Mẹ bỏ đi, bé 5 tháng ăn bột trộn tro bà nấu
Thứ bảy, 08/11/2014 09:11

Bị xâm hại rồi hoá điên, người mẹ bỏ đi lang chỉ 3 ngày sau khi sinh bé. Bà ngoại tuổi cao một mình nuôi đứa trẻ đỏ hỏn.

Mẹ bỏ đi, bé 5 tháng ăn bột trộn tro bà nấu

Mẹ bỏ đi, bé 5 tháng ăn bột trộn tro bà nấu

Phan Thị Thảo L. có lẽ là cái tên được nhắc đến nhiều nhất trong gần 2 tháng qua tại xã Nam Triều, huyện Phú Xuyên, Hà Nội. Trong túp lều chưa đầy 9m2 của bà Phan Thị L. - bà ngoại Thảo L. những ngày qua lúc nào cũng chật kín người thăm hỏi. Làng xóm đến chơi, người góp dăm ba cân gạo, người cho 5,10 nghìn để thêm thắt giúp bà mua sữa cho bé. Mẹ Thảo L. là chị Phan Thị L. -  một người đàn bà không bình thường, nạn nhân trong vụ xâm hại gần 1 năm trước.

Người làng xóm chỉ thấy cô L. “điên” lùm lùm vác bụng bầu sau những tháng ngày lang bạt, 9 tháng 10 ngày đẻ ra 1 đứa con gái. Rồi 3 ngày sau khi vượt cạn, người mẹ điên ấy “trốn” biệt tích, chẳng quay về, bỏ lại đứa con khóc tím người vì đói sữa. Bé L. ở với bà ngoại và cụ ngoại đang tuổi lẩn thẩn.     

Bà nấu bột cho cháu: Bột trộn tro bụi   

Căn nhà bà L. ẩm thấp, gặp trời mưa muỗi rệp làm tổ. Trong túp lều ấy tan hoang chẳng có gì đáng giá ngoài chiếc giường tre ọp ẹp “gia truyền”. Ban thờ được đặt trên cái bàn nhựa, kiêm luôn chỗ để đồ đạc của cả nhà. Chiếc màn chụp cũ cô hàng xóm mang đến cho Thảo L. không có chỗ để cũng treo chông chênh trên cột nhà, đợi khi nào tối mới gỡ xuống.

Bốn thế hệ từ thời cụ bà, bà ngoại, mẹ và giờ đến bé Thảo L. chen chúc nhau sống. Cụ bà gần 90 tuổi cũng lẩn thẩn, thấy nhà chật lại có đứa trẻ con oe oe khóc có những đêm lớn tiếng đuổi cả bà L.lẫn cháu. Bà lủi thủi trải giát giường xuống nền gạch thu lu ôm cháu ngủ. Muỗi, gián đốt sưng đỏ cả bàn tay, bàn chân cháu mà cũng chẳng hay biết. Mọi người trong xóm đến chơi, thấy hoàn cảnh khó khăn người cho gạo, người cho 5,10 nghìn góp vào mua sữa cho cháu bà.

Những ngày đầu tiên, cuộc sống của 2 bà cháu chật vật, khốn đốn. Bà “dở hơi” lại mắt kém, chăm cháu vụng dại đển tội nghiệp. Giếng nước đầu làng từ lâu đã chẳng ai dùng tới, nó ám màu xanh của bèo và ô nhiễm nhưng sáng nào bà lão cũng lọ mọ gánh nước mang về nấu bột. Bà lúi húi bắc kiềng đun rơm thổi bụi mù. Thứ bột của cháu bà khét lẹt mùi khói rơm và xanh màu nước lạ. Bà lão tảo tần nuôi cháu với những bữa ăn đặc quánh tro bụi như thế.

undefined

Nhiều người đến chơi thăm nom hai bà cháu Thảo L.

Cụ, bà và mẹ: 3 đời không chồng

Cuộc đời bà L. sống trong cái nghèo truyền kiếp. Bà không chồng rồi cũng có con và mưu sinh lắt lay bằng những đồng tiền bà mò cua, bắt ốc. Chị L. cũng lặp lại cuộc đời giống bà, không chồng tự dưng “chửa”. Giờ con bỏ đi, người mẹ lam lũ ấy gánh luôn cả thiên chức làm mẹ.

Họ  hàng, làng xóm thân thích thương bà “nuôi thân còn khốn đốn” nữa là thêm thắt một đứa trẻ, họ khuyên bà đem Thảo L. cho những cặp vợ chồng nào hiếm muộn bởi dẫu sao cháu ngoại bà đến với gia đình khác cũng sẽ may mắn, sung túc  chẳng khổ sở như  ở với bà L. bây giờ. Thế nhưng bà lão khước từ tất cả, khước từ cả những lời dỗ dành, ngọt nhạt. Bà bảo: “Cháu tao, tao nuôi không cho ai cả. Tao sẽ đi ăn xin, mò trai, bắt hến để nuôi cháu”.  

undefined

Chiều muộn, bà L. cho cháu ăn. Cụ bà 90 tuổi, thấy nhà đông nên đuổi: " Giải tán thôi". Cụ lẩn thẩn, lẫn nên vẫn hay đuổi con cháu như thế vào buổi đêm.

Và bà làm thế thật. Người ở xã đi chợ vào tinh mơ sáng đã thấy dáng bà liêu xiêu bên góc ao đình gánh nước. Bà cài cửa ở nhà, cho cháu ngoại nằm lổm ngổm trên chiếc giát giường rồi lọ mọ gánh nước ao về đổ bể. Bà vẫn lầm lũi quét rác, quét lá đa về làm củi nấu bột cho Thảo L.ăn.  Có những hôm bà về muộn, đứa cháu bơ vơ khóc tím tái, muỗi đốt đầy mặt mũi, mấy người hàng xóm phải đến đẩy cửa để “cứu”.

Mỗi sáng, bà đi 1 vòng quanh chợ  xin người này con cá, người kia con cua thế là đủ 1 bữa mang về giã bột. Lắm khi vội quá, bà “tự nhón”, tự bốc  chẳng thèm mua, chẳng thèm xin xỏ. Họ biết bà “dở hơi” nên chẳng ai nỡ mắng đuổi.

Khách ở xa đến cho Thảo L. bình sữa, bà thổi  phù phù vứt toẹt xuống giường lẩm bẩm: “Đẹp quá mà không biết mở nắp”. Hàng xóm đến chơi với 2 bà cháu thấy sữa bà pha nhạt thếch, toàn nước lọc. Họ hỏi: “Sao lại cho cháu uống như thế này?”, bà chỉ móm mém gật gù: “Phải hà tiện, ăn dè chứ pha nhiều nhanh hết lắm!”.

Bà vụng dại chăm cháu bằng tất cả tình thương và bản năng như một người tỉnh táo. Hàng ngày bà vẫn quét lá đa, vẫn lọ mọ gánh nước xin cua và thổi phì phì bụi rơm để nấu bột cho cháu. Thời gian này,  cuộc sống của bà cháu Thảo L. sung túc hơn vì có quần áo ấm, có sữa, bột, bỉm nhiều người biếu tặng. Bà lẩn thẩn ẵm ngửa ngắm cháu cười khanh khách. Bà bảo:“Áo đẹp nhỉ, chẳng nóng”.

undefined

Bà không có xoong, thường dùng chậu nhôm nấu bột, đun nước. Trời mưa đứng trong nhà, dùng que gẩy lửa. Trời nắng, bà ngồi chễm chệ giữa đường để đun bếp

Dưới túp lều rách bươm như thời chị Dậu, hình ảnh 2 người phụ nữ đã xế chiều loay hoay, vụng về trong tiếng khóc đói sữa của đứa cháu nhỏ. Hình ảnh “Cái lò gạch cũ” của nhà văn Nam Cao lại hiện lên mồn một. Mong rằng khác với Nam Cao, cốt truyện ở miền quê  nghèo chiêm trũng này mang một kịch bản mới: đứa con người mẹ điên bỏ rơi ngày nào sẽ có cuộc đời tươi sáng hơn không phải  lặp lại y kiếp truân chuyên giống bà và giống mẹ.!

Khampha.vn

Clip đang được xem nhiều nhất: Khởi tố 3 đối tượng phát tán clip với nội dung 'thác loạn' trong quán bar Sunny

Tag: bo roi con , me bo roi be 5 thang , ba nau bot tron tro , cho be 5 thang an bot tron tro , tin , bao