Nghề giám khảo: Mua danh ba vạn…
Thứ ba, 10/01/2012 10:52

Những ồn ào của giới truyền thông xung quanh giám khảo ở gameshow giải trí “Cặp đôi hoàn hảo” đã khiến không ít người phải giật mình nhìn lại hoạt động này ở Việt Nam.



(Ảnh minh họa).

Hình thức thi thố có sự bình luận của một hội đồng nghệ thuật hay một BGK khi xuất hiện ở Việt Nam được đón nhận nhiệt liệt và giúp một vài nghệ sĩ hoạt ngôn trong làng giải trí có thêm nghề mới: nghề giám khảo. Nhưng nếu chưa thật sự được nhìn nhận như một nghề, các nghệ sĩ được mời vào vị trí “ăn trên, ngồi trốc” này rất dễ rơi vào thảm cảnh: Bán danh ba đồng…

Giám khảo liên tục dính xì căng đan…

Một điều dễ thấy là tại các game show “nóng” trong 2 năm trở lại đây, các vị giám khảo cũng là một phần không thể thiếu trong việc tạo nên tính gay cấn của các cuộc thi. Nhận xét trực tiếp, hài hước, bất ngờ… đã tạo nên kịch tính mới mẻ cho các show truyền hình thực tế. Và, giám khảo cũng không thua kém trong việc tạo những scandal lớn nhỏ ở các chương trình có sự hiện diện của họ.

Điểm lại các game show, cuộc thi gần đây như “Sao mai điểm hẹn 2010” đều có những màn đối đáp nảy lửa của giám khảo và các thí sinh.

Ở cuộc thi âm nhạc “Việt Nam Idol”, liên tiếp 2 năm liền giám khảo bị “tơi bời” vì dư luận. Trong đó, tại “Idol 2010”, Siu Black bị thí sinh khuyết tật Sơn Lâm viết thư chỉ trích chị phân biệt đối xử. “Vietnam Next Top Model” năm đầu tiên đã “dính” ngay scandal từ ban giám khảo: Lần đầu tiên toàn bộ một ban giám khảo (bao gồm Nathan Lee, Hoàng Ngân và Elizabeth Thuỷ Tiên) bị thay vì có sự lục đục tranh giành vị trí cao thấp…

Và đỉnh điểm tốn nhiều giấy mực cũng như thu hút được nhiều tranh luận của công chúng nhất là câu chuyện về ban giám khảo “Cặp đôi hoàn hảo” bị chỉ trích vì nhận xét và chấm điểm “ba phải” làm theo kịch bản có sẵn. Dư luận càng mổ xẻ phức tạp hơn khi vào đến những vòng trong Siu Black và Lê Minh Sơn bị “đập” nhiều nhất, đến mức ca sĩ Siu Black, đóng vai trò giám khảo trong rất nhiều chương trình, cuộc thi, cũng từng dính không ít scandal “vạ miệng” với vai trò này phải thốt lên: “Tôi thật sự mệt mỏi, không biết làm thế nào thì mới vừa lòng công luận được!”.

Sự nghiệt ngã của dư luận! 

Được chọn làm nhân vật ngồi ghế nóng – bên cạnh sự hãnh diện còn phải chấp nhận đối diện với “búa rìu” của dư luận bởi mỗi lời khen hay chê của giám khảo đều được khán giả soi rất kỹ. Lỗi ở họ hay bởi khán giả khắt khe? 

Vai trò giám khảo trong các cuộc thi truyền hình trực tiếp ở Việt Nam thực tế đã có từ lâu nhưng chủ yếu chỉ là ngồi chấm điểm, cho đến khi cuộc thi Sao Mai – Điểm hẹn 2004 được tổ chức với định dạng giám khảo nhận xét trực tiếp thí sinh sau mỗi phần thi thì yếu tố giám khảo của chương trình bắt đầu trở thành điểm nóng. 

Lời nói thật, nói nhanh và không cần hoa mỹ của nhà thơ Đỗ Trung Quân: “Em hát rất điên, tôi thích cái điên của em và nghệ thuật rất cần những cái điên như thế (sau màn biểu diễn của Ngọc Khuê) và “Em có cần phải ăn mặc kín đáo như một nữ tu như vậy không?” ở phần trình diễn của Lưu Hương Giang trong cuộc thi năm đó không ngờ đã làm bùng nổ “cơn thịnh nộ” trên công luận. Trước làn sóng phản đối, dù ban tổ chức không “sa thải” nhưng nhà thơ Đỗ Trung Quân thấy được sức ép từ dư luận nên vui vẻ xin rút khỏi ban giám khảo. Những lần sau đó vẫn có những lời mời nhưng ông không còn sự hào hứng và nghiệm ra rằng: “Truyền hình là nơi (chỗ) để khoe… cái dốt nhanh nhất trước hàng chục triệu người”. 

Sau Đỗ Trung Quân, nhạc sĩ Trần Tiến cũng rơi vào tình huống tương tự vì khán giả chỉ trích sau những phát ngôn trong cuộc thi Bước nhảy hoàn vũ.  Không ít khán giả viết những dòng comment trên các trang báo mạng bình luận rằng tại sao một nhạc sĩ tài năng lại có những nhận xét trần trụi và vô duyên đến thế. Còn nhạc sĩ Trần Tiến sau khi dừng cuộc chơi giữa chừng thì xót xa thốt lên rằng: “Có lẽ người ngu nhất chính là người chọn nghề làm giám khảo”. Nhưng rồi chính câu nói rất thật trong lúc bức xúc đó của ông lại một lần nữa bị dư luận… ném đá bởi nó động chạm đến không ít nghệ sĩ đang ngồi ở vai trò này.

Khi được mời vào vị trí giám khảo ở bất kỳ cuộc thi nào dù lớn hay nhỏ, ban tổ chức cũng đều có một lý do riêng mà một trong những lý do cơ bản chính là danh tiếng của người đó. Tuy nhiên, khi đã ngồi ở ghế giám khảo, thì “nhân vật” ấy phải làm đúng vai trò của một vị giám khảo chứ không phải vì anh cá tính và sự nổi tiếng để thích nói gì thì nói. Bởi nếu đi quá khuôn khổ ấy, vị giám khảo sẽ bị loại hoặc (tự nguyện) loại mình ra khỏi cuộc chơi. Thế mới thấy dù làm giám khảo hay làm bất cứ việc gì liên quan đến hàng triệu con người đang theo dõi điều đó cũng có nghĩa là mỗi cá thể đang làm sứ mệnh của một người định hướng thẩm mỹ chứ không phải một kẻ vô danh đi giữa chợ người. 

Giám khảo phải là một nghề

Vì sao các chương trình truyền hình thực tế chiếm lĩnh thị trường của truyền hình hiện nay trên toàn thế giới? Vì nó đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của khán giả. Với các cuộc thi, khán giả không dừng lại ở nhu cầu chỉ xem chuyên môn, họ còn muốn thấy cá tính của những thí sinh, muốn thấy đời sống của thí sinh và còn muốn nhìn được quá trình từng bước của thí sinh. Điều gì làm khán giả thú vị với các chương trình như thế này: phải có hài hước để giải trí, phải có kịch tính để hồi hộp, phải có bất ngờ để người ta chờ đợi và phán đoán. Không còn thụ động nữa, khán giả muốn tham gia cùng chơi và họ là người góp phần quyết định ở cuộc thi. Vậy ban giám khảo có vai trò gì ở cuộc chơi ấy? Người ta hay nói giám khảo là người cầm cân nảy mực, điều đó là chưa đủ với giám khảo của loại chương trình này. 

Trên thực tế, làm giám khảo không đơn giản chỉ là việc mỗi tuần mất vài giờ lên truyền hình “chém gió” vài câu. Có lẽ  đã đến lúc chúng ta phải nhìn nhận  giám khảo là một cái nghề chứ không hề “rảnh thì làm cho vui”.  Và khi đã xem đó là một nghề, thì cũng như mọi công việc khác, đã làm, cần sự nghiên cứu kỹ càng, cần sự theo dõi sát sao, cần trách nhiệm, cần sự phán đoán và cần cả sự quên mình cho chương trình, tất nhiên cần cả sự chấp nhận những cái gọi là “vạ miệng” hay “tai nạn nghề nghiệp”.

Congluan.vn
Tag: Hậu trường , Giám khảo , Gameshow , Dư luận , Áp lực , Văn hóa , Giải trí