Richard Fuller, người từng có hơn 30 năm gắn bó với cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và cũng là người đầu tiên chuyển ngữ những nhạc khúc phản chiến của ông để đấu tranh cho hòa bình trên đất Việt.
|
Gã Tây trốn lính mê nhạc Trịnh
Tôi tìm thấy cái tên tiếng Anh - Richard Fuller của ông trong một lần nghe những người mê nhạc Trịnh tán tụng về các giọng ca đã từng thể hiện rất thành công những ca khúc của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Không chỉ là một ông Tây có niềm đam mê cháy bỏng với nhạc Trịnh, Richard Fuller còn hát nhạc Trịnh rất "nuột" không kém những "tín đồ" của nhạc Trịnh. Ông đã có một khoảng thời gian gắn bó với người nhạc sĩ huyền thoại ấy tới hơn 30 năm. Ông đã gửi niềm đam mê của mình ra thế giới khi chuyển ngữ nhạc của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn ra tiếng Anh và khát khao nó được ca vang trên đất Mỹ.
Phú Phong Trần và Trịnh Công Sơn trong một lần gặp
Theo lời kể của Richard Fuller, tôi được biết, tên Việt Nam của ông là Phú. Richard Fuller đến Việt Nam vào năm 1969 sau khi tốt nghiệp đại học ở Mỹ. Lý do để một chàng thanh niên người Mỹ vừa mới bước chân khỏi trường đại học bay hơn nửa vòng Trái đất đến Việt Nam không ngoài lý do nào khác là để trốn đi lính Mỹ. Khi kể về việc này, Richard Fuller thật thà chia sẻ: "Thực sự sau khi tốt nghiệp đại học, Phú nghĩ ngay tới Việt Nam. Đến Việt Nam trước hết là để Phú theo đuổi một công việc xã hội và sau nữa là có cơ hội tìm hiểu về mảnh đất hình chữ S này mà không cần phải cầm súng". Và cũng như những người bạn mang quốc tịch khác đến Việt Nam, Richard Fuller có những cảm tình đặc biệt với Việt Nam. Vì thế anh chàng người Mỹ quyết định gắn bó đời mình với đất nước, con người Việt Nam.
Sau những tháng năm gắn bó, nay Richard Fuller đã có một cái tên Việt đầy ấn tượng: Trần Phong Phú. Cái tên này nói lên rất nhiều cá tính, cái sở thích xê dịch, rong ruổi xuyên Việt bằng xe đạp của ông dù trong quá khứ hay hiện tại vẫn hiện hữu. Chia sẻ cùng tôi về những tháng ngày đầu tiên ở Việt Nam, phải đối mặt với những khó khăn khi chưa rành tiếng Việt, Richard Fuller cho biết: "Sau khi đến Việt Nam, tôi tham gia hoạt động trong Cơ quan Chí Nguyện Quốc tế (IVS) như tổ chức Peace Corps của Mỹ bây giờ (Tổ chức Hòa Bình Mỹ - PV). Tôi cũng tham gia hoạt động trong chương trình nông nghiệp Lúa Thần Nông mà sau này tiến sĩ Võ Tòng Xuân đã đạt được những kết quả ngoài mong đợi. Cũng từ những ngày còn nhiều bỡ ngỡ đó, một gã Tây là tôi lúc đó đã lang thang trên các đường phố Sài Gòn. Và, như thể có duyên nợ, tôi nghe rồi mê nhạc Trịnh vô cùng".
Về những kỷ niệm ngày đầu "bén duyên" với nhạc Trịnh, Trần Phong Phú tâm sự: "Lúc Phú đến Sài Gòn, ngay tại vùng ngoại thành, Phú đã thấy nhiều sinh viên yêu hòa bình như những người theo đạo Quaker, Mennonite đang hát những bài hát cổ động cho hòa bình. Chúng tôi đã gặp nhau và bắt đầu hát với nhau một số bài hát của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Tuy nhiên, lần đầu tiên Phú được nghe nhạc Trịnh là ở Nha Trang. Phú nhớ trong những ngày mới đến Việt Nam để học tiếng Việt, vào một đêm mưa giăng ở Nha Trang, trời buồn não nùng trong đêm mưa rả rích. Cô đơn, Phú mở một băng cassette để nghe Khánh Ly hát. Dù chưa hiểu gì nhưng giai điệu, ca từ của những nhạc khúc ấy đã giăng kín tâm hồn Phú ngày đó những nỗi niềm. Kể từ đó tôi thường xuyên nghe nhạc Trịnh".
Chuyển ngữ nhạc Trịnh cho hòa bình trên đất Việt
Sau những lần nghe nhạc của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn qua cassette như vậy, không biết tự bao giờ nhưng giai điệu của người nhạc sĩ huyền thoại đã đi vào lòng người khách từ phương trời xa xôi. Richard Fuller bắt đầu yêu thích và học thuộc lòng ca khúc “Diễm xưa” rồi hát cho thỏa niềm ngưỡng mộ người nhạc sĩ tài ba. Và cũng từ ngày hát được Diễm xưa, năm 1970, Richard Fuller giã từ Sài Gòn náo nhiệt để tìm lên Đà Lạt. Tại đây, ông gặp và hát giao lưu cùng với những sinh viên xứ sương mù.
Bây giờ, Richard Fuller vẫn say hát nhạc Trịnh
Nhớ lại những kỷ niệm đẹp đẽ ấy, Richard Fuller tâm sự: "Phú gặp một số sinh viên yêu nhạc Trịnh, hát và chơi với họ. Thấy vui, họ dẫn Phú tới căn nhà nhỏ của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Lúc ấy, anh Sơn mới 31 tuổi. Lúc mới gặp nhau, Phú cứ ngỡ Trịnh Công Sơn cũng là một sinh viên như những người bạn kia. Khi biết anh là tác giả của những bản tình ca, những bài hát yêu hòa bình, tôi ngạc nhiên đến... ngẩn người". Theo Richard Fuller, ấn tượng về lần đầu gặp nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đối với ông thật khó phai. "Điều mà tôi nhớ nhất là tôi đã hỏi nhạc sĩ Trịnh Công Sơn là Diễm trong bài hát Diễm xưa có phải là người yêu của anh không? Rồi tôi đã nhận được câu trả lời không như những gì tôi mường tượng, anh Sơn trả lời tôi rằng không phải như thế. Sơn chưa hề gặp cô gái ấy bao giờ", Richard Fuller kể.
Sau lần gặp gỡ đầy tình cờ đó, năm 1972, Richard Fuller từ biệt Việt Nam trở về Mỹ. Tại đất Mỹ, chứng kiến làn sóng biểu tình đòi chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam bùng nổ, Richard Fuller rất muốn các nghệ sĩ hát những ca khúc Việt Nam về hòa bình. Chính vì vậy, Richard Fuller đã quyết định dịch ca khúc Da vàng chống chiến tranh rồi gửi cả băng cassette cùng lời bài hát đã được ông chuyển ngữ sang tiếng Anh cho nữ danh ca Joan Baez. "Phú hy vọng là chiến tranh sẽ sớm kết thúc tại Việt Nam vì ông McGovern đã ra ứng cử chức Tổng thống. Phú cũng nghĩ rằng nếu những bài hát Người con gái Việt Nam da vàng hay Đại bác ru đêm được Joan Baez hát bằng tiếng Anh, có lẽ người Mỹ đã có thể nghe và ủng hộ Việt Nam như họ đã từng ủng hộ việc người Ai - Len chống lại sự đô hộ của người Anh", Richard Fuller hào hứng kể lại hồi ức năm nào về nhạc Trịnh.
Với suy nghĩ đó, Richard Fuller lại tiếp tục chuyển ngữ các bài Ca dao mẹ, Nối vòng tay lớn... để cho các bạn trẻ trong Hội Chí nguyện quốc tế cùng hát. Nói về cảm nhận của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn khi biết Richard Fuller chuyển ngữ các ca khúc của Trịnh, Richard Fuller quả quyết: "Anh Sơn đã rất vui khi biết thông tin này".
Thời gian qua đi, tới 23 năm sau, Richard Fuller và nhạc sĩ Trịnh Công Sơn mới có dịp tái ngộ. Năm 1993, Richard Fuller lại về Việt Nam. Richard Fuller thấy một số người đánh đàn, hát nhạc của Trịnh Công Sơn và nhậu với nhau tại hè đường quận Tân Bình. "Phú mới về lại Việt Nam nên chưa quen ai ở khu vực này. Không dám tự chơi đàn, tự hát nên Phú xin nhậu chung với họ và hát cho vui. Cuối cùng, họ dẫn Phú đến nhà của anh Trịnh Công Sơn. Trong lần tái ngộ này, tôi và anh Sơn đã hát cùng nhau trong một số chương trình đặc biệt", Richard Fuller kể.
Như biệt danh Phú Phong Trần mà những người mến mộ đặt cho ông, Richard Fuller rong ruổi khắp nơi. Ông đi đi về về giữa Việt Nam và nước Mỹ. Có khi ông lại đạp xe khắp Nam - Bắc Việt Nam. Nhưng dù đi đâu ông lại quay về gặp bạn Trịnh. Richard Fuller trở về Mỹ và sau hơn 8 năm ông trở lại tìm gặp người bạn, người nhạc sĩ mà ông ngưỡng mộ thì Trịnh Công Sơn đã ra đi mãi mãi. "Tôi quay lại Việt Nam định tìm anh Sơn để mừng cho cuộc hội ngộ lần thứ 3. Lúc tới nhà anh, tôi thấy trước và trong nhà đầy người. Tôi cứ tưởng anh Sơn đang tổ chức một buổi tiệc gì đó. Hỏi ra thì mới biết anh đã không còn bên chúng tôi nữa", Richard Fuller lặng người nhớ lại.
- Thời điểm không khí lạnh mạnh nhất của mùa đông năm nay diễn ra khi nào?
- Soi profile của Hoa hậu Thanh Thủy - Miss International 2024: Học thức đỉnh cao, tài sắc vẹn toàn
- Lương hưu cao nhất Việt Nam hiện nay là bao nhiêu?
- Trùm giang hồ 'Bình Kiểm' lên kế hoạch bắt cóc ca sĩ, người mẫu
- 5 cái tên bị luật cấm đặt khai sinh ở Việt Nam, đó là tên nào?
- Tại sao vàng giảm giá khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ?
- Tỉnh nào có tuổi thọ thấp nhất Việt Nam?
- Vụ rơi máy bay quân sự tại Bình Định: 2 phi công thoát nạn thế nào?