Ngập tràn kính phục trước “Napoleon Đỏ”
Thứ sáu, 11/10/2013 15:34

Thông tin về sự ra đi của Đại tướng Võ Nguyên Giáp lập tức được lan rộng khắp thế giới.

Tướng Võ Nguyên Giáp, phải, nhận được một thanh kiếm từ Tổng thống Venezuela Hugo Chavez

Tướng Võ Nguyên Giáp, phải, nhận được một thanh kiếm từ Tổng thống Venezuela Hugo Chavez

Toàn bộ những tờ báo, trang báo hàng đầu thế giới thông tin với mật độ rất dày và sâu. Có thể thấy rõ cùng với cách gọi “Napoleon Đỏ” (“Red Napoleon”), vị đại tướng thân yêu của chúng ta có sức ảnh hưởng và sự tôn trọng lớn thế nào trong mắt bạn bè thế giới, kể cả những người từng là đối thủ của ông.

Bày tỏ sự tiếc thương

Tờ Independent ghi rõ ngay đầu bài viết: “Vị đại tướng được yêu quý của Việt Nam, người là chìa khóa chiến thắng của Việt Nam trong những cuộc chiến với tầm ảnh hưởng vượt khỏi biên giới một quốc gia, trước Pháp và Mỹ, giúp chấm dứt chế độ thực dân của Pháp tại khu vực đã qua đời ở tuổi 102”. Trong bài viết của mình, tác giả nêu rất kỹ tiểu sử của ông, người được bạn bè thế giới kính trọng và vị nể bởi biệt danh “Napoleon Đỏ”.

Tại nước Cuba anh em, giới truyền thông quan tâm đặc biệt đến sự ra đi của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Trang điện tử cubadebate, hãng thông tấn Prensa Latina và đài truyền hình Cuba đồng loạt đưa tin về việc Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua đời, đồng thời đăng tải những chùm ảnh tư liệu về cuộc đời và sự nghiệp của vị tướng được coi là "Người anh cả" của quân đội nhân dân Việt Nam. Hãng tin Prensa Latina ca ngợi Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một chiến lược gia quân sự lỗi lạc, đã chỉ huy quân đội Việt Nam đánh đuổi thực dân Pháp, với đỉnh cao là chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử, sau đó ông tiếp tục áp dụng một cách tài tình chiến lược chiến tranh toàn dân để đánh đuổi đế quốc Mỹ. Prensa Latina nhấn mạnh, nghệ thuật chiến tranh du kích của Tướng Giáp là nguồn cảm hứng cho các chiến sỹ đấu tranh vì độc lập dân tộc trên cả thế giới.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong lần tiếp chủ tịch Fidel Castro tại nhà riêng ở Hà Nội, 22/2/2003. (Washington Post/AFP)

Trang điện tử cubadebate khẳng định, Tướng Giáp không chỉ là một bậc thầy trong nghệ thuật chỉ huy đấu tranh Cách mạng, mà còn là tác giả của cuốn sách nổi tiếng “Chiến tranh nhân dân, quân đội nhân dân” dựa trên những kinh nghiệm chiến đấu của chính bản thân ông. Cubadebate đăng tải một loạt bức ảnh tư liệu về cuộc đời của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, từ lúc trẻ khi tham gia hoạt động Cách mạng, thời kỳ sát cánh cùng Bác Hồ ở vùng núi Tây Bắc, cuộc đấu tranh chống Mỹ cứu nước cho đến khi về nghỉ hưu. Đài truyền hình Cuba đăng tải những hình ảnh tư liệu quí báu về cuộc đời Đại tướng và các cuộc gặp gỡ lịch sử của ông với lãnh tụ Fidel Castro và cố Tổng thống Venezuela Hugo Chavez khi các vị lãnh đạo này tới thăm Việt Nam. Đài truyền hình Cuba khẳng định sự ra đi của Đại tướng là một mất mát lớn lao không chỉ đối với nhân dân Việt Nam, mà cả với hàng triệu người ngưỡng mộ ông trên thế giới.

Nhưng nổi bật nhất phải là những tờ báo từ nước Mỹ. Trong một ấn bản đặc biệt, tờ Washington Post đã dành đến những 5 trang cực sâu để viết về đại tướng Võ Nguyên Giáp sau khi vị anh hùng của Việt Nam qua đời. Bài báo ca ngợi tư duy chiến lược quân sự của ông, nhất là nghệ thuật tổ chức thế trận chiến tranh nhân dân. Kèm theo đấy là một bộ ảnh tương đối đồ sộ về những hình ảnh hiếm từ những ngày đầu đến với cách mạng và cả sau này.

Đề cao lý thuyết: con người quyết định chiến thắng

Trong ngày ông mất, đồng loạt mọi trang báo quốc tế đều đưa tin và đăng bài luận về cuộc đời và sự nghiệp của một trong những danh tướng lừng lẫy nhất của thế kỷ 20, với cụm từ Napoleon Đỏ lặp đi lặp lại rất nhiều lần.

Tờ Time giật tít đậm: “Huyền thoại Việt Nam, tướng Võ Nguyên Giáp qua đời”. Cũng về tướng Giáp, tờ Time có 2 bài viết, một trích dẫn bài viết của Chris Brummit và Margie Mason (AP) và một của Mason nhưng có bổ sung sâu hơn. Tác giả đã dùng những từ khá mạnh trong phần giới thiệu về tướng Giáp: “Võ Nguyên Giáp, vị Đại tướng đã đánh đuổi người Pháp để giải phóng Việt Nam khỏi chế độ thực dân sau đó buộc người Mỹ phải từ bỏ nỗ lực đến kiệt sức của họ, để cứu nước bằng chủ nghĩa cộng sản đã qua đời. 102 tuổi, ông là người cận vệ cuối cùng của lực lượng cách mạng đầu tiên của Việt Nam”.

Tác giả bài viết, nhiều lần gặp đại tướng đã mô tả và đánh giá ông như “một anh hùng quốc gia có di sản chỉ đứng thứ 2 sau người thầy của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh, người đã đưa đất nước đến độc lập”. Tác giả đã viết về tướng Giáp trong trận chiến Điện Biên Phủ: “Tướng Giáp, như vẫn gọi là “Napoleon Đỏ” đã đứng ra lãnh đạo một đội quân du kích với thành phần là người nghèo khố rách áo ôm mặc dép bằng lốp xe và kéo khẩu pháo của họ từng chút một vượt qua những ngọi núi cao để bao vây và đè bẹp quân đội Pháp tại Điện Biên Phủ năm 1954. Chiến thắng không tưởng đấy hiện vẫn còn được nghiên cứu tại các trường quân sự, không chỉ đưa Việt Nam đến độc lập mà còn đẩy nhanh sự sụp đổ của chủ nghĩa thực dân trên toàn Đông Dương và xa hơn nữa”.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng chủ tịch Hồ Chí Minh đi thăm hỏi quân sĩ ở một địa điểm bí mật, 1957 (Washington Post/AFP)

Trong bài viết trên AP, tác giả Mason trích rất nhiều câu nói nổi bật của tướng Giáp. Trong đấy có câu: “Không có cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc nào khốc liệt và gây ra nhiều thiệt hại như cuộc chiến này - tướng Giáp nói với Associated Press trong cuộc phỏng vấn của ông với truyền thông nước ngoài vào đêm trước của kỷ niệm 30 năm sự sụp đổ của chính quyền niềm Nam Việt Nam- Nhưng chúng tôi vẫn chiến đấu bởi vì đối với Việt Nam, không có gì quý hơn độc lập tự do”. Ông lặp đi lặp lại một câu nói nổi tiếng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hoặc một phát biểu nổi tiếng khác trước các nhà báo nước ngoài vào năm 2004, trước lễ kỷ niệm lần thứ 50 của chiến thắng Điện Biên Phủ: “Nếu một quốc gia quyết tâm đứng lên, nó sẽ rất mạnh mẽ. Chúng tôi rất tự hào rằng Việt Nam là thuộc địa đầu tiên có thể đứng lên và giành độc lập của riêng mình”.

AP mô tả đại tướng đã vẽ ra những trải nghiệm của mình bằng việc tạo ra các con đường mòn Hồ Chí Minh, một mạng lưới bí mật ngoằn nghoèo dưới những khu rừng rậm rạp băng qua những nước láng giềng – bề ngoài trung lập – là Lào và Campuchia để cung cấp cho quân đội chiến đấu trên chiến trường miền Nam. Bằng tài thao lược của mình, các lực lượng của tướng Giáp đã chiếm ưu thế trước lực lượng của Mỹ với vũ khí tinh vi và máy bay ném bom  B-52. “Chúng tôi đã phải sử dụng nhỏ đọ với lớn, vũ khí lạc hậu để đánh bại vũ khí hiện đại”, tướng Giáp nói, “Cuối cùng, đó là yếu tố con người quyết định chiến thắng”.

Đại tướng Hòa Bình

Sử gia Stanley Karnow, người đã phỏng vấn tướng Giáp tại Hà Nội vào năm 1990 đã trích lời tướng Giáp: “Chúng tôi không đủ mạnh để đánh đuổi nửa triệu quân Mỹ. Nhưng đó không phải là mục tiêu của chúng tôi. Mục đích của chúng tôi là phá vỡ ý chí của chính phủ Mỹ trong việc duy trì chiến tranh”.

Cũng theo AP, với mái tóc bạc trắng, dù rút khỏi chính trường, tướng Giáp nghỉ hưu tại Hà Nội vẫn như một báu vật quốc gia, viết hồi ký và tham gia các sự kiện quốc gia – luôn mặc đồng phục quân đội màu xanh lá cây hoặc màu vỏ trứng gà với ngôi sao vàng trên vai. Ông đã tổ chức họp báo, đọc ghi chú viết tay và đôi khi trả lời câu hỏi bằng tiếng Pháp. Ông vẫn cập nhật tin tức thế giới và đã đưa ra lời khuyên cho người Mỹ trong cuộc chiến tranh Iraq năm 2004: “Bất kỳ lực lượng nào muốn áp đặt ý muốn của họ trên các quốc gia khác chắc chắn sẽ phải đối mặt với thất bại”.

Tướng Võ Nguyên Giáp bên cạnh một Người Mẹ Việt Nam Anh Hùng trong ngày phong danh hiệu cho những người mẹ có nhiều hy sinh trong 2 cuộc kháng chiến, 19/12/1994 (Washington Post/AFP)

Trong phần cuối cuộc đời, tướng Giáp khuyến khích làm ấm hơn mối quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ, trong đó thiết lập lại quan hệ năm 1995. “Chúng ta có thể đặt quá khứ ra đằng sau- tướng Giáp nói năm 2000- Nhưng chúng ta không được phép hoàn toàn quên nó”.

Tác giả Martin Petty – hãng tin Reuters đã viết: “Đối với các nhà sử học, tướng Giáp là một vị tướng xếp đồng hạng với những người khổng lồ như Montgomery, Rommel và MacArthur. Điểm nổi bật của ông là khả năng chiến lược và chiến thuật sắc sảo đã giúp đội quân của những người nông dân chiến thắng kẻ thủ có nguồn lực lớn hơn”. Theo Martin Petty, tướng Giáp từng khẳng định rằng “Đầu hàng không phải là một từ trong từ vựng” và nói như cách của ông thì “bất kỳ quân đội chiến đấu vì tự do đều có năng lực sáng tạo để đạt được những điều mà đối thủ của nó không bao giờ có thể mong đợi hay tưởng tượng”.

Bên cạnh cá tính sắt đá cùng những chuyện chuyên môn, trong bài viết của mình, tác giả Martin Petty gợi lại một câu chuyện cũ để nói lên tinh thần nhân văn đằng sau những chiến công vang lừng của đại tướng. Theo đó, năm 2004, trong buổi nói chuyện với các phóng viên nước ngoài tại nhà riêng của mình, đại tướng Võ Nguyên Giáp nhắc lại rằng, trên một chuyến viếng thăm Liên Hiệp Quốc tại Geneva năm 2003, ông đã được trao cho một cuốn sách để ký. Khi ấy, ông đã ký: “Võ Nguyên Giáp, Đại tướng Hòa Bình."

Ở Mỹ, tin tức về cái chết của tướng Giáp đã được Thượng nghị sĩ John McCain - một cựu phi công hải quân bị bắn hạ trong cuộc xung đột Việt Nam và trở thành tù binh chiến tranh - chia sẻ trên mạng xã hội. Trong twitter của mình, Thượng nghị sĩ McCain mô tả tướng Giáp là một “chiến lược gia quân sự chói sáng".

Tờ The Guardian nhận định “Võ Nguyên Giáp, người chiến thắng tại Điện Biên Phủ kích hoạt việc rút khỏi Đông Dương của Pháp, là một nhà lãnh đạo tự học, không qua trường lớp và là một trong những thiên tài quân sự lớn của thế giới sau  chiến tranh thế giới thứ 2”.

 

Vi Quốc

Clip đang được xem nhiều nhất: Nhóm thanh niên ngăn cô gái nhảy cầu

Tag: Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ trần , Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua đời , Cuộc đời Đại tướng Võ Nguyên Giáp , Tướng Giáp , Võ Nguyên Giáp