Dịch vụ ăn uống tăng giá chóng mặt, mất vệ sinh, thậm chí thực phẩm lưu cữu từ trong năm… là thực tế mà không ít người gặp phải trong những ngày đầu xuân.
Các quán ăn vỉa hè ngày Tết khá đông khách, giá tăng cao so với ngày thường |
Bấm bụng trả tiền
Ngay từ đêm 30 Tết, các hàng quán trên phố cổ như Đường Thành, Hàng Nón, Hàng Mành, Hàng Điếu, Hàng Gà, Tạ Hiện,... đã mở cửa để phục vụ khách. Với những người bán hàng, Tết là dịp để họ thả sức tăng giá, thậm chí gấp đôi so với ngày thường. Nhiều thực khách sau khi thưởng thức chỉ còn cách bấm bụng chi tiền, dù biết hết sức vô lý. Chị Nguyễn Phương Anh, ở phường Giảng Võ, quận Ba Đình cho hay, vào ngày mùng 5 Tết, sau khi cùng chồng và các con du xuân, do quá ngán với những món ăn nhiều thịt và chất béo trong dịp Tết nên cả gia đình ghé vào một quán bún riêu để thay đổi khẩu vị. Đến khi trả tiền, chị Phương Anh sững sờ khi nghe người bán hàng thản nhiên tính tiền 4 bát bún riêu cộng với 4 cốc trà đá, tổng cộng 320.000 đồng. Nghĩ mình nghe nhầm, chị Phương Anh hỏi lại thì người bán hàng tỏ vẻ khó chịu: “Giá thực phẩm, giá thuê người làm tăng lên, tăng giá là chuyện đương nhiên...”. Mặc dù biết trước vào ngày này, các quán ăn vỉa hè được dịp “chém” nhưng chị không nghĩ họ lại tăng nhiều đến vậy. “Dù biết mình bị chặt đẹp nhưng sợ cãi cọ xui xẻo đầu năm nên đành bấm bụng trả tiền” - chị Phương Anh chép miệng.
Dọc nhiều tuyến phố, những quán ăn vỉa hè bán phở, bún, miến trong suốt những ngày Tết đã được người bán tăng giá từ 20.000 - 25.000 đồng/bát lên 50.000 - 70.000 đồng/bát. Lý giải cho mức giá “phi mã” này, một số người bán hàng cho hay, bên cạnh giá thực phẩm tăng, thì việc mọi người được nghỉ ngơi trong khi họ vẫn miệt mài phục vụ khách nên giá tăng so với ngày thường cũng là điều dễ hiểu. Theo khảo sát, không nhiều quán ăn có tiêu chí “giữ nguyên giá - chất lượng” như những ngày thường. Ngoài bún, phở, miến thì bánh cuốn cũng là món ăn thu hút khá nhiều khách hàng và giá cũng tăng gấp đôi so với thời điểm trước Tết.
Điều đáng nói, mặc dù được người bán hàng lý giải do giá thực phẩm tăng nên giá bán tăng, nhưng trên thực tế hầu hết những loại thực phẩm dùng để chế biến đều được họ mua từ trong năm, với giá dành riêng cho nhà hàng nên không hề có chuyện tăng giá. Cũng bởi thực phẩm lưu cữu lâu ngày, thậm chí không được bảo quản hợp lý nên dù đã được “phù phép” bằng gia vị song không ít khách hàng phàn nàn chỉ cần ăn là phát hiện ra ngay. Thêm vào đó, do đông khách lại không đủ người phục vụ nên bát đĩa được nhân viên các cửa hàng rửa qua loa, đại khái, thậm chí chậu nước rửa bát đục ngầu vẫn được họ tráng đi, tráng lại, không buồn thay chậu nước mới.
Đỏ mắt tìm… cơm hộp
Cho đến thời điểm này, chỉ có các quán ăn vỉa hè mở cửa phục vụ người dân đi chơi Tết còn tại những địa điểm tập trung nhiều văn phòng, công ty, hầu hết những quán ăn cố định vẫn chưa mở cửa trở lại. Do vậy, đối với những người phải đi làm sớm, từ mùng 5- 6 Tết thì rất khó khăn để tìm được quán ăn trưa ngon, bổ, rẻ. Đi làm từ ngày mùng 5 Tết, chị Nguyễn Thu Thủy, nhân viên ngân hàng trên phố Ngô Quyền, quận Hoàn Kiếm cùng các đồng nghiệp gọi hàng chục cuộc điện thoại đến các dịch vụ đặt cơm hộp, nhưng không thấy hồi âm, nếu có người nhấc máy cũng chỉ nhận được những câu trả lời do chưa có người làm, người giao hàng nên phải ngoài rằm tháng Giêng mới kinh doanh trở lại.
Để giải quyết được khó khăn trong việc tìm chỗ ăn trưa sau Tết, và quan trọng hơn để tránh được việc bị ngộ độc do ăn phải thực phẩm không hợp vệ sinh, không ít người đã chọn giải pháp mang cơm hộp, mì bát,...đi làm. Theo bác sĩ Trần Thị Thu Hà, bệnh viện Bạch Mai, thời tiết năm nay nắng đẹp, thuận lợi cho người dân đi chơi Tết nhưng đây cũng là thời điểm dễ gây ngộ độc thực phẩm. Bởi, môi trường nóng, ẩm là yếu tố thuận lợi để các vi khuẩn, độc tố của vi khuẩn sinh sôi và phát triển nhanh hơn. Đặc biệt ở các loại thực phẩm có nhiều dầu, đạm như thịt, cá, hải sản… nếu không được chế biến kỹ, nấu xong không ăn ngay, không được bảo quản cẩn thận… thì nguy cơ gây ngộ độc càng cao. Chưa nói đến việc các quán ăn sử dụng thực phẩm lưu cữu từ trong năm, không đảm bảo vệ sinh,... sẽ gây ra tác hại khôn lường cho người dùng. Do vậy bác sỹ Hà đưa ra lời khuyên, nếu nhỡ nhàng phải ăn bên ngoài, mọi người nên chọn quán ăn quen, hợp vệ sinh. Với những người phải đi làm sớm sau Tết nên chủ động chuẩn bị bữa ăn trưa cho mình, tránh ảnh hưởng đến sức khỏe trong những ngày đi làm đầu năm.
Clip đang được xem nhiều nhất: Mẹ bị tố dàn dựng chụp ảnh con ngoài cổng trường: “Tôi sai nhưng mọi người cần hiểu vấn đề”
- Thời điểm không khí lạnh mạnh nhất của mùa đông năm nay diễn ra khi nào?
- Soi profile của Hoa hậu Thanh Thủy - Miss International 2024: Học thức đỉnh cao, tài sắc vẹn toàn
- Lương hưu cao nhất Việt Nam hiện nay là bao nhiêu?
- Trùm giang hồ 'Bình Kiểm' lên kế hoạch bắt cóc ca sĩ, người mẫu
- 5 cái tên bị luật cấm đặt khai sinh ở Việt Nam, đó là tên nào?
- Tại sao vàng giảm giá khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ?
- Tỉnh nào có tuổi thọ thấp nhất Việt Nam?
- Vụ rơi máy bay quân sự tại Bình Định: 2 phi công thoát nạn thế nào?