Đằng sau những con "mãnh kê" chân voi bạc triệu
Thứ sáu, 13/01/2012 14:24

Gà Đông Cảo có gì đặc biệt khiến các đại gia si mê, ráo riết săn lùng, thậm chí sẵn sàng bỏ ra cả gần chục triệu đồng để mua?

Các đại gia tự tạo nên ‘cơn sốt’?

Tương truyền, gà Đông Cảo là của ngon vật lạ cúng tiến vua chúa thời xưa. Theo mô tả, giống gà này có “đầu hình gộc tre, thân giống con cóc, cánh giống như hai con trai úp vào thân, đuôi như nơm úp cá, mào mâm xôi, da đỏ chót, chân to sần sùi như chân voi, màu đỏ, lại có lớp vẩy nhìn như những lốm đốm trên quả dâu”. Chỉ nghe những lời mô tả này đã khiến nhiều người tò mò và muốn tận mắt chiêm ngưỡng loại gà quý hiếm này rồi. Không ít người có tiền muốn sở hữu một chú gà khác thường như vậy để khẳng định “đẳng cấp dân chơi”.

Sự thật đằng sau những con

Các đại gia sành ăn rất thích săn gà Đông Cảo thuần chủng 

Ông Vọng – Chủ tịch UBND xã Đông Tảo - nơi nổi tiếng với giống gà quý  Đông Cảo - cho rằng, với đại gia, bỏ ra vài triệu để chơi gà quý không đáng là gì với họ cả. Trong khi đó, con trai ông, anh Viện nhận định, có 3 nguyên nhân chính khiến giống gà này có giá tiền triệu/con bao gồm: thứ nhất do nó thuộc loại quý hiếm, khó nuôi, chỉ ở đây mới có; thứ hai, do nó mang đặc trưng vùng miền của Đông Tảo – nơi cả xã đi ăn đong vì không hộ gia đình nào trồng lúa, mà chỉ trồng màu và chăn nuôi; cuối cùng do cơn sốt từ chính các đại gia. 

Cụ thể, anh Viện nói: “Tại xã tôi có khoảng 100 hộ nuôi gà, nhưng giờ gà to toàn bị các đại gia săn hết rồi nên vào dịp hội làng “thi xem gà của nhà nào to nhất” vào tháng 2 Âm lịch hàng năm thì cũng chỉ chọn ra được con gà nặng chừng 6 – 7 kg là cùng. Những người có tiền, họ săn giống gà này về để chơi, ngắm chán rồi đem thịt. Điều đặc biệt là giống gà Đông Cảo thịt rất ngon vừa giòn, vừa dai, vừa ngọt. Người ta thường đùa rằng, chỉ với 1 cặp chân, có thể uống hết cả lít rượu. Vậy nên đắt đỏ cũng là phải”. 

Chỉ có 5 - 10% là gà Đông Cảo thuần chủng

Còn anh Hân (một người nuôi gà Đông Cảo lâu năm tại làng) lại cho biết, thấy gà bán được giá, nhiều người dân tham tiền đem bán hết cả con giống đi. Dần dần, gà thuần chủng thì còn ít, gà lai thì đầy rẫy ra nên giá gà thuần chủng càng lúc càng tăng do độ hiếm và quý của chúng. Tuy nhiên, hiện chỉ còn từ 5 - 10% gà thuần chủng là cùng, còn lại toàn là gà lai hết.

Sự thật đằng sau những con

Gà Đông Cảo lai chiếm số lượng áp đảo gấp 8 - 9 lần so với gà Đông Tảo thuần chủng. Chân gà lai không đồ sộ như gà thuần chủng 

Nói tới cái giá hơi ‘chát’ của con gà Đông Cảo, chủ một trang trại nuôi gà khác ở đây cho hay, gà này nổi tiếng một phần cũng là vì có nhiều người đầy tiền song không phải muốn mua con nào cũng được. Có những khi người mua trả giá rất cao, nhưng vì đó là gà giống nên chủ trại không thể bán, hoặc giả đó phải là 1 cái giá... trên trời.

Theo khảo sát của PV, để nuôi được loại gà này không phải là dễ. Thường thì các chủ trang trại phải nuôi chúng từ 1 – 2 năm hoặc lâu hơn nữa mới có thể xuất chuồng. Giống gà này chủ yếu ăn thức ăn có nhiều tinh bột như bột ngô, cám xay, … Buổi tối, chủ nuôi phải cho nó vào chuồng, quây bạt giữ ấm. Thậm chí họ phải thắp bóng điện sưởi ấm hoặc trải một lớp trấu hay cát xuống dưới để gà không bị lạnh. 

Với những hộ gia đình kĩ tính, người ta chỉ trải cát cho gà quý nằm để da chúng không bị trày xước. Như nhiều loại gà khác, giống gà này cực kì kị nước mưa nên những khi trời mưa gió, nhiều chủ trang trại mất ăn mất ngủ vì … gà.

Sự thật đằng sau những con

Gà Đông Cảo thuần chủng từ 3 - 4 tháng đã có giá bán khoảng 1 triệu đồng/con 

Qua tìm hiểu, được biết, với những con gà Đông Cảo lai đời F2 trở đi, chỉ từ 3 – 4 tháng tuổi, nhiều hộ gia đình ở đây đã cho chúng ăn kèm thêm cám công nghiệp để chúng mau lớn hơn. Khi gà lớn hơn rồi, họ mới cho chúng ăn ngô, ăn thóc để thịt săn chắc hơn. 

Để phân biệt giữa gà Đông Cảo thuần chủng với già Đông Cảo lai, theo nhiều hộ chăn nuôi có kinh nghiệm  hàng chục năm ở xã này, thì chỉ cần dựa vào các yếu tố như da, lông và chân. 

Gà Đông Cảo thuần chủng thường có bộ lông dày, chân đỏ, nuôi càng lâu chân càng to, và da đỏ. Điểm khác biệt lớn nhất giữa gà Đông Cảo với các loại gà khác đó là đôi chân. Càng nuôi lâu, chân gà càng to và đỏ, đồng nghĩa với việc giá bán càng cao. Nói cách khác, đôi chân gà tỷ lệ thuận với giá trị của chính con gà đó. 

Số lượng gà Đông Cảo thuần chủng không nhiều nên dân buôn không dễ “giở các ngón nghề” với loại  mặt hành béo bở này. Tuy nhiên, theo chia sẻ của anh Hân, có những con gà mua ngoài này chỉ 4 – 5 triệu đồng, vào Nam, đi hội chợ, triển lãm, họ trả tới giá 22 triệu đồng người ta không bán. 

Chân gà càng to, chủ càng kiếm được nhiều tiền

Sự thật đằng sau những con

Chân gà càng to, giá trị con gà càng lớn 

Anh Hân chia sẻ thêm, giống gà này nhìn khác hẳn với những loại gà khác, đặc biệt là đôi chân. Dòng này thuộc dòng món khoái khẩu, ăn một lần thì nghiện ngay nên nhiều đại gia rất thích. Thêm nữa, nó có nguy cơ tuyệt chủng, hàng khan nên người ta cũng săn nhiều dù giá hơi đắt. 

Ngoài ra, vào năm 2003 – 2004, xuất hiện dịch H5N1, nhưng riêng giống gà này và gà đen không bị dính dịch bệnh đó, còn tất cả các loại khác đều bị dính hết nên dù loại gà này chẳng chữa được bệnh gì cả, người ta vẫn mua với giá vài triệu chỉ vì …ăn cũng bổ đấy. 

“Trong miền Nam, họ còn ôm gà đi gặp bác sĩ cơ mà. Không phải cứ nuôi là có gà này đâu. Phải chọn kĩ từ đời bố, mẹ nó rồi kết hợp mới cho ra được con gà con đẹp như ý. Giống thì đắt hơn hẳn so với các loại gà khác. Gà lai 1 tháng tuổi giờ mua cũng phải 200 – 300 nghìn/con rồi, còn gà thuần chủng loại 2- 3 tháng tuổi tầm 1 triệu/con là ít. Đối với gà lai, sau khi nuôi chúng được tầm 7 -8 tháng thì người ta thường bán thương phẩm, tức là bán theo cân, khoảng 260 nghìn/kg”, chủ một trang trại nuôi gà ở thôn Đông Tảo Đông cho biết.

Sự thật đằng sau những con

Nhiều người ở xã Đông Tảo xem đây là thứ 'của để giành' 

Nhiều người dân ở xã Đông Tảo xem loại gà này như "của để dành" do càng nuôi lâu, bán càng được giá. Mặc dù gà Đông Cảo được giá như vậy, nhưng nhiều chủ trang trại ở đây vẫn có cùng nỗi trăn trở: Không thể làm giàu từ giống gà “độc” này và cũng chẳng hiểu đại gia mua gà về làm gì. 

Anh Hân thú thực: “Giống gà này chỉ nuôi cho vui thôi. Mình thích, mình đam mê con gà thì cứ nuôi thôi chứ thực ra chả làm giàu được từ nó do giống đắt mà rủi ro cao. Tôi cũng không biết họ mua gà này về làm gì. Theo hiểu biết của tôi thì họ để làm cảnh, chán thì thịt làm đồ cúng tế rồi ăn. Nhưng mà có phải ai cũng có nhu cầu thế đâu để mà nuôi nhiều?”. 

Còn ông Vọng, Chủ tịch UBND xã Đông Tảo trăn trở, gà lai gặp dịch bệnh có thể sẽ bị chết hàng loạt, gây tổn thất vô cùng lớn cho người dân trong khi giá gà giống cực đắt. Thêm vào đó, nguồn tiêu thụ cũng là thứ đáng lo. 

Nhiều nhà hàng sinh thái ở Hà Nội từ chối đặt mua loại gà này do giá đắt trong những người dân ở miền Nam gần đây cũng không nhập mấy loại gà này để nuôi làm cảnh nữa nên chuyện nhân rộng quy mô chăn nuôi loại gà này vẫn đang là vấn đề cần được xem xét, cân nhắc kĩ lưỡng.

VTC
Tag: Gà Đông Tảo , Hưng Yên , Gà quý , Gà chọi , Làng quê , Kinh tế , Chuyện chưa từng kể