Phải làm cho rõ ràng, minh bạch thẩm quyền của cơ quan công quyền đến đâu và với người dân, trách nhiệm của họ thế nào chứ không phải thực hiện tùy tiện.
Người dân lo lắng trước quy định xử phạt xe không chính chủ. |
GS Đinh Xuân Thảo - Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp của Quốc hội: Quy định không phù hợp
Có thể khẳng định Nghị định 71 ban hành vào thời điểm này là đúng lúc, bởi lẽ nó đảm bảo cập nhật theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật mà trong đó, việc xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông thì chế tài áp dụng theo xu hướng nghiêm khắc hơn.
Tuy nhiên, riêng quy định tại điểm 8 về sửa đổi Điều 33, tại khoản 3 và điểm e về phạt đối với chủ xe máy và tại khoản 8 điểm c về xử phạt đối với chủ xe ô tô thì phạm vi điều chỉnh của hai khoản mục này là không phù hợp. Vì, hai quy định này liên quan đến sở hữu tài sản. Chế định về sở hữu tài sản lại được quy định trong Bộ luật Dân sự.
Thứ nữa là quyền sở hữu đó liên quan đến việc chuyển đổi, giao dịch về dân sự (mua bán, tặng cho tài sản). Đối với tài sản khi giao dịch, mua bán phải đóng phí và lệ phí, thuế thì thực hiện theo luật và các văn bản pháp luật về phí và lệ phí. Nội dung này không phải là hành vi vi phạm giao thông của người tham gia giao thông.
Theo tôi, nội dung tại hai điều khoản này là không đúng đối tượng điều chỉnh của nghị định. Quy định là phạt chủ xe máy, ô tô chứ không thể phạt người sử dụng phương tiện. Muốn phạt được đúng chủ xe, mà chủ xe theo Luật Dân sự quy định phải là người có đủ 3 quyền: Chiếm hữu, sử dụng và định đoạt. Còn kể cả người đi mượn, người được ủy quyền thì cũng không phải chủ xe.
CSGT không có quyền bắt một người dân đi trên đường khi họ không có vi phạm gì để chứng minh cho được nguồn gốc phương tiện đó ở đâu. Đối với những người sử dụng phương tiện giao thông mà vi phạm thì CSGT có quyền xác minh kiểm tra giấy tờ đối với phương tiện đó, xem nguồn gốc đó gắn với người sử dụng đó như thế nào.
Tuy nhiên, phải làm cho rõ ràng, minh bạch thẩm quyền của cơ quan công quyền đến đâu và đối với người dân, trách nhiệm của họ thế nào chứ không phải thực hiện một cách tùy tiện, muốn kiểm tra ai thì kiểm tra. Anh kiểm tra bằng lái thì có thể được nhưng việc bắt chứng minh nguồn gốc xe ở đâu mà có thì không được.
Tôi khẳng định lại, quy định về việc đi xe phải sang tên, đổi chủ là quy định thuộc sở hữu được quy định trong Bộ luật Dân sự. Nội dung phạt đối với chủ sở hữu tài sản không phải là đối tượng điều chỉnh của lĩnh vực vi phạm giao thông đường bộ. Cho nên, nội dung này không được quy định trong Nghị định 71. Đề nghị loại nội dung này ra khỏi Nghị định 71.
Ngoài ra, chúng ta phải rà soát lại các quy định khác (Luật Dân sự, Luật Phí và lệ phí). Ví dụ, mức thuế trước bạ, phí, lệ phí để làm thủ tục sang tên, đổi chủ vừa phải thôi. Như quy định hiện nay đối với xe ô tô là 10% và xe máy là 2% là quá cao. Mục đích của việc sang tên đổi chủ là quản lý hành chính chứ không phải là nguồn thu cho ngân sách. Đây không phải là lĩnh vực kinh doanh hay tiêu thụ đặc biệt.
Luật sư Trần Khánh Linh - Công ty Luật TNHH LDL (quận Hải Châu, TP.Đà Nẵng): Dân lo lắng là đương nhiên
Hiện nay tất cả các quy định trong Nghị định 71/2012 là khá rõ ràng. Tuy nhiên, đối với người dân và lực lượng thực thi pháp luật thì việc xác định hành vi vi phạm và xử phạt hành vi vi phạm, ngoài căn cứ trong Nghị định 71, còn phải hiểu rõ các văn bản pháp luật có liên quan. Trong đó phải chú ý đến quyền của công dân được quyền ủy nhiệm định đoạt, cho thuê sử dụng tài sản xe máy, ô tô… cho người khác.
Theo quy định của Nghị định 71/2012 thì chỉ quy định là không chuyển quyền sở hữu phương tiện theo quy định, chứ không có quy định về việc đi xe mượn hay xe thuê. Về nguyên tắc của pháp luật hành chính, muốn xử phạt ai vi phạm hành chính thì phải chứng minh lỗi của người vi phạm.
Mặt khác, theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính thì “Người có thẩm quyền xử phạt có trách nhiệm chứng minh vi phạm hành chính” (Điểm đ, khoản 1, Điều 3 Luật Xử lý vi phạm hành chính ban hành ngày 20.6.2012). Vì vậy, có thể nói người sử dụng phương tiện tham gia giao thông không có nghĩa vụ phải chứng minh mình đang đi xe của ai, thuê hay mượn.
Ngoài ra, luật còn quy định thẩm quyền xử phạt của lực lượng công an nhân dân, trong đó cấp chiến sĩ chỉ được phạt tối đa đến 200.000 đồng; Đội trưởng, trạm trưởng chỉ được xử phạt đến 500.000 đồng. Đối với hành vi không chuyển quyền sở hữu phương tiện theo quy định thì thẩm quyền xử phạt thuộc trưởng công an cấp huyện, và phải chứng minh là có hành vi vi phạm hành chính.
LS Trịnh Anh Dũng (Đoàn luật sư TP.Hà Nội): Không nên lách luật
Trong Bộ luật Dân sự có quy định cho phép ủy quyền sử dụng, định đoạt tài sản. Tuy nhiên người dân không nên lách luật để đối phó với việc sang tên đổi chủ phương tiện mà mình đang sở hữu như ô tô, xe máy. Bởi lẽ nó sẽ xảy ra hệ lụy không tốt cho cả 2 phía.
Cụ thể, anh đã bán xe nhưng người mua không đi sang tên đổi chủ lại dùng giấy ủy quyền, nếu chiếc xe đó không may gây tai nạn, về nguyên tắc pháp luật anh không phải chịu trách nhiệm nhưng khi người gây tai nạn bỏ trốn anh sẽ gặp rầy rà phiền toái. Ngược lại, người đã mua xe mà dùng giấy ủy quyền, khi người ủy quyền chết thì giấy đó hết hiệu lực. Bên cạnh đó người ủy quyền họ có ý đồ xấu bác giấy đó thì vô hình trung tài sản sẽ trở thành tranh chấp.
LS Nguyễn Quang Tiến (Đoàn luật sư TP.Hà Nội): Nhiều phát sinh khó thực hiện
Nghị định 71/2012 có quy định xử lý chủ xe không sang tên đổi chủ, thực ra đây không phải là vấn đề mới. Việc chuyển quyền sở hữu tài sản đã có từ lâu, được Bộ luật Dân sự quy định. Phương tiện giao thông (trong đó có ô tô, xe máy) là đối tượng tài sản phải đăng ký quyền sở hữu. Tại điểm đ, khoản 4, Điều 33, Nghị định số 34/2010/NĐ-CP đã quy định hình thức xử lý với vi phạm không sang tên đổi chủ phương tiện. Cái mới của Nghị định 71/2012 là tăng mức phạt lên cao hơn.
Về góc độ xã hội, nếu thực hiện tốt Nhà nước sẽ quản lý được lượng tài sản trong dân một cách hữu hiệu, tránh những tranh chấp, kiện cáo xảy ra. Bên cạnh đó phương tiện giao thông như ô tô, xe máy khi lưu thông được coi là nguồn nguy hiểm cao độ. Chính vì thế việc đăng ký đứng tên chủ sở hữu phương tiện sẽ thuận lợi trong việc xác định trách nhiệm của chủ sở hữu (khi xảy ra vấn đề liên quan đến hình sự). Thời gian qua, dù đã có quy định nhưng việc tuyên truyền, xử lý chưa quyết liệt, dẫn đến tình trạng rất nhiều phương tiện người dân đang sở hữu nhưng chưa sang tên đổi chủ.
Việc một vị lãnh đạo Phòng CSGT – Công an TP.Hà Nội từng nói trên báo chí là phải mang hộ khẩu theo để chứng minh là cách hiểu sai lệch, không phù hợp với thực tiễn. Còn nếu “nới lỏng” với những trường hợp như trên, thì người đi xe không chính chủ khi bị kiểm tra cũng vin vào lý do đó, công an có phạt được không? Còn để xác minh rõ sự việc thật giả thì cơ quan chức năng lại tốn quá nhiều thời gian, công sức.
- Lừa đảo cận Tết ngày càng tinh vi, chủ tài khoản ngân hàng cần làm ngay việc này để tránh bị 'bay' sạch tiền
- Lịch nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 bắt đầu từ ngày nào?
- Khu đô thị nào có giá cao nhất Hà Nội, lên tới 113 triệu đồng/m2?
- Từ nay ai dùng căn cước công dân theo cách này có thể bị xử phạt lên tới 6 triệu đồng
- Cầu thủ Nguyễn Xuân Son là ai? Cơ duyên nào đưa Nguyễn Xuân Son đến với đội tuyển Việt Nam?
- Năm 2025: Người lao động có bao nhiêu ngày nghỉ lễ, Tết?
- Ngành nào có thu nhập cao nhất Việt Nam?
- Thời tiết dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025: Miền Bắc đón 2 đợt không khí lạnh, cụ thể ra sao?