“Kỳ nhân một tay” thổi hồn cho thương hiệu nón Huế
Thứ sáu, 13/01/2012 14:14

Với một bàn tay trái nhưng suốt 34 năm qua, những động tác thuần thục, điêu luyện, chị Trần Thị Thúy đã làm không ít người phải trầm trồ thán phục tài năng và nghị lực phi thường của chị.

Người phụ nữ tật nguyền ấy đã vượt lên chính mình để làm nên thương hiệu "nón Thuý" nổi tiếng khắp xứ Huế, đặc biệt là đối với những vị khách du lịch nước ngoài yêu mến văn hoá Huế.  

Chị Thuý tỉ mỉ trong từng thao tác để làm nên sản phẩm "nón Thúy"

Nghị lực phi thường

Chị Trần Thị Thúy, SN 1968, trú tại tổ 13, phường Phước Vĩnh, TP. Huế, là con út trong một gia đình có 6 chị em. Không may mắn như bao người khác, khi sinh ra chị Thuý bị tật bẩm sinh nên cánh tay phải của chị chỉ còn từ bả vai đến khuỷu tay. Tuổi thơ của chị đã không ít lần rơi nước mắt vì những lời trêu chọc của bạn bè cùng trang lứa vì đi học viết tay trái và làm gì cũng ngược với người khác. Đã có lần chị nghĩ đến cái chết, thế nhưng được gia đình động viên, chị đã vượt qua tất cả.

Đến với nghề "chằm nón" chị phải vượt qua bao nhiêu khó khăn và thử thách. Khi chị có ý định theo nghề "chằm nón" gia đình chị đã e ngại và khuyên chị nên tìm một nghề khác dễ dàng hơn. Bởi để hoàn thiện một chiếc nón phải qua nhiều giai đoạn công phu, kỹ lưỡng và cần có kỹ thuật. Người có đủ hai tay khéo léo, nắn nót, tỉ mỉ cũng chưa chắc tạo ra được chiếc nón tròn trĩnh, sắc sảo huống hồ chị lại là người bị tật nguyền. Thế nhưng, ngày đó những chiếc nón chị làm đã làm khiến cho nhiều người trong xóm phải ngạc nhiên. Điều đặc biệt hơn, thời điểm chị hoàn thành những chiếc nón đầu tiên cũng là những ngày chị tập tễnh nhìn cách mẹ mình để học cách "chằm nón" được mấy tháng. "Đó là ngày vui nhất của tôi khi chiếc nón đầu tiên đã bán được. Lúc đó giá của chiếc nón chỉ có 3.000 đồng nhưng đối với tôi nó quý giá vô cùng. Đó là đồng tiền đầu tiên tôi tự tay kiếm được cho gia đình", chị Thuý nhớ lại.   

Chị Thúy cho biết, những kỹ năng đan nón lá sao cho đẹp chị đều học ở mẹ và bà ngoại chứ không qua một trường lớp nào. Vì lúc đó, cả làng Phủ Cam có rất nhiều người làm nghề chằm lá và làng nghề làm nón lá Phủ Cam cũng đã ra đời. Chị chủ yếu làm nón bài thơ để tìm đến cái mới, chứ không làm những loại nón bình thường. Đây là loại nón đặc biệt, đòi hỏi sự công phu, kỹ lưỡng. Từ việc chọn lá sao cho lá không non không già, lá đang còn búp, đủ một tháng tuổi vừa phát triển về chiều dài, chiều ngang và chưa chuyển qua màu xanh đậm… Mọi công đoạn từ việc chọn lá, bắt 16 cái vành vào khung, xây nón, chằm lá, nức vành, đột đầu và hoàn thiện nón lá chị đều tự tay làm lấy. "Tay lành tôi cầm kim chỉ, cầm khung, cần lá, còn tay bị tật thì giữ nón để không bị xê dịch, nhiều khi tôi còn dùng cả bàn chân để làm" chị Thuý chia sẻ cách làm nón. Làm nón đòi hỏi người thợ phải cẩn thận đến từng chi tiết không cho phép có những sai sót nhỏ nào trong quá trình làm. Nón bài thơ đặc biệt ở chỗ nón phải xinh xắn ở dáng, thanh nhã ở màu, nhìn thấu các bức ảnh phía trong như: Cầu Trường Tiền, chùa Thiên Mụ, sông Hương, núi Ngự, hình ảnh đôi nam nữ, và những dòng thơ mang đậm chất Huế thơ mộng…

Lúc đầu mới theo nghề cuộc sống gặp nhiều khó khăn vì chị phải tự làm hết mọi công đoạn kể cả việc bán sản phẩm. Nhiều hôm chị phải ra chợ đầu mối như Đông Ba, An Cựu để tìm mối bán hàng. Thu nhập chỉ vừa đủ cho chi phí hằng ngày của gia đình. Mãi đến sau này khi sản phẩm của chị được nhiều người biết đến vì sự đặc biệt và vẻ đẹp riêng của chiếc nón bài thơ xứ Huế thì cuộc sống của chị và gia đình mới có phần khấm khá hơn.

Chiếc nón bài thơ thanh mảnh về dáng, đẹp về màu sắc, làm nổi bật những hình ảnh ở phía trong

"Thổi hồn" cho thương hiệu "nón Thúy"

Suốt 34 năm chỉ với một cánh tay nhưng chị đã làm nên thương hiệu "nón Thuý" nổi tiếng. Nón của chị được biết đến đặc biệt hơn cả không chỉ riêng chất lượng mà hơn nữa chính là do chủ nhân của nó. Càng gắn bó với nghề chị đã nhận ra sự lựa chọn của mình là đúng. Chị đã tìm cho mình những niềm vui mới, nhất là những đồng tiền chính đáng và quý giá mà chị làm ra. 

"Nón Thuý" sẽ mãi như những chiếc nón bình thường khác nếu không có thương hiệu này ra đời. Tên thương hiệu nghe mộc mạc và dễ nhớ như con người của chị . Trong những đoàn khách du lịch nước ngoài vào tham quan nón bài thơ của chị, một vị khách đã đề nghị chị nên lồng chữ Thuý trong nón luôn để khỏi mất công ký vào nón vì nhiều khách chỉ đồng ý đi về khi chị ký vào chiếc nón của mình. Và từ đó trong quá trình vẽ những hình ảnh và những câu thơ vào tờ giấy để kẹp giữa hai lớp lá chị đã khắc thêm chữ "Thuý".  Những đoàn khách du lịch nước ngoài như Anh, Mỹ, Đức, Nhật Bản, Canada … hay những đoàn khách du lịch trong nước khi đến Huế đều tìm đến nhà chị để được "mục sở thị" người phụ nữ đặc biệt một tay chằm nón và mua cho mình chiếc nón bài thơ nổi tiếng xứ Huế về làm kỷ niệm. 

Trung bình mỗi ngày chị chỉ làm được 2 chiếc nón. Vì để làm một chiếc nón thì một người thợ thành thạo cũng phải mất 4 tiếng đồng hồ. Mỗi chiếc nón bài thơ chị bán với giá 40.000 đồng đến 50.000 đồng không kể khách Tây hay khách Việt. Trừ chi phí 15.000 đồng mỗi cái nón thì số tiền chị thu lại cũng chẳng đáng là bao so với công sức và tâm huyết chị bỏ ra. "Nhiều lúc cũng muốn bỏ nghề nhưng nghĩ không nỡ vì đây là nghề mà tôi đã làm được hơn 30 năm và đây là nghề gia truyền ba đời của gia đình tôi. Với lại đây là nghề cần được lưu giữ cho thế hệ sau nhất là hiện nay nhiều hộ gia đình ở Phủ Cam quê tôi đã bỏ nghề gần hết" Chị Thuý bộc bạch.

"Nón Thúy" đẹp không thua kém nón của những bạn nghề lành lặn khác. Các vành nức được xây lá thanh mảnh mà chắc chắn, không bị xộc xệch. Không chỉ đơn thuần có sản phẩm nón lá, chị Thúy còn sáng tạo làm thêm nón bài thơ, nón thêu cũng từ bàn tay tật nguyền. Thu nhập của chị từ nón vì thế khá ổn định. Vui hơn là chị tự lập cho bản thân, thể hiện được tài năng của mình.

Hiện nay tại làng nghề làm nón Phủ Cam nổi tiếng một thời chỉ còn lại khoảng 20 hộ gia đình còn "trung thành" với nghề mà nhiều người cho là chẳng thu được là bao. Đặc biệt là trong thời đại công nghệ phát như vũ bão hiện nay. "Ở gần đây cũng có vài hộ gia đình làm nón lá nhưng thu nhập chẳng đáng là bao, không biết tui theo mãi cái nghề ni có ai cười không nữa. Rồi mai đây, cái nghề này có tồn tại được không?" Câu nói nửa đùa nửa thật của chị làm nhiều người phải suy nghĩ về vận mệnh của một làng nghề có nguy cơ bị mai một. 

Nói về những dự định của mình, chị Thúy tâm sự:  "Tôi làm cái nghề này cho tới khi nào không làm được nữa thì thôi, không hẳn chỉ kiếm đồng tiền nuôi sống gia đình, mà còn là tôi có cơ hội gặp những vị khách nước ngoài để từ đó giới thiệu cho họ biết về nét đẹp của nón bài thơ Huế, cái đã làm nên vẻ đẹp rất riêng của những cô gái xứ Huế trong tà áo tím mộng mơ giữa mảnh đất Cố Đô".

PL&XH
Tag: Người đương thời , Nón Huế , Kỳ nhân , Nghệ nhân , Văn hóa , Bảo tồn