Đến thăm “làng chiến tranh” ở Vực Quành, với hầm hào, địa đạo, vỏ bom, vỏ đạn… nhiều người thốt lên rằng “đây là ngôi làng lạ nhất thế giới”.
|
Mua được mảnh đất 10ha ở khu vực Quành (ngoại ô TP. Đồng Hới, Quảng Bình), ông Nguyễn Xuân Liên dựng một căn nhà gỗ làm nhà tưởng niệm liệt sĩ mà ông mua được của dân và hoàn thành vào đúng ngày Thương binh - Liệt sĩ năm đó. Ông thắp hương khấn vái mong hương hồn đồng đội linh thiêng giúp ông hoàn thành ý tưởng.
Một góc "làng chiến tranh"
Ông lang thang về khắp các thôn xóm và thấy bất cứ cái gì của thời chiến là ông gạ mua. Từ nếp nhà ngói, nhà rạ cũ kỹ dựng những năm 60 giá vài chục triệu, từ cái hòm đạn, cái tủ gỗ thông ọp ẹp giá vài trăm ngàn, cho đến cái xẻng mòn vẹt, cái điếu cày, cái bếp Hoàng Cầm không khói, các loại vỏ bom, vỏ đạn... ông mua tất rồi khuân về chất đống trong rừng.
Người dân quanh vùng không hiểu ông già gàn dở này làm gì. Người ta có tiền ra thủ đô ở, mua trang trại gần thủ đô dưỡng già, ông lại bán nhà Hà Nội vào rừng Quảng Bình ở rồi tha mấy thứ bao tải, sắt vụn cũ nát về ngắm nghía.
Vỏ bom được dựng kín bên một hố bom khổng lồ.
Ông tìm lại những người đồng đội ngày xưa vẫn sống ở Quảng Bình để mời họ làm thuê cho mình. Chỉ những người đó mới hiểu thế nào là làng chiến tranh.
Ông Liên kể: "Mới đầu họ đến làm thuê cho tôi để kiếm chút tiền, sau rồi chính những kỷ niệm chiến tranh thôi thúc họ đã làm nhiều hơn so với công tôi trả. Có người vừa đào hầm vừa khóc vì nhớ lại thời trai trẻ. Có ông già đạp xe mấy chục cây số đến dựng nhà, đan tranh, trát vách cho tôi.
Căn nhà du khách nghỉ ngơi và cũng là nơi tổ chức các cuộc triển lãm về đề tài chiến tranh.
Có người lặn lội hàng trăm cây số đến tặng tôi những kỷ vật chiến tranh, những mảnh dù, những chiếc bi-đông đựng nước méo mó, góp ý cho tôi từng ly từng tý, rồi thay tôi rong ruổi khắp hang cùng ngõ hẻm để sưu tầm hiện vật, kiên trì vận động người dân bán lại kỷ vật để trưng bày cho cả nước xem.
Bạn bè ở ngoài Hà Nội cũng vào xem tôi làm. Cả lãnh đạo ở trung ương cũng lặn lội vào đây. Niềm vui đặc biệt là Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người con đất Quảng Bình đã hai lần nhắn nhủ động viên tôi.
Thế là cái mảnh rừng heo hút này bỗng ngày ngày có rất nhiều khách thăm. Ai cũng sôi nổi ôn lại những năm tháng chiến đấu, rồi cùng ôm nhau khóc, ngả nghiêng cười, tiếng hát át tiếng bom thuở nào lại được cất lên rộn rã khắp cánh rừng".
Địa đạo ở làng chiến tranh.
Lúc này, người ta không còn nhìn ông Liên là kẻ gàn dở nữa, mà khâm phục, trân trọng ông. Đó là niềm vui lớn nhất để ông tiếp tục say mê với ý tưởng vì dân, vì nước này.
Người con trai của ông, hiện đang sống và làm việc ở Đức, qua báo chí đã hiểu được việc làm của bố, thông cảm với bố hơn. Anh tranh thủ nghỉ phép về thăm và cho ông 1 tỷ đồng để ông tiếp tục thực hiện ước mơ.
Giờ đây, ông Liên đã được cả thế giới biết đến bởi cái việc làm kỳ lạ này. Một phóng viên Pháp đã bay sang Việt Nam nghiên cứu.
Căn nhà nửa chìm nửa nổi ở làng chiến tranh.
Cô phóng viên này hỏi: "Sao Mỹ thả bom không chạy vào rừng núi mà nấp lại sống ở làng?". Ông trả lời: "Chúng tôi không trốn chạy mà đối diện và chống lại cuộc chiến tranh đó bằng trí tuệ và sự dũng cảm được hun đúc từ hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước".
Đặc biệt, một nhà báo hãng AP của Mỹ đến tìm hiểu viết bài. Cô này hỏi: "Việc làm của ông có ảnh hưởng đến mối quan hệ Việt - Mỹ không?".
Lớp học xóa mù trong lòng đất.
Ông không trả lời ngay vào vấn đề mà nói với cô ta rằng: "Bố tôi đã chết trong trận B52 rải thảm Hà Nội năm 1972, em ruột kề tôi cũng chết năm 1969 ở chiến trường miền Nam vẫn chưa tìm thấy xác. Người Mỹ đến xâm lược đất nước tôi, gây ra bao nhiêu tang tóc, chúng tôi cầm súng bắn họ để bảo vệ đồng bào mình là điều tất nhiên.
Trong khi hàng vạn liệt sĩ Việt Nam chưa tìm thấy hài cốt mà họ đòi chúng tôi phải đi tìm và trao trả hài cốt lính Mỹ, rồi bảo chúng tôi vi phạm nhân quyền.
Tôi làm cái bảo tàng này không hề khơi lại tang tóc, đau thương, cũng không hề gây thù địch với Mỹ mà chỉ để giới trẻ Việt Nam và nhân dân thế giới hiểu rằng vì sao một đất nước nghèo nàn, lạc hậu lại có thể chiến thắng cả đế quốc lớn".
Ông Liên ngày bắt đầu xây dựng làng chiến tranh.
Trong số nhà báo nước ngoài đến làng chiến tranh tìm hiểu, ông ấn tượng nhất với phóng viên chiến trường của Nhật tên là Mika của hãng thông tấn Kyodo. Cô này có chồng cũng là nhà báo hy sinh ở chiến trường Irắc.
Cô đã bắt ông dẫn đi khắp làng trong suốt một ngày để chụp ảnh, quay phim, ghi chép. Cô ăn sắn luộc chấm muối vừng như người Quảng Bình ngày xưa, chứ không ăn đồ hộp mà trợ lý, phiên dịch mang theo.
Do yêu quý cô nên ông bảo cô viết vài lời cảm tưởng vào cuốn sổ để ông giữ làm kỷ niệm, tuy nhiên cô ta từ chối và bảo: "Những bài báo của tôi viết về ông và cuộc chiến tranh Việt Nam sẽ là lời cảm tưởng gan ruột nhất. Giới trẻ Nhật Bản rất quan tâm đến Việt Nam, họ say sưa nghiên cứu và thần tượng Việt Nam qua các cuộc kháng chiến, nhưng họ không hiểu vì sao Việt Nam lại đánh thắng được Mỹ. Tôi hy vọng những bài viết của tôi sẽ làm họ hiểu hơn về dân tộc kỳ lạ này".
Ông Liên giới thiệu làng chiến tranh với du khách.
Sau khi thăm làng chiến tranh, ông Phan Lâm Phương, ngày đó còn là Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình nói với ông Liên: "Lẽ ra việc này là của Nhà nước, nhưng anh làm rồi thì Nhà nước phải hỗ trợ thêm".
Rồi ông Phương đã cho làm con đường nhựa từ đường Hồ Chí Minh vào làng chiến tranh. Ông đề nghị ngành điện dựng cột, kéo dây vào Vực Quành cho ông Liên đỡ phải sống cảnh đèn dầu leo lét giữa rừng.
Ông Liên thoáng buồn: "Lúc đầu tôi định làm nho nhỏ, nhưng rồi nhân dân cả nước động viên, khích lệ nên cứ làm nữa ra. Số tiền đổ vào đây đã hơn 4 tỷ đồng. Tôi phải vay bạn bè, người thân cả tỷ bạc rồi mà vẫn chưa hoàn thiện được. Tiền hết, làm chưa xong, mà nhiều công trình đã xuống cấp không có tiền sửa chữa tiếp…".
Tham vọng của ông Liên là muốn làm một con đường gập ghềnh hố bom như đường Trường Sơn thuở trước, rồi ông sẽ mua chiếc xe zin 130 cho du khách tự lái, để được sống lại đúng cảm giác chống Mỹ trên đường Trường Sơn.
Ông còn muốn có cả những xác xe tăng, xác máy bay, những khẩu pháo, khẩu súng hỏng để trưng bày, nhưng trong cái thời buổi sắt đắt như vàng đen này, ông lại đang gặp khó khăn về kinh tế, nên đành xót xa nhìn người dân Quảng Bình, Quảng Trị xẻ chúng ra bán sắt vụn.
Ông còn muốn phóng thật nhiều ảnh của các phóng viên chiến trường để mở triển lãm cho dân chúng xem ngay tại các hố bom. Ông còn muốn biến nơi này thành trường quay sống động cho các đoàn làm phim về chiến tranh. Ông còn muốn... Và những ý muốn đó đã biến ông thành con nợ.
Ông Liên đã trắng tay bởi cái hành trình mà ông bảo rằng, là trả nợ ký ức. Chỉ có các thế hệ người Việt Nam là đang được hưởng. Đấy là niềm vui và cũng là động lực để ông quyết tâm. Ông là con người thật lạ!
- Từ 1/1/2025: Những đối tượng này sẽ được cấp thẻ BHYT miễn phí
- Từ 1/7/2025: Thay đổi cách tính lương hưu theo Luật BHXH mới, hàng triệu người hưởng lợi
- Quận đông dân nhất Việt Nam: Dân số bằng 2 tỉnh cộng lại, là một trong hai quận lớn nhất TP. HCM
- Lịch nghỉ Tết Nguyên đán 2025 mới nhất của học sinh cả nước
- Thưởng Tết 2025, mức thưởng cao nhất là trên 500 triệu đồng/người. Là ai?
- Tại sao Sơn Tùng lại nổi tiếng?
- Trước Tết dương lịch 2025, đây là 6 thủ tục hành chính cần hoàn thành
- Đây là tên gọi đầu tiên của Hà Nội, người Hà Nội lâu năm chưa chắc đã biết, nó có ý nghĩa gì?