Minh oan cho Chánh Tín!
Thứ ba, 18/03/2014 08:44

Xin được dùng từ “minh oan” bởi lẽ một bài báo đăng ngày 17/3 đã khiến nhiều người đọc nghĩ rằng: NSƯT Chánh Tín “nhận vơ” về bộ phim "Dòng Máu Anh Hùng"...

Chánh Tín đang ngập trong nợ nần

Chánh Tín đang ngập trong nợ nần

Ngày 17/3, giữa lúc sự kiện Chánh Tín vỡ nợ gây chấn động dư luận, hầu hết công chúng ngậm ngùi cho người thủ vai Nguyễn Thành Luân lừng lẫy một thời, thì xuất hiện một bài báo với tựa đề: “NSƯT Chánh Tín vỡ nợ và sự nhiệt tình thái quá của truyền thông”.

Thật ra, đó là bài đăng lại từ một trang Facebook có tiếng - Nguyễn Ngọc Long (Truyền Thông Xã Hội), và chính tác giả cũng tự loan tin rằng bài chia sẻ của mình được đăng báo. Xem ảnh bên dưới:

Chanh Tin, NSUT Chanh Tin no nan, Chanh Tin vo no, Chanh Tin bi mat nha, Minh oan cho Chanh Tin

Bức ảnh bên trái có viền đỏ là bài đăng báo; bên phải là bài viết gốc trên Facebook của tác giả Nguyễn Ngọc Long.

Trong giới truyền thông, bài viết này được gọi là “trái chiều” tức là lật lại vấn đề, và thực tế những góc nhìn như thế rất cần thiết, để tạo ra tranh luận, để mọi người cùng suy nghĩ sâu sắc hơn. Mong muốn của tác giả chắc chắn là “làm cho chính xác” (giống như slogan trên trang cá nhân của anh: Tell the Truth = Nói ra sự thật), vì: “Khi theo dõi thông tin trên báo chí (về chuyện NSƯT Chánh Tin - nv), thì mình chính thức bị ngộ độc và có cảm giác "hoang mang style" không hề nhẹ vì rất nhiều thông tin được đưa ra sai lệch, không chính xác và lung tung, lộn xộn”.

Tiếc là, “sự thật” tác giả muốn đưa ra để chỉnh nắn cái gọi là “sai lệch, không chính xác” lại là thông tin không-đầy-đủ và đôi khi ngụy biện.

Dưới đây xin trích lại một số đoạn để bạn đọc theo dõi, và người viết đánh số cho từng vấn đề để từ đó trình bày những thông tin đối chiếu cho từng vấn đề một:

1. Vì sao hãng phim Chánh Phương vẫn ra phim đều đặn?

Tác giả Nguyễn Ngọc Long viết: Các báo nói rằng sau khi sản xuất bộ phim Dòng Máu Anh Hùng thì ông Chánh Tín và hãng phim Chánh Phương của ông lâm vào cảnh nợ nần chồng chất, mất khả năng chi trả. Mình giật mình nghĩ ủa sao kỳ vậy, Chánh Phương vẫn phát hành phim đều đặn và hầu như phim nào cũng gây tiếng vang lớn về cả truyền thông hoặc doanh thu đấy chứ? (…) Thử nghĩ coi, từ Sai Gon Yo!, 14 Ngày Phép, Bẫy Rồng, Bụi Đời Chợ Lớn, đến Dòng Máu Anh Hùng, Cưới Ngay Kẻo Lỡ... Có phim nào của Chánh Phương bị thất bại te tua lụn bại đâu? Ngoại trừ gần đây có Bụi Đời Chợ Lớn bị mất tiền oan. Nhưng nếu lâm vào cảnh nợ nần thì lấy đâu ra tiền làm phim dài dài vậy?

Về điểm này, xin trích dẫn lại nguyên văn đoạn thông tin đầu tiên trên báo Lao Động. Bài viết này dẫn lời Chánh Tín và ông không hề nói vì Dòng Máu Anh Hùng mà “hãng phim Chánh Phương của ông lâm vào cảnh nợ nần chồng chất, mất khả năng chi trả”.

Bài báo viết như sau: “Kể lại câu chuyện trong sự cay đắng cuộc đời, lúc đó năm 2005, Chánh Tín cùng gia đình thực hiện bộ phim Dòng Máu Anh Hùng. Lúc đó anh cũng là Phó Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Phương Nam. Để làm bộ phim này, tiêu tốn hết 1,5 triệu USD, riêng bản thân anh đã đứng ra bảo lãnh đi vay mượn ngân hàng, số tiền là 8,3 tỉ đồng.

Phim hoàn thành, công chiếu trong nước, thu về được 7 tỉ đồng, chia rạp còn lại 3,5 tỉ đồng. Những tưởng công chiếu nước ngoài, sẽ mang về khoản tiền bù đắp. Mặc dù bộ phim đi dự thi, đoạt giải rất cao, đó là giải Hạng ưu - Châu Á Thái Bình Dương, nhưng bộ phim đã bị đánh cắp bản quyền. Khi phim mang sang một số nước trình chiếu, thì ở đây đã có bản sao chụp, khiến bộ phim thất thu trầm trọng. Từ đó, Chánh Tín lâm vào con đường nợ ngân hàng chồng chất, cho đến năm 2009, số nợ lên đến 10,5 tỉ đồng”.

Bài viết này và các thông tin sau đó chưa từng nói hãng phim Chánh Phương nợ nần sau Dòng Máu Anh Hùng. Vậy thì dĩ nhiên hãng phim này vẫn “khỏe re” và việc ra mắt các phim mới có gì là khó hiểu?

2. Hãng phim Chánh Phương có phải “của” Chánh Tín hay không?

Tác giả Nguyễn Ngọc Long viết: Nhưng hóa ra, Dòng Máu Anh Hùng thực sự là của hãng Chánh Phương. Và hãng Chánh Phương thì không phải... "của" ông Chánh Tín!

Đến khi coi báo nói bộ phim Hiệp Sĩ Guốc Vông của Chánh Tín không đạt doanh thu như kỳ vọng thì mình coi poster mới biết phim đó do chính ông Chánh Tín viết kịch bản và làm đạo diễn, và do hãng Chánh Tín Phim của ông sản xuất. Một hãng không hề có số má trong làng phim điện ảnh Việt Nam. Mà bộ phim Hiệp Sĩ Guốc Vông cũng không được Galaxy, BHD hay Megastar (CGV) chấp nhận phát hành mà do VinaCinema đưa ra rạp thì tự hiểu chất lượng và kết cục của phim sẽ thế nào rồi!

Rất đúng! Rằng Chánh Tín Phim hoàn toàn khác Chánh Phương Phim! Nhưng tác giả quên mất một khả năng: Chánh Tín có vốn sở hữu ở 2 hãng phim đó!

Hãy truy cập vào website chính thức của hãng phim Chánh Phương, bạn sẽ thấy một đoạn clip có tên: “Ban Quản Trị”. Dưới đây là bức ảnh chúng tôi chụp hết các thông tin được diễn lại trên clip đó, có thể thấy Chánh Tín với các vai trò gồm: thành viên Hội đồng Quản trị, thành viên Cố vấn Sáng tạo. Chừng đó liệu chăng đã đủ khẳng định hãng Chánh Phương là “của” Chánh Tín (và các thành viên còn lại)?

Chanh Tin, NSUT Chanh Tin no nan, Chanh Tin vo no, Chanh Tin bi mat nha, Minh oan cho Chanh Tin

Nếu tác giả còn thắc mắc tại sao lại có tên Chánh Tín giữa 4 thành viên còn lại trong 1 gia đình và đều là các cháu của ông, thì xin trích lục Báo Tuổi Trẻ năm 2006, bài viết “Việt kiều trẻ làm phim lịch sử”.

Bài viết có đoạn: “Đã có hơn 10 năm kinh nghiệm làm phim ngắn, phim ca nhạc, và làm dịch vụ phim cho các hãng băng đĩa hải ngoại và các hãng phim nhỏ ở Mỹ, nhóm làm phim còn có sức mạnh của một gia đình cùng nghề: đạo diễn Nguyễn Chánh Trực (Charlier), biên kịch - chủ nhiệm phim Thanh Trúc, diễn viên - tác giả kịch bản - đạo diễn võ thuật Nguyễn Chánh Minh Trí (Johnny) là ba anh em ruột; thêm diễn viên Nguyễn Chánh Tín là chú ruột; cùng với Jimmy Phạm Nghiêm - chồng Thanh Trúc, người tổ chức sản xuất, đã góp vốn lập Hãng phim Chánh Phương ở VN để sản xuất phim đầu tay Dòng máu anh hùng".

Có thể thấy, suy luận của tác giả ở đây chưa chặt chẽ. Việc lấy bộ phim Hiệp Sĩ Guốc Vông ra để khẳng định đó là phim của Chánh Tín (do gắn mác Chánh Tín Phim), rồi căn cứ vào đó khẳng định Chánh Tín Phim không phải Chánh Phương Phim, rồi suy ra Chánh Phương Phim không phải của Chánh Tín, thực sự là “phép bắc cầu” rất buồn cười! 

3. Chánh Tín đóng vai trò gì trong Dòng Máu Anh Hùng?

Tác giả viết: "Quay trở lại việc Chánh Tín một mực cho rằng vì Dòng Máu Anh Hùng mà ông lâm vào cảnh nợ nần chồng chất (…) Truy ngược lại thông tin, thì thấy Dòng Máu Anh Hùng là tác phẩm của hãng Chánh Phương (nhắc lại rằng không phải là hãng phim Chánh Tín) do Charlie Nguyễn làm đạo diễn. Với thành phần chủ chốt của đoàn làm phim là những nhà làm phim trẻ người Mỹ gốc Việt (Sản xuất Tawni Nguyễn, Kịch bản Charlie Nguyễn, Johnny Trí Nguyễn và Dominique Pereira).

Nói một cách công bằng, vai trò của ông Chánh Tín trong phim đó không mang tính chất quyết định sự thành công của bộ phim này. Ngô Thanh Vân và Trí Nguyễn tỏa sáng vì tài năng của bản thân họ. Và ngay chính ông Chánh Tín cũng có nói trên báo rằng ông chỉ "đề cử" Ngô Thanh Vân vào vai nữ chính của Dòng Máu Anh Hùng.

Thế nhưng báo chí lại ồ ạt đưa tin như thể Dòng Máu Anh Hùng là một siêu phẩm của Chánh Tín, điện ảnh Việt cất cánh (thông qua bộ phim này) nhờ công của Chánh Tín và cặp đôi Ngô Thanh Vân - Trí Nguyễn có ngày hôm nay nhờ Chánh Tín. Để từ đó, kết luận rằng đây là 2 kể vô ơn.

Chỉ có thể nói là quá nhảm!"

Nhưng thực tế không hề “nhảm” chút nào. Bởi Chánh Tín chính là một trong 2 “excutive producer” (tạm gọi là nhà sản xuất kiêm đầu tư của bộ phim) Dòng Máu Anh Hùng. Điều đó thể hiện ở 3 nguồn thông tin:

- Qua Wikipedia: "Viết về phim “Dòng máu anh hùng”, Wikipedia nêu: “Dòng máu anh hùng do hãng phim Chánh Phương hợp tác với Cinema Pictures sản xuất. Trong đó, hãng phim Chánh Phương của diễn viên Nguyễn Chánh Tín, còn Cinema Pictures là một hãng phim của người Việt tại Mỹ…”

Ở phần về "Charlie Nguyễn" cũng trên Wikipedia viết: "Năm 1992, Charlie Nguyễn lập nên công ty sản xuất phim/video mang tên Cinema Pictures, sau này đã được đổi thành Hãng phim Chánh Phương (Chánh Phương Films)".

Như vậy, thông tin trên tuy có thể chưa hoàn toàn chính xác ở một số chi tiết cụ thể nhưng trùng khớp với báo Tuổi Trẻ về việc: Chánh Tín hùn vốn với các cháu là Việt kiều để lập nên hãng phim và hãng đó sản xuất Dòng Máu Anh Hùng.

- Qua IMDb: Ở phần thông tin phim Dòng Máu Anh Hùng, đoạn về Producer, IMDb viết như bên dưới:

Chanh Tin, NSUT Chanh Tin no nan, Chanh Tin vo no, Chanh Tin bi mat nha, Minh oan cho Chanh Tin

Như vậy, một loạt cái tên được nêu ra nào là "Sản xuất Tawni Nguyễn, Kịch bản Charlie Nguyễn, Johnny Trí Nguyễn và Dominique Pereira”, nhưng không rõ vì sao tác giả Nguyễn Ngọc Long lại "quên" mất tên Chánh Tín?

- Minh chứng thứ 3: Chính bức ảnh mà tác giả đem ra làm ví dụ đã "tố cáo" thông tin không đầy đủ.

Nếu tác giả cho rằng Wikipedia và cả IMDb không đáng tin cậy do đó là hệ thống dữ liệu mở (có thể chỉnh sửa), thì xin "nhờ" đến chính bài viết của tác giả trên Facebook! Trong bài viết đó tác giả dùng bức ảnh sau:

Chanh Tin, NSUT Chanh Tin no nan, Chanh Tin vo no, Chanh Tin bi mat nha, Minh oan cho Chanh Tin

Bức ảnh này nhằm thể hiện Chánh Phương Phim khác với Chánh Tín Phim (ở trên đã lý giải sự so sánh đó là vô nghĩa). Nhưng bức ảnh này cũng bị... cắt đứt mất đúng từ đoạn có tên Nguyễn Chánh Tín, trong vai trò “excutive producer”. Dưới đây là bức ảnh nguyên gốc:

Posterchính thức của Dòng Máu Anh Hùng nêu tên 2 “excutive producers” trong đó có Nguyễn Chánh Tin!

Chanh Tin, NSUT Chanh Tin no nan, Chanh Tin vo no, Chanh Tin bi mat nha, Minh oan cho Chanh Tin

Vậy “excutive producers” là gì? Xin trích dẫn link tiếng Anh để các bạn tra ngôn ngữ gốc cho chính xác tuyệt đối, chúng tôi chỉ diễn giải ngắn gọn rằng: “excutive producers” là người đầu tư cho bộ phim, chi trả kinh phí, giải quyết các sự cố lớn phát sinh… tức là quản lý chung và gánh trách nhiệm nặng nề trong việc đưa bộ phim đến thành công.

Tất nhiên, tác giả nói đúng rằng Chánh Tín không trực tiếp đẩy tên tuổi Ngô Thanh Vân, Johnny Trí Nguyễn lên đỉnh cao và cũng chỉ “đề cử” Ngô Thanh Vân vào vai nữ chính, bởi những việc chọn diễn viên hay chỉ đạo diễn xuất là của đạo diễn (mà đạo diễn lại được người có vai trò producer thuê về). Nhưng không thể vì thế lại phủ nhận vai trò của người sản xuất gần như bằng con số 0!

Nếu không có những ý tưởng, dự định, đầu tư của những “nhà sản xuất” thì làm sao có các bộ phim ra đời? Và cái điều mà Chánh Tín than thở với báo chí đâu có sai, chính là về việc ông đã “hùn vốn”, cầm cố nhà để đầu tư vào Dòng Máu Anh Hùng để rồi mang nợ, mất nhà, như chính sự thật nó đã diễn ra!

Trí Thức Trẻ

Clip đang được xem nhiều nhất: Clip: Kinh hoàng cảnh kính cường lực vỡ thành trăm mảnh, đổ ập lên người bé trai

Tag: Chánh Tín , Chánh Tín nợ nần , Chánh Tín mất nhà , Chánh Tín ngập trong nợ , Dòng máu anh hùng , Chánh Tín bị oan