Không nằm ngoài dự đoán, phiên chất vấn Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình nóng ngay từ phút đầu với 2 câu hỏi về vụ ông Nguyễn Thanh Chấn bị tù oan 10 năm trời.
Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình |
Còn bao nhiêu thỏ thành gấu?
ĐB Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng), nguyên Viện trưởng VKSND tỉnh Lâm Đồng hỏi:
Trong năm 2013 có rất nhiều vụ án đã hoàn thành chỉ tiêu trong nghị quyết 37 của QH. Tuy nhiên, hàng năm vẫn có hàng chục ngàn đơn xin giám đốc thẩm, tái thẩm. Điều đó chứng tỏ rằng, niềm tin của người dân vào công tác của ngành tư pháp chưa cao.
Vậy Chánh án cho biết, Chánh án có giải pháp gì để nâng cao chất lượng xét xử để lấy lại niềm tin của nhân dân và giải quyết kịp thời đơn giám đốc thẩm, tái thẩm cho người dân?
Vụ án ông Nguyễn Thanh Chấn bị kết án chung thân sau 10 năm được minh oan gây bức xúc trong dư luận. Người ta cho rằng, “nhất nhật tại tù, ngàn thu tại ngoại”, vậy trách nhiệm ngành tòa án đến đâu. Chánh án có giải pháp gì để minh oan, xin lỗi án oan, bồi thường cho người dân và liệu còn có bao nhiêu con thỏ thành con gấu hay không?
Giám sát hỏi cung
ĐB Lê Thị Nga (Thái Nguyên), Phó chủ nhiệm UB Tư pháp QH hỏi:
Qua vụ ông Nguyễn Thanh Chấn và một số vụ oan cho thấy có lỗi điều tra của Viện kiểm sát và Tòa án. Tôi đề nghị cả Chánh án, Viện trưởng VKSNDTC và Bộ trưởng Công an cho biết: Một là, trách nhiệm của mình trong việc để xảy ra một số vụ điều tra, truy tố, xét xử oan?
Hai là, thời gian qua có những phản ánh một số bị can điều tra viên ép cung, nhục hình buộc phải nhận tội mà mình không thực hiện. Ba đồng chí có giải pháp gì để giải quyết tình trạng này, Chánh án có giải pháp gì để tổng kết kinh nghiệm xét xử nhằm giúp thẩm phán đánh giá, điều tra sự thật khách quan khi các bị cáo khai tại phiên tòa là họ bị bức cung, ép cung, bị nhục hình khi điều tra.
Tôi đề nghị đưa ra 2 giải pháp. Một là dùng camera giám sát tất cả các cuộc hỏi cung, hai là nghiên cứu để giao công tác tạm giữ, tạm giam cho một ngành khác không phải là công an để tránh việc cùng một chủ thể vừa có trách nhiệm điều tra tội phạm vừa có quyền quản lý giam giữ.
Quan điểm của Chánh án, Viện trưởng và Bộ trưởng Công an về 2 việc tôi nêu trên?
Rất khó phát hiện ép cung
Trả lời 2 đại biểu, Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình nói:
Câu hỏi rất rộng, thẩm quyền liên quan 3 ngành: Công an, Tòa án, Kiểm sát, trong đó Tòa án là một chủ thể của quá trình tố tụng.
Vụ án ông Chấn xảy ra đã có bản án hình sự phúc thẩm năm 2004. Vụ án sau khi xét xử thì ông Chấn có đơn kêu oan. Gần đây có xuất hiện việc ngày 4/11/2013, Viện trưởng VKSNDTC căn cứ các quy định pháp luật tố tụng hình sự có quyết định kháng nghị tái thẩm số 01 đối với bản án hình sự phúc thẩm nêu trên.
Bản án được kháng nghị và như tôi đã báo cáo, TANDTC đã triệu tập phiên họp của hội đồng thẩm phán tối cao để xét xử tái thẩm, căn cứ pháp luật hội đồng thẩm phán TANDTC đã chấp nhận kháng nghị của Viện trưởng để hủy án điều tra lại. Hiện nay, các thủ tục về tố tụng đang được tiến hành để VKS thực hiện việc điều tra lại. tất nhiên VKS sẽ chuyển lại cơ quan điều tra để điều tra lại vụ án.
Liên quan đến câu hỏi này, các vị ĐBQH chắc rất quan tâm, cả đồng bào cử tri cả nước. Vấn đề đặt ra ở đây là có oan sai hay không? Mỗi vị đã có suy nghĩ và có quan điểm khác nhau, đặt vấn đề có ép cung nhục hình không, trách nhiệm các cơ quan?
Các năm gần đây, mỗi năm cơ quan tố tụng thụ lý giải quyết trên 100.000 vụ án hình sự. Việc đấu tranh điều tra tội phạm là khó khăn, vất vả, có trường hợp chiến sĩ ngành công an hi sinh hao tổn xương máu hoàn thành nhiệm vụ, công tố và thẩm phán cũng chịu áp lực rất lớn.
Nhưng với trách nhiệm được giao, đa số kiểm sát viên, điều tra viên được tuyển chọn cẩn thận, đào tạo bài bản, bổ nhiệm chặt chẽ, họ là những cán bộ tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân trên mặt trận đấu tranh phòng chống tội phạm, bảo vệ công lý, quyền con người, chế độ XHCN và đã thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.
Tuy nhiên, trên thực tế do nhiều lý do khác nhau nên có oan sai. Gần đây dư luận cho rằng vụ ông Chấn có oan sai và có ép cung, nhục hình.
Về bình diện chung, nền tư pháp của nước nào (kể cả nước tiên tiến) cũng không tránh khỏi oan sai. Việt Nam cũng nằm trong thực tế đó, nhưng việc để xảy ra oan sai, và oan với những người bị buộc tội ở mức án cao nhất (20 năm, chung thân, tử hình) là không thể chấp nhận được.
Nhưng việc xác định có oan sai không phải theo quy định của pháp luật rất chặt chẽ, dư luận là dư luận, người có trách nhiệm phải xem xét lời kêu oan, thực hiện đầu đủ trách nhiệm của mình vì để xảy ra oan sai là nỗi thống khổ, nhất nhật tại tù thiên thu tại ngoại, thiệt hại về nhân phẩm, danh dự, quyền tự do thân thể quyền con người, quyền tự do công dân, cả dòng tộc, cần xem xét giải quyết kịp thời nhưng phải đúng pháp luật.
Tòa án xem xét trong giai đoạn xét xử có oan hay không thì phải được xem xét bằng một hội đồng xét xử, mong ĐBQH xem xét thấu đáo chờ cơ quan chức năng giải quyết lại đúng đắn vụ án, các cơ quan này chịu trách nhiệm trước QH, pháp luật và nhân dân.
Về vấn đề có ép cung nhục hình không, nếu có thì tôi nghĩ rằng đó là điều không thể chấp nhận được, nhưng nếu có thì phải được chứng minh.
Vấn đề hiện nay tôi được biết Bộ trưởng Công an đang cho tiến hành kiểm điểm vụ việc này. Trong quá trình điều tra, có sự tham gia của VKS từ đầu, KS cả việc bắt, tạm giữ, tạm giam, khởi tố, điều tra và Viện có trách nhiệm truy tố vụ án trước pháp luật, thực hiện quyền công tố. Nếu có ép cung, nhục hình thì những người trực tiếp vi phạm phải chịu trách nhiệm, bên đó có trách nhiệm VKS. Luật sư tham gia quá trình này nếu có phát hiện ép cung nhục hình phải chứng minh.
Với Tòa án, dựa trên chứng cứ hồ sơ, tòa án thụ lý và giải quyết theo đúng quy định. Nếu hồ sơ vụ án khép kín, thì Tòa án giải quyết theo đúng quy định về tố tụng và nội dung. Việc hội đồng xét xử có phát hiện ép cung không thì rất khó, bị can, luật sư, viện kiểm sát phải yêu cầu xem xét thì tòa án mới phát hiện được.
Tuy nhiên, với trách nhiệm của HĐXX, để oan sai thì vẫn phải liên đới trách nhiệm, đòi hỏi nâng cao trình độ thẩm phán, thư ký, phải tinh thông nhạy bén, bản lĩnh để phát hiện dấu hiệu không bình thường trong hồ sơ truy tố. Điều này đòi hỏi nâng cao trình độ cán bộ ngành tòa án, đặc biệt thẩm phán, thư ký, đòi hỏi chí công vô tư, có tâm, để không còn xảy ra oan sai ép cung nhục hình nếu có thì phải có trách nhiệm của bên công an, tòa án, kiểm soát. Phải chứng minh chặt chẽ, khách đã rồi mới kết luận, không thể vội vã kết luận được.
Nếu cán bộ nào vi phạm (Công an, Kiểm sát, Tòa án) đều phải xử lý theo mức độ. Nếu có dấu hiệu xâm phạm hoạt động tư pháp thì phải xem xét trách nhiệm hình sự. Còn nếu không phải như thế thì chúng ta không thể kết luận vội vàng vì đây còn liên quan đến tinh thần, ý chí, chiến công với tội phạm, không khéo sẽ làm chùn bước, nhụt ý chí những người đang làm nhiệm vụ hết sức khó khăn gian khổ và nguy hiểm thì không được.
Tất cả phải được xem xét 2 mặt.
Nếu thực sự có oan sai trong từng giai đoạn xét xử như tôi đã nói, tùy theo từng giai đoạn và vụ việc, thuộc trách nhiệm của cơ quan nào, về nguyên lý chung, người đứng đầu có trách nhiệm.
Sau câu trả lời của Chánh án, ĐB Lê Thị Nga đứng lên hỏi lại:
Về vụ ông Nguyễn Thanh Chấn, tôi đã có văn bản riêng gửi Chủ tịch nước Trương Tấn Sang - Trưởng Ban chỉ đạo Cải cách tư pháp TƯ, Phó chủ tịch QH Uông Chu Lưu, Chánh án, Viện trưởng VKSNDTC và Bộ trưởng Công an. Tại diễn đàn này tôi có ý kiến, xin các đồng ý lưu ý xem xét đơn kiến nghị của tôi.
Thứ hai, tôi đề nghị Bộ trưởng Công an: Hiện nay theo quyết định của Hội đồng tái thẩm, hồ sơ vụ án của ông Chấn được giao lại cho cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bắc Giang để điều tra lại. Tuy nhiên, để đảm bảo khách quan, tôi đề nghị Bộ trưởng Công an không để Công an Bắc Giang điều tra nữa và căn cứ khoản 4 điều 110 bộ luật Tố tụng hình sự, chỉ đạo cơ quan điều tra Bộ Công an rút hồ sơ lên để trực tiếp điều tra, VKSNDTC trực tiếp giám sát điều tra.
Đề nghị thứ hai, trong quá trình điều tra lại cơ quan điều tra VKS phải hoàn toàn dựa trên những chứng cứ sự thật khách quan. Nếu không đủ căn cứ buộc ông Chấn phạm tội thì phải đình chỉ điều tra ngay cho ông Chấn, không đợi quá trình điều tra Lý Nguyễn Chung, tuyệt đối không được dùng nguyên tắc suy đoán có tội theo hướng nếu không chứng minh được tên Chung phạm tội thì chính là ông Chấn.
Đề nghị cơ quan điều tra, VKSNDTC khẩn trương xác minh điều tra.
Đề nghị Chánh án, Viện trưởng rà soát lại tất cả những vụ kêu oan, khẩn trương đối với những vụ án sắp tử hình nhằm tránh tình trạng khi phát hiện ra oan thì đã bị thi hành án.
Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình trả lời:
Văn bản mà ĐB Nga gửi, tôi đã nhận được, chúng tôi có trách nhiệm nghiên cứu và báo cáo lại với ĐB.
Các ý kiến đề nghị của ĐB Lê Thị Nga, 3 ý đầu đề nghị các đồng chí của VKS, Công an tham gia, đề nghị thứ 4, hiện nay chúng tôi đã chỉ đạo rà soát tất cả các bản án hình sự có kiến nghị, có đơn kêu oan, có ý kiến của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, MTTQ, qua báo chí, ý kiến của các ĐBQH.
Chúng tôi rà soát các bản án cao nhất để xem xét (đặc biệt tử hình), nếu phát hiện có vi phạm, sai lầm nghiêm trọng thì phải thực hiện quyền kháng nghị của Chánh án. Hoặc có những vụ việc có tình tiết tái thẩm thì phải phối hợp VKS cùng nhau giải quyết.
Lắp camera ở phòng hỏi cung
Chiều nay, Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang đã báo cáo bổ sung về tình trạng oan sai, ép cung, nhục hình trong điều tra, xử lý vụ án hình sự và quan điểm chỉ đạo, chủ trương giải pháp của Bộ về vấn đề này.
Trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm nói chung, và công tác điều tra xử lý các vụ án hình sự nói riêng, một nguyên tắc quan trọng hàng đầu và xuyên suốt là không để lọt tội phạm, không để xảy ra oan sai, nghiêm cấm việc ép cung, mớm cung, bức cung, nhục hình, nếu vi phạm phải xử lý nghiêm minh, trường hợp vi phạm nghiêm trọng phải xử lý theo pháp luật hình sự.
Theo quy định của pháp luật, thủ trưởng, phó thủ trưởng cơ quan điều tra và điều tra viên trực tiếp thụ lý vụ án là những người chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu để xảy ra oan sai.
Về kiến nghị của các ĐBQH về vụ án xảy ra ở thôn Me, Nghĩa Trung, Việt Yên, Bắc Giang, sau khi Hội đồng thẩm phán của TANDTC ra quyết định tái thẩm, Bộ Công an đã giao cơ quan cảnh sát điều tra phối hợp các cơ quan tố tụng xử lý vụ việc theo đúng thẩm quyền và trình tự, thủ tục tố tụng theo đúng quy định của pháp luật.
Về kiến nghị lắp đặt camera tại phòng hỏi cung: Là giải pháp đảm bảo và tăng cường quản lý Nhà nước đối với hoạt động hỏi cung của điều tra viên. Bộ Công an đã chọn giải pháp này, đang từng bước trang bị lắp đặt camera vào các phòng hỏi cung và trên thực tế đã lắp đặt được ở một số địa bàn trọng điểm (do khó khăn về kinh phí). Để triển khai toàn bộ kế hoạch này sẽ báo cáo tăng kinh phí đầu tư cho công tác này.
Xin báo cáo là hiện nay Bộ Công an không quản lý nhà tạm giữ, trại tạm giam mà hệ thống này được giao cho Tổng cục thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp thống nhất quản lý.
Viện trưởng VKSNDTC Nguyễn Hòa Bình cũng đã trả lời:
VKS đã nhận được kiến nghị của các ĐB về việc xem xét lại vụ án Bắc Giang.
Đây là vụ án nhận được sự quan tâm rộng rãi của nhân dân, công luận, QH, có sự chỉ đạo của Chủ tịch nước, sự đôn đốc của UB Kiểm tra TƯ nên suốt quá trình làm việc, VKS đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an, Tòa án, đã giải quyết vụ án thận trọng, họp lãnh đạo Viện, Ban KS với tất cả các cơ quan chuyên môn.
Kết quả là hội đồng thẩm phán đã chấp nhận kháng nghị tái thẩm của VKS. ĐB đề nghị xem lại thì Chánh án đã nêu rõ rồi, sẽ tiếp tục xử lý vụ án theo đúng quy định.
- Từ 1/7/2025: Thay đổi cách tính lương hưu theo Luật BHXH mới, hàng triệu người hưởng lợi
- Quận đông dân nhất Việt Nam: Dân số bằng 2 tỉnh cộng lại, là một trong hai quận lớn nhất TP. HCM
- Lịch nghỉ Tết Nguyên đán 2025 mới nhất của học sinh cả nước
- Thưởng Tết 2025, mức thưởng cao nhất là trên 500 triệu đồng/người. Là ai?
- Tại sao Sơn Tùng lại nổi tiếng?
- Trước Tết dương lịch 2025, đây là 6 thủ tục hành chính cần hoàn thành
- Đây là tên gọi đầu tiên của Hà Nội, người Hà Nội lâu năm chưa chắc đã biết, nó có ý nghĩa gì?
- Tin vui thưởng Tết Nguyên Đán 2025: Sẽ cao hơn năm 2024 từ 6 - 8%