Những bạn đã và đang là sinh viên có bao giờ tự đặt cho mình câu hỏi đó và trả lời trọn vẹn? Lên đại học đồng nghĩa với việc bạn đã lớn và có thể tự lập, nhưng có được khoảng bao nhiêu bạn hài lòng với chính mình?
|
Được nhiều thuận lợi hơn, nên cũng dễ dãi với bản thân hơn
Ai cũng công nhận rằng khi lên đại học thì sẽ có rất nhiều thoải mái trong học tập: thầy cô không kiểm tra bài, muốn nghỉ lúc nào cũng được, học hay không là do sự tự nguyện của mỗi người… Áp lực giảm đáng kể so với thời phổ thông, cộng thêm việc được xa gia đình để lên thành phố trọ học, nhiều bạn thường tự nghĩ rằng mình đã lớn nên chơi nhiều hơn học, không thích học thì nghỉ.
“Từ lúc bước vào đại học đến giờ, mình chỉ đến giảng đường đúng 10 lần để thi giữa kì và điểm danh một số môn. Sắp phải thi học kì nên mình mới bắt đầu giở quyển sách ra học, gọi là học thôi chứ cũng chỉ xem lướt qua vì bắt đầu ôn mới biết bài nhiều quá, làm sao mà học nổi. Nhưng mình chẳng lo vì có rất nhiều bạn…như mình” — Thanh Hằng (sinh viên năm 1 ĐH KHXH & NV) cho biết
Tự thấy mình chưa làm được điều gì có ý nghĩa
“Từ lúc học đại học tới giờ, mình chỉ biết đến trường rồi về nhà, cuối tuần đi chơi với mấy bạn thời phổ thông, ít thân với bạn đại học vì dù sao cũng chưa có dịp tiếp xúc nhiều, mình cũng nghỉ học miết mà. Hoạt động đoàn, hội, chẳng bao giờ mình tham gia vì trường xa nhà. Đó là cái cớ của mình. Thật ra, có gần mình cũng không thích đi. Nhiều bạn trong khoa tuy đến lớp không nhiều, nhưng lại rất năng nổ trong các hoạt động tình nguyện và cống hiến hết mình trong các phong trào xã hội. Mình nghĩ như thế đã là có ích rồi. Còn mình thì lúc nào cũng học lại 1, 2 môn mỗi học kì, chơi nhiều hơn học. Thấy đã 20 tuổi đầu rồi nhưng sao mà sống…vô vị quá” — Tuyết Anh (sinh viên năm 2 ĐH Kinh Tế) chia sẻ
“Đôi lúc mình muốn đi làm thêm, tham gia thật nhiều hoạt động bên ngoài, nhưng mình vốn ham học từ trước tới giờ, lúc nào cũng chỉ biết đến việc học và buồn cả tuần nếu điểm số không tốt. Dù lên đại học rồi, mình vẫn giữ nguyên nếp sinh hoạt từ thời cấp 3: đi học, về nhà, ôn bài, xem tivi, ăn, ngủ…, ít khi đi chơi cùng bạn bè và không giao thiệp với ai. Dần dà khi bắt đầu vào chuyên ngành thì cảm thấy: Tại sao nhiều bạn học ít hơn mình mà lại giỏi hơn mình, năng động, có kiến thức chuyên môn vững và lại khéo léo trong giao tiếp nữa. Hỏi ra mới biết, những gì họ có được là do tự rèn luyện, tự học hỏi bên ngoài và cố gắng xin việc làm để tập trải nghiệm. Mình thì vẫn dựa dẫm vào gia đình. Nghĩ lại cũng thấy bản thân mình chưa làm được điều gì có ích cả” — Mai Phương (sinh viên năm 3 ĐH Ngoại Thương) nói
Dù cho thế hệ sinh viên thời nay có năng động hơn, giỏi hơn và biết nắm bắt cơ hội hơn so với thế hệ đi trước, thế nhưng đó chỉ là một bộ phận vì còn rất nhiều sinh viên chưa bao giờ thử trải nghiệm cuộc sống bằng cách đi tình nguyện, tham gia tích cực các hoạt động do trường tổ chức, đi dã ngoại để khám phá, hay tự kiếm cho mình việc làm để tự lập… Có thể nói, phần lớn sinh viên vẫn mang tư tưởng: “Cố gắng học để ra trường đi làm có việc ổn định, còn cứ tham gia mấy hoạt động hay đi làm thêm thì chắc gì đã khá lên”. Thực chất, trừ những ngành mang tính chất chuyên môn cao và phải học thật nhiều để phục vụ cho việc nghiên cứu, làm việc chính xác, như bác sĩ, kĩ sư, cử nhân các khối ngành khoa học…, thì những chuyên ngành mang tính xã hội, đòi hỏi sau này phải có vốn kiến thức xã hội, thì nếu chỉ biết học thì phí vô cùng. Đó là chưa kể, phụ thuộc quá nhiều vào gia đình thì sau này ra trường bạn sẽ thua những sinh viên khác rất nhiều, khi họ vô cùng dạn dĩ, tự tin trong công việc thì bạn ôm tấm bằng loại giỏi mà làm việc thiếu sáng tạo, luôn lo sợ không hoàn thành tốt…
Rất nhiều bạn có suy nghĩ như Tuyết Anh và Mai Phương nhưng mấy ai chịu thay đổi? Bởi vì còn không ít bạn vẫn thích đổ lỗi: “Nếu không vì thế này, thế kia, thì có lẽ mình đã sống có ích rồi”
Lỗi do…hoàn cảnh?
“Mình muốn đi làm thêm nhưng ba mẹ không cho vì ba mẹ có thể lo được đủ cho mình, mình chỉ việc ăn học. Còn tham gia các hoạt động ngoài trời thì mình ngại lắm vì không có nhiều bạn, dễ bị lạc lõng. Hơn nữa mình không năng động, ra nắng nhiều lại đau đầu, chứ đâu phải mình thụ động” — Tuyết Anh cho biết
“Mình đi học về là lên máy online chơi game, không thì đi học anh văn, xem tivi, nghe nhạc, cuối tuần rảnh rỗi thì đi chơi, chẳng phải lo gì cả. Mình cảm thấy bây giờ tìm việc làm thêm không dễ chút nào, nên thôi luôn. Còn đọc sách và tham gia các lớp học kĩ năng ư? Việc vui chơi giải trí của mình đã chiếm hết thời gian trong ngày rồi, còn đâu để mà tự học nữa” — Thái Bình (sinh viên năm 2 ĐH Công Nghiệp) cho biết
Hãy nói “tôi có thể”
Bạn chưa hài lòng với bản thân mình khi thấy rằng, bạn đã là sinh viên nhưng chưa thật sự sống trọn vẹn với tuổi trẻ, chưa thật sự làm được gì có ích cho gia đình và xã hội. Đó là trăn trở không của riêng ai. Nhưng tại sao bạn biết được rằng bản thân mình còn nhiều thiếu sót, thay vì cố thay đổi, bạn lại chấp nhận điều đó với vô số lý do “rằng, thì, mà, là…” để rồi tiếp tục sống nhàn rỗi và vô nghĩa? Lên đại học, kiến thức chỉ là điều kiện cần. Bạn không va chạm thực tế nghĩa là bạn chưa thật sự trưởng thành và chững chạc. Hãy bắt đầu ra khỏi nhà và đi cùng bạn bè nhiều nơi, nhiều chỗ, tự khám phá và cảm nhận mọi thứ xung quanh, đọc sách, xem tin tức, quan tâm đến các vấn đề xã hội… Đó là nền tảng để bạn thay đổi và sống đúng, sống đẹp thật sự. Hãy tự nhủ rằng: “Tôi có thể” để không hối hận trong suốt quãng đời sinh viên, bắt đầu từ hôm nay!
- Thời điểm không khí lạnh mạnh nhất của mùa đông năm nay diễn ra khi nào?
- Soi profile của Hoa hậu Thanh Thủy - Miss International 2024: Học thức đỉnh cao, tài sắc vẹn toàn
- Lương hưu cao nhất Việt Nam hiện nay là bao nhiêu?
- Trùm giang hồ 'Bình Kiểm' lên kế hoạch bắt cóc ca sĩ, người mẫu
- 5 cái tên bị luật cấm đặt khai sinh ở Việt Nam, đó là tên nào?
- Tại sao vàng giảm giá khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ?
- Tỉnh nào có tuổi thọ thấp nhất Việt Nam?
- Vụ rơi máy bay quân sự tại Bình Định: 2 phi công thoát nạn thế nào?