Trước tình hình kinh tế khó khăn, nhiều người đã nghĩ tới việc ra thêm một gói kích cầu nữa.
|
Phóng viên đã có cuộc trao đổi với chuyên gia kinh tế, TS Vũ Đình Ánh về những ảnh hưởng kinh tế năm đối với 2012.
PV: Năm 2012, chúng ta sẽ đẩy mạnh tái cấu trúc nền kinh tế trong đó tập trung mạnh vào các DNNN và hệ thống ngân hàng. Theo ông, hoạt động này đặt ra vấn đề gì với nền kinh tế?
TS Vũ Đình Ánh: Câu chuyện tái cơ cấu sẽ có 2 mặt, nếu anh làm tốt thì sẽ góp phần giảm qui mô đầu tư, hỗ trợ kiểm soát lạm phát. Còn nếu làm theo kịch bản một số nước là bơm tiền ra để tái cơ cấu hay một số NHTƯ các nước đang hô hào nới lỏng chính sách (giảm lãi suất, đẩy tín dụng lên để phát triển), nếu áp kịch bản ấy vào Việt Nam thì lại quay sang kích lạm phát và sẽ không giải quyết được gốc của lạm phát những năm trước.
Năm 2011, các ngành sản xuất đều đã “liêu xiêu”. Quan trọng là bây giờ để họ không liêu xiêu thì chính sách tiền tệ phải làm gì? Nếu nới lỏng để DN bớt liêu xiêu thì kịch bản đang dường như lặp lại năm 2009.
PV: Nhìn lại chính sách tiền tệ, điều gì khiến một chuyên gia tài chính như ông băn khoăn?
TS Vũ Đình Ánh: Diễn biến 2011 cho thấy, lúc đầu tăng trưởng tín dụng 20%, sau giảm xuống 17% rồi kết thúc cả năm 12%. Chưa bao giờ tăng tín dụng của Việt Nam lại thấp như thế. Năm 1998 – là năm khốn khổ nhất thì tín dụng cũng là 16,4%, lý do vì lãi suất cao nên DN không chịu nổi.
Việt Nam có đặc điểm là chưa bao giờ tác động của lạm phát kéo cầu giảm (tiêu dùng – đầu tư). Do đó, tổng tín dụng năm nay là hệ quả của thắt chặt tiền tệ nhưng nó không phải là hệ quả trực tiếp mà là hệ quả gián tiếp của nhiều chuyện và tự thị trường xác định mức tổng tín dụng.
Quan sát ngay cả năm 2008, lạm phát cao vậy nhưng cầu tiêu dùng và đầu tư không giảm. Nhưng sang đến năm 2011 kịch bản lại khác. Nhìn hiện tượng thì vẫn như nhau nhưng so với từng khía cạnh một sẽ tìm ra những điểm khác nhau và cần có chính sách tương ứng.
PV: Tình hình hiện nay so với năm 2009 có vẻ giống nhau, thưa ông?
TS Vũ Đình Ánh: Diễn biến 2012 sẽ không như 2009. Hãy nhìn lại trước đó, năm 2008, 3 tháng cuối năm lạm phát âm, nhờ đó chỉ số giá mới giữ được 19,89%. Kịch bản kết thúc năm 2011 cũng diễn biến như vậy. Nhưng phải nhớ rằng, diễn biến năm 2011 khác năm 2009, lạm phát năm 2009 là 15% và tăng trưởng kinh tế khoảng 6-7% năm nay cũng đạt khoảng 6,5%. Thế nhưng, lạm phát năm đó đến cuối kỳ là 6,52%.
Bối cảnh năm 2012 so với 2009 cũng tương tự. Các nền kinh tế thế giới cũng đang suy thoái và cũng sau 1 năm Việt Nam bị lạm phát cao. Nhiều người đã nghĩ tới một gói kích cầu nữa. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là đến giờ chúng ta vẫn chưa đánh giá lại hiệu quả của gói kích cầu 2009 (chi bao nhiêu, vào đâu và chi như thế nào…) thì không biết sẽ sử dụng gói kích cầu tiếp theo như thế nào?
Tình thế năm 2009 cũng rất khác xa. Năm 2008, khủng hoảng từ Mỹ. Năm 2011 thì từ châu Âu và vai trò của Mỹ và châu Âu trong nền kinh tế thế giới cũng khác nhau. Vì thế, cách ứng xử với các khó khăn kinh tế cũng phải khác nhau. Mỹ có tiền, có sự tập trung. Còn châu Âu thì 17 nước vẫn tranh cãi, chẳng ai chịu ai. Cách thức và cội nguồn khủng hoảng cũng khác nhau.
Câu chuyện nữa phải quan tâm là giá dầu. Giá dầu 2008 khi lên đỉnh 147 USD/thùng thì đến cuối năm còn 40 USD, sang đầu 2009 còn 30 USD. Nhưng khủng hoảng của thế giới hiện nay, dầu vẫn dao động mức 100 USD/thùng. Chưa kể, cùng vào thời điểm này 2008-2009 không có dấu hiệu của chiến tranh, nhưng 2012, một loạt nước bắc Phi biểu tình và có ít nhất 2 cuộc chiến tranh rất có thể nổ ra là Iran và Syria.
Thoạt nhìn tình hình có vẻ lặp lại năm 2008-2009 sang năm 2011- 2012 nhưng bản chất đã khác. Điều rất tiếc của Việt Nam là đáng lẽ phải đánh giá rất chuẩn gói kích cầu 2009, được gì, mất gì để có giải pháp thích hợp thì chúng ta lại chưa làm.
Câu chuyện vốn sẽ còn tiếp tục nóng trong năm 2012 (ảnh V.H)
PV: Câu chuyện tỷ giá năm 2011 có gì đáng bàn không và có ảnh hưởng gì đến công tác xuất- nhập khẩu, thưa ông?
TS Vũ Đình Ánh: Điều hành tỷ giá năm 2011 chỉ có cú sốc hồi tháng 2 là tăng biên độ lên 9% còn lại là điều chỉnh từ từ, điều chỉnh một ít rồi lại giữ một thời gian dài, khoảng 30-45 ngày. Nếu tính từ hồi tháng 2/2011 đến giờ thì tổng phá giá khoảng trên 10%.
Năm 2011, xuất khẩu tăng rất mạnh do giá tăng cao trong khi lượng thì không tăng mấy. XK tăng thì NK cũng lớn nhưng không bị tác động lớn của tỷ giá. Diễn biến tỷ giá như vậy lại rất có lợi cho xuất khẩu. Nhờ có biến động tỷ giá ấy thì kích được xuất khẩu. Xuất khẩu năm rồi rất lợi, vừa được giá trị lại được giá thế giới. Xét tổng thể thì diễn biến giá thế giới và tỷ giá hối đoái thời gian vừa rồi là hỗ trợ cho xuất khẩu trong nước.
PV: Với những phân tích ở trên, ông có nhận định gì về lạm phát 2012?
TS Vũ Đình Ánh: Với diễn biến kinh tế thế giới và trong nước như hiện nay rất khó nói sang đến 2012 lạm phát sẽ ở mức 1 hay 2 con số. Căn cứ quan trọng nhất vẫn là việc Chính phủ có quyết tâm giữ các chính sách thắt chặt hiện nay hay không. Vì hiện nay sau khi chỉ số lạm phát giảm xuống chút ít thì đã có nhiều tín hiệu muốn nới lỏng chính sách.
PV: Xin cảm ơn ông!
- Thời điểm không khí lạnh mạnh nhất của mùa đông năm nay diễn ra khi nào?
- Soi profile của Hoa hậu Thanh Thủy - Miss International 2024: Học thức đỉnh cao, tài sắc vẹn toàn
- Lương hưu cao nhất Việt Nam hiện nay là bao nhiêu?
- Trùm giang hồ 'Bình Kiểm' lên kế hoạch bắt cóc ca sĩ, người mẫu
- 5 cái tên bị luật cấm đặt khai sinh ở Việt Nam, đó là tên nào?
- Tại sao vàng giảm giá khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ?
- Tỉnh nào có tuổi thọ thấp nhất Việt Nam?
- Vụ rơi máy bay quân sự tại Bình Định: 2 phi công thoát nạn thế nào?