Ấy là cuốn đồng thư (sách đồng) thuộc hàng những cuốn sách quý bậc nhất thuở trước.
|
Cuốn sách đặc biệt này chép lại toàn bộ thần tích về sự hiện sinh của bốn vị công thần đại vương triều vua Lý Nhân Tông, được triều đình truy phong làm Thượng đẳng phúc thần. Những bí ẩn về cuộc đời của 4 vị Thượng đẳng thần triều Lý - cùng những huyền tích bí ẩn về phép thần thông của họ phần nào đã được hé mở…
Cuốn đồng thư quý hiếm chép thần phả 4 vị thần triều Lý. Ảnh: BV
Thần phả bằng đồng...
Cuốn sách đồng quý hiếm ấy tổng cộng có 16 trang, kích thước 15x27cm mà đã chép lại được toàn bộ thần tích xưa. Bốn vị thần hiện vẫn đang được thờ phụng trên vùng đất Phú Xuyên- Hà Nội.
Người có công sưu tầm và đang lưu giữ cuốn sách đồng quý ấy là anh Dương Minh Chính - TP Bắc Ninh - tỉnh Bắc Ninh. Có thể nói, cuốn đồng thư quý hiếm ấy đã góp phần tái hiện một cách sống động diện mạo của kim thư Việt Nam thuở xưa. Tuy còn nhiều truyền ngôn lạ lùng nhuốm màu sắc huyền bí, nhưng cuốn thần tích bằng đồng và những nội dung trong đó là một di sản văn hóa quý báu hiếm hoi còn sót lại đến ngày nay.
Ở những thế kỷ trước, sách thường được làm từ những nguyên liệu phổ biến là giấy, vải hoặc cao cấp hơn một chút là làm từ da động vật. Chỉ có một loại sách cao cấp được gọi là kim sách, được chế tác từ những kim loại quý như vàng, bạc, đồng.
Nếu như sách vàng, sách bạc là loại kim sách chỉ dành riêng cho vua chúa nên vô cùng hiếm thì sách đồng bình dân hơn, là loại sách tín ngưỡng do dân gian chế tác, được sử dụng trong các phủ quan, đình thờ miếu mạo. Nhưng đến ngày nay, số lượng sách đồng còn lại cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Điều đặc biệt là dường như mỗi cuốn đồng thư đều mang trong nó những truyền ngôn lạ lùng.
Như cuốn Thần tích thần phả bốn vị thượng đẳng phúc thần bằng đồng có niên đại thuộc nhà Nguyễn này cũng mang theo mình những truyền ngôn đầy huyền bí. Ấy là thần phả chép lại toàn bộ các sự việc xảy ra đối với bốn vị công thần đại vương triều Lý Nhân Tông, mà sau này bốn vị công thần ấy đều được phong làm Thượng đẳng phúc thần. Ngay phần đầu tiên, cuốn thần phả đã là những dòng chữ đậm chất văn chương: "Xưa trời Nam mở vận, sông núi nằm địa phận của sao Dực, sao Chẩn. Đất Trung Quốc nằm về cương vực của sao Đẩu, sao Ngưu. Từ triều Hùng là Kinh Dương Vương thừa mệnh vua cha phong làm tổ đế vương của nước Nam ta. Ngài lập kinh đô ở Hoan Châu, là nơi rất đẹp..." (theo bản dịch của Sở Văn hóa Thông tin Bắc Ninh (cũ).
Kế đến, thần phả ghi cụ thể về thân sinh và gia đình bốn vị Thượng đẳng phúc thần, chép rằng: Vào triều vua Lý Nhân Tông, húy Càn Đức là con trưởng của Lý Thánh Tông, tại vị được 56 năm. Vào thời đại đó thì tại trang Sơn Đông, huyện Lập Thạch, phủ Tam Đới, đạo Sơn Tây có một gia đình họ Cao vốn dòng thi thư, có người vợ là Nguyễn Thị Loan nhân hậu tột bậc. Thần phả chép: "Vợ chồng ông đến năm ngoài 30 tuổi vẫn chưa có con trai, trong lòng tỏ ra rất buồn. Một ngày vợ chồng ông thành tâm lập đàn tế cầu thiên địa, thần đất. Lễ xong, đến canh 4 ngày thứ 3, người vợ nằm mơ thấy có 4 con rắn lớn đến quấn quanh thân mình. Bà tỉnh dậy, rồi từ đó cảm thấy như có thai. Vào ngày mồng 6 tháng 2 năm Canh Thân, bà sinh hạ được một bọc nở ra 4 người con trai, diện mạo khôi ngô, thân hình dĩnh dị, mi giống vua Nghiêu, mắt giống vua Thuấn, vai giống vua Vũ, vai giống vua Thang, tất cả đều khác hẳn người thường". Ngày qua tháng lại, thần tích chép rằng, đến năm 12 tuổi, cha mẹ liền đặt tên cho người con thứ nhất là Dũng, người con thứ hai là Uy, người thứ ba là Lược và người con thứ tư tên là Hùng.
Anh Dương Minh Chính và bản dịch nghĩa của thần phả.
Truyền ngôn cây ngô đồng thiêng
Nếu như sách vàng, sách bạc là loại kim sách chỉ dành riêng cho vua chúa nên vô cùng hiếm thì sách đồng bình dân hơn, là loại sách tín ngưỡng do dân gian chế tác, được sử dụng trong các phủ quan, đình thờ miếu mạo. Nhưng đến ngày nay, số lượng sách đồng còn lại cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Điều đặc biệt là dường như mỗi cuốn đồng thư đều mang trong nó những truyền ngôn lạ lùng. Như cuốn Thần tích thần phả bốn vị thượng đẳng phúc thần bằng đồng có niên đại thuộc nhà Nguyễn này cũng mang theo mình những truyền ngôn đầy huyền bí...
Cuốn đồng thư ghi thần phả bốn vị tướng có công lao lớn được truy phong làm thần thời vua Lý Nhân Tông còn ghi rằng: Thời điểm quân Tống và giặc Chiêm Thành cùng nhau làm loạn xâm chiếm biên cương. Lúc đó triều đình cử tướng Lý Thường Kiệt đánh chặn quận giặc để đề phòng bất trắc và hạ chiếu tuyển quân, tuyển tướng giỏi.
Bốn ông Dũng, Uy, Lược, Hùng bèn nói với cha mẹ xin đến triều đình ứng tuyển. Thần phả chép rằng: "Nhà vua trông thấy các ông diện mạo phi thường rồi hỏi tính danh, cho thi tài võ thuật. Các ông thi tài võ thuật và ứng đối lưu loát. Nhà vua bèn tôn ban cho 4 ông là Chỉ huy sứ đại tướng quân. Bốn ông nhận quan tước lĩnh quân thủy bộ cùng với Lý Thường Kiệt tiếp tục đánh đuổi quân giặc sang tận Bắc quốc. Bốn ông cùng nhau truy sát giặc Tống. Truy đuổi quân giặc đến địa phận sông Nghĩa An, động Ma Sa thì thuyền không có một chiếc, 4 ông thấy bên bờ sông có cây ngô đồng rất lớn, bèn chặt cây để làm thuyền qua sông. Bỗng nhiên trời đất nổi mưa to gió lớn, sấm chớp ầm ầm rồi 4 ông bay lên không trung và rơi xuống nước mà chìm mất không thấy dấu vết".
Kỳ lạ thay, cây ngô đồng cứ theo dòng sông mà trôi ngược về địa phận quê hương cũ của 4 ông. Ở đó khi ấy đang có dịch bệnh. Người dân thấy trên sông có một cây ngô đồng đang trôi trên mặt nước bèn rủ nhau kéo lên bờ nhưng mãi vẫn không được. Họ liền làm lễ cầu đảo, tế trời đất. Lễ xong, bỗng nước ở sông dâng lên, lúc ấy cây ngô đồng tự trôi vào bờ. Nhân dân lấy làm linh ứng bèn dùng thân cây làm thành tượng thần. Nhưng khi cắt ra từng đoạn, bỗng thấy cây có máu chảy, nhân dân sợ hãi liền làm lễ chôn xuống đất. Từ đó, dân bản trang mới hết bệnh tật, ốm đau, hưởng thái bình. Họ dâng biểu tấu lên triều đình. Nhà vua nghe lấy làm thương xót bốn vị tướng bèn ra lệnh làm lễ viếng thăm.
Di sản văn hóa quý hiếm
Cũng từ ấy, bốn vị tướng Dũng, Uy, Lược, Hùng được ban phong mỹ tự là Thượng đẳng phúc thần. Trang Suy Xá được chia làm 4 khu, mỗi khu đều lập một miếu thờ phụng một vị tướng. Về việc này, thần phả còn chép rõ cả phần thưởng mà vua ban cho trang Suy Xá: "Ban cho nhân dân tiền 100 quan, lụa một xếp, xuân thu quốc tế, được miễn binh lương phu dịch trong 3 năm làm lệ, bao phong mỹ tự là Thượng đẳng phúc thần, vạn đời hưởng thờ cúng, cùng đất nước giữ làm thịnh mãi. Khâm tai!".
Vùng đất thiêng với những ngôi miếu thờ phụng 4 vị thần có công lao to lớn chính là vùng đất thuộc địa phận huyện Phú Xuyên (Hà Nội) ngày nay.
Ngay phía cuối của cuốn thần tích bằng đồng quý hiếm còn ghi rõ những thời điểm mà truyền ngôn về cuộc đời thần thông, bí ẩn của 4 vị thần được chép thành sách: “Ngày tốt, đầu mùa xuân, năm Hồng Phúc thứ nhất (1572) - Hàn lâm Viện Đông các đại học sĩ Nguyễn Bính soạn”. Kế đến là dòng chữ: “Ngày tốt, giữa mùa thu, năm Vĩnh Hựu 3 (1737) - Nội các bộ Lại phụng mệnh sao theo bản chính”. Và cuối cùng là: “Ngày tốt, giữa mùa hạ, năm Bảo Đại (1937) Thôn Đông Đoài tiếp theo bản chính cũ phụng sự khắc lại bản bằng đồng”.
- Ai là người có mức lương hơn 10,3 tỉ đồng/năm ở TP HCM năm 2024?
- Đàm Vĩnh Hưng nói về vụ kiện với chồng ca sĩ Bích Tuyền: 'Ai tạo nghiệp người đó phải lãnh'
- Sau 1/1/2025, thẻ chưa xác thực sinh trắc học sẽ không rút được tiền từ máy ATM, có đúng không?
- Tin vui với người sinh năm 2000, 1985, 1965 khi làm căn cước công dân trong năm 2025
- Chữ cái duy nhất không xuất hiện trong tên của bất kỳ tỉnh, thành nào tại Việt Nam, là chữ gì?
- Con phố nào giàu nhất Hà Nội, người gốc Thủ đô chưa chắc đã biết chính xác?
- Từ 1/1/2025: Những đối tượng này sẽ được cấp thẻ BHYT miễn phí
- Từ 1/7/2025: Thay đổi cách tính lương hưu theo Luật BHXH mới, hàng triệu người hưởng lợi