“Xin đừng dừng lại để nhận xét và chê trách người trẻ mỗi khi họ mắc lỗi, hãy chia sẻ để họ bớt vấp ngã”. TS Khuất Thu Hồng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội đã nói như vậy khi trò chuyện với chúng tôi trong dịp đầu năm.
|
“Bọn trẻ bây giờ…”
Thưa bà, nghe thế hệ trước trò chuyện, xem các phương tiện thông tin đại chúng hiện nay thì thấy rằng dường như dư luận nói về người trẻ với nhiều màu sắc bi quan, lo ngại. Người già thì thường thở dài với câu nói quen thuộc “bọn trẻ bây giờ…”, bà có thấy như vậy không?
Đúng vậy. Luôn luôn là như thế, thời chúng tôi còn trẻ cũng bị thế hệ già tỏ ra bi quan về thế hệ của mình; xuất phát từ tâm lý thông thường: người già thì lo lắng cho tương lai, hoài niệm quá khứ nên luôn có nhìn nhận khắt khe hơn với thế hệ trẻ, vì thế cũng không ngạc nhiên khi họ có cái nhìn bi quan với người trẻ như vậy. Điều mà họ hay than phiền là thế hệ trẻ bây giờ thích hưởng thụ, không tiết kiệm, thích làm việc ở những công ty hoành tráng, tên tuổi lớn, nhưng lại không chịu khó, chịu khổ, không kiên trì... Họ sợ rằng những người trẻ không thể chịu đựng được gian khổ, không có sự cố gắng, được nuông chiều nên ỷ lại, không vươn lên.
Sẽ rất khó cấm đua xe trái phép nếu không có những nơi tổ chức thường xuyên cho họ đua xe đúng phép...
Tôi cũng không ngạc nhiên và cho rằng lo lắng là cần thiết, nhưng không nhất thiết phải bi quan quá về người trẻ.
Căn cứ nào để bà nói rằng không nên bi quan?
Nếu từ quan điểm của những nhà nghiên cứu xã hội như chúng tôi thì nhìn nhận một vấn đề gì bao giờ cũng phải đặt trong một bối cảnh cụ thể. Bởi bất kỳ sự so sánh nào cũng khập khiễng, huống chi lại so sánh giữa những thế hệ với nhau khi mà bối cảnh kinh tế - xã hội - văn hóa đã thay đổi rất nhiều.
Nếu so sánh về kỹ năng thì chắc chắn thế hệ trẻ bây giờ có nhiều kỹ năng hơn hẳn thế hệ trước, ví dụ về công nghệ thông tin, ngoại ngữ; khối lượng thông tin và kiến thức cũng nhiều hơn. Về điều kiện sống, khoa học kỹ thuật, tiếp cận và khả năng hòa nhập với thế giới của người trẻ tốt hơn. Giới trẻ có quyền tự hào về những điều đó.
Nhưng cuộc sống phải chăng ngày càng có rất nhiều thách thức với lớp trẻ?
Nhiều thách thức bởi họ có quá nhiều lựa chọn. Cái thời của mấy chục năm trước sự lựa chọn ít ỏi, cho nên khi có gì trong tay thì họ phải luôn cố gắng; họ không bị tâm trạng phân tán là đứng núi này trông núi nọ. Thời nay, vì có nhiều lựa chọn nên giới trẻ rất dễ bị phân tâm. Cuộc sống rõ ràng là được cải thiện hơn, mức sống tốt hơn nhưng nếu bắt giới trẻ phải chịu kham khổ thì liệu có hợp lý và cần thiết hay không? Không thể đánh đồng cuộc sống đầy đủ hơn với việc giới trẻ ngày nay không thể làm được những công việc khó khăn.
Giới trẻ ngày nay cần những sân chơi đủ sức cuốn hút - Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Trang bị chứ không nên nhồi nhét
Ở thời đại bùng nổ của công nghệ thông tin nên cái tốt, cái xấu có cơ hội phơi bày rõ ràng hơn. Trong đó, cái xấu thường khiến dư luận chú ý. Không ít người đã thốt lên rằng: “Có hiện tượng băng hoại đạo đức”. Bà có thấy lo lắng đó là có cơ sở không?
Tội phạm thì ở xã hội nào, thời kỳ nào cũng có, hầu hết người phạm tội là những người trẻ tuổi. Nhưng đã đến lúc phải đặt lại vấn đề: Liệu người trẻ có phải chịu trách nhiệm hoàn toàn về vấn đề này hay không, hay là trách nhiệm của toàn xã hội. Tôi muốn nói rằng xin đừng dừng lại để nhận xét và chê trách người trẻ mỗi khi họ mắc lỗi, thế hệ đi trước hãy đi cùng họ, chia sẻ để họ bớt vấp ngã và hãy chấp nhận họ vì họ thông minh, giỏi giang hơn.
Dù được bao bọc về vật chất, về điều kiện sống và học tập nhưng dường như giới trẻ hiện nay đang cô độc trên con đường kiếm tìm thành công, hạnh phúc? Họ cứ loay hoay với những tình huống đặt ra với mình và nhiều khi họ đã chọn sai cách.
Đúng là có cảm nhận đó, chúng ta hay nói về lý tưởng, về ngọn lửa nhiệt huyết… nhưng lý tưởng của thanh niên phải do những gì xung quanh họ tạo nên cho họ thấy, phải có ai đó thắp lên ngọn lửa trong tim, ngọn lửa nhiệt huyết cho họ chứ tự bản thân họ rất khó thắp ngọn lửa ấy lên.
Qua những nghiên cứu, quan sát và đặc biệt là những diễn đàn mà viện nghiên cứu của bà đã dành cho người trẻ, bà thấy rằng thanh thiếu niên đang thực sự cần điều gì?
Các nước phát triển đặc biệt coi trọng vấn đề tham vấn tâm lý, trang bị kỹ năng sống cho giới trẻ. Ở nhà trường, họ được trang bị những kiến thức thực sự có hiệu quả cho cuộc sống chứ không phải những thứ nhồi nhét, giáo điều. Ví dụ, sách giáo khoa của ta nói rằng tình yêu lý tưởng là tình yêu không có tình dục, sẽ không ăn nhập vì thực tế không phải như vậy.
Đó là cốt lõi của tất cả mọi chuyện mà chúng ta đang nói về giới trẻ cần gì và thiếu gì. Kiến thức thì có nhưng việc biến nó thành kỹ năng sống lại rất khó khăn. Nhiều thanh niên không biết áp dụng kiến thức để đối mặt và giải quyết vấn đề của cuộc sống. Việc hỗ trợ thanh niên để có kiến thức, kỹ năng sống là rất quan trọng. Các dịch vụ xã hội dành cho thanh thiếu niên, những trung tâm tư vấn tâm lý trong các trường học, ở ngoài cộng đồng là rất cần để tháo gỡ vướng mắc cho họ.
Cần những sân chơi đủ sức cuốn hút để họ giải phóng năng lượng của mình. Những trận “bão đêm”, các cuộc đua xe trên đường phố do giới trẻ tổ chức chính là vì họ thiếu một sân chơi lành mạnh. Sẽ rất khó cấm đua xe trái phép nếu không có những nơi tổ chức thường xuyên cho họ đua xe đúng phép… Nếu cứ cấm, cứ thiếu trong khi nhu cầu là có thật và bức xúc thì sẽ có những hành động tự phát mà hậu quả rất khó kiểm soát.
Chọn trải nghiệm hay vùi đầu vào học
Bây giờ đặt bà vào vai trò của một phụ huynh có con ở tuổi đến trường, ngày nghỉ cuối tuần hoặc những thời gian rảnh, nhà trường gửi cho bà một đề nghị: hãy cho cháu đi học thêm để thi học sinh giỏi toán, văn gì đó; nhưng bà lại đang muốn dành thời gian đó để con được trải nghiệm cuộc sống, trang bị kỹ năng sống. Bà sẽ đưa ra lựa chọn thế nào?
Tôi sẽ chọn cái thứ hai, hãy trả lại cho giới trẻ thời gian đó để trải nghiệm cuộc sống, để chúng hiểu cuộc sống này, sống được với cuộc đời này với những gì tốt nhất trong khả năng của chúng. Nhưng tốt hơn hãy hỏi chính cô hay cậu thanh thiếu niên đó rằng họ muốn dùng thời gian rảnh rỗi đó để làm gì.
Đất nước ta đã bước vào thời kỳ cơ cấu dân số “vàng”, những kỳ vọng và trách nhiệm đặt lên vai người trẻ nặng nề hơn. Theo bà, cần làm gì để tận dụng cơ hội này?
Đúng là như vậy, phải làm thế nào để biến lực lượng lao động trẻ mà chúng ta đang có trở thành vàng thật chứ không phải vàng mã (cười). Thay vì áp đặt thì hãy định hướng cho họ, trân trọng tất cả những khả năng mà mỗi một thanh niên có, người này có thể trở thành một doanh nghiệp trẻ, người kia có thể thành nhà nghiên cứu khoa học nổi tiếng, nhưng cũng đừng vì thế mà đặt những thanh niên chỉ có thể làm tốt việc dọn vệ sinh, một công nhân lành nghề ở phía đối lập với những người như vậy.
Chuyện tình dục “dễ đùa, khó nói” Khi được hỏi: “Viện Nghiên cứu phát triển xã hội đang nỗ lực làm những việc mà ai cũng thấy quan trọng nhưng lại ít quan tâm đến nó. Ví dụ, chuyện tình dục “dễ đùa, khó nói”, trang bị cho thanh thiếu niên kỹ năng về tình dục lành mạnh trên diễn đàn khá công khai?”, TS Khuất Thu Hồng cho biết: “Thực tế tôi đã làm được những việc đó. Thanh niên đã nhận ra vấn đề và rất dễ bắt nhịp với cái mới. Ngày nay, công nghệ thông tin đã cho phép kết nối người trẻ với nhau. Phải có những diễn đàn lớn hơn trong xã hội. Kinh nghiệm thế này, mình tung ra một vấn đề gì đó có tính “khiêu khích” một chút, thách thức một chút thì giới trẻ sẽ rất nhiệt tình tham gia, sôi nổi và nói thật, nói hết suy nghĩ của mình với nhiều góc cạnh khác nhau”. |
- Thời điểm không khí lạnh mạnh nhất của mùa đông năm nay diễn ra khi nào?
- Soi profile của Hoa hậu Thanh Thủy - Miss International 2024: Học thức đỉnh cao, tài sắc vẹn toàn
- Lương hưu cao nhất Việt Nam hiện nay là bao nhiêu?
- Trùm giang hồ 'Bình Kiểm' lên kế hoạch bắt cóc ca sĩ, người mẫu
- 5 cái tên bị luật cấm đặt khai sinh ở Việt Nam, đó là tên nào?
- Tại sao vàng giảm giá khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ?
- Tỉnh nào có tuổi thọ thấp nhất Việt Nam?
- Vụ rơi máy bay quân sự tại Bình Định: 2 phi công thoát nạn thế nào?