Chồng mất sớm, một mình mẹ tảo tần nuôi 8 người con khôn lớn trường thành. Đức hy sinh cao cả ấy gắn liền tên tuổi của mẹ Võ Thị Cầm.
|
Giáo sư, tiến sĩ Vương Đình Huệ sinh ngày 11/7/1957, ở làng Xuân Lộc, xã Nghi Xuân, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An. Ông là Ủy viên Trung ương Đảng các khóa X và XI, Đại biểu Quốc hội khóa XIII.
Trước khi được Quốc hội phê chuẩn Bộ trưởng Tài chính vào tháng 8/2011, Vương Đình Huệ đã trải qua các chức vụ là Phó Tổng Kiểm toán, rồi Tổng Kiểm toán Nhà nước. Trước đó, ông là giảng viên Trường Đại học Tài chính-Kế toán Hà Nội, nghiên cứu sinh tại Trường Đại học Kinh tế Bratislara, Cộng hòa Slovakia; Phó hiệu trưởng Trường Đại học Tài chính-Kế toán Hà Nội.
Trên chính trường Bộ trưởng Vương Đình Huệ rất quyết đoán, thông minh và được đánh giá là “mạnh tay”. Ông có đủ tố chất để làm “công bộc của dân” bao nhiêu thì đời thường ông là một người rất dễ gần, hòa đồng bấy nhiêu. Đặc biệt là với những người bạn đồng môn và cả hàng xóm, láng giềng thân thiết nơi làng quê nghèo của ông ở Nghệ An, mỗi lần nhắc đến vị Bộ trưởng tuổi trẻ nhưng tài cao này, họ không ngớt lời tấm tắc ngợi ca.
Thuở thiếu thời, Bộ trưởng đã từng bị…đem bán!
Bà Cầm, cụ thân sinh của Bộ trưởng Vương Đình Huệ
Làng chài Xuân Lộc, xã Nghi Xuân, huyện Nghi Lộc (Nghệ An), quê hương của vị Bộ trưởng Bộ Tài chính đương nhiệm nằm ngay cửa biển. Cũng như bao làng chài khác, Xuân Lộc cũng đầy hương vị mặn mòi của tôm cá, hai bên đường lưới cá giăng đầy.
Ngôi nhà của vị thân sinh ông Bộ trưởng nằm ở đầu làng, bình dị với mái ngói thâm nâu ẩn hiện dưới lũy tre xanh hiền hòa. Bà Võ Thị Cầm, mẹ đẻ của ông Vương Đình Huệ năm nay đã 90 tuổi (sinh năm 1992). Tóc trắng như cước nhưng vẫn còn nhanh nhẹn và minh mẫn.
Trong câu chuyện với chúng tôi vào một ngày làng chài vần vũ mưa, bà Cầm đã chia sẻ về gia đình khốn khó và cả niềm tự hào vượt khó vươn lên của đứa con thứ 4 trong tổng số 8 người con của mình, đó là Vương Đình Huệ. Ngày trước, khi vừa tròn đôi mươi, và đang làm ở Ban chấp hành Phụ nữ xã thì gặp cụ Vương Đình Sâm, lúc ấy là cán bộ bưu chính. Hai người trở thành vợ chồng và chỉ trong vòng chục năm, cụ đã sinh hạ được 8 người con. Tai họa ập xuống đôi vai gầy của người phụ nữ trẻ khi trong một trận công kích của máy bay Mỹ, cụ Sâm bị thương ở tay và sau đó lâm bệnh nặng rồi qua đời. Một mình cụ vất vả, tảo tần vừa làm mẹ, làm cha để nuôi 8 người con khôn lớn nên người. Lẽ tất yếu, vừa thiếu lao động chính, lại đông con nên chuyện thiếu ăn đối với gia đình cụ Cầm vẫn xảy ra thường xuyên.
Để cầm hơi qua ngày, cụ phải đi làm thuê, làm mướn kiếm tiền nuôi con. Những này khó khăn, không có ai thuê mướn gì, cụ đi kiếm củ khoai, củ sắn về nấu cháo cho các con ăn. Cụ Cầm còn rơm rớm nước mắt kể lại chuyện, cụ đã phải bán đi đứa con thứ tư của mình để cứu anh chị nó trong những lần ốm đau phải đi viện hàng tháng trời.
Ngày đó, cậu bé Huệ chừng 2 tuổi, đang trong cơn túng quẫn, lại quay quắt vì hai đứa nhỏ đang lâm bệnh không tiền cứu chữa, đúng lúc đó có người nhón tay làm phúc, cho mượn tiền rồi ngỏ ý đón cháu về làm con nuôi. Không còn cách nào khác, cụ gạt nước mắt gật đầu đồng ý. Tuy nhiên, được một thời gian sau đó, khi nhớ con, cụ Cầm đã chạy vạy khắp nơi mượn đủ tiền trả cho người ta để đón con về.
Trong cơn khốn khó ấy, mẹ con cụ Cầm có những khi quay quắt vì vật chất, phải ăn củ quả, và có khi phải ăn cám heo để cầm hơi. Những ngày tháng cơ hàn, đã không ít người muốn được kết tóc, se tơ, bất luận cụ đã có 8 người con nhưng vì tương lai con cái, cụ quyết thủ tiết với người chồng quá cố nên đã khước từ tất cả. Trong số những đứa con của mình, cụ Cầm vẫn tự hào nhiều hơn về “bé con” Vương Đình Huệ. Đó là cậu bé sinh dễ nhất, và luôn là đứa được việc nhất trong gia đình.
Cụ Cầm kể, từ năm 6 tuổi, cậu bé Vương Đình Huệ đã phải quần quật làm việc nhà, tìm rau nấu cám cho lợn, cùng anh chị ra biển cào nghêu, bắt ốc, nhặt cá rơi rồi mang ra chợ bán kiếm tiền giúp mẹ. Nói về đứa con mà mình rất đỗi tự hào, cụ Cầm xa xăm: “Những năm học tiểu học rồi lên trung học phổ thông, trên người nó độc một chiếc áo thôi. Lỡ gặp mưa là phải vắt phơi khô để mặc lại. Đói ăn thiếu mặc nhưng chưa khi mô nó đòi hỏi điều gì. Nó hiểu được nỗi vất vả của mẹ nên hễ đi học về là lại lao ra biển để đỡ đần mẹ, rồi đi chăn trâu cho người ta kiếm gạo”.
Tuy sinh ra trong hoàn cảnh nghèo khó, nhưng Vương Đình Huệ nổi tiếng thông minh và học giỏi. Mới lên 6 tuổi, Huệ đã biết lấy vỏ ốc để làm phép tính. Trên lớp, cậu bé là đầu têu cho mọi trò chơi như đánh trận giả, chơi ô ăn quan. Đặc biệt, Huệ chơi cờ tướng rất giỏi và ham đọc sách. Nhà nghèo không có tiền mua sách, cậu thường đi mượn sách về nhà đọc và biết cách sưu tầm sách cho riêng mình. Ngay từ năm học cấp hai, Huệ đã xây dựng cho mình được một kệ sách hơn 100 cuốn về các tác phẩm văn học nổi tiếng trên thế giới và sách toán học. Kệ sách này ngày một dày lên và hiện vẫn được lưu giữ trong nhà.
Cụ Cầm còn tự hào cho biết thêm, vào năm 1974, khi Vương Đình Huệ vừa bước vào lớp 10 trường huyện, cậu đã được tỉnh Nghệ An (cũ) tặng thưởng một chiếc xe đạp Thống Nhất vì thành tích xuất sắc trong học tập.
Người mẹ tuyệt vời
Cụ Võ Thị Cầm có 8 người con, gồm 5 trai và 3 cô con gái, chồng bị thương và đau yếu bệnh tật thường xuyên không làm được việc nặng, nên mọi gánh nặng gia đình đều đổ lên đôi vai gầy. Từ ngày lấy chồng cho đến khi con cái trưởng thành, cụ chưa được một giây phút nghỉ ngơi. Những năm tháng cơ hàn ấy, cụ Võ Thị Cầm chỉ mặc manh áo vá, còn những thứ lành lặn cụ nhường hết cho chồng, cho con. Tuy vất vả cơ hàn thế, nhưng cụ không kêu ca lấy nửa lời, luôn thương chồng và yêu con hết mực và giữ cho gia phong trong ấm ngoài êm, được xóm làng ca ngợi: “Cụ Cầm là người đức độ, thương chồng, yêu con và sống tốt với anh em làng xóm. Tuy vất cả nuôi 8 người con trong nghèo khó, nhưng cách nuôi dạy con của cụ thật là tuyệt vời. Đứa nào cũng ngoan ngoãn, hiền lành và học giỏi” - một người hàng xóm cho biết thêm.
Hỏi cụ Cầm về bí quyết nuôi con, cụ cười: “Bí quyết chi mô, nghèo chữ quá nên trọng người hay chữ, phải bóp bụng mà nuôi con thành ông Trạng, ông Nghè thôi”. Với quan niệm như vậy nên dẫu đói nghèo nhưng cả 8 người con đều được cụ cho ăn học đến nơi đến chốn và thành đạt. Trong 8 người con của cụ thì người con trai thứ hai Vương Đình Ngọc đã hy sinh năm 1973 ở chiến trường miền Nam, mãi đến năm 2010 vừa qua, đồng đội đã tìm được hài cốt đưa về cho mẹ. Năm nay đã 90 tuổi nhưng cụ Cầm vẫm ham đọc sách, xem ti vi và theo dõi những diễn biến thời sự của đất nước.
Cụ nói: “Con cái thành đạt, ai cũng tự hào. Nhưng đã làm đầy tớ của dân thì phải làm cho hết lòng. Yêu lấy dân thì dân sẽ yêu lại. Đó là điều mà tôi vẫn thường dặn mỗi khi Huệ về thăm nhà”.
Có lẽ nhờ ảnh hưởng nhiều từ tính cách người mẹ hiền mà suốt bao nhiêu năm cống hiến cho đất nước là một “công bộc” trung thành của nhân dân, Bộ trưởng Vương Đình Huệ đã có những đóng góp nhất định cho việc an dân, phát triển đất nước.
Còn nhớ, tại cuộc hội thảo về cơ chế điều hành giá xăng dầu tại Bộ Tài chính, đã diễn ra tranh luận hết sức căng thẳng xung quanh câu chuyện lỗ lãi của doanh nghiệp, cơ chế hoạt động của Quỹ bình ổn giá cũng như cơ chế điều hành giá xăng dầu nói chung giữa các bộ, doanh nghiệp và các chuyên gia kinh tế. Tại đây, trong khi các doanh nghiệp và cả Lãnh đạo Bộ Công thương đều kêu ca về việc lỗ trường kỳ trong kinh doanh và có ý xa gần chuyện nếu Nhà nước không hỗ trợ họ để phát triển thì có thể doanh nghiệp này sẽ ngưng cung cấp sản phẩm ra thị trường. Ngay lập tức, Bộ trưởng Vương Đình Huệ đã phản pháo bằng phát biểu để đời: “Doanh nghiệp nào khó khăn hãy làm đơn khiếu nại gửi thẳng đến tôi, còn muốn bỏ thị trường tôi cho nghỉ ngay. Nếu Petrolimex cũng muốn bỏ thị trường, chúng tôi sẽ lập ngay tổng công ty mới, không thể doanh nghiệp muốn nói thế nào thì nói. Doanh nghiệp đừng có dọa Nhà nước”.
Chưa dừng lại ở đó, Bộ trưởng Vương Đình Huệ còn được biết đến với những biện pháp kiềm chế lạm phát mạnh tay, nhiều câu nói của ông đã trở thành kim chỉ nam cho mọi hành động của không chỉ ngành Tài chính, như: “Tiền bình ổn giá không phải để trong nhà Tổng Giám Đốc, tiền phải để trong ngân hàng và phải có lãi”, hay “hơn 10 năm làm ở Kiểm toán Nhà nước, tôi đã biết rất rõ các doanh nghiệp xăng dầu. Vì vậy, quan điểm điều hành của bộ Tài chính sẽ không thể vì 1 doanh nghiệp xăng dầu đầu mối mà phải vì hơn 80 triệu dân”.
Cái làm nên tố chất của vị tân Bộ trưởng này là ông không phải phát biểu suông, đao to búa lớn rồi để đấy mà điều khiến nhân dân coi trọng ông chính là ở chỗ nói là làm. Ông Vương Đình Huệ là người có kiến thức, có trình độ chuyên môn cao trong lĩnh vực tài chính và rất tự tin về năng lực của mình. Ông dám nói, dám làm và dám chịu trách nhiệm. Một phần vì tính cách ấy, theo những những người thân thiết với gia đình ông đều cho rằng, có ảnh hưởng nhất định từ người mẹ tuyệt vời, đã một đời hy sinh vì con cái.
- Thứ gì được cất giữ ở một nơi trong Tử Cấm Thành mà cần có cảnh sát vũ trang canh gác 24/24 giờ?
- Nếu chồng bạn có những đặc điểm này thì có nghĩa là bạn đã chọn và cưới đúng người, rất chính xác!
- Massage cổ có gây nhồi máu não không? Lời khuyên của chuyên gia: 7 kiểu người này không phù hợp để massage
- Từ 1/7/2025: Thay đổi cách tính lương hưu theo Luật BHXH mới, hàng triệu người hưởng lợi
- Quận đông dân nhất Việt Nam: Dân số bằng 2 tỉnh cộng lại, là một trong hai quận lớn nhất TP. HCM
- Lịch nghỉ Tết Nguyên đán 2025 mới nhất của học sinh cả nước
- Thưởng Tết 2025, mức thưởng cao nhất là trên 500 triệu đồng/người. Là ai?
- Tại sao Sơn Tùng lại nổi tiếng?
- Trước Tết dương lịch 2025, đây là 6 thủ tục hành chính cần hoàn thành
- Đây là tên gọi đầu tiên của Hà Nội, người Hà Nội lâu năm chưa chắc đã biết, nó có ý nghĩa gì?
- Tin vui thưởng Tết Nguyên Đán 2025: Sẽ cao hơn năm 2024 từ 6 - 8%