Hợp tác xã trồng nấm do Phạm Hùng Cường gây dựng đang mở ra cơ hội thoát nghèo cho hàng chục gia đình tại quê nhà.
|
Trước khi an cư với nghề trồng nấm tại xã Phúc Thuận (H.Phổ Yên, Thái Nguyên), Phạm Hùng Cường có thời gian dài vất vả mưu sinh bằng nhiều công việc khác nhau. Học hết THPT, gia cảnh khó khăn, gác lại giấc mơ vào ĐH, Cường tìm vào Nghệ An xin làm công nhân xây dựng kiếm tiềm phụ giúp gia đình. Rong ruổi qua nhiều công trường ở hai huyện Tân Kỳ và Đô Lương, Cường chứng kiến nhiều nông dân tận dụng nguồn rơm rạ trồng nấm thương phẩm. Nhờ nghề này, nhiều hộ có nhà cửa khang trang, thu nhập ổn định thế nên Cường quyết định học trồng nấm. Càng tìm hiểu, Cường càng bị cây nấm chinh phục. Làm việc trên các công trường xây dựng, phải liên tục luân chuyển nhưng Cường tranh thủ làm quen, tham quan mô hình trồng nấm. Ấp ủ đưa cây nấm về quê hương, Cường tận dụng từng ngày nghỉ, thời gian giải lao giữa ca tìm đến người nông dân để mắt thấy, tai nghe họ chăm sóc loại cây trồng cực kỳ nhạy cảm với thời tiết này.
Gần 5 năm xa nhà, Cường trở về quê tự tin lập nghiệp với kiến thức, kinh nghiệm gom góp sau những ngày học nghề trồng nấm. Dốc tiền tiết kiệm vào trồng thử nghiệm nhưng nấm thu hoạch trong vụ đầu tiên không đều về chất lượng nên khó tiêu thụ. Sau vài lần không hiệu quả, những người cùng Cường tham gia trồng nấm bắt đầu nản chí, hoài nghi. Gác lại công việc, Cường tiếp tục lặn lội qua các trang trại trồng nấm ở Thái Nguyên học hỏi quy trình kỹ thuật chăm sóc và tìm kiếm thị trường đầu ra cho sản phẩm.
Phạm Hùng Cường dự kiến mở rộng quy mô trồng nấm lên tới 10 ha, đầu tư thêm máy đóng gói và xây dựng thương hiệu cho sản phẩm này - Ảnh: P.H
Kiên trì bám nghề
Khởi động lại nghề trồng nấm khi số vốn đã vơi đi, Cường kiên trì vận động, thuyết phục bạn bè có “máu” kinh doanh góp vốn thành lập hợp tác xã nuôi trồng nấm. Đứng mũi chịu sào trong dự án này, Cường vừa làm vừa nghiên cứu hoàn thiện hướng dẫn quy trình kỹ thuật tập huấn cho người lao động. Sau gần 9 tháng đi vào sản xuất, chất lượng nấm thương phẩm được cải thiện rõ rệt và bắt đầu có chỗ đứng trên thị trường.
Chia sẻ về những ngày đầu cùng Cường theo đuổi ý tưởng làm giàu với nghề trồng nấm, chị Nguyễn Thị Lan cho biết qua vài vụ thất bại, tưởng như mất trắng số vốn và công sức của cả nhóm. Dự án này chẳng khác nào cuộc đầu tư mạo hiểm vì nếu tiếp tục thất bại nhiều người sẽ trắng tay. Bỏ ngoài tai mọi lời khuyên nhủ can ngăn, Lan đánh liều theo đuổi dự án này. “Tinh thần nhiệt huyết lao động, toàn tâm toàn ý với cây nấm của Cường khiến tôi và các cổ đông quyết tâm theo đuổi đến cùng”, chị Lan nói. Cho đến giờ, niềm tin của chị Lan đã phần nào được bù đắp xứng đáng. Gần một năm trở lại trồng nấm, hợp tác xã thanh niên do Cường làm chủ nhiệm có quy mô hàng nghìn mét vuông, thu lãi gần 300 triệu đồng, tạo việc làm ổn định cho 13 nhân công. Người thấp nhất cũng có mức lương 1,5 triệu đồng/tháng.
Giúp thoát nghèo cho người dân
Muốn nhân rộng và phổ biến trồng nấm tại địa phương, Cường thuyết phục, vận động nhiều hộ dân; chủ yếu tập trung vào các hộ nghèo, kinh tế còn khó khăn tham gia trồng nấm. Cường trực tiếp tư vấn hỗ trợ, chuyển giao kỹ thuật và nhận làm đầu mối thu gom, cung cấp ra thị trường. Bằng cách này, Cường gián tiếp tạo việc làm cho 16 gia đình giúp họ thoát nghèo bền vững. Cường cho biết, tiềm năng nghề trồng nấm còn khá dồi dào. “So với các loại cây trồng khác, nấm là loại nông sản có hiệu quả kinh tế cao và đang tiêu thụ mạnh, ngay tại thị trường Thái Nguyên cũng chưa đủ nấm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng. Hợp tác xã trồng nấm đang có dự án mở rộng quy mô lên tới 10 ha, năng suất 360 tấn/năm, đầu tư thêm máy đóng gói và xây dựng thương hiệu cho sản phẩm này”, Cường chia sẻ.
Sau thành công với nghề trồng nấm của Cường, lần đầu tiên trong xã Phúc Thuận, chính quyền địa phương chủ động vào cuộc hỗ trợ phát triển, nhân rộng mô hình do Cường xây dựng khi mở lớp tập huấn cho nông dân, giới thiệu và cung cấp các loại giống nấm mới. Cây nấm do Cường đưa về quê đang là cây trồng thế mạnh khi tận dụng nguồn nguyên liệu rơm, rạ giúp giảm ô nhiễm môi trường và mở ra cơ hội làm giàu cho người dân nơi đây.
Ghi nhận đóng góp trong phát triển kinh tế, chuyển giao kỹ thuật tại khu vực nông thôn, Cường được T.Ư Đoàn trao tặng giải thưởng Lương Định Của năm 2011 tôn vinh nhà nông trẻ.
- Thời điểm không khí lạnh mạnh nhất của mùa đông năm nay diễn ra khi nào?
- Soi profile của Hoa hậu Thanh Thủy - Miss International 2024: Học thức đỉnh cao, tài sắc vẹn toàn
- Lương hưu cao nhất Việt Nam hiện nay là bao nhiêu?
- Trùm giang hồ 'Bình Kiểm' lên kế hoạch bắt cóc ca sĩ, người mẫu
- 5 cái tên bị luật cấm đặt khai sinh ở Việt Nam, đó là tên nào?
- Tại sao vàng giảm giá khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ?
- Tỉnh nào có tuổi thọ thấp nhất Việt Nam?
- Vụ rơi máy bay quân sự tại Bình Định: 2 phi công thoát nạn thế nào?