Để chủ động ứng phó với "giặc lửa", ngành chức năng của tỉnh Lào Cai đã đề ra nhiều phương án phòng cháy, chữa cháy rừng, triển khai sớm đến các địa phương ngay từ đầu quý IV năm 2011.
|
Tỉnh Lào Cai có trên 418 nghìn ha rừng và đất lâm nghiệp, trong đó chiếm 1/2 là rừng phòng hộ, còn lại là rừng sản xuất. Theo đánh giá của Ban Chỉ huy PCCCR tỉnh, Lào Cai có tới 100.000 ha rừng có nguy cơ cháy cao, tập trung ở khu bảo tồn thiên nhiên Hoàng Liên và các huyện Văn Bàn, Bắc Hà, Mường Khương... Thống kê của ngành kiểm lâm, trong 10 năm qua, trên địa bàn tỉnh xảy ra 202 vụ cháy rừng, làm thiệt hại trên 1.000 ha, trong đó rừng tự nhiên gần 900 ha, rừng trồng 163 ha, mức độ thiệt hại 62,3%. Các vụ cháy rừng chủ yếu xảy ra vào quý I, quý II hằng năm, trong đó, 44% số vụ cháy rừng có nguyên nhân chủ yếu là do người dân phát, đốt dọn thực bì để làm nương gây cháy lan vào rừng.
Là địa phương có tỷ lệ che phủ rừng cao của tỉnh, do đó, công tác PCCCR luôn được huyện Bảo Yên quan tâm chỉ đạo. Hạt kiểm lâm huyện đã làm tốt công tác tham mưu thực hiện các giải pháp bảo vệ rừng, nhất là PCCCR vào mùa hanh khô. Tất cả các xã trong huyện đã thành lập ban chỉ huy và đội xung kích PCCCR. Xác định nguyên nhân của một số vụ cháy rừng xảy ra trong những năm trước chủ yếu là do người dân tự ý sử dụng lửa đốt nương không tuân thủ quy trình. Năm nay, huyện Bảo Yên đã chủ động đẩy mạnh công tác tuyên truyền Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, tổ chức ký cam kết thực hiện nội quy, quy chế PCCCR, nâng cao nhận thức của người dân và chủ rừng. Ngay từ đầu mùa khô, Hạt Kiểm lâm huyện đã phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức diễn tập PCCCR cấp xã, thường xuyên cử cán bộ xuống tận địa bàn hướng dẫn nhân dân phương pháp đốt nương an toàn, chấp hành nghiêm túc quy định bảo vệ rừng.
Huyện Văn Bàn cũng đã chỉ đạo các ban, ngành, cấp uỷ, chính quyền cơ sở tích cực triển khai công tác PCCCR. Cơ quan thường trực Hạt Kiểm lâm đã tham mưu cho UBND huyện ban hành chỉ thị tăng cường chỉ đạo thực hiện các biện pháp cấp bách bảo vệ rừng và PCCCR trong mùa khô. Ngay trong quý IV năm 2011, Hạt Kiểm lâm đã mở 3 lớp tập huấn kỹ thuật PCCCR tại 3 cụm xã trọng điểm của huyện và phối hợp với Ban Chỉ huy Quân sự huyện, UBND xã Chiềng Ken, Nậm Dạng tổ chức các cuộc luyện tập, diễn tập PCCCR quy mô cấp xã, thôn, bản với sự tham gia của hơn 500 lượt người. Ông Nguyễn Xuân Hải, Hạt phó Hạt Kiểm lâm Văn Bàn cho biết: Khó khăn nhất hiện nay đó là nhận thức của một số người dân về công tác PCCCR còn hạn chế, bên cạnh đó, do đời sống còn khó khăn, nhiều hộ phải canh tác sản xuất nương, vì vậy biện pháp lâu dài là phải có mô hình phát triển kinh tế hợp lý để người dân được hưởng lợi từ rừng.
Trước diễn biến của thời tiết, khí hậu có chiều hướng phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ gây cháy rừng cao, để chủ động công tác bảo vệ rừng, PCCCR, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do cháy rừng gây ra trong mùa khô năm 2011- 2012, UBND tỉnh đã có chỉ thị tăng cường các biện pháp bảo vệ rừng, PCCCR. Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu UBND các huyện, thành phố chỉ đạo, tăng cường hoạt động có hiệu quả trong bảo vệ, PCCCR. Phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên Ban chỉ huy các vấn đề cấp bách trong bảo vệ, PCCCR gắn với địa bàn trực tiếp chỉ đạo, kiểm tra việc thực hiện công tác PCCCR đến từng địa bàn cơ sở, chủ rừng. Phải coi công tác bảo vệ rừng và PCCCR là nhiệm vụ trọng tâm của Ban chỉ huy trong suốt mùa khô. Trong thời gian cao điểm về PCCCR, cần quy định cụ thể khu vực cấm đốt nương, giám sát chặt chẽ việc thực hiện cam kết trách nhiệm của chủ rừng với chính quyền địa phương, yêu cầu chấp hành nghiêm các quy định trong công tác bảo vệ rừng, PCCCR, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng. Chủ tịch UBND huyện, thành phố chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh khi để xảy ra cháy rừng ở địa phương mình quản lý.
Năm 2011, trên địa bàn tỉnh không để xảy ra vụ cháy rừng nào, đó là thành công lớn trong công tác phòng, chống cháy rừng của các lực lượng chức năng và người dân địa phương. Để nâng cao hiệu quả công tác PCCCR mùa khô 2011 - 2012, các cấp, các ngành trong tỉnh cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về PCCCR cho nhân dân, đặc biệt là các vùng trọng điểm, vùng cao, vùng xa; tiếp tục kiện toàn lại Ban chỉ huy các vấn đề cấp bách PCCCR các cấp, tổ đội PCCCR tại các địa phương, thôn, bản; chú trọng công tác phối hợp giữa các lực lượng chữa cháy rừng. Chính quyền địa phương phối hợp với cán bộ kiểm lâm xây dựng kế hoạch về quản lý bảo vệ rừng, quy hoạch vùng đất sản xuất nương; nâng cao năng lực kiểm lâm địa bàn để tham mưu cho chính quyền cơ sở thực hiện tốt công tác bảo vệ rừng, PCCCR. Đồng thời, tập trung kiện toàn lực lượng chữa cháy rừng cơ sở, tổ chức luyện tập, diễn tập chữa cháy rừng theo phương châm "bốn tại chỗ".
- Từ 1/1/2025: Những đối tượng này sẽ được cấp thẻ BHYT miễn phí
- Từ 1/7/2025: Thay đổi cách tính lương hưu theo Luật BHXH mới, hàng triệu người hưởng lợi
- Quận đông dân nhất Việt Nam: Dân số bằng 2 tỉnh cộng lại, là một trong hai quận lớn nhất TP. HCM
- Lịch nghỉ Tết Nguyên đán 2025 mới nhất của học sinh cả nước
- Thưởng Tết 2025, mức thưởng cao nhất là trên 500 triệu đồng/người. Là ai?
- Tại sao Sơn Tùng lại nổi tiếng?
- Trước Tết dương lịch 2025, đây là 6 thủ tục hành chính cần hoàn thành
- Đây là tên gọi đầu tiên của Hà Nội, người Hà Nội lâu năm chưa chắc đã biết, nó có ý nghĩa gì?