Lý Tiểu Long 73 năm nhìn lại - Kỳ 1: Lý Tiểu Long, bay đá song phi...
Thứ ba, 26/11/2013 16:00

Thủa nhỏ, bọn trẻ chúng tôi mê Lý Tiểu Long lắm. Mê tới mức đứa nào cũng hăm hở đi học võ, múa côn nhị khúc đến bưu đầu sứt trán. Giờ nhìn lại vẫn còn mê…

Lý Tiểu Long với cú đá trong phim Long tranh hổ đấu (1973)

Lý Tiểu Long với cú đá trong phim Long tranh hổ đấu (1973)

Anh hùng hiệp nghĩa

Đó là một thời tao loạn, những năm 70 của thế kỷ trước, nên có đứa bé nào không mơ thành một anh hùng hiệp nghĩa chuyên ra tay bênh vực những người thân yếu thế cô? Những hình ảnh trong bộ phim Đường sơn đại huynh trông rất giống với bối cảnh của một xóm lao động nghèo của Sài Gòn thời đó như ở xóm tôi. Thậm chí, cả cái xưởng nước đá nơi Trịnh Triều An (nhân vật chính của Đường sơn đại huynh, do Lý Tiểu Long thủ vai), vào làm, cũng giống hệt cái xưởng nước đá ngay ở trong xóm.

Ra đời vào cái thời đại mà những lý thuyết về “đấu tranh giai cấp” và “ý thức hệ” phát triển lên đến đỉnh điểm, bộ phim đầu tiên thể hiện đầy đủ khí chất của Lý Tiểu Long này lập tức thành công vang dội. Thời đó, người nghèo đông lắm, đi làm công nhiều lắm, nên khi có hình ảnh một “đại ca” đấu tranh bảo vệ sinh mạng và quyền lợi người làm công nghèo, đương nhiên được nhiều người mê mẩn. Bọn trẻ xóm tôi cứ thế mà “noi gương”, có điều chẳng có việc nghĩa nào để “hành hiệp”, chỉ chia phe đánh nhau tưng bừng giữa xóm chùa và xóm chợ, đến mức người lớn phải ra tay răn đe, giảng hòa.

Điều mà bộ phim “bom tấn” ấy (thời đó chưa có từ này) gây ra một hiệu ứng mê cuồng lan rộng là nó có vẻ… rất thật. Những bối cảnh, cốt truyện giản dị, những cảnh đấm đá gần như “thật”, không thấy nhiều kỹ xảo điện ảnh. Nó “thật” đến mức mà lũ trẻ xóm tôi ngồi lại với nhau để bàn về những thế võ trong phim, và cùng nhau tập “bay đá song phi, bay lên nóc nhà…”.

Hiệu ứng chống Tây

Chẳng biết có phải nhờ học nhiều, đọc nhiều (Lý Tiểu Long đã từng học triết - NV), hay chỉ vì sự mẫn cảm mà Lý Tiểu Long đã chọn ngay những vai diễn để đời bằng các nội dung đánh rất đúng tâm lý khát khao của những người Á Đông thời đó. Với Đường sơn đại huynh là tâm lý khát khao về sự trỗi dậy của quần chúng lao động nghèo nói chung, nhưng với Tinh võ môn và Mãnh long quá giang, thì đó là tâm lý khát khao trỗi dậy của “quần chúng” là các nước nhược tiểu Đông Á nói chung trước sự “thống trị” và khinh thị của phương Tây.

Lý Tiểu Long và Chuck Norris trong Mãnh long quá giang (1972) - Ảnh: AFP

Mà quả vậy, có ai thời đó không thấy ghét mấy anh “mắt xanh mũi lõ” chuyên đi “ăn hiếp” người dân các thuộc địa lẫn cựu thuộc địa? Nước Nhật thời đó hẳn cũng bị liệt vào các nước phương Tây rồi, do anh ta cũng thuộc tầng lớp giàu có, trưởng giả như các nước phương Tây trong cộng đồng các quốc gia trên thế giới.

Hình ảnh một anh hùng da vàng nhỏ bé đánh bại những anh Tây cao lớn hay những anh Nhật thâm hiểm trên màn bạc đã khiến cả một châu Á rùng mình sung sướng. Nó cũng thể hiện một khát vọng sâu xa về một phương Đông phục hưng từ những tinh hoa văn hóa của mình, như nước Trung Hoa từ những tinh hoa võ thuật.

Và không chỉ có “con rồng nhỏ” Lý Tiểu Long tung hoành trên màn bạc, những “con rồng” khác của châu Á như Hàn Quốc, Hồng Kông, lãnh thổ Đài Loan, Singapore… đã bắt đầy quẫy đuôi bay lượn trên bầu trời kinh tế thế giới trong những thập niên này.

Biểu tượng hành động

Cái gì làm nên sự khác biệt của một ngôi sao màn bạc và một huyền thoại? Cái gì là khác biệt để một người chỉ được hâm mộ và một người được thần tượng? Có lẽ đó không chỉ là chuyện “chuyên môn” giỏi, mà là lối sống, là cuộc đời của anh ta.

Lý Tiểu Long và cặp côn nhị khúc huyền thoại trên màn ảnh

Có thể lấy Che Guevara làm điển hình. Ở Che, không đơn thuần chỉ là một lãnh tụ cách mạng, mà thanh niên mọi nước trên thế giới, kể cả nước Mỹ, nơi được cho là đã ra lệnh ám hại ông, xem là thần tượng, vì ông là một biểu tượng của một con người hành động.

Những năm 60, 70 của thế kỷ ấy có biết bao cảnh lầm than, xáo động, nhiều người có khuynh hướng tìm hứng thú trong hành động. Nhân loại bắt đầu sản sinh ra một “giống loài mới”, xuất hiện nhiều trên nghệ thuật thứ bảy: những anh hùng hành động.

Những người hùng màn bạc đầu trọc lóc, cơ bắp cuồn cuộn, không suy nghĩ nhiều, có vẻ ngoài lạnh lùng vô cảm như người máy nhưng bên trong lại chứa đựng một trái tim nhân hậu, lo lắng cho sự tồn vong của nhân loại như các diễn viên hiện đại, chính là “nảy nòi” từ chàng anh hùng họ Lý trong các bộ phim trên.

Và điều đó không chỉ có trên màn bạc…

Cũng như Che, Lý Tiểu Long được thanh niên thế giới, cả Đông lẫn Tây mê mệt. Không chỉ trên màn bạc với vài ba tác phẩm điện ảnh “kinh điển”, cuộc đời của Lý Tiểu Long đã là một huyền thoại. Ông không chỉ là một người “siêu tuyệt” về võ thuật (kungfu) trên màn ảnh theo sự sắp đặt của đạo diễn, mà ngoài đời thật, ông còn là một đại võ sư, người sáng lập ra bộ môn võ thuật Triệt quyền đạo.

Cuộc đời của Lý luôn là những thử thách mà ông đưa chúng lên đến tuyệt cùng.  Cái chết trẻ của ông có thể có nguyên do từ đó…

Hồi ấy, bọn nhóc chúng tôi thần tượng, nhưng vẫn tỉnh táo, nên mới có câu hát vè: Lý Tiểu Long, bay đá song phi, bay lên nóc nhà, té u đầu…

Lý Tiểu Long trong Mãnh long quá giang (1972) - Ảnh: AFP

Tượng đài Lý Tiểu Long trên Đại lộ các ngôi sao ở Hồng Kông luôn là điểm thu hút khách tham quan - Ảnh: AFP

Thanhnien.com.vn

Clip đang được xem nhiều nhất: Clip: Kinh hoàng cảnh kính cường lực vỡ thành trăm mảnh, đổ ập lên người bé trai

Tag: Diễn viên Lý Tiểu Long , Huyền thoại võ thuật , Tiểu Long , Long tranh hổ đấu , Bruce Lee , Kungfu , Võ thuật , Huyền thoại Lý Tiểu Long