Kinh hoàng với hủ tục mổ tử thi tách thai khỏi mẹ ở Huế
Thứ bảy, 14/06/2014 20:25

Người phụ không may qua đời khi mang bầu sẽ được người ở lại mổ bụng tách tai nhi ra để chôn cất riêng rễ, vì sợ đứa trẻ về quấy phá gia đình.

Kinh hoàng với hủ tục mổ tử thi tách thai khỏi mẹ ở Huế

Kinh hoàng với hủ tục mổ tử thi tách thai khỏi mẹ ở Huế

Sợ bị công ty phạt tiền vì đến chậm nên đi nhanh hơn bình thường?

Sáng 5/6, tại km798 + 800 QL1A đoạn đi qua thôn Đồng Lâm, xã Phong Thu, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế, đã xảy ra một vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng. Một chiếc xe ben trong khi qua mặt xe khác đã lấn đường, cán phải chiếc xe máy đi ngược chiều làm một phụ nữ chết ngay tại chỗ. Điều đáng nói, người phụ nữ tội nghiệp ấy lại đang mang thai hơn 5 tháng tuổi.

Nạn nhân trong vụ tai nạn thương tâm trên là chị Trần Thị Mai (SN 1986, ngụ thôn Hương An, xã Phong An). Theo lời kể của gia đình nạn nhân, sáng hôm đó chị Mai phải đi làm sớm để giải quyết các công việc còn tồn đọng do nghỉ liên tiếp ba ngày phép ăn tết Đoan Ngọ. “Ngày mô tui cũng chở con dâu đi làm. Ra ngang cầu An Lỗ thì con bé lên xe đưa đón của công ty. Hôm nớ con bé sợ chờ xe đưa đón thì muộn mất, nên không cho tui chở mà lấy xe tự đi. Không ngờ nó đi mãi không về”, cha chồng nạn nhân nói.

Được biết công ty chị Mai đang làm việc, “kỷ luật” rất nghiêm ngặt. Chỉ cần đi trễ 5 phút cũng đã bị “phạt” trừ lương. Số tiền “phạt” rất cao, lên đến 400 ngàn trong một lần vi phạm. Có lẽ tâm lý sợ trễ, nên chị Mai đã chạy xe nhanh hơn bình thường. Không may, dù đi sát lề đường và còn cách công ty chỉ vài trăm mét thì xảy ra tai nạn đáng tiếc.

Anh ruột chị Mai nét mặt vẫn chưa hết hoang mang khi kể lại buổi sáng kinh hoàng: “Sáng nớ tui đi sau lưng em tui một đoạn mà mô có biết. Thấy có tai nạn, tui dừng xe đến xem, lỡ đâu ai đó mình quen biết, còn giúp đỡ. Khi nớ người vây vòng trong vòng ngoài, đông lắm. Nhìn qua kẽ hở đám đông, tui thấy biển số xe em gái mình. Hoảng hồn, nhưng tui nhủ trong bụng, chắc người cầm lái không phải em tui mô. Khi chen được vào bên trong, tui điếng hồn, choáng váng khi thấy em tui nằm đó bất động. Có chi đau đớn bằng việc tận mắt nhìn thấy người thân trong hoàn cánh nớ”.

Giữa trưa, trời nắng chang chang. Không khí oi nồng, hâm hấp nóng với nhiệt độ lên đến 400C. Thế nhưng, khác với không gian đổ lửa ngoài trời, ngôi nhà có đám lạnh lẽo đến thê lương.

Ngay từ bên ngoài, chiếc cổng tang được làm bằng hai thân chuối, dựng sơ sài ngay trước ngõ càng làm cho khung cảnh thêm phần tang tóc, ảo não. Ngôi nhà nhỏ nằm khép nép bên dưới những tán cây. Chẳng biết, do đang mùa nắng nóng, nên cây cối cũng héo úa hay chúng đang ủ rủ tiếc thương cái chết của cô chủ. Những người thân của chị Mai đi lại vật vờ trong nhà như chiếc bóng. Khuôn mặt mỗi người đều chất chứa nỗi đau không thể nói bằng lời.

Ngồi bên quan tài con gái, mẹ chị Mai vật vờ than khóc. Mũi mọng đỏ, đôi mắt sưng húp, bà Nguyễn Thị Thành (53 tuổi) liên tục gọi tên con gái. Người nhà cho hay, từ khi hay tin con gái qua đời, người mẹ tội nghiệp liên tục ngất đi, trong những cơn mê, bà cũng không quên gọi tên đứa con gái một cách khắc khoải, đau đớn.

Chồng nạn nhân nhập viện vì đau đớn

Người chồng Trần Duy Phước (SN 1983) nằm bất động trên giường. Đôi mắt mở lớn, ráo hoảnh, nhìn trừng trừng lên trần nhà. Cánh tay băng bó vết thương. Chồng chị Mai dường như không còn chút sức lực để khóc than cái chết của vợ và đứa con bé bỏng. Anh Phước và chị Mai cưới nhau chưa được bao lâu, nhưng vì kế sinh nhai, người chồng phải vào tận miền Nam mưu sinh, để lại người vợ và đứa con nhỏ ở quê nhà. Chắt chiu, dành dụm, vợ chồng anh dự định khi đã tích cóp được một số vốn ít ỏi, anh Phước sẽ ở hẳn tại quê nhà. Cả hai sẽ tính kế làm ăn, chấm dứt cảnh sống người Nam kẻ Bắc.

Theo phong tục của người ở khu vực này, tết Đoan Ngọ được xem là cái tết quan trọng trong năm. Nên dù làm ăn xa, anh Phước vẫn bắt xe về quê đoàn tụ cùng gia đình, dự định ăn bữa cơm ấm cúng với người thân. Ngày tết qua nhanh, người chồng lại khăn gói vào Nam, tiếp tục cuộc mưu sinh dù biết vợ bụng mang dạ chửa, thời gian tới sẽ khó khăn gấp bội.

Đau đớn thay, khi chuyến tàu vừa cập bến chưa được bao lâu, cũng là lúc người thân gọi điện vào báo tin dữ. Vừa nhận hung tin, người đàn ông vốn mạnh mẽ ngã quỵ ra, ngất lịm. Nhờ bạn bè giúp đỡ, anh Phước mua được vé máy bay sớm nhất để về với vợ con. Bước vào nhà, dật dờ như xác không hồn, anh ngã quỵ xuống, ôm chầm lấy thi thể vợ và chìm vào hôn mê. Sau khi tỉnh lại, nỗi đau trong lòng quá lớn, như thể mất hết ý thức, người chồng hoảng loạn liên tục đấm tay vào cửa kiếng. Những vết thủy tinh vỡ vụn sắc lẻm cứa rách cánh tay anh, máu me chảy bê bết. Thấy máu chảy liên tục không ngừng, sợ mất máu nhiều, nguy hiểm đến tính mạng, người nhà vội vã đưa anh nhập viện để băng bó vết thương.

Trong khi thằng Phước đang cấp cứu ở bệnh viện, thì ở nhà, để kịp giờ tốt, mọi người phải gấp rút tổ chức lễ khâm liệm. Ở trên bệnh viện, nghe tin, thằng Phước lồng lộn một hai đòi về cho bằng được để nhìn vợ con lần cuối. Khi thằng Phước về đến nhà thì nắp quan tài đã đóng chặt. Nó gào khóc không thành tiếng. Chừ hắn cứ nằm như rứa, sống mà cứ như chết rồi. Ai cũng thương nhưng mong hắn nhanh chóng vượt qua, để còn lo cho đứa con nhỏ”, một người thân chia sẻ. Xen lẫn trong giọng kể bùi ngùi của người phụ nữ và tiếng cầu kinh bi ai, là giọng trẻ con bi bô tập nói. Đứa con lớn của anh chị mới hơn hai tuổi, chưa ý thức được nỗi đau quá lớn của đời mình, đứa bé chỉ biết mừng rỡ, quấn quýt, bò vòng quanh nơi cha nằm. Đôi tay nhỏ xíu, múp míp, trắng ngần của đứa trẻ chốc chốc lại đưa lên sờ mặt cha đang nằm thẫn thờ.

“Phong tục” lạ lùng

Lúc bị tai nạn, chị Mai có thai hơn năm tháng tuổi. Đứa bé đã có hình hài, nên gia đình chị quyết định mổ tử thi, tách đứa bé khỏi mẹ, sau đó mới tiến hành khâm liệm. “Con dâu tui chết vì tai nạn, cơ thể không lành lặn, đã chịu nhiều đau đớn lắm rồi. Giờ lại phải mổ xẻ, để lấy cháu bé ra, chắc nó càng đau gấp bội. Dù rất xót xa, nhưng không làm cũng không được. Dù gì cũng đau đớn rồi, thì đau một lần cho luôn”, bố chồng chị Mai cho biết.

Giọng người đàn ông đắng chát khi kể về phong tục của địa phương: “Ở quê tui, hễ phụ nữ đang mang thai không may qua đời, nếu không mổ lấy đứa bé ra để chôn riêng, thì ba năm sau phải cải táng, rồi nhặt xương cốt của cháu để lập mồ riêng, chứ không để cháu bé nằm trong bụng mẹ mãi được. Thai sống chín tháng mười ngày sẽ chào đời, đến khi chết đi, nó cũng vậy. Nhưng đợi đến ba năm, khi nỗi đau đã nguôi ngoai, người chết cũng đã mồ yên mả đẹp. Lúc đó nếu cải táng, khiến người chết nằm ở dưới cũng không yên ổn, tội lắm. Nhưng nếu không tiến hành cải táng, đứa bé sẽ về “quậy” gia đình, cuộc sống sau này khó bề yên ổn”.

Người đàn ông đưa ánh mắt mờ đục, ngân ngấn nước nhìn vào trong nhà. Nơi đó, bên cạnh chiếc quan tài của người mẹ xấu số là chiếc quan tài bé tí của đứa trẻ chưa kịp chào đời. Nhìn khói hương vấn vít trên bàn thờ, người đàn ông khẽ thở dài, nơi bàn thờ cháu bé, hai hộp sữa nhỏ được đặt bên cạnh bát nhang “Em bé còn nhỏ, còn nằm trong bụng mẹ, đã uống được sữa mô, nhưng người lớn tới bữa thì cũng cơm, bé nhỏ rứa, nhưng cũng chỉ biết cúng sữa cho nó thôi”, giọng ông lạc hẳn.

Ông cho biết, theo tục lệ, nếu thai nhi được chôn theo mẹ, người ta sẽ trồng trên mộ người chết một cây chuối. Tuổi cây chuối tương đương với tuổi thai nhi trong bụng mẹ. Đến ngày thai nhi được chín tháng mười ngày, cây chuối trên mộ cũng nở hoa. Theo đó, người nhà sẽ biết rằng, ở “dưới kia” đứa trẻ cũng được mẹ sinh ra đời. Họ sẽ sắm sửa lễ vật, áo quần để “hóa vàng” cho đứa trẻ sơ sinh, để đứa bé khỏi bơ vơ, thiếu thốn.

Thắp nén nhang lên bàn thờ của chị Mai và đứa bé chưa kịp chào đời, khói hương nghi ngút càng làm cho khung cảnh thêm bi ai. Kẻ gây tai nạn chỉ vì lơ là, phóng nhanh vượt ẩu, muốn nhanh một chút, nào ngờ thành ra chậm suốt đời. Kẻ gây ra tai nạn thương tâm rồi đây sẽ phải chịu sự trừng trị của pháp luật, chỉ thương cho phận người xấu số, phải ra đi khi tuổi xuân đang lưng chừng, để lại bao đau đớn, tiếc thương cho người ở lại. (Tên nạn nhân đã được thay đổi)

BOX: Có một chi tiết pháp lý đáng lưu ý trong vụ việc này, tai nạn xảy ra một phần vì nạn nhân sợ đi trễ sẽ bị công ty phạt tiền. Luật lao động nghiêm cấm sử dụng mọi hình thức phạt tiền, cúp lương thay việc xử lý kỷ luật lao động. Vì vậy, nếu công ty trừ lương nhân viên khi đi muộn, là vi phạm nghiêm trọng quy định của pháp luật. Người lao động có quyền khiếu nại đến chánh Thanh tra Sở LĐ-TB-XH tỉnh để được can thiệp và bảo vệ quyền lợi.

Hà Lê (Câu chuyện pháp luật) Minh Phương

Clip đang được xem nhiều nhất: Mẹ bé gái 12 tuổi bị bạo hành, xâm hại tình dục ở Hà Nội: 'Vớ được cái gì ở ngoài đường là đánh nó bằng cái đấy'

Tag: tai nan xe , tai nan khi mang bau , hu tuc ky la , huc tuc mo tu thi , tin , bao