Hôm qua, Sở Công Thương TPHCM làm việc với các đầu mối nhập khẩu, phân phối gas đưa mặt hàng này vào nhóm bình ổn giá. Tuy nhiên, theo các doanh nghiệp (DN), việc bình ổn mặt hàng này rất khó khả thi.
|
Bình ổn giá gas này gặp nhiều trở ngại.
Theo dự thảo của Sở Công Thương TPHCM, việc bình ổn mặt hàng gas sẽ kéo dài 1 năm (từ 1-4-2012 đến 31-3-2013).
Giá bán sẽ được các DN tham gia chương trình xây dựng và đăng ký với Sở Tài chính theo nguyên tắc xác định đầy đủ, chính xác cơ cấu giá thành theo các yếu tố hình thành giá và luôn đảm bảo tính hợp lý, ổn định (từ 3 - 6 tháng ) và dẫn dắt thị trường.
Nếu giá nguyên liệu và chi phí đầu vào tăng từ 5 - 10% so với đăng ký ban đầu, các đơn vị chủ động thực hiện lại việc đăng ký giá bán và được điều chỉnh giá sau khi Sở Tài chính thẩm định và chấp thuận.
Theo đại diện Sở Công Thương, tham gia chương trình này DN có thể hòa vốn nhưng sẽ được hưởng những ưu đãi khác như được quảng bá thương hiệu, tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để đầu tư hạ tầng, kho bãi và giới thiệu những mặt bằng tốt tại các khu dân cư để mở cửa hàng.
Các doanh nghiệp cho rằng, thời gian bình ổn mà Sở đưa ra là quá dài trong khi giá gas biến động liên tục. Nếu thời gian bình ổn chỉ áp dụng theo từng tháng thì DN sẵn sàng.
Bà Lê Thị Anh Mẫn, Phó giám đốc Saigon Petro cho rằng, việc tăng giá đối với các DN là tình thế bất khả kháng vì chi phí nguyên liệu chiếm trên 90% giá thành gas bán ra thị trường, trong khi lượng gas sản xuất trong nước từ hai nhà máy Dinh Cố và Dung Quất không đủ, phần lớn vẫn phải nhập khẩu, giá gas tại thị trường trong nước luôn phải lên xuống theo giá thị trường thế giới.
“Nếu có thể xem xét sử dụng nguồn gas trong nước hoặc theo cách làm của Thái Lan là Nhà nước hỗ trợ giá, nên giá gas tại nước này luôn giữ ổn định và thấp hơn thị trường thế giới” - bà Mẫn nói.
Ông Tôn Quang Trí - Phó GĐ Sở Công Thương TPHCM cho rằng cách làm này sẽ triệt tiêu sức cạnh tranh của DN trong nước, không khác gì việc “móc tài nguyên lên tiêu xài”. Chưa kể, khi giá gas trong nước thấp hơn khu vực sẽ lại diễn ra tình trạng xuất lậu qua biên giới như từng xảy ra với xăng dầu.
Theo lãnh đạo Sở Công Thương, khó bình ổn ở khâu đầu vào vì giá gas phụ thuộc vào giá thế giới, chi phí nguyên liệu chiếm tới 90%, chỉ trông chờ khâu còn lại (khoảng 10%) nằm trong chi phí chiết khấu giữa DN và đại lý.
Tuy nhiên, theo các DN, mặc dù việc mở các đại lý bán lẻ gas đã được khống chế bằng những điều kiện ràng buộc khác nhau nhưng tình trạng buôn bán trái phép các loại giấy phép kinh doanh gas đang diễn ra tràn lan.
Giá gas ở mức cao và không đồng nhất vì nhiều đại lý khi giao gas luôn kèm theo giá gửi xe, giá thang máy tại chung cư... Trước đây 1 đại lý có thể nhận phân phối cho hàng chục thương nhân nhưng hiện rút xuống còn 3, như vậy 7 thương nhân còn lại sẽ phải cạnh tranh khốc liệt để giành giật đại lý.
Chính vì vậy, theo ông Trần Văn Nghị - Phó TGĐ Công ty CP kinh doanh khí hóa lỏng miền Nam, theo quy định, một đại lý chỉ được phép ký hợp đồng phân phối với 3 thương nhân cung cấp gas, nhưng thực tế nhiều đại lý phân phối cho 4 - 5 hãng mà không bị cơ quan quản lý nào “hỏi han”.
Ông Nghị cho rằng, cần phải mạnh tay phạt mới hi vọng chấn chỉnh tình trạng này. “Ở An Giang là điển hình, các cơ quan chức năng đã phạt tới hơn 10 triệu đồng/bình nếu phát hiện loại bình thứ 4 trong đại lý gas, nên có sức răn đe mạnh mẽ” - ông Nghị nói.
- Thời điểm không khí lạnh mạnh nhất của mùa đông năm nay diễn ra khi nào?
- Soi profile của Hoa hậu Thanh Thủy - Miss International 2024: Học thức đỉnh cao, tài sắc vẹn toàn
- Lương hưu cao nhất Việt Nam hiện nay là bao nhiêu?
- Trùm giang hồ 'Bình Kiểm' lên kế hoạch bắt cóc ca sĩ, người mẫu
- 5 cái tên bị luật cấm đặt khai sinh ở Việt Nam, đó là tên nào?
- Tại sao vàng giảm giá khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ?
- Tỉnh nào có tuổi thọ thấp nhất Việt Nam?
- Vụ rơi máy bay quân sự tại Bình Định: 2 phi công thoát nạn thế nào?