Học sinh gửi xe máy ở bãi ngay cạnh trường và đối phó bằng cách đeo khẩu trang, mặc áo chống nắng hoặc "lách" vào những tuyến đường không có chốt CSGT.
Học sinh Trường THPT Việt Đức lấy xe máy tại bãi gửi xe số 5 Quang Trung. (Ảnh chụp 13/9) |
Sau một thời gian tạm lắng, tình trạng học sinh đi xe máy lại rộ lên khi năm học mới bắt đầu. Để ngăn ngừa tình trạng vi phạm Luật Giao thông đường bộ, bắt đầu từ tháng 9/2012, Công an TP Hà Nội mở đợt kiểm tra tình trạng học sinh đi xe máy.
Theo ghi nhận của phóng viên, tuy đang trong đợt kiểm tra gắt gao, nhưng nhiều phụ huynh vẫn cho con đi xe máy đến trường bình thường. Học sinh gửi xe ở bãi ngay cạnh trường và đối phó bằng cách đeo khẩu trang, mặc áo chống nắng hoặc "lách" vào những tuyến đường không có chốt Cảnh sát giao thông.
Ngang nhiên vi phạm trước cổng trường
1140' ngày 13/9, tại đường Lý Thường Kiệt, 2 học sinh nữ của Trường THPT Việt Đức chở nhau bằng xe máy bỗng loạng choạng ngã xuống đường. Khu vực này cách Trường THPT Việt Đức chừng 200m khiến một số người đi đường phải dừng lại để giúp 2 học sinh dựng xe máy dậy. Tại bãi gửi xe nằm ngay trên vỉa hè ở góc ngã tư Lý Thường Kiệt - Bà Triệu có chừng 30 chiếc xe máy. Khá đông học sinh của Trường THPT Việt Đức đang tụ tập trò chuyện và lấy xe tại đây.
Nhiều học sinh nữ đối phó bằng cách mặc áo chống nắng, đeo khẩu trang kín mít lên xe phóng đi. Nhưng có những học sinh nam và nữ lại chẳng hề ngại ngần đèo nhau trên xe máy và không đội mũ bảo hiểm. Cá biệt, có trường hợp còn "kẹp" ba khá thản nhiên.
Tại bãi gửi xe ở ngã tư Quang Trung - Lý Thường Kiệt, chúng tôi ghi được hình ảnh 3 học sinh nam chở nhau trên xe máy, không đội mũ bảo hiểm từ số 5 Quang Trung phóng ra. Đứng ở đây một lát, chúng tôi còn bắt gặp thêm vài học sinh nam chở nhau.
Trưa 13/9, tại cổng Trường THPT dân lập Đinh Tiên Hoàng, chúng tôi cũng bắt gặp khá nhiều học sinh của trường này đi xe máy. Học sinh gửi xe ngay ngoài cổng trường, thậm chí còn "kẹp" 3 hoặc chở nhau không đội mũ bảo hiểm. Tại Trường THPT Trương Định, quận Hai Bà Trưng vào cuối giờ chiều, hình ảnh chúng tôi ghi lại được là không ít học sinh vẫn còn mặc áo đồng phục đang chễm chệ ngồi trên chiếc xe máy gần cổng trường. Khi 2,3 học sinh nam, nữ từ trường bước ra, những học sinh này cùng chở nhau trên xe máy lao vun vút trên đường.
Nhà trường chưa nghiêm, phụ huynh không gương mẫu
Mặc dù được tuyên truyền và ký cam kết, nhưng nhiều phụ huynh vẫn cho con đi xe máy đến trường, vi phạm Luật Giao thông đường bộ. Theo một cán bộ Phòng Cảnh sát giao thông (CSGT), Công an TP Hà Nội thì hiện nay, công tác tuyên truyền, giáo dục, kiểm tra và xử lý học sinh vi phạm Luật Giao thông đường bộ của một số trường học vẫn chưa sát sao, thậm chí còn thờ ơ. Ngay như Trường THPT Việt Đức, tuy đã cho từng học sinh và phụ huynh ký cam kết không cho con em đi xe máy đến trường, nhưng vi phạm vẫn diễn ra.
Học sinh đi xe máy trên đường Hai Bà Trưng. (Ảnh chụp 13/9)
Làm việc với bà Bùi Thị Lan Anh, cố vấn Đoàn trường THPT Việt Đức, Hà Nội ngày 12/9 thì bà cho biết ngay từ đầu năm học, nhà trường đã tổ chức cho các học sinh ký cam kết về an toàn giao thông trước toàn trường cũng như triển khai về từng lớp học. Nhà trường cũng đã tổ chức lễ phát động thực hiện Tháng an toàn giao thông và Năm an toàn giao thông triển khai đến từng lớp, từng học sinh và cha mẹ học sinh cùng ký cam kết.
Trường THPT Việt Đức có Ban phát thanh và cho phát vào giờ ra chơi về Luật Giao thông đường bộ và trách nhiệm của học sinh khi tham gia giao thông. Các giờ chào cờ, nhà trường còn tổ chức chương trình "Tài trí học đường" 2 tuần/số với chủ đề "An toàn giao thông và ứng xử của bạn". Bà Bùi Thị Lan Anh cho biết, trong năm 2011, trường đã xử lý nhiều học sinh đi xe máy vi phạm. Bà Lan Anh khẳng định, các trường hợp học sinh vi phạm đều xử lý nghiêm, không bao che cho bất kỳ ai. Tuy nhiên, theo những gì chúng tôi ghi nhận được ngày 13-9 thì có thể thấy tình trạng học sinh Trường THPT Việt Đức đi xe máy vẫn chưa kiểm soát được.
Theo Tổ xử lý vi phạm, Đội CSGT số 2 thì từ 7/9 đến ngày 11/9, đã có 67 trường hợp là học sinh đi xe máy vi phạm Luật Giao thông đường bộ bị xử lý. "Những trường hợp này đều bị tạm giữ phương tiện. Các trường hợp vi phạm đều là học sinh THPT, không có học sinh nào lớp 9" - đồng chí Trang, cán bộ Đội CSGT 2 cho biết. Theo danh sách vi phạm thì hầu hết những học sinh này đều đang học tại các trường THPT trên địa bàn quận Ba Đình, Đống Đa, Hoàn Kiếm như Trường THTP Phan Đình Phùng, THTP Phạm Hồng Thái, THPT Đinh Tiên Hoàng, THPT Hoàng Cầu…
Như vậy, có thể thấy, để tình trạng học sinh đi xe máy diễn ra thì lỗi trước tiên thuộc về cha mẹ học sinh. Cùng với đó là thiếu sự kiểm tra, đôn đốc của nhà trường, ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ của học sinh còn kém. Để giải quyết tình trạng này, ngoài công tác kiểm tra của lực lượng CSGT, điều quan trọng chính là việc nâng cao trách nhiệm cha mẹ, nhà trường và ý thức của học sinh.
1. Bà Bùi Thị Lan Anh cho biết, đối với những học sinh đi xe máy khi chưa có giấy phép lái xe, đua xe trái phép sẽ bị kiểm điểm như phê bình trước lớp, trước trường, thông báo với cha mẹ học sinh, cảnh cáo ghi vào học bạ, hạ bậc hạnh kiểm, xếp loại hạnh kiểm yếu và buộc thôi học có thời hạn.
Trường hợp nào vi phạm nặng sẽ chuyển sang cơ quan Công an xử lý. Để ngăn ngừa tình trạng học sinh đi xe máy, hằng ngày, thầy cô giáo trong chi đoàn giáo viên được phân công đi kiểm tra các bãi xung quanh khu vực cổng trường như bãi xe số 5 Quang Trung, bãi xe ngã tư Lý Thường Kiệt - Bà Triệu… Nếu bắt quả tang các học sinh đang gửi xe sẽ xử lý theo quy định của nhà trường. Bên cạnh đó, nhà trường còn xử lý theo hình ảnh do Công an TP Hà Nội gửi về.
2. Sau gần chục ngày ra quân xử phạt, hàng trăm học sinh đi xe máy đến trường đã bị lực lượng Công an TP Hà Nội xử lý. Các trường hợp vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm. Ngoài việc tạm giữ phương tiện, Phòng CSGT Hà Nội sẽ có thông báo từng trường hợp vi phạm gửi về Sở Giáo dục và Đào tạo để Sở chuyển về các trường để có hình thức xử lý học sinh kịp thời.
- Muốn trở thành giáo viên giỏi? - Chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm là điều TIÊN QUYẾT!
- Điểm mới trong các kỳ thi riêng xét tuyển Đại học năm 2025
- 5 năm tới ngành nào hot: Lương lên tới 3,4 tỷ đồng/năm mà không cần bằng đại học?
- 5 ngành học hot nhất hiện nay! Cơ hội việc làm rộng mở, lương 100 triệu đồng/tháng trong tầm tay
- Từ 1/1/2025: Những đối tượng này sẽ được cấp thẻ BHYT miễn phí
- Từ 1/7/2025: Thay đổi cách tính lương hưu theo Luật BHXH mới, hàng triệu người hưởng lợi
- Quận đông dân nhất Việt Nam: Dân số bằng 2 tỉnh cộng lại, là một trong hai quận lớn nhất TP. HCM
- Lịch nghỉ Tết Nguyên đán 2025 mới nhất của học sinh cả nước
- Thưởng Tết 2025, mức thưởng cao nhất là trên 500 triệu đồng/người. Là ai?
- Tại sao Sơn Tùng lại nổi tiếng?
- Trước Tết dương lịch 2025, đây là 6 thủ tục hành chính cần hoàn thành
- Đây là tên gọi đầu tiên của Hà Nội, người Hà Nội lâu năm chưa chắc đã biết, nó có ý nghĩa gì?