Lê Uyên - Phương: Mối tình đá xanh và định mệnh
Thứ năm, 06/06/2013 13:58

Lê Uyên Phương nổi tiếng trong thời kỳ cực thịnh của nhạc vàng. Cùng với Trịnh Công Sơn, ông đã tạo ra một dòng nhạc mang tên mình.

Lê Uyên - Phương

Lê Uyên - Phương

Dù hạnh phúc hay khổ đau thì âm nhạc ông vẫn luôn hân hoan, đầy nhựa sống. Nhạc của ông không phải ai cũng hát được. Có những ca khúc gần như ông chỉ viết cho hai người hát. Và hai người đó chính là Lê Uyên và Phương…

Hạnh ngộ

“Hình ảnh Lê Uyên Phương ôm cây guitar cùng ca sĩ Lê Uyên xõa tóc hát vang những bản tình ca là một dấu ấn không phai mờ trong lịch sử tân nhạc Việt Nam. Một giọng nam trầm, một giọng nữ lanh lảnh hơi khàn hòa quyện với nhau man dại, đê mê như một thứ ma túy, làm tê liệt thần kinh về ý thức hiện tại. Nghe Lê Uyên – Phương, người ta như uống hồn phách những cuộc tình, mất mát, chia ly, như vị đắng cà phê, khiến người ta ngầy ngật trong cơn say.

Cơn sóng âm thanh đó vượt qua bão tố thời gian không chỉ vì đó là hai giọng ca hay mà còn vì tình yêu của hai nghệ sỹ đến với nhau trong mối tình định mệnh, bất chấp sự cấm cản của gia đình và sự đe dọa của cái chết.” ( Lời tác giả Hoa Vũ )

Lê Uyên Phương tên thật là Lê Minh Lập, sinh ngày 2 tháng 2 năm 1940 tại Đà Lạt. Vì sinh vào thời chiến nên giấy tờ bị thất lạc, ông đã đôi lần phải làm lại giấy khai sinh và bị viết tên sai. Cuối cùng, ông giữ luôn tên Lê Văn Lộc.

Nghệ danh Lê Uyên Phương được ông lấy từ tên của mẹ là bà Công Tằng Tôn Nữ Phương Nhi kết hợp với họ Lê của cha. Còn Uyên là tên một người con gái ở vùng cao nguyên xanh với dấu ấn của cuộc tình đầu buồn đẫm lệ. Từ đó kỳ lạ thay, mỗi người con gái xuất hiện trong đời ông đều là Uyên của những nhớ nhung, hoài vọng cồn cào trong tâm tưởng. Với mối tình đó, Lê Uyên Phương đã viết ca khúc đầu tay Buồn đến bao giờ tại Pleiku khi mới 19 tuổi.

Lê Uyên Phương khi ấy sống bằng nghề dạy triết và dạy nhạc ở một số trường Đà Lạt, còn nàng ca sĩ Lê Uyên hippie man dại với những bản tình ca mới chỉ là cô gái con nhà giàu mang cái tên thật đẹp, Lâm Phúc Anh, được cha đưa từ Sài Gòn lên Đà Lạt học và ở nội trú tại trường Virgo Maria nổi tiếng. Như một sự sắp đặt của định mệnh, em gái của Lê Uyên Phương khi ấy là bạn của Phúc Anh và hai nhà lại là hàng xóm của nhau nữa.

Lê Uyên Phương lớn hơn Phúc Anh 11 tuổi và khi ấy ông giống như chuyên gia tâm lý để cô học trò xinh đẹp “tâm sự” về tất tần tật vui buồn thế thái, âm nhạc, thi ca cùng sự lãng mạn. Như một kịch bản tình yêu kinh điển, chàng là lãng tử nghèo còn nàng là tiểu thư quyền thế, hai thế giới đầy mâu thuẫn đó va phải nhau trong mối tình nhiều đam mê của tuổi trẻ, tuổi mà người ta yêu nhau hồn nhiên không suy tính. Hay cũng có thể là do Đà Lạt quá lãng mạn để bắt đầu một mối tình?

Nghiệt ngã thay, ở tuổi 27, chàng nhạc sĩ vẫn chưa từng yêu ai vì những cục bướu xương mọc trên những ngón tay và ngón chân từ lúc mới sinh cứ lớn dần lên. Bác sĩ bảo ông không sống quá 30 tuổi được. Nhưng tình yêu vốn có những lý lẽ của riêng nó. Vào một ngày định mệnh trên ngọn đồi thơ mộng nhìn xuống Hồ Than Thở, Lê Uyên Phương đã bày tỏ tình cảm của mình. Có lẽ chính ông cũng không ngờ rằng tình yêu ấy đã cho anh nghị lực để sống tiếp, để hạnh phúc và để viết cho đời những bản tình ca bất hủ. Ông đã viết bài Tình khúc cho em để đánh dấu giây phút đầu gặp người tình định mệnh.

Chuyện tình đến tai ba mẹ Lê Uyên, họ không chấp nhận cho con gái đến với một người không biết cái chết sẽ ập đến lúc nào như Phương. Vì thế, họ mang cô về Sài Gòn ngăn không cho cô gặp Lê Uyên Phương nữa. Phương đã bỏ mọi thứ ở Đà Lạt lên Sài Gòn tìm Lê Uyên. Để được gặp mặt nhau, họ phải ngồi suốt ngày trong nhà ga Sài Gòn. Có khi bụng đói rã rời, chỉ có mẩu bánh mì nhỏ trong bụng, ấy vậy mà họ vẫn không lìa nhau. Họ sống như thế một tháng trời. Những lúc nhớ thương người yêu da diết, Lê Uyên Phương dành hết cho âm nhạc và vì thế những bài hát nhung nhớ trong tập Khi loài thú xa nhau đã ra đời trong hoàn cảnh chia lìa như thế.

Chia đôi cái tên

Cuối năm 1968, họ kết hôn. Trong lần diễn chung đầu tiên tại quán Thằng Bờm –nơi sinh hoạt của Phong Trào Du Ca Việt Nam tại Sài Gòn, vì Phúc Anh không muốn dùng tên thật nên ông đã dùng cái tên Lê Uyên Phương “chia” ra và đặt cho bà là Lê Uyên, còn mình là Phương. Cùng với Trịnh Công Sơn – Khánh Ly, Lê Uyên – Phương với cây guitar đã tạo thành một hiện tượng của nhạc trẻ phản chiến thời bấy giờ và trở thành một giá trị bảo đảm cho mọi buổi văn nghệ có tính tiền bán vé dù khi đến với nhau và cùng hát, Lê Uyên – Phương đều không nghĩ họ sẽ nổi tiếng. Họ hát, đơn giản là để giãi bày và tìm sự sẻ chia cho chính mình.

Bìa đĩa Tình ca cho em

Bài hát đưa tên tuổi Lê Uyên – Phương lên tột đỉnh thành công là Vũng lầy của chúng ta. Trái ngược với tên gọi, ca khúc ăm ắp say mê, ngút ngàn sự dâng hiến, từ tiết tấu đến ý tưởng, từ cách chuyển đổi đến lối gieo âm vận. Tuy nhiên, ấn tượng nhất, vẫn là cách Lê Uyên – Phương ghép mình lại với nhau và hát. Nếu tách rời từng người ra, chắc mỗi người sẽ không có gì đặc biệt. Ấy thế mà khi hòa vào với nhau, chỉ cần nghe họ hát, người ta sẽ chẳng bao giờ quên.

Đầu thập niên 70, chiến tranh leo thang ngày một khốc liệt. Trong đạn bom và máu lửa, phong trào phản chiến của học sinh, sinh viên diễn ra ngày càng rầm rộ. Từ thành phố cao nguyên Đà Lạt đến với Sài Gòn hoa lệ và đau thương, nhạc sĩ Lê Uyên Phương đã mang sinh khí mới và thổi một luồng gió mới cho Tân nhạc miền Nam qua các bài hát song ca cùng người vợ trẻ Lê Uyên với lời ca tràn đầy ám ảnh. Đấy không phải là giai điệu lãng mạn của Phạm Duy hay cái siêu hình trừu tượng của Trịnh Công Sơn mà là những lời than thở của một tình yêu “gặp hôm nay mà đã nhớ ngày mai”, là tiếng kêu la chất ngất của thịt da, của loài thú sống với bản năng. Đã có một thời người ta cho rằng Lê Uyên Phương là kẻ nổi loạn, vì những hình ảnh ông vẽ ra trong các nhạc phẩm quá trần trụi, đánh đổ cả một nền tảng giá trị luân lý, động chạm đến những cấm kỵ mà bao nhiêu lớp đàn anh không dám nhắc tới. Thế nhưng, ở thời kỳ mà tuổi trẻ Việt Nam đang muốn phá vỡ bầu không khí ngột ngạt của chiến tranh, của hủ tục, vươn tay ra đón nhận những luồng tư tưởng mới, thì nhạc của Lê Uyên Phương đã thỏa mãn được tâm tư, tình cảm họ.

Đoạn kết

Năm 1979, Lê Uyên – Phương sang định cư tại Mỹ. Họ có hai con gái là Lê Uyên Uyên và Lê Uyên My. Năm 1984 cuộc hôn nhân của họ tan vỡ. Đó là những ngày tháng bi thảm với một tình trạng sức khỏe sa sút do căn bệnh ung thư phổi tàn phá  Lê Uyên Phương. Năm 1999, ông ra đi trong niềm luyến tiếc của mọi người yêu âm nhạc. Ngày ông mất, bà suy sụp hoàn toàn và chỉ nghĩ đến chuyện uống thuốc ngủ để đi theo ông. Có lẽ, chính sự đồng cảm của hai tâm hồn đồng điệu nên tâm linh ông đã ngăn bà làm điều dại dột ấy. Trong những kỷ vật của ông, người ta thấy bà nâng niu cục đá ông luôn đeo bên mình, như ông mãi bên bà trong cái tên tuy hai mà một: Lê Uyên và Phương.

Cuộc đời của Lê Uyên Phương là âm nhạc, âm nhạc là cuộc đời, hai là một. Bằng tình yêu, nhạc sỹ tài hoa của thành phố ngàn thông đã vượt lên căn bệnh hiểm nghèo, đi gieo những bản tình ca ngất ngây khiến hàng triệu trái tim rung động suốt nửa kỷ qua: Dạ khúc cho tình nhân, Tình khúc cho em, Đưa người tuyệt vọng, Không nhìn nhau lần cuối, Vũng lầy của chúng ta...

 

Hoàng Dung

Clip đang được xem nhiều nhất: Xe container cháy ngùn ngụt trên cầu Lai Vu

Tag: Lê Uyên Phương 2013 , Lê Uyên , Phương , Trịnh Công Sơn , Nhạc vàng , Nhạc Việt