang trong thời gian điều tra. Tết năm sau vợ được đến thăm thì ông đã chuyển lên trại giam Vĩnh Quang (xã Đạo Trù, huyện Tam Đảo, Vĩnh Phúc) ít ngày trước Tết. “Tôi đến xin gặp chồng thì người ta bảo chuyển đi chỗ khác rồi. Chẳng biết làm thế nào, tôi chỉ biết khóc, lủi thủi đi về”, người vợ nhớ lại.

Mười năm chồng đi tù, năm nào trước Tết, khoảng ngày 24 đến 26 bà cũng lên trại thăm chồng. Nhà nghèo, quà mang theo chẳng có gì, chỉ là ít cá khô, lạc rang. Năm nào nhà nuôi được gà vịt, bà vợ sẽ thịt rồi mang đi cho chồng một con. Năm nào không có, bà ra chợ mua được cân thịt, đem kho mang lên cho chồng. Bà cũng không quên mang bịch thuốc lào. Có vài năm việc nhà bận bịu, không đi thăm chồng được trước Tết thì sau Tết bà nhất quyết phải đi.

“Cứ gần Tết đến là tôi ngóng bà ấy lên thăm”, ông Chấn nói. Theo nội quy trại giam đối với phạm nhân án chung thân như ông, chỉ được phép gặp người nhà khoảng 15 phút; không được trực tiếp giáp mặt nhau mà ngăn cách bởi một lớp lưới mỏng. “Mỗi lần gặp là vợ chồng khóc lóc. Chỉ hỏi han nhau được mấy câu đã bị cán bộ trại giam nhắc nhở, nhắc hết giờ”, người vợ mắt đỏ hoe.

Ông Chấn kể, Tết ở trong tù, ngoài tiêu chuẩn hai cái bánh chưng, những người gia đình nghèo như ông thêm phần tủi. Phòng của ông có khoảng 60 phạm nhân, án từ trên 10 năm đến chung thân. “Trong số đó nhiều người nhà giàu. Mọi người Tết vui vẻ, tôi thì chẳng có trò gì, cả ngày lủi thủi ngồi ở góc phòng, nghĩ đến thân phận oan sai, nhớ vợ nhớ con mà khóc lóc”, ông nhớ lại.

Năm nay mùa Xuân mới

Mười năm nay gia đình không có Tết, năm nay nhà ông Chấn ăn một cái Tết thật to như lời bà vợ. Bà kể những năm trước, cứ Tết đến là bà khóc lóc, nhớ thương chồng. Bốn đứa con trong gia đình cũng chẳng đi đâu chơi, lủi thủi ở nhà. “Năm mới chẳng ai đến chơi nhà tôi, chúng tôi cũng chẳng dám đi nhà ai. Sau khi chồng tôi bị bắt vì oan án giết người, làng xóm dị nghị, khinh rẻ, nhìn chúng tôi bằng nửa con mắt. Ai cũng nghĩ chồng tôi là sát nhân, chẳng ai muốn vợ con một kẻ giết người đến chơi nhà ngày Tết”, bà vợ nói. Ngày ông Chấn được minh oan, hàng xóm ai cũng đến thăm, động viên, nay bà đã đỡ đi phần ấm ức. “Trước đây họ có lí do để né tránh mình, không thể trách bà con được”, người chồng động viên.

Ông Chấn ngồi nhẩm tính năm nay khách đến chơi nhà sẽ rất đông, ngoài bà con lối xóm, hai bên nội ngoại, thì bạn bè đồng niên, bạn học ngày xưa ông Chấn cũng không thể thiếu. Gia đình đã chuẩn bị sớm cả can rượu để tiếp khách. Bà vợ cho biết nhà đã nuôi được năm con gà, mỗi con trên hai cân. “Tôi sẽ ra chợ mua thêm khoảng ba con gà nữa. Ngoài ra mua thêm thịt lợn, bánh trái, hoa quả. Đặc biệt năm nay chúng tôi sẽ làm thật nhiều bánh chưng”, người vợ nói.

Nhà cửa ông Chấn hiện nay khá tuềnh toàng, cũ kỹ. Người vợ kể, mười năm qua, bà lo lắng chuyện kiếm ăn, chạy vạy kêu oan cho chồng nên chẳng để ý chuyện nhà cửa. “Trước khi ăn Tết, chúng tôi sẽ quét dọn, sơn lại tường nhà cho tươm tất, sạch đẹp”, người vợ nói. Bà cũng cho biết, mười năm nay, ngày Tết gia đình bà không chưng cành đào, cây quất nào. Năm nay, bà sẽ ra ngoài chợ, mua một cành đào về trang trí. “Sức khỏe tôi vẫn rất yếu, bác sĩ bảo phải điều trị lâu dài, nhưng tôi xin về ăn Tết với gia đình, sau Tết sẽ đi viện điều trị lại”, bà Chiến nói.

Ông bà có bốn người con, một cô con gái đi lấy chồng; một cô đi xuất khẩu lao động ở Đài Loan năm nay không về; hai con trai, một đi làm thợ bốc vác gỗ, một làm công nhân ở công ty. “Trừ đứa đi lao động không thể về, những đứa còn lại dù đã lập gia đình, năm nay bữa Tất niên cũng đưa con cháu về đây với vợ chồng tôi ăn cơm, đón giao thừa”, bà vợ dự định.

Nhắc đến đứa con gái đang đi xuất khẩu lao động năm nay không thể về sum vầy cùng gia đình, ông Chấn lại rưng rưng nước mắt. Ông kể, từ khi ông bị tù oan, cô con gái này thường xuyên viết nhật ký. Mới đây khi trở về nhà, giở đống sách vở cũ của con gái, bỗng phát hiện ra cuốn nhật ký của con. “Tôi ở nhà mà không biết có cuốn nhật ký. Ông ấy tìm được, vừa đọc vừa rớt nước mắt”, bà vợ nhớ lại. Nội dung cuốn nhật ký nói về tình cảm, sự nhớ nhung của người viết đối với bố. Trong đó, có đoạn viết về dự cảm một ngày nào đó ông Chấn sẽ được minh oan: “Bố ơi, con tin bố không bao giờ làm chuyện đó. Trực giác con cảm nhận được, con tin. Một ngày nào đó bố sẽ được trở về nhà”. Dự cảm ấy đã thành hiện thực, cùng với nắng Xuân đang ùa vào nhà, tràn lên gương mặt người đàn ông bị tù oan 10 năm.

Pháp Luật Thời Đại

Clip đang được xem nhiều nhất: CLIP: Khoảng khắc xe 'hổ vồ' đè bẹp xe con làm 3 người chết, 1 người bị thương

Tag: Ông Nguyễn Thanh Chấn , Án oan 10 năm , Án oan Bắc Giang , Án oan Nguyễn Thanh Chấn , Tết của ông Chấn