Hôm nay (22/4) xử phúc thẩm vụ Vinalines: Dự báo sẽ tranh cãi nhiều về tội tham ô
Thứ ba, 22/04/2014 08:00

Hôm nay (22/4), TAND Tối cao tại Hà Nội mở phiên tòa xét xử vụ án sai phạm tại Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam theo kháng cáo của bị cáo Dương Chí Dũng và đồng phạm.

Các bị cáo tại phiên xét xử sơ thẩm tháng 12.2013.

Các bị cáo tại phiên xét xử sơ thẩm tháng 12.2013.

TRỰC TIẾP: Phiên tòa phúc thẩm xét xử vụ án Dương Chí Dũng

Có thêm bất ngờ gì vụ báo tin bỏ trốn?

Tại phiên tòa sơ thẩm (từ 12 - 16/12/2013), khi được hỏi về ai đã mật báo cho biết bị khởi tố, bắt giam để bỏ trốn, bị cáo Dương Chí Dũng - nguyên Chủ tịch HĐQT Vinalines, nguyên Cục trưởng Cục Hàng hải, Bộ GTVT, chỉ nói đã khai hết với Cơ quan điều tra Bộ Công an. Thế nhưng tại phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ Dương Tự Trọng và đồng phạm (Trọng là em ruột Dũng) ngày 7 và 8/1/2014, Dương Chí Dũng đến tòa với tư cách nhân chứng đã bất ngờ khai rõ tên một lãnh đạo cấp cao ở Bộ Công an là người mật báo. Căn cứ vào lời khai trên, Hội đồng xét xử đã khởi tố vụ án “cố ý làm lộ bí mật nhà nước” ngay tại tòa.

Với sự dích dắc của vụ án, dư luận đang muốn biết tại phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ Vinalines, Dương Chí Dũng có khai thêm gì xung quanh việc được báo tin để bỏ trốn. Trao đổi với phóng viên NTNN-Dân Việt, một số vị luật sư có kinh nghiệm cho rằng nhiều khả năng sẽ không có thêm lời khai động trời gì từ Dương Chí Dũng, bởi vụ án “cố ý làm lộ bí mật nhà nước” là một vụ án độc lập, không còn liên quan đến vụ án đang xử.

Theo luật sư Trần Đình Triển (Đoàn luật sư TP.Hà Nội, người bào chữa cho Dương Chí Dũng), bị cáo Dương Chí Dũng có làm đơn đề nghị Đảng và Nhà nước, các cơ quan pháp luật xem xét cho mình với tư cách là Chủ tịch HĐQT Vinalines, để xảy ra việc mua ụ nổi 83M, thiếu trách nhiệm và cố ý làm trái là có lỗi, có tội trước Đảng, Nhà nước và nhân dân. “Ông Dũng nhận sai điều đó, còn việc tham nhũng 1,66 triệu USD, Dương Chí Dũng vẫn khẳng định không liên quan. Nhưng với tư cách là Chủ tịch HĐQT, Dương Chí Dũng nhận lỗi về việc thiếu trách nhiệm trong công tác quản lý cán bộ” - luật sư Triển cho biết.

Tranh cãi về tội tham ô

Luật sư Trần Đình Triển cũng vừa có chuyến đi Singapore gặp ông Goh Hoon Seow - Giám đốc Công ty AP, đơn vị môi giới bán ụ nổi 83M, để làm rõ thêm về khoản tiền 1,66 triệu USD được cho là số tiền lại quả từ vụ mua ụ nổi 83M. Bản khai và tuyên thệ của ông Goh, theo luật sư Triển là chứng cứ quan trọng để xác định tội tham ô của các bị cáo.

Trong các đơn kháng cáo của số bị cáo còn lại, có người kêu oan, có trường hợp chỉ xin giảm nhẹ hình phạt tù và phần bồi thường dân sự. Riêng trường hợp Bùi Thị Bích Loan - nguyên Trưởng ban Tài chính của Vinalines, người bị kết án 4 năm tù về tội cố ý làm trái không thấy có đơn kháng cáo.

Theo nhận định, tại phiên tòa phúc thẩm, Dương Chí Dũng và các luật sư bào chữa cho mình (Ngô Ngọc Thủy, Trần Đình Triển, Trần Đại Thắng) sẽ tập trung tranh luận nhiều vào vấn đề Dương Chí Dũng có mắc tội tham ô? Theo luật sư Trần Đình Triển, việc ông Goh Hoon Seow chuyển 1,66 triệu USD là có thật. Việc Trần Hải Sơn - nguyên Tổng Giám đốc Công ty TNHH Sửa chữa tàu biển Vinalines - đứng ra nhận khoản tiền này thông qua Công ty Phú Hà (của em gái Sơn) là có. “Đây là 2 việc không có gì phải tranh cãi, nhưng việc bị cáo Sơn có chia khoản tiền 1,66 triệu USD cho bị cáo Dũng, Mai Văn Phúc và Trần Hữu Chiều như lời khai của Sơn và kết luận của tòa sơ thẩm hay không là vấn đề phải xem xét kỹ. Bởi lời khai của Trần Hải Sơn về việc này thiếu nhất quán và logic” - luật sư Triển phân tích.

Trong đơn kháng cáo của Mai Văn Phúc - nguyên Tổng Giám đốc Vinalines, người bị tuyên án tử hình về tội tham ô tài sản, 18 năm tù về tội cố ý làm trái, bị cáo đã kháng cáo cả 2 tội danh mà tòa cấp sơ thẩm đã tuyên. Về tội tham ô tài sản, Trần Hải Sơn khai đưa cho Phúc 10 tỷ đồng từ khoản tiền lại quả 1,66 triệu USD (đưa làm 3 lần) là không có thật. Bị cáo Phúc cho rằng lời khai của Trần Hải Sơn như vậy là man trá. Về tội cố ý làm trái, Mai Văn Phúc cho rằng mình đã làm đúng trình tự, thủ tục.

Còn bị cáo Trần Hữu Chiều - nguyên Phó Tổng Giám đốc Vinalines - trong đơn kháng cáo tội tham ô cũng cho rằng mình không được bàn bạc và không được Dương Chí Dũng, Mai Văn Phúc chia tiền, mà bị kết tội tham ô 340 triệu đồng và chịu hình phạt 10 năm tù là quá oan ức. Khoản 340 triệu đồng là nằm trong khoản 1 tỷ đồng mà Chiều hỏi vay mượn Trần Hải Sơn từ trước.

Trong đơn kháng cáo trước đó, bị cáo Trần Hải Sơn có thừa nhận bản án sơ thẩm là đúng người, đúng tội nhưng xin cấp phúc thẩm giảm nhẹ hình phạt 22 năm tù (2 tội tham ô và cố ý làm trái) và phần bồi thường 39 tỷ đồng cho bị cáo. Trần Hải Sơn là nhân vật mấu chốt trong việc định danh tội tham ô cho 3 bị cáo Dũng, Phúc và Chiều.

Danviet.vn

Clip đang được xem nhiều nhất: Nhóm thanh niên ngăn cô gái nhảy cầu

Tag: Đại án Vinalines , tham nhung , dai an tham nhung , Mai Văn Phúc , Dương Chí Dũng , tham o , tin , bao , Duong Tu Trong , phuc tham Duong Chi Dung