Kỳ 2: Giải mã những bí ẩn quanh câu chuyện về suối cá thần Lương Ngọc
Thứ sáu, 03/02/2012 14:27

Không chỉ những câu chuyện kỳ lạ quanh suối cá thần Lương Ngọc được truyền miệng mà thực tế ngay cả dòng chảy, nguồn nước, rồi đặc tính sinh sống của loài cá nơi đây cũng hết sức bí ẩn.

Từ truyền thuyết về suối cá thần Lương Ngọc còn chứa đựng nhiều bí ẩn với những dấu tích còn lại với thời gian đến nhiều câu chuyện có thật liên quan đến suối cá khiến nhiều người nghi hoặc. Không chỉ người dân bản địa mà khách du lịch cũng coi đây mà một địa điểm thắng cảnh mang đậm yếu tố tâm linh. Hễ ai xâm phạm đến suối cá là phạm đến thần linh.
Ai xâm phạm đến suối cá là xâm phạm đến thần linh.

Người dân nơi đây còn kể lại nhiều câu chuyện kỳ lạ liên quan đến suối cá thần. Trước đây, vào những năm kháng chiến chống Mỹ, đã từng có đơn vị bộ đội và một số cơ quan huyện Cẩm Thủy di dời đến khu vực an toàn là hang Ngân, cách suối cá thần chừng 500m. Khi biết có suối cá đông đúc, nhưng nghe người dân nói là cá thần, không ai dám ăn. Có hai người không tin vào điều đó đã bắt một chú cá về ăn. Sau đó thì hai người này chết mà không rõ nguyên nhân.

Còn mới đây có một chuyện đau lòng mà người kể khẳng định 100% là sự thật, chỉ có điều đó có phải là sự trùng hợp ngẫu nhiên hay bị thần linh phạt thì cũng không ai dám chắc. Đó là, vào năm 2008, có một đôi nam nữ người TP Thanh Hóa khi đến thăm suối cá đã bắt một chú cá lên bóp vào đầu, vào bụng cá. Trên đường về, cả hai đã  bị xe ôtô cán phải.

Không chỉ những câu chuyện kỳ lạ được truyền miệng mà thực tế ngay cả dòng chảy, nguồn nước, rồi đặc tính sinh sống của loài cá nơi đây cũng hết sức bí ẩn. Con suối chỉ rộng trung bình khoảng 5m, sâu chừng 60cm, nhưng quanh năm không bao giờ cạn nước. Điều kỳ lạ là, mặc dù suối là nơi sinh sống của đàn cá đông đúc hàng nghìn con nhưng nước luôn trong vắt như ngọc. Hơn nữa mặc dù con suối chảy ra sông Mã, song những con cá ở đây cũng chỉ bơi quanh quẩn ở phía hang núi chứ không bao giờ ra quá khu vực nơi có đền thờ Tứ Phủ Long Vương.

Cá thần mang yếu tố tâm linh chứa đựng nhiều bí ẩn.
Sự bắt nguồn của dòng suối đến nay vẫn còn là một bí ẩn. Trước đây, nhiều người đã thử đi xuống lòng hang sâu để tìm hiểu về sự bắt nguồn của suối cá. Họ đi theo một ngách hẹp, sâu trong lòng hang Cây Đăng, sau đó thả dây và đi xuống hang núi sâu.
Lòng hang là một không gian rộng lớn, nhưng tối đen, chỉ nghe phía xa tiếng chảy róc rách. Đoán đây là nơi bắt nguồn của con suối Ngọc với đàn cá thần, họ đã cho đổ dầu hỏa, sau đó là trấu xuống dòng nước. Nhưng kỳ lạ thay, bao nhiêu dầu rồi trấu đổ xuống đều biến mất không còn dấu vết và dòng suối chảy ra từ lòng núi vẫn trong vắt không một chút gợn.
Sự bắt nguồn của dòng suối đến nay vẫn còn là một bí ẩn.

Đã có nhiều nhà khoa học tìm về suối cá để tìm cách giải mã cho những bí ẩn xung quanh suối cá thần.Theo các nhà khoa học, loài cá ở suối cá Lương Ngọc chủ yếu là cá dốc, thân hình giống cá trắm, mồm giống cá trôi, vây đuôi giống cá chép, mình nhiều hoa văn, màu sắc. Loài này thuộc bộ cá chép, nằm trong sách đỏ Việt Nam. Sở dĩ loài cá này có chứa độc tố không thể ăn được bởi cá sống trong hang núi, rất có thể nguồn thức ăn là lá cây và các khoáng có trong lòng núi chứa nhiều độc tố. Nhưng đến nay, chưa có công trình khoa học nào nghiên cứu về đặc tính của loài cá và phân tích thành phần của nguồn nước của suối để có thể lý giải về điều này.

Cũng có lần, các nhà khoa học đã thử đưa cá ở suối cá Lương Ngọc về nuôi ở một môi trường hoang dã giống với nơi đây. Tuy nhiên, một thời gian thì những con cá này biến mất. Cũng với thí nghiệm tương tự nhưng được làm ngược lại, họ đem một giống cá khác được đánh dấu cẩn thận thả vào suối cá Lương Ngọc thì một thời gian sau cũng không thấy tung tích những chú cá này đâu.

Quanh câu chuyện truyền thuyết về suối cá thần cũng có nhiều điểm chưa rõ ràng. Một số cụ cao niên trong làng Ngọc vẫn khẳng định, câu truyện truyền thuyết có từ thế kỷ XI, khi ngôi đền thờ Tứ Phủ Long Vương được xây dựng. Tuy nhiên, theo GS Lê Trường Phát, chuyên gia nghiên cứu về Văn học dân gian cho rằng: Không đủ cơ sở để kết luận câu truyện truyền thuyết này đã xuất hiện từ thế kỷ XI. Hơn nữa GS cũng khẳng định: truyền thuyết thường xuất hiện để lý tưởng hóa một nhân vật lịch sử, hay một địa danh đã có từ trước đó. Do vậy, câu chuyện này chắc chắn chỉ mới xuất hiện chưa lâu.

Du khách tham quan thích thú trước sự kỳ lạ đầy bí ẩn của suối cá thần.

Về ngôi đền thờ Tứ Phủ Long Vương, cứ mỗi lần dựng lên là một lần ngôi đền bị giông tố kéo theo cây cổ thụ đổ hoặc đá núi lăn xuống đè bẹp. Các đạo sắc phong cũng theo những ngôi đền trước đó đã được xây dựng mà nằm vùi dưới lớp đá. Ngôi đền bị đá núi vùi lấp gần đây nhất là vào năm 1958. Gần đây, ngôi đền mới được nhân dân phục dựng được đặt nằm cách xa chân núi và xây kiên cố hơn.

Theo lời kể của các cụ cao niên, thì hàng năm cứ vào đầu năm mới, người dân lại bắt một con cá để cúng thần linh. Việc bắt cá cũng được tiến hành hết sức thiêng liêng. Một cụ cao niên nhất làng sẽ ăn vận lễ phục, thả một cái giỏ xuống suối, khi con cá nào tự chui vào là con cá đó đã được thần linh chọn hiến mình. Sau khi đưa cá lên và cúng tế thần linh, nhân dân sẽ mở hội, cầu xin thần linh mùa màng tươi tốt. Mới đây, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thanh Hóa đã cho phép nhân dân mở lễ hội vào ngày mùng 8 tháng Giêng hàng năm tại suối cá.

Theo sự chỉ dẫn của Mai (cô gái Mường đã đưa tôi khám phá dấu tích của đề thờ Tứ Phủ Long Vương ở kỳ trước), tôi tò mò muốn khám phá lòng hang và đường xuống hang cá. Mai lại đưa tôi leo gần 200 bậc đá lên đến động Cây Đăng. Bước vào lòng hang và thực sự bị choáng ngợp trước không gian đẹp lung linh kỳ ảo của hang động. Vòm hang rộng lớn với những khối nhũ đá trong hang kỳ vĩ và lóng lánh ánh bạc.

Vòm hang rộng lớn với những khối nhũ đá trong hang kỳ vĩ và lóng lánh ánh bạc.
Lần mò một hồi với chiếc đèn pin vừa đủ sáng để thấy đường. Mai đưa tôi đến một ngách sâu đen hun hút và nói đây là con đường duy nhất dẫn xuống đầu nguồn của suối cá sâu trong lòng núi. Cảm giác hơi lạnh từ dưới ngách sâu phả vào mặt với một màu tối đen khiến tôi rờn rợn. Khi ngỏ ý tìm một người dẫn tôi xuống lòng núi, Mai ngăn lại. Con đường duy nhất này rất nguy hiểm, tối đen và rất sâu vì thế đã được người dân bịt lại để tránh nguy hiểm cho khách du lịch khi vào thăm quan hang động.
Ngách duy nhất đi xuống lòng hang cá tối đen và sâu hun hút.
Thấy tôi tiếc nuối vì không được mục sở thị lòng hang, Mai đưa tôi xuyên lòng núi đi ra cửa bên của động Cây Đăng. Cửa ra của động này được tiếp nối bởi một hang động khác. Hang này được gọi là hang Dơi. Mai nói lòng hang này rất sâu, nhiều ngóc ngách nguy hiểm.
Nhiều lần đã có các đoàn thám hiểm nghiệp dư về đây nhưng vì hang sâu, tối, lại yếm khí rất khó thể nên chưa ai đi được hết hang. Trong lòng hang cũng phát hiện dấu vết của người xưa trú ngụ với nhiều mảnh gốm vỡ. Tuy nhiên do hang này rất nguy hiểm nên nhân dân đã đặt vách ngăn tránh những điều đáng tiếc đối với khách du lịch khi tò mò vào hang.
Xuyên qua rừng về đến chân suối cá thì trời sập tối. Chia tay cô gái Mường bên dòng suối Ngọc xinh đẹp với nhiều bí ẩn còn chưa được giải mã, tôi thực sự luyến tiếc khi chưa khám phá hết những điều kỳ thú nơi núi rừng nguyên sơ.
PL&XH
Tag: Suối cá thần , Bí ẩn , Tứ Phủ Long Vương , Truyền thuyết , Chuyện chưa từng kể