Họ là những người từng có một gia đình trọn vẹn, có những cái Tết ấm cúng, hạnh phúc. Nhưng giờ khi Tết đến, nhiều người trốn mình ngủ vùi, lặng lẽ khóc hoặc xách vali đi thật xa…
|
Tết ngủ vùi và khóc
Chị Vũ Thị Hương, trú tại quận Hoàng Mai (Hà Nội) ly hôn được 4 năm. Cái Tết “đôi ngả chia ly” đầu tiên, mấy mẹ con chị chẳng biết làm gì. Nhà phải đi thuê, không ai biết mà đến chơi. Bản thân chị Hương cũng ngại đến nhà bạn bè, đến đó người ta hỏi thăm lại càng thêm buồn. Vả lại, chính chị cũng “tự kỷ ám thị” cho rằng số phận mình không ra gì, ngày Tết đến nhà người ta khác nào mang vận đen của mình đến.
Đến cái Tết sau chị Hương cho con đi chơi, nhưng nhìn ngoài đường nhà nào cũng đủ vợ, đủ chồng, mình thì thui thủi, vậy là nước mắt cứ chảy ra. Lại quay về nhà nằm, ngủ vùi chờ Tết mau qua. Nghĩ thấy thương các con, chị Hương mua mấy chiếc đĩa phim hoạt hình về cho chúng xem. Bật hết đĩa này đến đĩa khác, lũ trẻ xem mãi cũng chán.
Những người ly hôn “trốn” Tết bằng các cuộc đi xa.
Chị Hương bảo, Tết năm nay mình nhất định sẽ khác, cuộc sống vẫn cứ tiếp diễn, chẳng tội gì phải buồn bã lâu đến thế. “Buồn thế đủ rồi, các con mình cần một không khí vui tươi hơn”, chị Hương nói như muốn củng cố thêm “ý chí” cho mình.
Cũng cùng hoàn cảnh “một nửa”, chị Mai Phương (TP Thái Nguyên) vừa trải qua một cái Tết buồn. Năm trước chị vừa chia tay với người chồng sau 10 năm chung sống. Chị Phương bảo, cái Tết đầu tiên của cuộc sống đơn thân ngập chìm trong nước mắt. “Cuộc sống sau ly hôn khác quá nhiều.
Trước đây, khi còn chồng, cứ gần Tết là mình vẫn phải tất tả ngược xuôi lo bên nội, bên ngoại mua sắm hàng tỷ thứ. Đã có lúc phát bực vì mệt mỏi. Năm vừa rồi thì nhàn tênh, nhưng chính cái sự nhàn ấy làm mình cảm thấy chống chếnh. Gia đình tan vỡ nên mình chẳng thiết đến nhà ai, nhìn họ nô nức chuẩn bị Tết mà chạnh lòng.
Mấy ngày Tết cứ nằm nghĩ đến những tháng ngày hạnh phúc mà khóc suốt. Mệt quá thì lại ngủ, tỉnh dậy lại khóc. Chỉ tội nghiệp con gái mình, thấy mẹ khóc nó cũng khóc theo. Rồi những ngày Tết cũng qua đi, mình hạnh phúc khi được đi làm, bởi đi làm thì còn có công việc, người nọ người kia... Nghĩ đến Tết mình thấy sợ!” - Chị Phương kể.
Khác với cách của những người phụ nữ, anh Lê Quang Ninh (Hà Nội) khi Tết đến đã vùi mình vào những cơn say. Anh cho biết, từ ngày vợ con “bỏ đi”, anh rơi vào trạng thái trống rỗng. Cứ đi làm về là anh lại nhốt mình trong phòng. Ngày Tết, anh chị em và các cháu của anh về chơi đầy nhà, nhưng anh chẳng còn tâm trí nào mà vui vẻ với mọi người...
Liều thuốc “di trú”
Chị Nắng Xuân - Thành viên của diễn đàn Gio.vn – một diễn đàn dành cho những người ly hôn thì lại khác. Chị cho biết: “Tết này mình định làm một chuyến đi Ai Cập hoặc Ấn Độ gì đó. Bây giờ không còn phải gánh trọng trách đối nội, đối ngoại, nên có thời gian để đi. Hơn nữa một phần đi cũng là để trốn nỗi cô đơn”.
Chị Xuân bảo, bạn của chị sau khi ly hôn đã yêu một người góa vợ. Họ sống với nhau rất hạnh phúc nhưng cứ chần chừ không cưới. Bạn bè hỏi sao thì chị này nói, chỉ riêng nghĩ đến ngày Tết làm dâu đã chết khiếp, tự do là... sướng nhất, vậy nên cứ từ từ tận hưởng, được ngày nào hay ngày ấy.
Chị Huyền Dương cũng ở diễn đàn trên tâm sự: “Tết là thời gian mấy mẹ con mình đi chơi. Hai mẹ con đi Tết ông bà rồi ngồi chơi bài, đi hát karaoke... Nói chung là thoải mái tự do làm điều mình muốn. Mình thấy rất vui vì lại sắp Tết rồi. Kỳ nghỉ năm nay khá dài nên mình nghĩ sẽ là một dịp để chơi xả láng!”.
Anh Tống Tuấn Anh - Quản trị diễn đàn Gio.vn - cho rằng, khi mới ly hôn, phản ứng hay gặp nhất là buồn chán, khóc lóc. Với người ly hôn đã lâu, họ sẽ bình tĩnh hơn. Nhưng dù mới ly hôn hay ly hôn đã lâu thì dịp lễ Tết là thời điểm tồi tệ nhất với những người ly hôn.
Với người vừa ly hôn, họ sẽ khép mình, không muốn ra ngoài hay đi thăm thú ai. Còn với người có “thâm niên” thì vào ngày Tết họ thường đi chơi xa. Tuy nhiên đây cũng có thể là biểu hiện của sự “sợ Tết”.
Tết là thời khắc sum vầy, ấm cúng và lại nghỉ rất dài ngày. Người ly hôn không có được sự sum vầy mà lại luôn phải chứng kiến nó, do vậy họ cảm thấy... sợ. Họ đi xa để không phải gặp gỡ gia đình, họ hàng. Bên cạnh đó, cũng có những người khi chưa ly hôn đã quá vất vả với các lễ nghi ngày Tết, nên sau khi “anh đường anh, tôi đường tôi” thì họ có tâm lý muốn được “sổ lồng”, cân bằng lại tâm lý.
Theo anh Tuấn Anh, gần như Tết nào các thành viên trong diễn đàn Gio.vn cũng tổ chức các chuyến đi chơi xa, số lượng người tham gia rất đông. Việc có bạn bè, lại là những người “đồng cảm” sẽ giúp những tâm hồn cô đơn được an ủi rất nhiều trong ngày Tết. Dường như việc “di trú” là liều thuốc khá hiệu nghiệm cho những chú chim “cụt cánh”.
- Khởi tố, bắt giam ca sĩ Chi Dân và người mẫu Andrea Aybar
- Cô gái Việt duy nhất được nhà tiên tri mù Vanga dự đoán số phận là ai?
- Thời điểm không khí lạnh mạnh nhất của mùa đông năm nay diễn ra khi nào?
- Soi profile của Hoa hậu Thanh Thủy - Miss International 2024: Học thức đỉnh cao, tài sắc vẹn toàn
- Lương hưu cao nhất Việt Nam hiện nay là bao nhiêu?
- Trùm giang hồ 'Bình Kiểm' lên kế hoạch bắt cóc ca sĩ, người mẫu
- 5 cái tên bị luật cấm đặt khai sinh ở Việt Nam, đó là tên nào?
- Tại sao vàng giảm giá khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ?