Mỹ tạo siêu bão Haiyan?
Thứ sáu, 15/11/2013 14:36

Tổng thống Philippines Benigno Aquino đang đối mặt với sức ép ngày càng tăng trong việc đẩy nhanh hoạt động cứu trợ.

Binh sĩ đưa một người bị thương trong bão lên máy bay để rời khỏi thành phố Tacloban hôm 14/11 Ảnh: Reuters

Binh sĩ đưa một người bị thương trong bão lên máy bay để rời khỏi thành phố Tacloban hôm 14/11 Ảnh: Reuters

Một nhà khoa học Philippines vừa lên tiếng bác bỏ video cáo buộc siêu bão Yolanda (tên quốc tế là Haiyan) là thảm họa nhân tạo do công nghệ phát xung vi sóng của Mỹ gây ra.

Không có bằng chứng thuyết phục

Trong đoạn video dài 14 phút được tài khoản DutchSince đăng tải lên YouTube hôm 8/11, tác giả đã viện dẫn các hình ảnh động của vệ tinh về dịch chuyển của siêu bão Haiyan để cáo buộc một cơ sở tại bang Alaska - Mỹ thao túng hướng đi và sức mạnh của bão này. Giọng nói thuyết minh đoạn video gây xôn xao dư luận này cho biết: “Chúng ta có thể theo dõi sự hình thành của cơn bão. Những gì chúng ta nhìn thấy vài lần ở đây, gần đảo Guam là một xung vi sóng lớn hình xoắn ốc, đến từ hướng Bắc”. Không những thế, người này còn cáo buộc xung vi sóng kiểm soát luôn Zoraida, khi ấy là đám mây bão mới hình thành và sau thành áp thấp nhiệt đới đổ bộ Philippines.

Tuy nhiên, trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình vài ngày sau đó, GS-TS Mahar Lagmay, Giám đốc dự án diễn đàn giám sát thời tiết trực tuyến NOAH của Bộ Khoa học và Công nghệ Philippines, cho rằng người làm ra đoạn video trên không chứng minh được giả thuyết mình đưa ra. Ông nhận định: “Cho đến thời điểm này, tôi không thấy có sự liên hệ nào cả. Không có bằng chứng thuyết phục cho giả thuyết bão Yolanda do công nghệ Mỹ tạo ra. Không có lý do nào để tin người này”.

Công tác cứu trợ bị chỉ trích

Trong lúc này, Tổng thống Philippines Benigno Aquino đang đối mặt với sức ép ngày càng tăng trong việc đẩy nhanh hoạt động cứu trợ sau khi xuất hiện nhiều chỉ trích Manila phản ứng chậm chạp sau bão Haiyan. Liên Hiệp Quốc hôm 14/11 cũng phải thừa nhận nỗ lực cứu trợ quá chậm giữa lúc người sống sót đói khát đang làm liều. Bà Valerie Amos, Giám đốc Cơ quan Nhân đạo Liên Hiệp Quốc, cho biết vẫn còn một số khu vực chưa nhận được giúp đỡ do sức tàn phá rộng lớn của bão và những thách thức về mặt hậu cần.

Ông Aquino biện hộ rằng số người thiệt mạng (hiện ở mức 2.357 người) có thể còn cao hơn nếu người dân không được sơ tán và hàng cứu trợ không được chuẩn bị sẵn trước khi bão ập đến. Dù vậy, nhiều người sống sót phàn nàn không ai cảnh báo họ về sự hủy diệt của cơn bão. Còn ông Rene Almendras, Chánh Văn phòng Nội các Philippines, nhận định chính phủ đang làm “khá tốt” công tác ứng phó thảm họa trong bối cảnh khả năng có hạn. Theo ông, cứu trợ là trách nhiệm của chính quyền các địa phương.

Báo The Washington Post (Mỹ) cũng cho rằng không nên đổ hết trách nhiệm cho chính phủ Philippines. Theo tờ báo, bên cạnh nguyên nhân khách quan là bão Haiyan quá khủng khiếp, câu trả lời rõ ràng nhất và cũng khó giải quyết nhất cho sự cứu trợ chậm chạp, đáng buồn thay, lại là tình trạng đói nghèo của Philippines. Bên cạnh đó, nguồn ngân sách có hạn cản trở chính phủ đầu tư vào những hạ tầng có thể chống lại thiên tai và rót vào cứu trợ khi cần. Việc chính quyền địa phương có được mức độ tự chủ nhất định lại làm gia tăng rào cản khi chính phủ cần tập trung nguồn lực đối phó với thảm họa thiên tai lớn.

Đó là lý do 6 ngày sau khi bão đổ bộ, hàng cứu trợ đến tay người sống sót vẫn rất nhỏ giọt, dẫn đến hỗn loạn tại nhiều nơi. Thị trưởng Tacloban, nơi bị tàn phá nặng nề nhất, hôm 13/11 đã thúc giục người dân rời khỏi thành phố do tình trạng hôi của, cướp bóc tràn lan. Bên cạnh đó, các nhóm phiến quân đang gia tăng hoạt động, không ngần ngại bắn vào cả người dân.

Nld.com.vn

Clip đang được xem nhiều nhất: Nhóm thanh niên ngăn cô gái nhảy cầu

Tag: Siêu bão Hoàng Yến , Bão trên biển Đông , Mỹ , Philippines , Bão nhân tạo