Vụ án Dương Tự Trọng và tranh cãi với bản án Lê Văn Luyện, ông Chấn
Thứ sáu, 24/01/2014 09:16

Ở vụ Dương Tự Trọng, vụ Lê Văn Luyện và vụ án oan ông Nguyễn Thanh Chấn đều có tình tiết người thân giúp người phạm tội bỏ trốn.

Ông Dương Tự Trọng

Ông Dương Tự Trọng

Phiên xử Dương Tự Trọng cùng 6 đồng phạm tổ chức đưa Dương Chí Dũng (anh trai Trọng) bỏ trốn đã khép lại hôm 8/1, mức án 18 năm đã được tuyên cho Tự Trọng. Thế nhưng, cho đến ngày hôm nay, những thông tin xung quanh bản án này vẫn chưa hết “nóng”.

Mức án chưa hợp lý?

Nhiều ý kiến cho rằng, tòa tuyên 18 năm tù với hành vi “Tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài” của Dương Tự Trọng là quá nặng. Bên cạnh đó, hành vi của Dương Tự Trọng không được xếp vào tội che giấu tội phạm hay tội không tố giác tội phạm mà truy cứu trách nhiệm với tội “Tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài” cũng là thắc mắc mà nhiều người đặt ra.

Mới đây, luật sư Nguyễn Kiều Hưng - Giám đốc hãng luật Giải Phóng (Đoàn luật sư TP.HCM) cho rằng: “Khoản 3 điều 275 Bộ luật Hình sự quy định: “Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm.” Nhưng hậu quả như thế nào được gọi là đặc biệt nghiêm trọng lại chưa có hướng dẫn cụ thể, mặt khác chưa xác định được hành vi của bị cáo Trọng có gây hậu quả về vật chất. Bản thân bị cáo là người có nhiều thành tích trong công tác, có quá trình cống hiến trong công tác là tình tiết giảm nhẹ cần được xem xét áp dụng.

Khi chưa có hướng dẫn cụ thể tình tiết “gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng” đối với hành vi này, thì mức án dành cho bị cáo Trọng gần với mức hình phạt cao nhất của điều luật thì chưa hợp lý lắm”.

Cũng theo đó, Luật sư Huỳnh Kim Ngân, Trưởng Văn phòng Luật sư Chân Thiện Mỹ, (Đoàn Luật sư TP.HCM) khẳng định: “Tòa đã không cho bị cáo Dương Tự Trọng hưởng các tình tiết giảm nhẹ và không áp dụng điều 47 Bộ luật Hình sự. Hậu quả đặc biệt nghiêm trọng mà bị cáo Trọng gây ra chưa thuyết phục lắm vì bản thân bị cáo và nhân chứng Dương Chí Dũng có mối quan hệ ruột thịt. Xét mức độ hành vi thì 18 năm tù là quá nặng”.

Trao đổi với chúng tôi về tình tiết giảm nhẹ liên quan đến mối quan hệ ruột thịt của Dương Tự Trọng và Dương Chí Dũng, cựu thẩm phán, luật sư Phạm Công Út (Giám đốc Công ty Luật TNHH MTV Phạm Nghiêm) nhận định: “Việc những người ruột thịt trong gia đình giúp nhau bỏ trốn khi phạm tội thì tình ruột thịt trong luật không được xem là tình tiết giảm nhẹ. Đó là hành vi phạm tội chứ không là tình tiết giảm nhẹ theo quy định tại điều 46 Bộ luật Hình sự”.

duong-tu-trong241

Lê Văn Luyện (bìa trái) và Lý Nguyễn Chung

Vụ Lê Văn Luyện, vụ ông Chấn có tình tiết tương tự?

Từ những tình tiết và bản án trong vụ Dương Tự Trọng tổ chức cho anh trai bỏ trốn, chúng tôi đã tìm lại rất nhiều vụ trọng án gây rúng động dư luận thời gian qua. Trong đó, nhiều vụ cũng có tình tiết người thân bao che, giúp hung thủ bỏ trốn.

Còn nhớ, trong vụ án oan 10 năm của ông Nguyễn Thanh Chấn (thôn Me, Việt Yên, Bắc Giang), bố mẹ của hung thủ Lý Nguyễn Chung (SN 1988) dù biết con trai phạm tội nhưng đã che giấu.

Trước đó, vào khoảng 20h ngày 15/3/2003, ngày mà nạn nhân Hoan bị giết, bà Lành nhìn thấy Chung đi về nhà với vẻ mặt mệt mỏi. Vừa về, Chung vội lấy quần áo rồi đi tắm và leo lên giường đi ngủ. Ngay sau đó bà Lành nghe thông tin về cái chết của chị Hoan.

Sáng hôm sau, khi bà Lành dậy sớm giặt quần áo thì phát hiện bộ quần áo của Chung có dính màu đỏ như máu người nên đã gọi chồng là ông Lý Văn Chúc (bố đẻ của Chung) dậy. Ông Chúc đã gọi Chung ra nói chuyện riêng, ngay sau đó, Chung được người nhà đưa lên Lạng Sơn, quê của ông Chúc.

Bà Lành đã không dám tố cáo sự việc này với cơ quan chức năng vì ông Chúc đã đe dọa sẽ giết nếu nói ra chuyện này.

Bên cạnh đó, khi biết Chung gây ra án mạng, anh trai của Chung tên Lý Văn Phúc đã bảo Chung bỏ trốn vào Tây Nguyên. Chung vào đó lấy vợ, sống tại thôn Đoàn Kết (xã Ea Kmút, huyện Ea Kar, tỉnh Đăk Lăk) trong 10 năm lẩn trốn và đã có hai con.

Vụ thảm sát tiệm vàng ở Bắc Giang do "sát thủ" Lê Văn Luyện gây ra vào tháng 8/2011 cũng có tình tiết tương tự. Người thân của Luyện dù biết Luyện phạm tội nhưng không tố giác tội phạm mà cố tình che giấu, đồng thời hỗ trợ để hung thủ bỏ trốn.

Ông Lê Văn Miên (bố đẻ của Luyện) khi nghe Luyện gọi điện từ Lạng Sơn về rồi nhờ ông đem số vàng đã cướp để trong tủ trên tầng 2 mang cất giấu thì đã đào hố chôn túi vàng ở cạnh chuồng gà. Mẹ của Luyện biết con gây án nhưng lẳng lặng mang chiếc áo dính máu của Luyện đi giặt nhằm phi tang.

Ngoài ra, hai người anh họ của Luyện tên Trương Văn Hợp và Trương Thanh Hồng đã đưa Luyện đi băng bó vết thường rồi chở ra bến xe trốn lên Lạng Sơn. Cùng với đó, một người cô ruột và chú rể của Luyện ở Lạng Sơn cũng tiếp tay trong quá trình lẩn trốn này.

Như vậy, hành vi của người thân hung thủ Lý Nguyễn Chung và hành vi của những người thân “sát thủ” Lê Văn Luyện liệu có điểm nào tương đồng với hành vi của Dương Tự Trọng hay không?

Theo tìm hiểu của chúng tôi, ở vụ ông Chấn, VKSNDTC sau khi ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam bị can đối với Lý Nguyễn Chung thì cũng có lệnh bắt khẩn cấp đối với Lý Văn Chúc (SN 1950, bố của Lý Nguyễn Chung) về hành vi đe dọa giết bà Nguyễn Thị Lành (nhân chứng của vụ án) theo quy định tại Điều 103 Bộ luật Hình sự. Vụ án oan của ông Chấn chưa có hồi kết nên trách nhiệm của những người thân che giấu hung thủ vẫn chưa được định đoạt.

Trong vụ Lê Vănn Luyện, ông Lê Văn Miên (bố Luyện) lĩnh án 48 tháng tù do che giấu tội phạm. Bị cáo Trương Thanh Hồng bị phạt 30 tháng tù. Bị cáo Trương Văn Hợp bị tuyên 12 tháng tù do không tố giác tội phạm.

Trí Thức Trẻ

Clip đang được xem nhiều nhất: Xe container cháy ngùn ngụt trên cầu Lai Vu

Tag: Vụ Dương Tự Trọng , Dương Chí Dũng , Lê Văn Luyện , Nguyễn Thanh Chấn , Lý Nguyễn Chung , Án oan , Tham nhũng , Giết chủ tiệm vàng