Mẹ có khối u nhưng không dám mổ để lo cho con trai bị ung thư máu
Thứ hai, 29/12/2014 14:16

Một ngày đầu tháng 12, chúng tôi tiếp một người phụ nữ, có con và chồng đang điều trị ở viện Huyết học - Truyền máu Trung ương.

Mẹ có khối u nhưng không dám mổ để lo cho con trai bị ung thư máu

Mẹ có khối u nhưng không dám mổ để lo cho con trai bị ung thư máu

Chị kể: "Đám tang mẹ được chưa đầy một tuần, thì nhận được tin dữ, đứa con trai ngoan ngoãn, giỏi giang, niềm tin của cả gia đình đột nhiên phát bệnh hiểm nghèo. Đưa con lên viện nhưng mỗi ngày, bệnh tình của con trai một nặng. Còn người chồng ở quê thì đang mang trong mình căn bệnh nan y. Có lẽ, chưa bao giờ trong cuộc đời tôi lại chồng chất những đau đớn, khó khăn đến như vậy".

Mẹ vừa qua đời thì phát hiện con bị ung thư

Đó là câu chuyện của gia đình chị Trần Thị Hương (SN 1969) tại thôn Tân An, xã Tân Sơn, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam. Chúng tôi đến khoa Điều trị hoá chất, viện Huyết học - Truyền máu Trung ương gặp chị đang chăm con là Đỗ Dương Huy (SN 1991) đang điều trị ung thư máu. Gia đình chị Hương thuộc diện hộ nghèo ở địa phương mà con chị thì mắc bệnh ung thư máu Lơ-xê-mi cấp dòng tuỷ thể M5b, đang trong đợt điều trị hoá chất thứ hai nên rất khó khăn.

Mấy hôm nay, Huy liên tục sốt cao, phải truyền thuốc, ăn uống cũng rất khó khăn. Mỗi ngày chị Hương chỉ mua chừng 5.000 đồng cháo, rồi pha loãng cho con ăn, còn phần mình thì chỉ bắp ngô, chút xôi. Nhiều hôm, đến bữa, chị nhịn để dành dụm tiền điều trị cho con. Tận mắt chứng kiến câu chuyện người mẹ nghèo này, có những người bệnh, người thân bệnh nhân đã từng trải qua 2 đợt điều trị với mẹ con chị không khỏi xúc động. Thỉnh thoảng, có người dúi cho dăm đồng, chị thấy quý lắm. Chị đang mơ ước đến số tiền hàng trăm triệu đồng để có thể ghép tuỷ cho con, dù biết rằng, điều đó là không thể: "Đến bốn trăm nghìn đồng mà tôi còn không có thì lấy đâu ra tiền triệu để chữa bệnh cho con?", chị Hương nghẹn ngào.

Lớn lên tại vùng đất chiêm trũng, chị Hương kết hôn cùng anh Đỗ Văn Xá (SN 1966) ở thôn Tân An rồi lần lượt sinh ba đứa con. Đỗ Dương Huy là đứa con thứ hai trong gia đình. Tuy nghèo, chỉ cày cuốc, làm thuê làm mướn, bám lấy ruộng đồng mà sống nhưng vợ chồng anh chị vẫn quyết tâm nuôi dưỡng các con ăn học.

Cách đây mấy năm, anh Xá đột nhiên mắc bệnh thần kinh tọa, đi đứng khó khăn, không làm được những việc nặng nhọc trong gia đình. Khi đó, vợ chồng dồn góp tiền chạy chữa ở khắp nơi. Hai năm gần đây, bệnh đột nhiên biến chứng, hai chân anh Xá sưng to, đau nhức, bác sỹ chẩn đoán là bị suy van tĩnh mạch sâu hai chân.

Căn bệnh khiến anh Xá mất hoàn toàn sức lao động, mỗi tháng phải lên bệnh viện tỉnh lấy thuốc điều trị, nếu hoạt động mạnh có thể dẫn đến những biến chứng gây nguy hiểm đến tính mạng. Gánh nặng gia đình đè cả lên vai chị Hương.

Không chỉ nuôi chồng, nuôi con ăn học, chị còn phải nuôi người mẹ già đã vào tuổi thất thập, nay ốm mai đau, bao nhiêu tiền làm thuê kiếm được cũng chỉ để chi phí thuốc thang cho mẹ, cho chồng. Hơn một sào ruộng không đủ ăn cho cả gia đình. Đứa con trai đầu của anh chị tốt nghiệp cấp ba xong cũng đành bỏ học giữa chừng, đi làm công nhân bốc vác than ở Quảng Ninh, "nhường" suất đi học cho các em, để đỡ đần cha mẹ. Nghe người trong làng rủ, gần chục năm nay, cứ cấy hái xong, chị Hương lại khăn gói quả mướp vào TP. Hồ Chí Minh làm thêm kiếm tiền.

Nói về quãng thời gian kiếm sống nơi đất khách, chị Hương ngấn lệ. Chị kể: "Tôi cùng mấy người làng thuê nhà ở gần khu Bình Hưng Hoà cho rẻ. Cứ mỗi sáng, chúng tôi dậy sớm, đi giúp việc cho các gia đình gần đó kiếm thêm tiền. Xong việc, tôi lại tất tả đi làm phụ hồ cho các công trình xây dựng cho đến chiều về lại đi giúp việc nhà, tối đến lại cầm xấp vé số đi bán khắp các nẻo đường thành phố cho tới 11h đêm mới về phòng trọ. Quần quật cả ngày, tối đến, tôi chỉ mong một chỗ nghỉ chân, một giấc ngủ bớt đi nỗi nhọc nhằn. Mãi về sau, thấy việc phụ hồ vất vả quá, chủ đại lý vé số mới thương tình tạo điều kiện, khuyên tôi nên nghỉ, chuyển hẳn qua bán vé dạo cả ngày. Nhịn ăn, nhịn mặc, mỗi tháng, tôi cũng gửi được đôi triệu đồng về nhà nuôi chồng con, nuôi mẹ già bệnh tật, nhưng có ai ngờ...". Khi Huy vừa tốt nghiệp đại học, những tưởng gánh nặng trên vai người đàn bà này sắp vơi đi một chút thì cũng là lúc tai họa liên tiếp ập xuống...

Giữa tháng chín vừa qua, khi đang bán vé số, chị Hương nhận được tin, mẹ già qua đời vì bệnh nặng. Tất tả về làm ma chay, chị nghĩ cũng muốn ở lại cho tới hết lễ 49 ngày nhưng nghĩ tiền trong nhà không còn, gạo cũng đã cạn, chị lại nuốt nước mắt, vào Nam kiếm sống.

Lúc đi, thấy Huy có biểu hiện sốt nhẹ, chị Hương cũng chỉ dặn con ra tiệm mua thuốc, vì nghĩ cảm cúm thường. Không ngờ, mới vào TP. Hồ Chí Minh được 6 ngày, chị Hương nhận được tin, con trai phải cấp cứu ở bệnh viện tỉnh Hà Nam, sốt cao liên tục, bác sỹ nghi ngờ mới yêu cầu xét nghiệm thì phát hiện ra tế bào ung thư, liền chuyển xuống viện Huyết học - Truyền máu Trung ương.

Cầm tập vé số dở trên tay, chị Hương không biết phải làm sao để có đủ tiền mua vé xe về với con. Cũng may, bà con xung quanh, những người khách quen thương tình, mỗi người góp đôi ba trăm, đủ cho một chiếc vé máy bay về Hà Nội. Cũng từ đó tới giờ, cứ một mẹ, một con ở viện với nhau. Hết một đợt điều trị, Huy được đưa về nhà nghỉ ngơi ít bữa rồi lại ra điều trị lần hai. Tuy nhiên, sau khi nhập viện trở lại, kết quả xét nghiệm cho thấy, tình trạng của Huy đáp ứng với thuốc kém, tiên lượng khá xấu.

Tấm bằng đại học và khát vọng sống

Ngồi đối diện với chúng tôi trong phòng bệnh 729, viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, em Đỗ Dương Huy cũng phải gắng lắm mới có thể nói chuyện được. ước mơ của chàng kỹ sư trẻ, chuyên ngành xây dựng dân dụng và công nghiệp chỉ đơn giản là có được việc làm, tiết kiệm được đồng nào đỡ đần cho mẹ. Tuy mẹ giấu nhưng Huy biết, bản thân mẹ cũng đang bị u xơ tử cung, có chỉ định của bác sỹ phải mổ nhưng thương chồng, thương con đang mắc bệnh, tiền không có nên cứ lần lữa với bác sỹ mãi. Bản thân Huy mang "căn bệnh của nhà giàu", bạn bè biết tin đến thăm, nhiều lần Huy không cầm được nước mắt. "Phía trước gia đình em là gì mà em thấy tối quá ạ!", câu nói của Huy khiến chúng tôi cũng phải quay mặt, giấu đi những cảm xúc.

Mấy năm học đại học cũng là mấy năm Huy vật lộn với cuộc mưu sinh. Biết mẹ còn phải lo cho em gái, cho bố, cho bà, Huy đã phải rất tằn tiện trong sinh hoạt. Không muốn bố mẹ phải chu cấp hàng tháng, Huy đi phụ chở gạch, vật liệu xây dựng cho một cửa hàng gần chỗ trọ. Ăn thì ít, làm thì nhiều, có những hôm Huy bê không vững, đánh đổ làm vỡ gạch lại phải đền, thấy cũng tủi thật nhưng nghĩ đến gia đình, em lại cố đứng dậy.

Tháng Bảy vừa rồi, nhận được tấm bằng tốt nghiệp trong tay, Huy mừng rơi nước mắt. Em hăm hở nộp Hồ sơ tới nhiều nơi, cũng đã có nơi gọi đi làm, thế nhưng... Đã từng đọc nhiều sách báo, biết tình trạng của mình, Huy nhiều lần muốn dừng việc chữa trị cho bố mẹ đỡ khổ nhưng không được. "Em chỉ mong có phép màu để mình được sống, để cho mẹ em đỡ khổ. Từ ngày em nhập viện, ngày nào mẹ cũng khóc. Mẹ không khóc trước mặt em, lúc nào mẹ cũng cười nói động viên em, nhưng cứ chốc chốc ra khỏi phòng điều trị mẹ lại tìm một góc ngồi khóc. Em nhìn mắt mẹ em biết", Huy chia sẻ. 

Doisongphapluat.com

Clip đang được xem nhiều nhất: Mẹ bé gái 12 tuổi bị bạo hành, xâm hại tình dục ở Hà Nội: 'Vớ được cái gì ở ngoài đường là đánh nó bằng cái đấy'

Tag: ung thu , can benh ung thu , 7 nguyen nhan gay ung thu , ruou , nuoc ngot , dien thoai di dong , thuc khuya , khong an sang , tin , bao