Theo ghi nhận của phóng viên tại hiện trường, đây là cơ sở sản xuất có quy mô lớn nhưng không treo bảng hiệu bên ngoài.
|
Ngày 9-6, đoàn kiểm tra liên ngành huyện Bình Chánh, TP HCM bắt quả tang cơ sở sản xuất bò viên Pháp Việt (C2/19 E2, ấp 3, xã Vĩnh Lộc A) đang sử dụng nguyên liệu không rõ nguồn gốc để chế biến thực phẩm.
Theo ghi nhận của phóng viên tại hiện trường, đây là cơ sở sản xuất có quy mô lớn nhưng không treo bảng hiệu bên ngoài. Bên trong, mặt bằng khá rộng nhưng cơ sở vật chất xập xệ, nhiều dụng cụ chứa đựng thực phẩm đã cũ, gỉ sét; 1 container có lắp máy lạnh để làm kho chứa nguyên liệu.
Cơ sở có 5 công nhân đều cởi trần, mặc quần đùi tham gia chế biến trực tiếp. Tại khu nguyên liệu, thịt vụn (không rõ bò hay heo) bầy nhầy bốc mùi hôi thối nồng nặc, ruồi thoải mái bu vào khiến nhiều thành viên trong đoàn kiểm tra dù đã đeo khẩu trang nhưng không chịu nổi phải ra ngoài… thở rồi mới vào làm việc tiếp.
Chủ cơ sở là Nguyễn Văn Bảo (SN 1984, quê Quảng Ngãi) khai đã tổ chức sản xuất được khoảng 6 tháng nhưng mới đi đăng ký kinh doanh vào tháng 2-2015. Mỗi ngày, cơ sở ra cho lò khoảng 300-400 kg thành phẩm (bò viên các cỡ) bán cho các chợ và bỏ mối tại những quán hủ tiếu, phở bò, cá viên chiên dạo bình dân tại TP HCM và Bình Dương với giá chỉ hơn 50.000 đồng/kg.
Những hình ảnh hãi hùng tại cơ sở sản xuất bò viên Pháp Việt.
Trên giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh do Bảo xuất trình có ghi ngành nghề là sản xuất bò viên nhưng “chỉ hoạt động kinh doanh sau khi được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm”. Tuy nhiên, Bảo cho biết do buôn bán ế nên không có ý định làm lâu dài và cũng không rành về thủ tục nên chưa hoàn tất giấy chứng nhận theo quy định.
Sự thật khủng khiếp về cơ sở sản xuất này dần được hé mở, khi PV theo chân đoàn liên ngành vào khu vực chứa nguyên liệu. Tại đây, một lượng lớn thịt gà đông lạnh, bò vụn tạp, thịt heo thối, mỡ heo, bột mì... (tất cả đều không rõ nguồn gốc) được xếp chồng chất lên nhau. Lượng thịt tươi, đông lạnh và thịt xay đang chờ đưa vào chế biến lên tới 1,1 tấn. Tất cả đều không có giấy chứng nhận kiểm dịch, không rõ nguồn gốc.
Đáng lo sợ hơn, khi đoàn kiểm tra phát hiện tại cơ sở sản xuất Pháp Việt có 6 thùng thịt gà đông lạnh (mỗi thùng khoảng 15kg), xuất xứ Brazil đã quá hạn sử dụng gần ba tháng. Ông Bảo thừa nhận, số thịt quá đát này mới được một mối quen đưa tới trước đó ba ngày với giá 32.000 đồng/kg. Không chỉ vậy, ruồi và nhiều côn trùng khác bu đen lên các thành phẩm, nguyên liệu sản xuất khiến những người chứng kiến lạnh người. Bên cạnh đó, máu của các loại thịt nói trên cùng với nước chảy tràn lan khắp khu vực sản xuất.
Ngoài ra, các cán bộ trong đoàn kiểm tra liên ngành bất ngờ phát hiện cơ sở này đang tồn 100kg bột ngọt Trung Quốc, 70kg đường Thái Lan trôi nổi, không rõ nguồn gốc. Không chỉ vậy, đoàn cũng ghi nhận có 3,5 bao sodium benzoate (xuất xứ Trung Quốc) không có nhãn phụ bằng tiếng Việt.
Được biết, sodium benzoate là một phụ gia cấm dùng đối với nhóm sản phẩm chế biến từ thịt. Tuy nhiên, cơ sở sản xuất của ông Bảo lại sử dụng loại phụ gia này vào sản xuất bò viên nhằm giúp cho sản phẩm của mình không bị mốc. Với việc sử dụng những nguyên liệu quá đát, cùng phụ gia cấm dùng nói trên, nhiều chuyên gia tại TP.HCM cho rằng nếu người tiêu dùng ăn sản phẩm này trong một thời gian dài sẽ gây ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe.
Theo tìm hiểu của PV, hàng tấn sản phẩm bò viên được sản xuất ra mỗi ngày, không chỉ được bán cho các chợ mà còn được bỏ mối tại các quán hủ tiếu, phở bò, cá viên chiên dạo bình dân khắp các huyện TP.HCM. Không chỉ vậy, sản phẩm này còn được tiêu thụ ở nhiều tỉnh thành lân cận với giá chỉ 50.000 đồng/kg.
Có mặt tại nhiều chợ trên địa bàn TP.HCM, PV mới hay biết, sản phẩm bò viên giá rẻ nói trên, sau khi bỏ mối cho các chợ được tiêu thụ rất nhanh chóng và đắt khách hơn cả các sản phẩm tươi sống.
Bà X. (một người bán bò viên tại chợ tạm trên địa bàn phường Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân) cho biết: “Hàng ngày, tôi nhập lại hàng chục kg bò viên của cơ sở sản xuất rồi bán cho người tiêu dùng với giá 65.000 đồng/kg. Có ngày, tôi không đủ hàng để bán. Nhiều năm nay, người tiêu dùng rất chuộngmón ăn này bởi nó không chỉ dễ ăn mà còn rẻ hơn cá thịt. Mua ở đây, người tiêu dùng hoàn toàn “yên tâm” bởi sản phẩm bò viên của tôi bán được làm hoàn toàn bằng thịt bò”.
Tuy nhiên, khi PV hỏi sản phẩm có được kiểm dịch của cơ quan chức năng không, thì người bán hàng này chỉ cười trừ cho qua chuyện.
Trao đổi với PV, một tiểu thương tại quận Tân Bình cho hay: “Hầu hết người dân đều lầm tưởng về sản phẩm giá rẻ này, mà không hề biết thực hư đằng sau nó. Họ đều cho rằng sản phẩm bò viên trên thị trường hiện nay không chỉ rẻ, mà còn tiện ích khi được sử dụng “đa năng” trong nhiều món ăn như: Lẩu, phở, hủ tiếu,... Thế nhưng, nếu họ tỉnh táo một chút thì rất dễ dàng nhận ra, trong khi giá thịt bò hiện nay ít nhất cũng đã 200.000 đồng/kg. Vậy mà, bò viên chỉ có vài chục ngàn đồng, thì làm sao đảm bảo chất lượng được”.
Chủ cơ sở nộp hơn 16 triệu đồng để tiêu hủy hàng tấn bò viên
Sáng 10/6, ông Nguyễn Hồng Triệu, Trưởng trạm thú y huyện Bình Chánh cho biết: “Sau khi kiểm tra, đoàn đã lập biên bản ghi nhận hàng loạt sai phạm của cơ sở sản xuất bò viên Pháp Việt do ông Bảo làm chủ. Đoàn cũng buộc cơ sở ngưng hoạt động ngay lập tức và giao cho chính quyền địa phương giám sát. Đồng thời, ông Bảo cũng tự nguyện nộp hơn 16 triệu đồng để tiêu hủy toàn bộ lô hàng có trọng lượng hơn 2,5 tấn mà không cần xét nghiệm. Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ tham mưu đoàn kiểm tra liên ngành an toàn vệ sinh thực phẩm huyện Bình Chánh để tiến hành xử phạt hành chính đối với cơ sở sản xuất này”.
TP HCM muốn đặt chuẩn rau, thịt an toàn
Ngày 9-6, ông Nguyễn Phước Trung, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP HCM, cho biết TP rất mong muốn xây dựng được các quy chuẩn về cung cấp rau, thịt an toàn như một nước nhập khẩu nhưng phải làm thận trọng trên cơ sở tham khảo ý kiến các địa phương khác và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Hiện TP đã có một quy định riêng như cấm kinh doanh gia cầm sống tại chợ; sản phẩm gia cầm bán ra thị trường phải có bao bì, nhãn mác.
Ông Trung nêu nhiều vướng mắc hiện nay trong việc truy xuất nguồn rau, thịt tại nơi tiêu thụ chủ yếu chỉ căn cứ trên lời khai của chủ hàng. Ví dụ, heo được thương lái gom từ các địa phương khác sau đó xin giấy chứng nhận kiểm dịch nên thông tin không xác định được hộ chăn nuôi cụ thể mà chỉ có tên xã, huyện nơi xuất phát lô hàng.
Clip đang được xem nhiều nhất: Võ Hoàng Yến vỡ òa xúc động khi biết tin được làm mẹ, tiết lộ từng tránh mặt 'nửa kia' vì lý do tuổi tác
- Thứ gì được cất giữ ở một nơi trong Tử Cấm Thành mà cần có cảnh sát vũ trang canh gác 24/24 giờ?
- Nếu chồng bạn có những đặc điểm này thì có nghĩa là bạn đã chọn và cưới đúng người, rất chính xác!
- Massage cổ có gây nhồi máu não không? Lời khuyên của chuyên gia: 7 kiểu người này không phù hợp để massage
- Từ 1/7/2025: Thay đổi cách tính lương hưu theo Luật BHXH mới, hàng triệu người hưởng lợi
- Quận đông dân nhất Việt Nam: Dân số bằng 2 tỉnh cộng lại, là một trong hai quận lớn nhất TP. HCM
- Lịch nghỉ Tết Nguyên đán 2025 mới nhất của học sinh cả nước
- Thưởng Tết 2025, mức thưởng cao nhất là trên 500 triệu đồng/người. Là ai?
- Tại sao Sơn Tùng lại nổi tiếng?
- Trước Tết dương lịch 2025, đây là 6 thủ tục hành chính cần hoàn thành
- Đây là tên gọi đầu tiên của Hà Nội, người Hà Nội lâu năm chưa chắc đã biết, nó có ý nghĩa gì?
- Tin vui thưởng Tết Nguyên Đán 2025: Sẽ cao hơn năm 2024 từ 6 - 8%