Nghi án cháu bé lớp 1 bị bạo hành
Thứ bảy, 27/10/2012 15:13

Nhiều thầy cô bàng hoàng khi phát hiện em N.H.P. (học sinh lớp 1/10 - ảnh), Trường tiểu học Thanh Đa (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) có dấu hiệu bị bạo hành.

Vết thương trên người em N.H.P

Vết thương trên người em N.H.P

Nghi vấn bạo hành

Ngày 18/10, khi các em học sinh lớp 1 đang tiến hành kiểm tra môn tiếng Việt, giáo viên chủ nhiệm lớp 1/10 phát hiện mặt của em N.H.P. có nhiều vết trầy xước, em không thể ngồi xuống ghế vì đau rát ở mông. Cô giáo báo cho ban giám hiệu cùng một số thầy cô khác biết vụ việc. Kiểm tra trên người cháu bé, các thầy cô giáo phát hiện nhiều vết đỏ tấy ở hai mông, trên cánh tay của em.

Bé P. cho biết, những vết thương trên mông do thím của P. dùng bàn ủi gí vào. Ngoài ra, cháu P. còn kể, thường bị thím phạt đứng, đeo túi xách nặng trên vai (có hằn nhiều vết trên vai). Xác định tính chất nghiêm trọng của vụ việc, thầy Đỗ Thế Phương, Hiệu trưởng Trường tiểu học Thanh Đa đã báo cho các cơ quan chức năng P.27, Q.Bình Thạnh, đề nghị hỗ trợ xác minh.

Ông Lê Thành Danh - Phó Chủ tịch UBND P.27, Q.Bình Thạnh cho biết, ông đã cùng với đoàn công tác của phường xuống làm việc với thím của cháu P. là bà P.T.M.H. Cha mẹ cháu P. đang ly thân, cha cháu gửi cháu cho vợ chồng bà H. chăm nuôi. Tại buổi làm việc, bà H. không thừa nhận có hành vi bạo hành như cháu P. trình bày với các thầy, cô giáo.

Trong buổi làm việc với phóng viên, bà H. vẫn khẳng định không bạo hành cháu P. Bà cho rằng, P. bị… tự kỷ, những vết thương trên người P. do chính cháu gây ra (!). “Vợ chồng tôi đón cháu về nhà từ tháng 2/2012. Sau một thời gian sống, chúng tôi phát hiện cháu có nhiều biểu hiện bất thường như: hay đổ cơm vào nhà vệ sinh, tự cào vào mặt". Cũng theo bà H., sau khi đổ cơm, cháu P. lại đi xin cơm nhà hàng xóm hay xin ăn ở căng tin của trường. Chính vì vậy, nhiều người nghĩ bà H. không cho cháu ăn. Giải thích về các vết thương trên người cháu, bà H. cho biết: vết thương trên mông là do cháu P. bị té vào tô phở nóng dẫn đến phỏng.

Những vết thương bất thường trên người cháu P.

Tuy nhiên, theo khẳng định của cô giáo chủ nhiệm lớp 1/10, P. là đứa trẻ hoàn toàn bình thường. “Cháu trả lời những câu hỏi của người lớn rất gãy gọn, rõ nghĩa và rất hiểu ý người đối diện. Tôi khẳng định, trong lớp học cháu P. tỏ ra bình thường như bao bạn khác và không có biểu hiện tự kỷ”, cô giáo chủ nhiệm lớp 1/10 nói.

Người dân bức xúc

Khi chúng tôi đến tìm hiểu vụ việc, nhiều người dân đã bày tỏ sự bức xúc về hành vi của bà H. Cháu P. thường xuyên bị bà H. đánh đập. Nhiều người dân chứng kiến muốn can thiệp, nhưng vì nhà bà H. luôn đóng cửa nên không ai vào trong được. “Nhiều lần tận mắt cháu bé bị đánh đập, chúng tôi rất thương xót. Cháu P. có nghịch ngợm thì cũng là chuyện bình thường của con nít, cớ sao bà H. lại nhẫn tâm đánh đập cháu như thế”, một người dân bức xúc.

Hàng xóm của bà H. cho biết thêm, không những bị đánh đập, cháu P. còn bị thím bỏ đói, có lần phải sang nhà hàng xóm xin cơm ăn. Ngay sau đó, bà H. la mắng cháu và bắt phơi nắng vì “tội xin ăn”. “Tôi sẵn sàng làm chứng trước công an về hành vi của bà H. Chúng tôi đã nhiều lần chứng kiến nhưng không thể can thiệp vì bà ta luôn đóng kín cửa”, bác Long ngụ gần nhà bà H. cho biết.

Theo lời bà H., cháu P. đã được người thân bên ngoại đón về quê ở Đồng Tháp vào ngày 19/10, chỉ một ngày sau khi nhà trường báo sự việc cho chính quyền địa phương.

PLTP
Tag: Đánh học sinh , Bạo lực học đường , Cô giáo đánh học sinh , Trường tiểu học Thanh Đa , Bạo hành