Hàng trăm năm nay, người dân tộc Xơ Đăng, Ca Dong ở vùng núi cao tỉnh Quảng Nam vẫn giữ gìn một phong tục kỳ lạ là chích máu vào tay để tìm kẻ gian.
Phong tục chích máu tìm kẻ gian |
Phong tục kỳ lạ này nghe có vẻ rất mê tín, nhưng thực tế cho thấy, dân làng vẫn tìm được thủ phạm từ cách xử lý dân gian này.
Phong tục kỳ lạ
Vùng núi cao Quảng Nam hiểm trở chứa nhiều phong tục kỳ bí của đồng bào dân tộc nơi đây. Tục chích máu tìm kẻ gian là một điển hình đã có từ lâu đời. Và đến nay, ở nhiều thôn bản vẫn còn hiện diện tục lệ này khi những tranh chấp diễn ra trong làng. Từ trung tâm hành chính huyện Nam Trà My, chúng tôi phải cuốc bộ hàng tiếng đồng hồ mới đến được nơi người dân tộc Xơ Đăng, Ca Dong sinh sống. Cư dân ở đây bao đời bám rừng làm rẫy, lặn lội qua những con dốc dựng đứng, họ tập trung từng nhóm nhỏ trên sườn núi và gọi đây là nóc. Mỗi nóc có khoảng vài chục hộ định cư, ở đây tên nóc được lấy theo tên của người già làng hoặc một địa danh nào đó như nóc Ông Ruộng, nóc Tăklang, nóc Măng Ai…
Đời sống người dân nơi đây vô cùng khó khăn, họ làm lúa rẫy, đến mùa thì đi bẻ măng bán kiếm tiền. Do sống quần cư như vậy, tuy đoàn kết, gắn bó nhưng không ít lần họ xảy ra cãi cọ, tranh chấp đất đai, hoặc mất trộm dẫn đến khiếu kiện, tranh giành quyền lợi. Để giải quyết vấn đề này, từ xưa dân làng nơi đây đã lập ra phong tục kỳ lạ đó là tục chích máu để tìm ra những người sai trái, trả công bằng cho cái đúng. Gọi phong tục chích máu là vì khi “xử án”, hai người tranh chấp sẽ dùng một que nhọn đâm thẳng vào bàn tay, nếu ai bị chảy máu là người thua kiện. Phong tục là sự tin tưởng tuyệt đối vào cái đúng mà làng phân định của người dân tộc Ca Dong, Xơ Đăng ở huyện miền núi Quảng Nam này.
Hầu như phong tục này đều xuất hiện rải rác tại các xã nơi có hai tộc người này sinh sống. Nhưng hiện nay tại các xã Trà Tập, Trà Cang (huyện Nam Trà My) phong tục này được nhiều người biết đến và cho đến nay vẫn còn tiếp diễn. Già làng Hồ Văn Tua (ngụ xã Trà Cang) cho biết. “Chúng tôi không biết phong tục này có từ bao giờ. Từ thời xưa, cha ông tôi truyền lại cho con cháu để giữ lại truyền thống. Phong tục này chính xác đến nỗi dân làng cũng không thể hiểu nổi tại sao nó lại huyền diệu đến vậy”. Điều đặc biệt là phong tục này trở thành một nét văn hóa của người Ca Dong và Xơ Đăng.
Già làng Hồ Văn Tua cho biết thêm: Khi có tranh chấp hoặc mâu thuẫn xảy ra, người trong làng đến trình với già làng để giải quyết. Ngay sáng hôm sau, già làng sẽ cho tập hợp dân làng và người thưa kiện đến giải quyết ngay tại sân làng hoặc tại mảnh đất tranh chấp. Sáng sớm tinh mơ, hai người trong cuộc tranh chấp không được ăn uống gì, già làng sẽ tổ chức lễ cúng và phân công người có uy tín trong làng đi vót hai cây nứa nhọn, dài khoảng 5cm.
Hai người tham gia chích máu để tìm công bằng sẽ cầm hai que nứa, đưa lên trời để vái tạ thần linh, rồi xoay quanh để dân làng chứng giám. Sau đó, cả hai người cùng hô lên: “Ông trời, ông đất ơi! Ăn máu thì phải ăn máu của hắn, trả lại sự công bằng cho tôi”, rồi người này dùng que nứa đâm vào bàn tay trái người kia. Khi que nứa đâm gần xuyên bàn tay khoảng 1 cm, già làng sẽ hô rút que ra. Nếu ai chảy máu thì người đó là có lỗi và chấp nhận bồi hoàn thiệt hại cho người kia. Điều kỳ lạ chưa giải thích được là khi chích que nứa vào da thịt thì tất nhiên phải chảy máu, nhưng ở đây lại có người khi đâm que nhọn vào sâu trong thịt lại không hề thấy máu chảy ra. Thấy quá linh ứng như vậy, dân làng hoàn toàn tin tưởng tục lệ và kết quả trước mắt.
Phong tục hay hủ tục?
Theo già làng Hồ Văn Ri (ngụ xã Trà Tập), phong tục chích máu này đã ăn sâu vào tâm thức người dân nơi đây. Điển hình như vụ tranh chấp mảnh đất giữa anh Hồ Văn Líu và anh Hồ Núp (ngụ ở nóc Tu Tơn). Khi giải quyết không được, họ cãi nhau om sòm rồi gây mâu thuẫn thù hằn. Thấy bất ổn trong làng, già làng Ri quyết định mời anh Núp và anh Líu đến phân trần. Sau đó, họ cùng xin già làng cho chích máu để tìm chủ nhân mảnh đất. Sáng hôm đó già làng làm lễ cúng tại mảnh đất trên, rồi cắm hai que nứa vào mảnh đất đó. Sau khi rút hai que nứa lên, già làng đưa anh Líu và anh Núp vái thần linh đồng thời chích que nứa vào tay.
Hồ Văn Ri tay đang vót những cây nứa và kể lại phong tục kỳ lạ này
Sau khi rút ra, anh Líu bị chảy máu và phải công nhận mảnh đất đó là của anh Núp. Còn tại xã Trà Cang, ông Hồ Văn Tanh, Bí thư Đảng ủy UBND xã cho biết, phong tục chích máu để xử án được đồng bào người Xơ Đăng, Ca Dong nơi đây tuyệt đối tin tưởng. Trước kia, tại xã có vụ lấy trộm chiếc điện thoại, dân làng báo công an xuống điều tra nhưng chưa tìm ra thủ phạm. Cuối cùng, làng cũng phải tiến hành công việc thử máu và chiếc điện thoại được trả về đúng với người mất. Người ăn cắp sau khi bị que nứa đâm chảy máu phải tạ tội với làng và xin được tha thứ.
Ông Hồ Níp, một người dân ngụ ở xã Trà Cang, cho biết thêm: Luật chích máu còn để xử phạt những người con gái hư hỏng như chưa có chồng mà có con. Nếu người con gái nào rơi vào trường hợp như vậy sẽ bị xử phạt rất nặng. Vì theo lệ làng, đó là một điềm gở, sẽ đưa đến tai họa cho dân làng, cảnh mất mùa và sâu hại tàn phá. Khi người con gái mang thai mà không có người đến rước về, làng sẽ tổ chức cuộc chích máu để tìm ra “tác giả” của cái bào thai đó. Vì trai tráng trong làng quá đông nên làng sẽ tổ chức lễ cúng và cho người con gái đó chích máu trước. Nếu tay cô gái đó chảy máu thì tác giả bào thai không phải là người trong làng. Nếu không chảy máu thì già làng sẽ bắt hết những chàng trai trong làng chích máu. Khi tay chàng trai nào bị chảy máu sẽ chính là tác giả của bào thai kia. Khi nghe ông Níp nói vậy, tôi cảm thấy ngạc nhiên và tỏ ra không tin cho lắm bèn hỏi: “Nếu trong làng có hai người cùng chảy máu thì sao?” Ông Níp liền quả quyết: “Trong làng đã xử nhiều trường hợp như vậy, nhưng chỉ đúng duy nhất một anh trong làng bị que nứa đâm chảy máu. Khi phát hiện họ đều thừa nhận chính mình là người tình của cô gái kia và đã lỡ ăn trái cấm mà không dám nhận”.
Sau cuộc chích máu tìm ra “thủ phạm” đôi trai gái trên phải lấy nhau và bắt heo, gà, trầu cau làm lễ để tạ tội với làng. Đây là tục lệ dùng để răn đe người trong làng không dám phạm lỗi. Tùy từng làng mà vị trí chích máu trên bàn tay khác nhau, có làng chích vào đầu ngón tay, làng chích vào lòng bàn tay áp sát ngón cái. Tuy nhiên, trước khi đâm, những già làng đều phải cúng, vái thần linh để chứng giám cho lòng thành và tìm ra đúng kẻ sai.
Hiện nay phong tục này vẫn còn diễn ra tại các nóc vùng cao và được nhiều người tại đây công nhận nhưng vẫn chưa giải thích được.
Ông Hồ Văn Hiền, Chủ tịch UBND xã Trà Tập, cho biết : “Tục chính máu tìm kẻ gian là phong tục kỳ lạ và hoàn toàn là sự thật của người dân tộc Xơ Đăng, Ca Dong ở vùng núi cao tỉnh Quảng Nam. Người bị thua trong cuộc chích máu hoàn toàn tâm phục khẩu phục quyết định đưa ra và thừa nhận tội lỗi của mình. Ví dụ như vào năm 2012, anh Xưng (ngụ thôn 1) có tranh chấp với anh Níu (ngụ thôn 2) về cây quế đời trước để lại trên mảnh đất giáp ranh. Hai người cùng xuống xã giải quyết nhưng khu đất này chưa được phân biệt rõ ràng và không có chứng cứ ai đã trồng cây quế này nên xã không giải quyết được. Sau đó, hai người này đã kéo về làng để xin tục chích máu tìm công bằng. Thế là sự việc được giải quyết êm xuôi".
Clip đang được xem nhiều nhất: Võ Hoàng Yến vỡ òa xúc động khi biết tin được làm mẹ, tiết lộ từng tránh mặt 'nửa kia' vì lý do tuổi tác
- Thứ gì được cất giữ ở một nơi trong Tử Cấm Thành mà cần có cảnh sát vũ trang canh gác 24/24 giờ?
- Nếu chồng bạn có những đặc điểm này thì có nghĩa là bạn đã chọn và cưới đúng người, rất chính xác!
- Massage cổ có gây nhồi máu não không? Lời khuyên của chuyên gia: 7 kiểu người này không phù hợp để massage
- Từ 1/7/2025: Thay đổi cách tính lương hưu theo Luật BHXH mới, hàng triệu người hưởng lợi
- Quận đông dân nhất Việt Nam: Dân số bằng 2 tỉnh cộng lại, là một trong hai quận lớn nhất TP. HCM
- Lịch nghỉ Tết Nguyên đán 2025 mới nhất của học sinh cả nước
- Thưởng Tết 2025, mức thưởng cao nhất là trên 500 triệu đồng/người. Là ai?
- Tại sao Sơn Tùng lại nổi tiếng?
- Trước Tết dương lịch 2025, đây là 6 thủ tục hành chính cần hoàn thành
- Đây là tên gọi đầu tiên của Hà Nội, người Hà Nội lâu năm chưa chắc đã biết, nó có ý nghĩa gì?
- Tin vui thưởng Tết Nguyên Đán 2025: Sẽ cao hơn năm 2024 từ 6 - 8%