“Nếu không có mối quen biết thân mật, có lẽ tôi đã không thể tiến hành xong thủ tục sang tên đổi chủ đối với chiếc xe máy Wave Susuki mua cách đây 8 năm”.
Rất nhiều người dân đến sang tên đổi chủ xe máy. (Ảnh minh họa). |
Nghị định 71/CP vừa được ban hành nhằm mục đích siết chặt công tắc quản lý và thực thi pháp luật đối với các chủ phương tiện không thực hiện việc chuyển quyền sở hữu phương tiện hoặc không làm đăng ký mới. Nghị định nói rõ, những phương tiện không tiến hành sang tên đổi chủ trong quá trình chuyển nhượng sẽ bị phạt tiền. Ô tô chịu mức phạt từ 6-10 triệu đồng/xe, riêng mô tô, xe máy xử phạt 1 triệu đồng/xe.
Hiện nay với số lượng hàng nghìn chiếc xe máy nằm trong diện không chính chủ, khi Nghị định đã được bắt đầu thực hiện từ ngày 10/11, nhiều người tỏ ra lo lắng vì chưa nắm rõ thủ tục tiến hành sang tên đổi chủ để có thể sở hữu chiếc xe chính chủ cho bản thân.
Dù vấn đề này đã được các cơ quan chức năng và chuyên gia lên tiếng giải thích nhưng phải đến khi “va đập thực tế”, không ít người cảm thấy khá phiền toái, rắc rối.
Mới đây, tòa soạn Xahoi.com.vn nhận được đơn thư phản ảnh của độc giả Đỗ Duy Quân (SN 1950, cán bộ công an về hưu, trú tại nhà số 8 ngõ 464, đường Âu Cơ, Nhật Tân, Hà Nội) chia sẻ về kinh nghiệm lần đầu làm thủ tục sang tên đổi chủ cho chiếc xe máy của mình.
Năm 2004, ông Quân có mua chiếc xe máy Wave Susuki từ một người phụ nữ quen biết (cùng trú tại phường Nhật Tân). Sáng 19/11, sau khi theo dõi báo đài, tìm hiểu về Nghị định 71, ông mang xe đến Phòng công chứng thành phố tại địa chỉ trên đường Lạc Long Quân, quận Tây Hồ để tiến hành làm thủ tục sang tên đổi biển số xe. Trước đó, ông cũng cho biết đã đi tham khảo tại phòng công chứng quận Tây Hồ và phường Nhật Tân nhưng hai nơi này không tiếp nhận.
Phòng công chứng yêu cầu ông Quân photo chứng minh thư của chủ chiếc xe đã bán cho ông. Điều này ông đã biết từ trước nên đã chuẩn bị sẵn. Tuy nhiên, sau đó, một vấn đề khác lại phát sinh, ngoài chứng minh thư của chủ xe, còn cần photo sổ hộ khẩu. Trường hợp hai vợ chồng không có tên trong sổ hộ khẩu gia đình, họ phải trình diện giấy hôn thú để xác minh tính hợp pháp của chiếc xe. Cụ thể, chiếc xe Wave Susuki được coi là tài sản chung của hai người và hiện không xảy ra tranh chấp giữa hai người. Điều này khiến ông khá bất ngờ vì ông sẽ phải mời được cả hai người lên phòng công chứng để xác nhận.
Khá may là vì quen với hai vợ chồng từ trước nên ông đã nói khó để họ bỏ thời gian làm việc lên cơ quan xác minh cùng ông. Mất 1 tiếng sau đó, ông Quân làm xong thủ tục sang tên đổi chủ với chi phí là 400.000 đồng.
Chiều cùng ngày, ông Quân tiếp tục lên Cục thuế Hà Nội nộp thuế trước bạ hết 41.000 đồng. Sau đó, ông sang công an quận Tây Hồ để đổi biển số xe và đăng ký xe hết 50.000 đồng. Tổng cộng số tiền để “biến” chiếc xe Wave Susiki mua lại với giá 4 triệu đồng 8 năm về trước trở thành xe chính chủ, ông Quân đã phải mất số tiền không nhỏ là 500.000 đồng.
Ông Quân thắc mắc “Nếu lúc ở phòng công chứng, tôi không mời được hai vợ chồng chủ xe lên xác minh thì chắc hẳn đã không thể làm xong thủ tục xe trong ngày hôm đó và sẽ phải mất nhiều thời gian, công sức nếu chẳng may họ không còn thường trú tại phường Nhật Tân mà chuyển nhà đi nơi khác”.
Đây là điều hoàn toàn có lý, bởi lẽ nhiều chiếc xe được người dân mua lại từ người lạ, không quen biết hay ở tỉnh khác. Trường hợp chủ xe chuyển nhà ra nước ngoài xảy ra có thể khiến không ít người gặp phiền toái và khó khăn khi muốn sở hữu chiếc xe chính chủ mang tên mình. Mặt khác, đối với những người có nhu cầu mua lại xe cũ thường ít có khả năng tài chính, trong khi đó chi phí sang tên đổi chủ lại quá cao đối với một bộ phận dân nghèo. Nếu một gia đình có từ 2-3 chiếc xe cũ, họ phải "mất đứt" tiền chi phí quá 1 triệu đồng.
- Lừa đảo cận Tết ngày càng tinh vi, chủ tài khoản ngân hàng cần làm ngay việc này để tránh bị 'bay' sạch tiền
- Lịch nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 bắt đầu từ ngày nào?
- Khu đô thị nào có giá cao nhất Hà Nội, lên tới 113 triệu đồng/m2?
- Từ nay ai dùng căn cước công dân theo cách này có thể bị xử phạt lên tới 6 triệu đồng
- Cầu thủ Nguyễn Xuân Son là ai? Cơ duyên nào đưa Nguyễn Xuân Son đến với đội tuyển Việt Nam?
- Năm 2025: Người lao động có bao nhiêu ngày nghỉ lễ, Tết?
- Ngành nào có thu nhập cao nhất Việt Nam?
- Thời tiết dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025: Miền Bắc đón 2 đợt không khí lạnh, cụ thể ra sao?