Một nạn nhân câm điếc bị sát hại dã man trên cánh đồng trong đêm tối. Manh mối vụ án tưởng chừng như rất mong manh do mối quan hệ của những người câm điếc.
Khám nghiệm hiện trường vụ án. |
Khó khăn về mặt giao tiếp với những người này là thách thức không nhỏ đối với lực lượng điều tra, khám phá án. Thế nhưng với những chứng cứ khoa học, những người câm điếc đã buộc phải "lên tiếng"…
Án mạng trên cánh đồng
Khoảng 10h30 ngày 19/4/2012, Phòng Kỹ thuật hình sự (KTHS) Công an tỉnh Bình Thuận nhận được tin báo, tại cánh đồng thôn 4, xã Đức Tân, huyện Tánh Linh, tỉnh Bình Thuận xảy ra một vụ án mạng. Nạn nhân bị sát hại với rất nhiều thương tích trên người.
Ngay sau khi nhận được tin báo, lãnh đạo Phòng KTHS cử một tổ công tác gồm 5 đồng chí do Trung tá Mai Văn Khiêm, Đội trưởng Đội khám nghiệm chuẩn bị phương tiện lên đường tới hiện trường. Mặc dù đã gần đến giờ nghỉ trưa, nhưng trước quãng đường rừng núi tới hiện trường dài hơn trăm cây số, cả tổ công tác chỉ kịp lót dạ ổ bánh mỳ và mang theo chai nước rồi khẩn trương lên đường.
Buổi khám nghiệm được bắt đầu vào lúc 15h dưới cái nắng chói chang của miền sơn cước và phía xa, thỉnh thoảng những tia chớp lại lóe lên báo hiệu một cơn mưa bất chợt. Để tranh thủ thời gian và không làm mất đi những dấu vết còn lại ở hiện trường do thời tiết, đồng chí Đội trưởng khám nghiệm phân công rất chi tiết công việc cho anh em trong tổ và khẩn trương bắt tay vào công việc.
Hiện trường nơi xảy ra vụ việc là khu vực ruộng vừa thu hoạch thuộc xã Đức Tân, huyện Tánh Linh, tỉnh Bình Thuận. Tử thi được xác định là anh Lê Minh Trung, sinh năm 1990, trú tại thôn 4, xã Đức Tân, huyện Tánh Linh. Nạn nhân là người bị câm điếc. Tử thi nằm trên bờ ruộng mặt úp nghiêng về phía bên phải. Nạn nhân mặc áo thun màu đỏ, quần jean. Tại thời điểm phát hiện, áo nạn nhân bị cuộn lên khỏi thắt lưng. Trên người nạn nhân có rất nhiều vết thương. Các vết thương tập trung ở vùng mặt, vùng đầu, vùng ngực, cánh tay... trong đó có 2 vết thương vùng cổ trái làm đứt thực quản và đứt gần hoàn toàn cơ ức đòn chủm trái.
Hiện trường đã bị xáo trộn một phần do quá trình phát hiện tử thi và do sự hiếu kỳ của người dân trong khu vực. Lấy vị trí tử thi làm trung tâm, căn cứ vào các dấu vết cây cỏ bị ngã rạp trong lòng mương và trên bờ mương nước, các giám định viên thận trọng vạch từng ngọn lá để tìm các dấu vết máu nhỏ giọt còn đọng lại trên cây cỏ, xác định các dấu vết dép, dấu vết bàn chân của thủ phạm để lại ở hiện trường.
Cách tử thi gần 40m về phía đông nam, phát hiện có 6 chiếc dép (của 3 đôi dép) nằm rải rác, cách nhau từ 3-11 mét. Ở khu vực này, có nhiều dấu vết dép nằm khá tập trung. Cách tử thi khoảng 35m về phía đông bắc, phát hiện một chiếc dép xốp màu đen bên trái. Chiếc dép bên phải tìm được cách đó gần 20 mét về phía đông bắc... Toàn bộ các dấu vết ở hiện trường trải dài gần 100m trên đường giao thông nội đồng và ở hai bên bờ mương nước.
Theo gia đình nạn nhân, Trung tuy không biết nói nhưng chịu khó làm nên được nhiều người trong khu vực thuê mướn. Tối ngày 18/4, Trung có về nhà rồi ra hiệu xin phép đến nhà một người trong xã thường xuyên mướn Trung đi làm thuê để ăn cơm. Sau đó, Trung có ra quán Internet gần nhà để chơi điện tử. Đến đêm không thấy Trung về, mọi người trong gia đình nghĩ Trung ngủ lại nhà người đã thuê làm việc, nên cũng không ai đi tìm kiếm.
Căn cứ vào các dấu vết để lại ở hiện trường, sau khi báo cáo kết quả và trao đổi trực tiếp với Đại tá Hoàng Minh Chính, Trưởng phòng KTHS Công an tỉnh Bình Thuận, toàn bộ diễn biến ở hiện trường đã được cán bộ khám nghiệm định hình và nhận định: Vụ án xảy ra vào ban đêm; đối tượng và nạn nhân có hành động đối kháng, chạy qua chạy lại ở hiện trường. Có thể một nhóm người nào đó đã tấn công nạn nhân. Nhóm đối tượng này có ít nhất 3 người.
Qua các dấu vết, vật chứng để lại ở hiện trường, có thể nhóm đối tượng đã phục chờ nạn nhân tại vị trí gây án. Hành động giết người xảy ra rất quyết liệt, dã man mang tính chất thù tức, không để nạn nhân có cơ hội sống sót. Mặc dù nạn nhân không có hành động chống trả nhưng các đối tượng đã đâm, chém nạn nhân tới 21 nhát, các vết thương đều rất mạnh, sâu. Qua các dấu vết máu để lại trên bờ đất hướng về phía đường quốc lộ cho phép nhận định nhiều khả năng hung thủ cũng bị thương.
Từ những đánh giá trên và căn cứ vào tình trạng nạn nhân là người câm điếc, lực lượng khám nghiệm nhận định: Đối tượng gây án khả năng cũng bị câm điếc và có quen biết với nạn nhân bởi kinh nghiệm trong những vụ án mà người khuyết tật là thủ phạm cho thấy họ thường có những hành động rất dã man, tàn độc đối với nạn nhân bởi hành động phạm tội của họ thường diễn ra theo bản năng. Mặt khác, đối với những người bị khiếm thính, ngôn ngữ giao tiếp của họ chỉ bằng tay và bằng miệng (không có âm thanh), khi giữa họ có mâu thuẫn hoặc bàn bạc chuyện xấu với nhau những người xung quanh rất khó nhận biết, nên khả năng khuyên nhủ, ngăn chặn tội ác rất khó khăn. Tuy nhiên cũng có thuận lợi là đối tượng sau khi gây án thường không cố ý xóa dấu vết, tìm lại vật chứng... vì hiểu biết về pháp luật của họ rất thấp và không có diễn biến tâm lý sau khi gây án.
Trong khi chờ hoàn thành các thủ tục pháp lý, đồng chí Đội trưởng Đội khám nghiệm đề nghị các điều tra viên tập trung rà soát các mối quan hệ của nạn nhân, tổ chức xác định chủ nhân của 4 đôi dép thu được ở hiện trường, trong đó tập trung vào số đối tượng là người câm điếc.
Vết thương ở ngón tay út của Võ Kỷ.
Người câm điếc "lên tiếng"
Khi các điều tra viên mang một đôi dép màu đen có dòng chữ "Hàng Việt Nam chất lượng cao, Made in Việt Nam" thu được ở hiện trường đến nhà Võ Kỷ (24 tuổi ), một đối tượng cũng là người câm điếc ở địa phương thì Kỷ lắc đầu ra hiệu không phải là dép của mình. Tuy nhiên cha đẻ của Kỷ xác nhận đôi dép đó là của Kỷ. Quan sát đối tượng Kỷ, đồng chí Đội trưởng Đội khám nghiệm nhanh chóng áp sát, kiểm tra trên quần áo và thấy ngón út bàn tay trái của Kỷ bị thương. Hỏi về vết thương này, Kỷ chỉ ú ớ không thành tiếng. Các điều tra viên phải nhờ "phiên dịch" dịch lại. "Phiên dịch" cho biết Kỷ khai bị đứt tay khi đi lao động.
Xem xét chiếc xe máy của gia đình Kỷ, lực lượng điều tra phát hiện có dấu vết màu nâu nghi máu bám dính trên yên xe. Tiến hành mở yên xe đã phát hiện 1 con dao phớ giấu dưới yên xe. Ngay lập tức, chiếc xe bị thu giữ và đối tượng Kỷ được mời về UBND xã. Để lấy lời khai của Kỷ, Cơ quan điều tra phải nhờ các thầy giáo dạy ngôn ngữ cho người câm điếc làm phiên dịch. Và tại đây, Võ Kỷ đã khai nhận hành vi phạm tội.
Vào khoảng tháng 2/2012, trong lúc chơi điện tử tại một quán Internet, giữa anh Lê Minh Trung và Kỷ xảy ra mâu thuẫn do Kỷ hất tai nghe của Trung. Ấm ức muốn trả thù Trung bằng được. Ngày 18/4/2012, Kỷ rủ Sang và Chi (đều là những người bạn bị câm điếc) đi uống cà phê. Trước khi đi, Kỷ lấy 1 con dao giấu vào dưới yên xe. Khi ngồi uống cà phê, Kỷ bàn với Sang và Chi đi đánh Trung. Đồng ý với phương án trả thù giúp Kỷ, Sang về nhà lấy thêm 1 con dao và 1 cây côn nhị khúc rồi cả ba đi ra cánh đồng trống, khu vực vắng người qua lại. Kỷ kêu Sang đi kiếm Trung chở ra. Sang đưa dao và côn cho Chi cầm rồi lấy xe máy đi tìm Trung.
Gặp Trung ở quán nét, Sang giơ tay ra hiệu rủ Trung đi chơi. Sang chở Trung ra cánh đồng nơi Kỷ và Chi đang đợi. Tại đây, Kỷ và Trung xảy ra "cãi cọ". Kỷ xông vào đánh Trung. Trung bỏ chạy, Sang và Kỷ đuổi theo, Chi cũng chạy theo để xem. Lúc sau, Sang túm được Trung quật ngã xuống mương nước. Sang ôm giữ hai chân Trung cho Kỷ dùng dao đâm liên tiếp nhiều nhát vào người Trung. Thấy Trung đã chết, Sang lục túi quần của Trung lấy điện thoại và 30.000 đồng rồi ôm Trung ném lên bờ ruộng.
Trên đường về, Sang và Chi vứt điện thoại di động của nạn nhân và dao nhọn gây án xuống kênh. Riêng Kỷ thấy con dao còn mới và bố mẹ mua nhiều tiền nên cất giấu dưới yên xe mang về nhà. Về tới nhà, Sang xin tiền mẹ để đi trốn, còn Chi và Kỷ đi ngủ. Đến sáng hôm sau, Chi và Kỷ vẫn đi làm bình thường như không có chuyện gì xảy ra cho đến khi cả nhóm bị sa lưới.
Vụ giết người hết sức dã man giữa nơi đồng không mông quạnh tưởng như rất khó tìm ra đối tượng đã nhanh chóng được điều tra làm rõ chỉ một giờ sau khi công tác khám nghiệm hiện trường và khám nghiệm tử thi kết thúc. Những mỏi mệt trên quãng đường dài tới hiện trường và sau gần 3 giờ đồng hồ liên tục làm việc hầu như tan biến trước niềm vui hoàn thành công việc. Ăn vội bát cơm chiều còn chưa kịp chín, các cán bộ KTHS lại vội lên đường trở về trong ánh mắt cảm phục của bà con nhân dân.
- Thời điểm không khí lạnh mạnh nhất của mùa đông năm nay diễn ra khi nào?
- Soi profile của Hoa hậu Thanh Thủy - Miss International 2024: Học thức đỉnh cao, tài sắc vẹn toàn
- Lương hưu cao nhất Việt Nam hiện nay là bao nhiêu?
- Trùm giang hồ 'Bình Kiểm' lên kế hoạch bắt cóc ca sĩ, người mẫu
- 5 cái tên bị luật cấm đặt khai sinh ở Việt Nam, đó là tên nào?
- Tại sao vàng giảm giá khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ?
- Tỉnh nào có tuổi thọ thấp nhất Việt Nam?
- Vụ rơi máy bay quân sự tại Bình Định: 2 phi công thoát nạn thế nào?