Ly kỳ chuyện săn cọp thời khẩn hoang ở miền Tây nam bộ
Thứ ba, 18/03/2014 18:37

Vùng đất phương Nam bao la, phì nhiêu màu mỡ bây giờ và nghe lại, xem lại những lời truyền khẩu, những ghi chép giản dị về cuộc đấu tranh mở đất và sinh tồn với tự nhiên.

Con người luôn phải đấu tranh với nhiều động vật hoang dã nguy hiểm để sinh tồn

Con người luôn phải đấu tranh với nhiều động vật hoang dã nguy hiểm để sinh tồn

Câu chuyện này không phải là sự tra cứu chi tiết thực hư, chỉ là thu nhập nối tiếp từ những chuyện giống như truyền thuyết cần lưu giữ. Từ quyển “Gò Công cảnh cũ người xưa” của cụ Việt Cúc, một thầy thuốc, một nhân sĩ đáng kính và lời kể thêm của những vị cao tuổi sống miệt Bình Thành, Bình Xuân, Tân Trung… thuộc vùng Gò Công – Tiền Giang.

Thuở xưa, quãng đường từ Chợ Lớn về tới Cần Đước khoảng 50 cây số đã là gian nan lắm. Những lúc quan viên cần đi lại, giấy tờ công văn cấp bách phải dàn lính tráng sắp đặt mở đường và phòng ngừa cướp bóc liều lĩnh hoành hành. Lặn lội đường xa diệu vợi chỉ nhờ vào đôi chân cứng cáp, dẻo dai, đi và về có nhanh cũng mất hơn nửa tháng trời. Sợ nhất là khi vượt sông Bao Ngược, thông thương hai dòng nước sông Vàm cỏ và sông Soài Rạp để vào địa phận Gò Công, vùng hoang vu mới mẻ đầy bất trắc. Hãi hùng sóng to gió lớn, lòng lạch sâu, nước chảy mạnh cho nên tai nạn ghe thuyền là thường xuyên. Sắp qua sông thì khách thương hồ bày cúng cầu may, thoát lo cũng một mâm tạ lễ. Có câu hò xưa nghe rất đoạn trường:

Anh đi chuyến gạo Gò Công

Anh về Bao Ngược bị giông đứt buồm…

Anh ơi!

Thuyền anh cao nhưng sóng cả nhận chìm

Em trông sông bao nhiêu khúc… nỗi niềm ruột đau…hò ơ…”.

Phía bên kia sông thuộc về Gò Công, miệt Bình Xuân, Bình Thành toàn rừng và rạch, không cây to ngáng trở như miền trên, chỉ lùm bụi cây lúp xúp nhưng chằng chịt, um tùm. Những con rạch nhỏ như rạch Rô, rạch Lá, rạch Băng... nối liền nhau và ăn thông ra sông Tra. Rạch hẳm sâu, tăm tối bởi tầng lá dừa nước sum suê ken dày cùng cây hoang dại che lấp hai bên bờ. Đây cũng là lãnh địa của cá sấu, chúng ngang dọc tung hoành bắt thú, bắt người ăn thịt. Có một anh gốc người Cà Mau vì thời thế sao đó mà chống xuồng cùng đứa con trai chừng sáu tuổi về cất chòi bên đoạn rạch Rô, lần hồi đốn củi đổi gạo. Sơ sẩy, đứa nhỏ bị sấu bắt lặn chìm mất, người ta thấy mà không biết làm sao cứu kịp, kêu trời đề quyết là con sấu mũi đỏ hung dữ nhất bầy.

Người cha không khóc, ngày đêm cặm cụi mài mác dài, mác ngắn, đánh bện dây thừng, dây chão, không ai biết làm chi. Ba ngày sau, đầu đứa nhỏ tấp mé, anh bọc áo ôm vào lòng rớt nước mắt một hồi rồi đem chôn. Gần một tháng trời, anh theo dõi thói quen kiếm ăn của bầy sấu, chú ý nhất là con mũi đỏ. Tối nọ, bạn làm nghề nghe tiếng vẫy vùng ngoài rạch liền vác rìu, xách chĩa ra xem. Một vùng nước ngầu bọt xoáy, cuộc đấu tranh sinh tử đang diễn ra. Anh người Cà Mau bám chặt mình con sấu lớn đã bị trói hai chân trước, trồi lên hụp xuống giữa ánh đuốc cùng tiếng hò la trợ lực.

Lúc lâu sau thì im lặng, anh ta gắng lết vô bờ thì ngất xỉu. Đám bạn lớp lo hơ ấm, xoa bóp thuốc rượu cho anh, lớp hì hục cột dây kéo con sấu mũi đỏ về nơi lều trại. Sáng ra, mọi người lột da xẻ thịt con sấu, còn anh giết sấu chỉ hứng chén máu ra rưới lên mả con trai, đôi nén nhang khấn vái. Uống cùng anh em ly rượu, anh bùi ngùi chia số củi đã đốn còn lại cho anh em rồi từ giã, chẳng ai biết người cha thương con và đầy lòng can đảm kia sẽ trôi dạt về đâu?

Lại có chuyện ngôi miếu xưa bên kia rạch Gò Công còn di tích cái vỏ lúa trông tựa vỏ bầu khô, màu xám mốc, tồn tại gần 200 năm. Tới chuyện con cá bống mú lớn đào hang mé rạch, bề hoành ước chừng nhỉnh hơn cái mái chứa nước, gặp người sơ ý là táp nuốt luôn. May mà một thời gian sau nó đi đâu mất, ông già bà lão cho rằng nó theo hang thông ra sông lớn, biển rộng. Dưới sông, dưới rạch là vậy, còn trên bờ thì nạn tai rình rập tứ phía; sự né tránh hay chống cự chuyện sấu tha hùm bắt... quả khó nhọc vô cùng!

Dân tứ xứ tụ về lập trại, dựng lều nơi gò nổng mà ở, phần nhiều là người lỡ cơ thất chí hoặc nghèo túng, trốn xâu trốn thuế, gọi chung là “dân lậu”.. Họ thường chọn nơi xa xa sông rạch một chút, có việc cần - mà cũng hiếm - vượt qua thì mượn xuồng hoặc nhiều người liều mạng lội nhanh qua. Còn trên bờ thì hùm beo, heo rừng, rắn rít... lúc nào cũng lấp ló chực chờ giáp mặt để nhe nanh, nhả nọc. Anh em hợp sức dầu dãi nắng sương khai khẩn đất, đốn cây rừng bán, dựng lều gần nhau để cùng làm ăn và dễ bề tương trợ, hồi đó gọi chung họ là “bạn rìu”. Lều lợp lá dừa nước, dựng rào bao bọc hai ba lớp bằng cây cóc, cây chà là... vạc nhọn. Ăn uống kham khổ, mắm muối qua ngày, có điều sự bao bọc nhau để chống trộm cướp, thú dữ thì họ cùng một lòng.

Vùng nhiều cây rừng, đất phì nhiêu cách bến vượt sông Bao Ngược cỡ 3000 mét, xưa gọi Truông Cóc vì loại cây này chen chúc dày đặc bao đời. Một nơi hiểm địa mà lôi cuốn anh em lang bạt, gan góc tụ về khai thác làm ăn, dựng nên làng xóm phồn thịnh sau này. Cũng có con đường mòn đất, đường Truông, chạy ngoằn ngoèo, người ta dọn cây cấy lúa, nhà cửa tuy thưa thớt mà ít lo lắng. Rừng truông Cóc trải rộng xa bốn hướng, cây bịt bùng ngút mắt, các loại thú rừng chia nhau mà ở. Đặc biệt, truông rất nhiều cọp, lại ưa lai vãng cùng người. Chiều chiều, nhóm bạn rìu ngó ra mé rừng thấy cọp nối đuôi nhau đi lòng vòng kiếm ăn. Thấy thì bấm nhau nhìn, không ai dám nói đùa, nói xóc bởi tin rằng cọp rất thính tai. Mỗi sáng, chờ mặt trời lên cao mọi người mới hè nhau xách mang dụng cụ đi làm một lượt. Tới nơi thì việc ai nấy làm, lâu lâu ngó chừng sau lưng cho nhau.

Bữa nọ, họ đang lui cui đốn củi thì hai con cọp nhẹ nhàng theo những lùm bụi lại gần. Một anh chợt thấy liền hốt hoảng la to: “Cọp... Cọp! Anh Móm ơi... chạy cho lẹ!”. Con cọp đi đầu nhảy bổ chụp phủ lên đầu anh Móm định nhận xuống. Anh giỏi võ, vung hai tay lên bấu xiết cổ cọp khiến nó hỏng cả hai chân trước lên. Rồi anh lách mình ra, thúc đầu gối vô hông cọp thật mạnh, nó xiểng liểng dội ngược. Con cọp kia nhảy chụp, anh né kịp, hai tay liên tiếp tung những cú đấm, đạp vào vai, bụng, nó phải dang ra xa. Anh Móm vừa thủ thế vừa lùi dần lại, chụp rìu, rút lưỡi, cầm đoạn cán chờ đợi. Hai con cọp lườm lườm xoay vòng quanh rồi hè nhau tấn công. Anh xoay trở, tiến thoái lẹ làng, dùng cán rìu nện cho đôi cọp những đòn đau điếng vào vai, lưng, chân... Coi bộ khó thắng, hai con cọp bị no đòn dạt từ từ rồi len lét phóng chạy mất. Anh em bạn rìu nãy giờ chạy núp, giờ ra mừng và hết lời khen tặng anh Móm. Cả khoảng đất là đấu trường quần thảo ác liệt giữa người và mãnh thú, cây cỏ liệt địa, lông cọp rụng rơi tơi tả. Thuở giờ gặp cọp là chạy trốn hoặc bậm môi gõ phèng, hò hét cho nó sợ mà bỏ đi, ai dám đương cự? Anh Móm dặn thêm là tánh cọp thù dai, mai mốt nó có tới nữa thì anh em chạy tránh đi, để mình anh đối địch. Sau chuyện này đồn đãi lan xa, người tạ nể trọng gọi là ông Móm.

Nghỉ ngơi hai, ba hôm, ông Móm rủ mọi người vào rừng, ai nấy còn quá sợ cọp nên không đi cùng, chỉ một anh can đảm chịu theo. Ông không nói gì, nai nịt gọn gàng rồi soạn lấy cây côn hồi còn học võ dắt lưng, vô rừng đốn củi như lệ thường. Chừng giữa buổi, nghe mùi khen khét tanh tanh, tiếng ầm ừ trầm trầm, ông Móm kêu người bạn bò lần ra rẫy nấp kỹ, để anh đối phó. Ngó ra bìa rừng thấy bầy cọp bốn, năm con dàn ngang hầm hừ, anh biết chuyện đánh nhau là không tránh khỏi. Nhưng bởi bản tánh can trường, biết võ nghệ, muốn đánh đuổi thú dữ cho anh em, bà con an tâm làm ăn, lập ấp... ông Móm quyết ăn thua đủ trận này cho chúng sợ.

Con cọp lớn nhất xăm xăm đi đầu, hai mắt ngó ông chằm chằm. Ông bình tĩnh chống côn đứng tấn chờ đợi. Cọp đập đuôi, giương móng vuốt nhằm cổ ông mà chụp. Ông sụp xuống, chịu cây côn chống thốc vô hàm cọp khiến nó mất trớn. Rồi ông múa côn đánh liên hồi vào đầu, vai, lưng... con vật kém thế. Nó rụng rời quay ngang, ông nện thêm hai côn vào chân. Con cọp bươi bươi chân trước thối lui, mắt cụp xuống chịu thua. Ba con cọp kia phóng vô tiếp ứng, ông Móm càng đánh càng hăng, lúc sau chúng cũng đành hậm hực quay về bìa rừng, lặng lẽ đi khuất. Gọi người bạn nấp ở rẫy ra, ông Móm nhác thấy một con cọp khác đứng xa xa nhìn rồi chậm chạp quay đầu, chân sau đi khập khiễng, gượng gạo. Ông biết ngay là con cọp bị đòn hôm trước, giờ kéo đồng bọn tới trả thù, còn bản thân thì đã sợ ông một nước!

Anh em đốn củi, phát rẫy nhờ ông Móm mà bớt phần lo sợ, thức khuya dậy sớm ra sức mở đường, trồng trọt, phá rừng lần hồi cho quang đãng. Bọn cọp giờ chỉ rình mò thấp thoáng trong sâu. Dân nghèo tứ xứ tha phương nghe tiếng ông, bàn nhau đến Truông Cóc tính thế sinh nhai yên ổn. Những khi ông Móm không đi vào rừng thì bạn rìu, bạn rẫy mượn cái áo, cái quần cũ của ông đem máng treo chỗ làm, cọp nghe hơi chẳng dám léo hánh gây chuyện rồi thời gian sau chúng bỏ đi biệt dạng. Một vùng Truông Cóc gian nguy hiểm trở nhờ sự dũng cảm đối đầu của ông Móm cùng bao thế hệ, hiến dâng mồ hôi, xương máu mà dần được khai hoang, trù phú, lập làng lập ấp sống an vui. Những bậc cao niên giờ cảm khái vật đổi sao dời, chuyện xưa còn đó mà bóng cũ tiền nhân lu mờ, ngùi ngùi nhắc mấy câu thơ:

Ruộng cò bay dặm dài Truông Cóc

Cháu con ông Móm lăn lóc cơ hàn

Ai xui khiến cảnh điêu tàn

Mồ ông còn đó, họ hàng chẳng thấy viếng thăm...”

Đất đai, rừng, rạch, doi, bàu... thuở xưa gọi bằng các địa danh liền lạc với nhau, gần như chưa phân định địa giới rõ ràng, nhưng ai cũng hiểu và hình dung ra được đường đi lối lại. Như Giồng Găng là một khu rừng nhỏ mọc toàn cây găng, phía dưới Bàu Sấu một chút và lọt thỏm trong vùng rừng Cóc, cách ngoài độ hai ngàn mét về hướng Đông Bắc Gò Công. Cây găng cao lớn như cây trâm bầu, gai mọc trong thân, lú ra ngoài giống cựa gà. Hơn 150 năm về trước, một số gia đình kéo tới quần tụ lập ấp rồi thì sở rừng nhà ai nấy khẩn để cấy lúa. Đợi mặt trời lên, cả ấp mới cùng đi đốn củi, chặt cây, đỡ đần nhau chuyện hùm beo, cá sấu, rắn độc... quẩn quanh gần đó.

Sáng nọ có hai cậu cháu tên tám Nghề và hai Sến cùng phát chung sở ruộng. Bất thình lình, cọp rình sẵn nơi lùm bụi nhảy bổ chụp ngay đầu hai Sến ghì xuống. Anh kịp la lên “Ôi...bớ cậu Tám... cứu cháu với!”. Đang đốn củi gần bên, ông Tám cầm rựa nhào lại chém thẳng ngay lưng cọp. Nó oằn mình buông nạn nhân ra, chờn vờn chụp đè ông Tám, mắt long lên hung tợn. Người cháu chỏi dậy lấy rựa chém nhiều nhát vào hai đùi cọp. Con mãnh thú sụm xuống lết dần ra mé rừng bị ông Tám chạy theo bồi rựa thêm vào chỗ hiểm, nó mới chịu chết. Bà con xúm lại lo cầm máu, khiêng anh Hai về ấp trị vết thương đầu khá nặng, ông Tám thì rách thịt chỗ ngực sơ sài. Báo tin về Gò Công, quan có lời khen và thưởng cho hai cậu cháu một số tiền lớn. Vết thương cọp vồ của anh Hai phải đắp thuốc, nghỉ ngơi gần ba tháng trời mới khỏi hẳn. Về già, ông Hai thường chỉ cái thẹo to trên trán mà nói khoe với đám thanh niên: “Gặp cọp bây đừng sợ, phải hè nhau mà đánh... Nó sợ tao nên để cái dấu này cho cháu con nhớ “mà tránh mặt!”.

Những loài động vật hoang dã từ mạnh mẽ cho đến yếu ớt đều phải tìm cách sinh tồn thích hợp là lẽ đương nhiên. Tuy nhiên, hung bạo như loài cọp cũng có lúc xui rủi gặp nạn, chịu chết dưới tay con người. Thuở xưa, tên rạch, gò, bàu, vàm, giồng... hay lấy tên người tiêu biểu hoặc dựa vào đặc điểm riêng địa phương mà gọi. Như Rạch Lá, Rạch Bần, Gò Gừa, Giồng Tháp... Nguồn gốc tên Rạch Chốt (Bình Thành) thuộc vùng rừng và rẫy sình lầy, cỏ lác um tùm, dừa nước ngút mắt, mương xẻo ngang dọc mà cá tôm nhiều vô số. Cá chốt lúc nhúc dưới rạch, tràn cả lên rẫy dẫy đầy, dân xúc phơi khô, làm mắm ăn quanh năm không xiết. Cá có ngạnh nhọn, đâm nhức, bâu nhau đen cả mặt rạch Chốt trông giống bàn chông thiên nhiên, không ai dám lội xuống. Hai anh em nhà nọ bơi xuồng tìm xẻo đặt lọp bắt tôm tép, chợt thấy trong lùm cây lộ cái lưng cọp, lông vằn vện phát khiếp. Thất kinh hồn vía, hai anh bấm nhau rút êm về ấp cho mọi người hay. Trai tráng mấy chục người xôn xao xách côn, mác, rìu chia làm ba cánh truy lùng: hai cánh hai bên, một cánh dùng xuồng đi dưới rạch. Họ im lặng, hồi hộp dò từng bước tới chỗ hai anh em thấy cọp lúc nãy thì không vết tích gì. Nghe bên kia rạch ra ám hiệu, liền tìm cách vượt qua tiếp sức.

Một con cọp to nằm gần mé rạch, bụng thở phập phồng mà hai mắt nhắm nghiền, không để ý chi tới số đông người đang dọ dẫm lại gần. Đứng bao quanh cách quãng xa một hồi không thấy con cọp phản ứng, ai cũng lấy làm lạ. Bữa nay nó no mồi hay... ăn chay? Một anh làm liều, nhẹ bước tới nện côn thẳng tay vô đầu cọp. Sau cú đánh khơi mào này, ai cũng chen nhau đâm, chém, đập con cọp ráo riết. Chừng thấy nó không cục cựa, biết đã chết mới dám xúm nhau cột bốn chân, lấy đòn khiêng về. Quan sát miệng con cọp ọc nhiều nước, bên kẹt tai còn dính mấy con cá chốt, họ bàn tán nghi hoặc. Có lẽ con cọp gắng lội qua rạch Chốt, uống nước đầy bụng kiệt sức, nằm yên cho con người hạ thủ dễ dàng, chớ lý nào nó cam chịu trận, không mảy may chống cự?

Thời khai phá, vùng rừng miền Đông, miền Tây Nam bộ nơi nào cũng nhiều mãnh thú, đáng sợ nhất là cọp. Tuy nhiên, với bản lĩnh can trường, sự khôn ngoan, mưu trí, các bậc tiền nhân cũng tìm mọi cách khắc phục, gầy dựng cuộc sống bình yên cho làng xóm. Những chuyện truyền khẩu về cọp thì rất nhiều, chỉ ghi lại vài mẫu nhắc nhớ mà thôi”

Xa Lộ Pháp Luật Minh Phương (Theo Giadinhvietnam.com)

Clip đang được xem nhiều nhất: Khởi tố 3 đối tượng phát tán clip với nội dung 'thác loạn' trong quán bar Sunny

Tag: Khai hoang vùng đất , Bắt cọp , Cọp hoang , Động vật hoang dã , Cách sinh tồn ,