Vì sao đã có nhiều biện pháp nhưng Hà Nội không thể dẹp nạn học sinh đi xe máy đến trường?
|
Từ nhiều năm nay, công an Hà Nội đã áp dụng nhiều biện pháp mạnh để ngăn chặn tình trạng học sinh chưa đủ tuổi đi xe máy đến trường. Tuy nhiên, thời điểm này, tại các trường THPT trên địa bàn Thủ đô, tình trang học sinh đi xe máy đến trường vẫn diễn ra nhan nhản.
Đủ mánh “nhờn” luật
Nhiều năm nay, để ngăn chặn tình trạng học sinh chưa đủ tuổi đi xe máy đến trường, công an Hà Nội đã áp dụng nhiều biện pháp mạnh: yêu cầu nhà trường cấm và phạt nặng học sinh để xe máy trong khuôn viên trường, cho cảnh sát giao thông cải trang dạo phố bắt học sinh đi xe máy, chốt trực tại các ngã tư bắt học sinh đi xe máy, mở nhiều chuyên đề xử phạt học sinh đi xe máy… Tuy nhiên, đến thời điểm này, tại các trường THPT trên địa bàn Thủ đô, tình trang học sinh chưa đủ tuổi đi xe máy đến trường vẫn diễn ra nhan nhản.
Khoảng 6h30 phút sáng đầu tuần và trung tuần tháng 4, có mặt tại cổng trường THPT Trần Phú, chúng tôi chứng kiến cảnh gần chục học sinh trong đồng phục học sinh “lượn” xe máy đến trường.
Ngay gần đó, ba nữ sinh đầu trần, trên tay áo còn ghi rõ phù hiệu trường nhanh nhảu quẹo xe lao vút về phía con ngõ sau cổng phụ của trường. Dường như đã là khách quen ở khu vực này, cho nên 3 nữ sinh gửi xe rất dễ dàng. Các nữ sinh chỉ lao xe đến đầu bãi, dựng chân chống, rút chìa khoá xe thì ngay lập tức có người đến dắt gọn xe lên vỉa hè mà không cần ghi vé.
Theo nhiều người sống tại khu vực này, chuyện học sinh đi xe máy đến trường ở đây đã như cơm bữa. “Số lượng xe máy của học sinh ở trong khu vực này nhiều hôm còn đông hơn cả xe của người dân” - bác Thanh, một chủ cửa hàng gần đó tiết lộ.
Mặc các quy định, nhiều học sinh vẫn ngang nhiên đi xe máy đến trường.
Không chỉ có trường THPT Trần Phú, khu vực quanh cổng trường THPT Yên Hòa (Cầu Giấy) cũng vậy, chuyện học sinh đi xe máy tới trường cũng chẳng hề khó gặp. Chỉ chưa đầy nửa tiếng trong buổi sáng, đứng ở đầu đường Nguyễn Khang, đã chứng kiến 4, 5 học sinh đi xe máy luồn lách trong những con ngõ quanh trường. Nhiều học sinh thậm chí chẳng ngại cuốc bộ hàng trăm mét để tránh tầm quan sát của nhà trường.
“Chỗ gửi xe không khó. Còn đi trên đường, chỉ cần chịu khó đi luồn lách một chút. Đến ngã ba, ngã tư thì hòa lẫn vào giữa dòng người đông đúc, cảnh sát giao thông không thể xử lý kịp” - một học sinh hồn nhiên trả lời.
Để xử lý tình trạng này, lực lượng cảnh sát giao thông Hà Nội đã tiến hành ra quân trên nhiều quận thuộc địa bàn nhằm siết việc kiểm tra, xử lý. Theo thượng úy Nguyễn Thế Vinh, Đội Cảnh sát giao thông số 3, công an Hà Nội cho biết, mặc dù mới ra quân tập trung xử ly vi phạm nhưng số lượng học sinh mắc lỗi bị lập biên bản và giữ phương tiện đã tương đối nhiều.
Có mặt tại chốt Cầu Giấy, thượng úy Vinh cho biết, chỉ trong vòng chưa đầy 1 tiếng buổi sáng riêng chốt này đã xử lý tới 4 trường hợp là học sinh phổ thông vi phạm.
Thượng úy Vinh cũng thừa nhận, hiện nay công tác xử lý học sinh đang gặp không ít khó khăn. Không ít trường hợp học sinh liều lĩnh, thậm chí còn có thái độ thách thức lực lượng chức năng. Nhiều đối tượng khi được yêu cầu dừng xe thì sẵn sàng rú ga lạng lách bỏ chạy. Thậm chí, có trường hợp, học sinh vứt hẳn xe tại chốt rồi bỏ chạy.
Theo Trung tá Bùi Ngọc Anh, Đội phó đội Cảnh sát giao thông số 3, để xử lý được một trường hợp vi phạm không dễ vì nhiều học sinh khi vi phạm thường nói dối quanh, không khai tên và địa chỉ thật. Chỉ khi lực lượng kiên quyết làm nghiêm bằng cách lấy giấy xác nhận của trường các học sinh mới tỏ vẻ sợ hãi.
Cảnh sát "siết", phụ huynh “buông”
Với mong muốn đảm bảo an toàn giao thông, nâng cao ý thức kỷ luật cho các học sinh, cảnh sát giao thông, nhà trường đã làm nghiêm. Thế nhưng, mỗi lần các bạn vi phạm là phụ huynh học sinh thường đúng ra xin, thậm chí có những người còn có thái độ bất hợp tác, gây khó khăn cho cảnh sát giao thông.
Cảnh sát giao thông xử phạt học sinh đi xe máy đến trường.
Thượng tá Trần Sơn, Phó phòng tuyên truyền Luật đường bộ, Cục Cảnh sát đường bộ đường sắt (Bộ Công an) cho rằng, thực tế học sinh đi xe máy tới trường vẫn khá phổ biến bởi gia đình nuông chiều con với lý do đi học thêm, trường lớp ở xa, trái tuyến.
“Lực lượng chức năng tăng cường xử lý nhưng không xuể. Theo thống kê, có một tháng, cảnh sát giao thông đã dành hẳn một tháng xử lý chuyên đề này. Tuy nhiên, việc kiểm tra rất khó bởi cảnh sát chỉ dừng xe khi có dấu hiệu vi phạm chứ không thể thể dừng được nhiều xe nhất là khi đường rất đông” - Thượng tá Sơn chia sẻ.
Cùng chung quan điểm phụ huynh không nên nuông chiều con, Trung tá Nguyễn Hữu Tâm, Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông số 1 Hà Nội cho rằng, không thể cảnh sát giao thông, nhà trường căng mình xử lý vi phạm, còn phụ huynh thì tìm đủ lý do để biện minh cho việc giao xe cho con khi chưa đủ tuổi điều khiển phương tiện.
“Bên cạnh đó, ngành giáo dục cũng nên nghiên cứu bằng cách nào đó tính toán giảm tình trạng học trái tuyến. Có như vậy, học sinh sẽ bớt phải đi học xa nhà, thì việc sử dụng xe máy làm phương tiện đi học chắc chắn sẽ được cải thiện” - Trung tá Tâm kiến nghị.
- Muốn trở thành giáo viên giỏi? - Chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm là điều TIÊN QUYẾT!
- Điểm mới trong các kỳ thi riêng xét tuyển Đại học năm 2025
- 5 năm tới ngành nào hot: Lương lên tới 3,4 tỷ đồng/năm mà không cần bằng đại học?
- 5 ngành học hot nhất hiện nay! Cơ hội việc làm rộng mở, lương 100 triệu đồng/tháng trong tầm tay
- Từ 1/1/2025: Những đối tượng này sẽ được cấp thẻ BHYT miễn phí
- Từ 1/7/2025: Thay đổi cách tính lương hưu theo Luật BHXH mới, hàng triệu người hưởng lợi
- Quận đông dân nhất Việt Nam: Dân số bằng 2 tỉnh cộng lại, là một trong hai quận lớn nhất TP. HCM
- Lịch nghỉ Tết Nguyên đán 2025 mới nhất của học sinh cả nước
- Thưởng Tết 2025, mức thưởng cao nhất là trên 500 triệu đồng/người. Là ai?
- Tại sao Sơn Tùng lại nổi tiếng?
- Trước Tết dương lịch 2025, đây là 6 thủ tục hành chính cần hoàn thành
- Đây là tên gọi đầu tiên của Hà Nội, người Hà Nội lâu năm chưa chắc đã biết, nó có ý nghĩa gì?