Hãy loại bóng đá và tennis khỏi Olympic!
Thứ sáu, 27/07/2012 10:03

Thế vận hội mùa hè thứ 30 đang đến rất gần. Với sự mong đợi về màn trình diễn lớn nhất của thế giới thể thao (sẽ khai mạc vào ngày 27/7).

Nadal không thể tham dự Olympic 2012 vì quá tải

Nadal không thể tham dự Olympic 2012 vì quá tải

Người ta nói về vòng chung kết nội dung chạy 100 mét nam, về việc liệu Usain Bolt có bảo vệ được danh hiệu, hay người bạn người Jamaica của anh, Yohan Blake, sẽ là kẻ lật đổ. Người ta cũng đang bàn về việc Michael Phelps sẽ tiếp tục bỏ túi những tấm huy chương vàng trên đường đua xanh, hay việc đoàn thể thao Vương quốc Anh sẽ có thêm nhiều vàng hơn, khi họ được thi đấu trên sân nhà.

Khẩu hiệu của Olympic là "nhanh hơn, cao hơn, mạnh hơn", chứ không phải sút bóng chính xác hơn.

Nhưng người ta cũng nói về David Beckham, người không có tên trong danh sách tham dự Olympic. Điều này làm dấy lên một thắc mắc, rằng khi mà đề tài bàn tán trong thời điểm Olympic đang đến gần là việc cân nhắc lựa chọn một nhân vật được biết đến ở lãnh vực thời trang nhiều hơn thể thao đi thi đấu, thì Thế vận hội mùa hè phải chăng đang cần một cuộc cách mạng?

Olympic nên được nhắc đến như một cuộc chơi giữa các vận động viên giỏi nhất toàn cầu, cuộc chơi cho một mục tiêu của đời người, tấm huy chương vàng, cuộc chơi hướng đến đỉnh cao của thể thao. Những liệu Olympic hiện đại có còn là biểu trưng cho những điều ấy, hay nó cần phải có một sự làm mới, một cuộc cải tổ, một cuộc cách mạng?

Bóng đá là nơi thích hợp để bắt đầu cho cuộc tranh luận. Ít người có thể tranh cãi bóng đá là môn thể thao vua, có mặt ở hầu hết các nước trên thế giới và được nhiều người theo đuổi nhất trên toàn cầu. Nhưng ở Thế vận hội, tiếc thay, bóng đá lại chưa có một vai trò như vậy.

Hãy cùng nhìn lại Olympic đầu tiên diễn ra tại Olympia, Hy Lạp vào thế kỷ 8 trước công nguyên. Mọi người từ khắp nơi trên toàn đế quốc Hy Lạp cổ đại tham gia vào sự kiện thể thao này, đại diện cho làng và thị trấn của họ. Họ còn khỏa thân khi tham gia ngày hội, nhưng chúng ta không cần điều đó trong cuộc cách mạng đang nói tới (trang phục thể thao là một cải tiến lớn, đặc biệt cho môn cử tạ). Những chiến binh thời đó cũng là những vận động viên đại diện cho quê hương mình, họ thi đấu vì vinh quang là trên hết.

Lướt thật nhanh tới Olympic hiện đại đầu tiên ở Athens vào năm 1896. 14 quốc gia tham gia vào 41 môn thể thao, từ bơi lội, điền kinh cho tới thể dục dụng cụ và đấu vật. Thế vận hội ngày càng phát triển từ năm 1906 cho đến khi nó trở thành một sự kiện thể thao lớn mạnh như ngày nay. Hơn 11.000 vận động viên từ 204 quốc gia tham dự vào Olympic Bắc Kinh, và Olympic London mùa hè này cũng không ít hơn thế.

Nhưng cùng với sự phát triển chóng mặt, đã có thứ gì đó mất đi ở Thế vận hội. Từ thế kỷ thứ 8 trước công nguyên, Olympic đã là sự kiện thể thao lớn nhất thế giới. Từ 1896 đến nửa sau thế kỷ 20, Thế vận hội là sân chơi thể thao đỉnh cao nhất, của mọi quốc gia. Đó chính là bản chất của tinh thần Olympic, những vận động viên xuất sắc nhất, đẳng cấp cao nhất, đại diện cho mọi quốc gia. Nhưng lý tưởng đó đã dần dần xói mòn bởi những môn thể thao không xứng đáng có mặt tại Thế vận hội.

Trở lại với vấn đề bóng đá và anh bạn Beckham. Bóng đá là môn thể thao vua, và đã có một sự kiện của riêng nó, World Cup, nơi những cầu thủ xuất sắc nhất từ khắp nơi trên thế giới đại diện cho quốc gia tranh tài ở trình độ cao nhất. Liên đoàn bóng đá thế giới (FIFA) luôn khăng khăng bảo đảm rằng World Cup là cuộc chơi đỉnh cao duy nhất và đặt ra quy định chỉ có 3 cầu thủ trên 23 tuổi được đại diện cho quốc gia khi thi đấu tại Olympic. Nếu như không phải là những người giỏi nhất tranh tài, bóng đá cần được ra khỏi hệ thống thi đấu Olympic. Điều đó sẽ làm phong phú thêm cho Thế vận hội, chứ không làm giảm đi giá trị của nó.

Ryan Giggs, chưa bao giờ được tham dự một giải đấu lớn nào, sẽ là đội tuyển trưởng Vương Quốc Anh ở nội dung bóng đá tại Olympic London 2012

Mọi cầu thủ trên thế giới, dù trẻ hay già, luôn mơ ước được đại diện cho quốc gia mình tại World Cup. Giấc mơ Olympic rõ ràng không sánh được với mộng tưởng nâng cao chiếc cúp vàng như Pele hay Diego Maradona. Điều đó tốt cho bóng đá, cũng là lý do khiến nó không nên có mặt tại Thế vận hội.

Có lẽ có hai tiêu chuẩn để xác định những môn thể thao tại Olympic: Một môn thể thao đủ thông dụng về số lượng người và số lượng quốc gia chơi và việc giành huy chương vàng tại Thế vận hội phải là đỉnh cao của môn thể thao đó. Nếu không đáp ứng được một trong hai tiêu chí, thì môn thể thao đó không nên có mặt tại Olympic. Và có lẽ chúng ta nên gửi lời cám ơn tới trọng tài biên và các cậu bé nhặt bóng.

Nếu như không phải là những người giỏi nhất tranh tài, bóng đá cần được ra khỏi hệ thống thi đấu Olympic

Tennis cũng là một ứng viên cần được loại khỏi Thế vận hội. Những tay vợt mơ ước giành chiến thắng tại Wimbledon, Mỹ mở rộng, Pháp mở rộng và Australia mở rộng. Họ thậm chí còn có riêng một giải đồng đội kiểu vô địch thế giới, Davis Cup. Không mấy ai quan tâm đến huy chương vàng Olympic, cũng không ai biết được ai đã đoạt huy chương vàng năm 2008, nếu không chủ động tìm kiếm thông tin.

Tính đến giờ, hai môn thể thao khá phổ biến đã bị loại ra khỏi danh sách 26 môn của Olympic London. Nhưng nhìn về tương lai, với Olympic 2016 ở Rio de Janeiro, thì vẫn còn nhiều điều phải suy nghĩ. Hai môn thể thao mới đã được đưa danh sách ở Brazil là bóng bầu dục 7 người và golf.

Bóng bầu dục 7 người là môn thể thao lớn, đang trên đà phát triển và thịnh hành, đặc biệt ở châu Á. Nhưng không may là nó lại đại loại như bóng đá, và không thỏa tiêu chuẩn thứ hai ở trên. Bóng bầu dục 7 người thì vẫn là bóng bầu dục, và tất cả các cầu thủ trên sân đều coi trọng danh hiệu vô địch thế giới hơn là tấm huy chương vàng Olympic. Golf cũng không thỏa điều kiện thứ hai. Vận động viên golf không những phải nỗ lực hết mình cho bốn giải đấu lớn trên thế giới mà còn phải tham gia những gia đấu mang tính đồng đội quốc tế như Ryder và President Cup. Khẩu hiệu của Olympic là “Citius, Altius, Fortius”, nghĩa là “nhanh hơn, cao hơn, mạnh hơn”, chứ không phải “đánh bóng xa hơn”. Việc đưa những môn thể thao này vào Olympic sẽ làm giảm giá trị, uy tín và tinh thần của nó.

Chúng ta muốn được xem các vận động viên cống hiến cuộc đời mình cho tấm huy chương, những người được cha mẹ đưa đến hồ bơi từ khi lên 6, bơi hàng giờ đồng hồ và hàng cây số, đôi mắt dò theo vạch kẻ đen dưới đáy hồ. Chúng ta muốn chứng kiến những vận động viên chạy nước rút, những người dành trọn sự nghiệp trên đường đua, làm việc cần mẫn hàng giờ đồng hồ trong phòng tập để nâng cao sức bền. Chúng ta muốn được theo dõi những vận động viên nhảy xa, nhảy cao, cung thủ và xạ thủ, các tay đua và vận động viên thể dục. Những vận động viên ấy không có World Cup, cũng như các tour đấu chuyên nghiệp hay các giải vô địch được hàng triệu người trên thế giới theo dõi hàng năm. Thế vận hội là thời điểm để họ tỏa sáng. Liệu có ai biết đâu là lần cuối cùng người ta được xem đua xe đạp lòng chảo, hay cuộc chạy đua tiếp sức 100m, hay đua marathon, cử tạ hay nhảy xa?

Chiếc huy chương vàng Olympic nên được coi là đỉnh cao, một điều gì đó có ý nghĩa, chứ không phải là một vật chiến tích chỉ để cho vào tủ.

TT&VH
Tag: Olympic 2012 , Olympic London , lễ khai mạc Olympic 2012 , Đoàn TTVN , Tennis , Bóng đá